Tổng quan danh mục bệnh nghề nghiệp và định hướng nghiên cứu bổ sung danh mục bệnh được bảo hiểm ở Việt Nam

Thứ Năm, 12/12/2024, 12:23(GMT +7)

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đa số các quốc gia trên thế giới, tuỳ theo điều kiện thực tế, đều ban hành Danh mục các bệnh nghề nghiệp để làm căn cứ thực hiện việc khám phát hiện, dự phòng, thống kê báo cáo, đền bù cho người lao động. Người lao động tiếp xúc với các yếu tố có thể gây bệnh nghề nghiệp, nếu bệnh không có trong danh mục bệnh nghề nghiệp của quốc gia ban hành, thường sẽ không được quan tâm khám phát hiện sớm, không được áp dụng các biện pháp dự phòng phù hợp, không được điều trị kịp thời… và về cơ bản sẽ không nhận được các khoản trợ cấp, đến bù từ người sử dụng lao động hay các Tổ chức bảo hiểm.

Số lượng các bệnh nghề nghiệp trong Danh mục bệnh nghề nghiệp ở mỗi nước rất khác nhau, tuy nhiên ở nhiều quốc gia do các lý do khác nhau chỉ công nhận một số lượng hạn chế các bệnh nghề nghiệp. Đa số các quốc gia trên thế giới đều căn cứ theo Danh mục bệnh nghề nghiệp theo khuyến cáo từ Tổ chức lao động quốc tế ILO để ban hành danh mục cho riêng quốc gia mình.

Ở Việt Nam, từ năm 1976 đến nay đã ban hành được 35 bệnh nghề nghiệp (Thông tư 15/2016/TT-BYT, Thông tư 02/2023/TT-BYT), số lượng này thấp hơn khá nhiều so với số lượng các bệnh nghề nghiệp được khuyến cáo trong danh mục của ILO 2022 [1], Cộng đồng Châu âu 2009 [2] và nhiều nước trong khu vực. Nghiên cứu, đề xuất các bệnh nghề nghiệp mới, bệnh nghề nghiệp đặc thù theo các lĩnh vực, ngành nghề, công việc giúp Bộ Y tế có cơ sở khoa học xem xét bổ sung bệnh vào Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam là hết sức cần thiết.

2. TỔNG QUAN DANH MỤC BỆNH NGHỀ NGHIỆP

– Tổng hợp danh mục bệnh nghề nghiệp của các tổ chức và quốc gia cho thấy, bệnh nghề nghiệp thường được xác định theo một yếu tố/nhóm yếu tố gây bệnh hoặc theo cơ quan trong cơ thể bị tổn thương do một yếu tố hoặc nhóm yếu tố gây ra. Bệnh/nhóm bệnh do yếu tố hoá chất có số lượng nhiều nhất trong hầu hết các danh mục bệnh nghề nghiệp.

– Bệnh nghề nghiệp tại Mỹ không ban hànhh theo danh mục mà ban hành từng hướng dẫn riêng theo các yếu tố gây bệnh hoặc theo từng bệnh. Mỗi bang có quy định riêng về bệnh nghề nghiệp. Bộ Lao động Mỹ đồng thời cũng ban hành các quy định về giám sát y tế và sàng lọc phát hiện bệnh sử dụng trong các tiêu chuẩn an toàn sức khoẻ nghề nghiệp.

– Danh mục bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam chủ yếu gồm bệnh theo yếu tố/nhóm yếu tố gây bệnh; một số bệnh theo cơ quan bị bệnh như Viêm phế quản, hen phế quản. Số lượng bệnh do hoá chất 10 loại thấp hơn nhiều so với danh mục ILO, Malaysia; Chưa có một số bệnh theo danh mục của ASEAN, Singapore…

Tóm tắt Danh mục bệnh nghề nghiệp theo các Tổ chức và Quốc gia trên thế giới

1. Tổ chức Lao động quốc tế ILO [1] (năm 1925, 1934, 1964, 1980, 2002, 2010, 2022)

– Phần 1: Danh mục bệnh (2010) 97 bệnh/nhóm bệnh chia tách biệt theo 2 nhóm là bệnh theo yếu tố/nhóm yếu tố có hại và bệnh theo cơ quan trong cơ thể bị bệnh. Chi tiết theo nhóm bệnh gồm:

+ Mục 1: Bệnh do yếu tố có hại phát sinh trong quá trình làm việc: Yếu tố hoá chất 40; vật lý 6; sinh học, truyền nhiễm 8.

+ Mục 2: Bệnh chia theo bộ phận cơ thể mắc bệnh: Hô hấp 11; Da 3; Cơ xương khớp 7; Tâm sinh lý 1.

+ Mục 3: Bệnh ung thư theo yếu tố gây bệnh: 20.

+ Mục 4: Bệnh khác 1 bệnh

– Phần 2: Hướng dẫn chẩn đoán và dự phòng các bệnh ở phần 1 (2022):

+ Mô tả chi tiết yếu tố tác hại gây bệnh; Nguồn tiếp xúc nghề nghiệp; Tóm tắt tác hại sức khoẻ; Mô tả tóm tắt bệnh, Ký hiệu mã bệnh (ICD)…

+ Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh cấp, mạn tính: Triệu chứng; Nội dung khám, xét nghiệm; Đánh giá tiếp xúc; Các bệnh liên quan nếu có;

+ Chẩn đoán phân biệt; Các biện pháp dự phòng bệnh…

2. Quốc gia Châu âu  EU [2] (năm 1962, 1990, 2003, 2009)

– Tổng số 178 bệnh/nhóm bệnh gồm: Bệnh do yếu tố hoá chất: 136 chất/nhóm chất ; Bệnh da: 9; Bệnh hô hấp 10; Bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng 6; Vật lý + Cơ xương khớp 17. Bệnh được chia thành các nhóm tương tự danh mục của ILO

– Mục mô tả bệnh gồm:

+ Một yếu tố gây bệnh có thể gây ra nhiều bệnh; Mô tả yếu tố gây bệnh; Nguồn tiếp xúc nghề nghiệp;

+ Mô tả các bệnh do yếu tố tác hại gây ra; Triệu chứng chẩn đoán;

+ Đánh giá tiếp xúc: Mức độ tiếp xúc tối thiểu; thời gian tiếp xúc tối thiểu; Thời gian mắc bệnh từ khi tiếp xúc…

3. Đức – DGUV [7] (năm 2007)

– Phần 1: Hướng dẫn chung khám bệnh nghề nghiệp: Quyền trách nhiệm của bác sỹ nghề nghiệp; Đánh giá rủi ro, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp…

– Phần 2: Hướng dẫn khám theo bệnh/Nhóm bệnh. Tổng số 46 bệnh theo yếu tố/nhóm yếu tố gây bệnh: Nhóm hoá chất (bụi, hơi khí, hoá chất); Yếu tố sinh học; Yếu tố vật lý và các yếu tố khác như yếu tố gây bệnh da, cơ xương khớp, hô hấp… Bệnh được chia theo nhóm các yếu tố gây bệnh, không chia nhóm theo cơ quan bị bệnh.

– Phần phụ lục: Hướng dẫn Quy trình giám sát sinh học, chỉ số giám sát sinh học…; Quy trình chẩn đoán bệnh/nhóm bệnh có trong danh mục, Ví dụ: Chẩn đoán rối loạn cơ xương khớp nghề nghiệp…

4. ASEAN [3] (năm 2017)

– Tổng số 15 nhóm bệnh;

– Chi tiết hướng dẫn từng bệnh/nhóm bệnh: Định nghĩa bệnh; Định nghĩa yếu tố có hại gây bệnh; Các ngành nghề chính người lao động thường tiếp xúc; Triệu chứng chẩn đoán; Xét nghiệm chẩn đoán nếu có; Giới hạn tiếp xúc tối thiểu, thời gian tiếp xúc tối thiểu, thời gian bảo đảm; Chẩn đoán phân biệt, điều trị, dự phòng…

– Bệnh được chia theo các yếu tố/nhóm yếu tố gây bệnh, không chia nhóm bệnh theo cơ quan bị bệnh.

– Một số bệnh chưa có trong danh mục ở Việt Nam: Bệnh nhiễm độc dung môi hữu cơ bao gồm Perchloroethylene (PCE) và Trichloroethylene (TCE); Hội chứng rãnh xương cổ tay, Hội chứng viêm gân chóp xoay khớp vai (Rotator Cuff Tendinopathies).

5. Malaysia [4] (năm 2001, 2023)

– Phần 1: Định nghĩa, nội dung khám giám sát sức khoẻ, đánh giá rủi ro yếu tố có hại sức khoẻ, trách nhiệm của người sử dụng lao động, bác sỹ sức khoẻ nghề nghiệp…

– Phần 2: Nội dung khám giám sát sức khoẻ (bệnh nghề nghiệp) cho người lao động tiếp xúc với 50 hoá chất/nhóm hoá chất.

– Malaysia không ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp riêng, bệnh nghề nghiệp được quy định ở từng văn bản riêng cho các nhóm bệnh. Văn bản đã tham khảo là quy định việc khám cho các bệnh nghề nghiệp do hoá chất (Các bệnh nghề nghiệp do các nguyên nhân khác, không phải hoá chất được quy định trong từng văn bản riêng)

6. Singapore [5] (năm 2011)

– Tổng số 17 nhóm bệnh: Bệnh do yếu tố vật lý 2; hoá chất 5; ung thư 1; truyền nhiễm 1; Nhóm bệnh theo cơ quan mắc bệnh 6: Mắt, tai, hô hấp, da, máu, gan; Nhóm bệnh cơ xương khớp nghề nghiệp 2. Danh mục bệnh gồm 2 nhóm bệnh, gồm bệnh theo yếu tố/nhóm yếu tố có hại và bệnh theo cơ quan trong cơ thể bị bệnh.

– Một số bệnh khác so với các danh mục khác như Thiếu máu do nhiễm độc (Toxic Anaemia), Viêm gan nhiễm độc (Toxic Hepatitis); bệnh do yếu tố tổn thương cơ xương khớp (chi trên, cột sống), bệnh do yếu tố sang chấn tâm lý liên quan đến công việc (Work-related Post-Traumatic Stress Disorders)

– Mỗi nhóm bệnh được mô tả gồm: Biểu hiện triệu chứng lâm sàng; Chẩn đoán khác; Tiêu chuẩn chẩn đoán; Yếu tố tác hại gây bệnh; Biện pháp dự phòng…

7. Trung Quốc [6] (năm 2023)

Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm chia thành 10 nhóm bệnh với 132 bệnh. Các trường hợp được hưởng chế độ bảo hiểm do mắc bệnh nghề nghiệp cần đáp ứng 4 tiêu chí sau:

(1) Đối tượng bị bệnh là người lao động của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức kinh tế cá nhân;

(2) Bệnh phát sinh liên quan đến nghề, công việc của người lao động

(3) Bệnh có nguyên nhân do tiếp xúc với các yếu tố có hại có trong môi trường lao động như: bụi, chất phóng xạ và các chất độc hại khác,…

(4) Phải là bệnh nghề nghiệp có trong danh mục, danh mục bệnh nghề nghiệp do nhà nước công bố.

8. Việt Nam (năm 1976, 1991, 1997, 2006, 2011, 2013, 2014, 2016, 2023)

– Mô tả:  Danh mục bệnh được chia nhóm dựa trên đồng thời kết hợp 2 tiêu chí là cơ quan bị bệnh và yếu tố gây bệnh.

Hướng dẫn chi tiết theo bệnh bao gồm hướng dẫn chẩn đoán, giám định, không bao gồm hướng dẫn khám (Thông tư 28/2026/TT-BYT), dự phòng bệnh.

– Chi tiết danh mục

+ Nội dung 1: Danh mục bệnh: Tổng số 35 bệnh. Nhóm Bệnh phổi, phế quản: 7 bệnh; Nhóm bệnh nhiễm độc: 10 loại hoá chất/nhóm hoá chất; Nhóm bệnh do yếu tố vật lý: 6 bệnh; Nhóm bệnh da: 5 bệnh; Nhóm bệnh nhiễm khuẩn: 6 bệnh; Nhóm bệnh ung thư: 1 bệnh.

+ Nội dung 2: Nguyên tắc chẩn đoán, điều trị, dự phòng đối với người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp;

+ Nội dung 3: Hướng dẫn quản lý, đề xuất bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.

+ Nội dung 4: Hướng dẫn giám định

3. ĐỀ XUẤT HƯƠNG NGHIÊN CỨU BỔ SUNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP

3.1. Tiêu chí đề xuất bổ sung Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam

– Định nghĩa theo ILO: Bệnh nghề nghiệp là bất kỳ loại bệnh nào mắc phải do tiếp xúc với các yếu tố có hại phát sinh trong quá trình làm việc [1]. Một bệnh được định nghĩa là bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng được 2 tiêu chí chính sau:

+ Là một bệnh đặc thù với nguyên nhân gây bệnh là yếu tố đặc thù liên quan đến môi trường lao động hoặc thực hiện một công việc cụ thể gây ra;

+Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người tiếp xúc cao hơn tỷ lệ mắc bệnh trung bình của các nhóm không tiếp xúc.

– Định nghĩa ở Việt Nam: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động (theo điều 3 Luật An toàn Vệ sinh lao động)

– Căn cứ đề xuất bổ sung bệnh nghề nghiệp vào Danh mục các bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam dựa theo các tiêu chí căn cứ theo khoản 4, điều 4, thông tư 15/2016/TT-BYT) gồm:

a) Xác định được mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động với một bệnh cụ thể. Một số bệnh có thể xuất hiện sau nhiều năm tiếp xúc lần đầu với yếu tố có hại trong quá trình lao động, người lao động có thể đã nghỉ hưu hoặc chuyển sang công việc khác.

b) Bệnh xảy ra trong nhóm người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại thường có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với nhóm người lao động không tiếp xúc.

c) Một số bệnh xảy ra ở người lao động do tiếp xúc với yếu tố có hại trong quá trình lao động nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu mà đã được quốc tế công nhận là bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm có thể bổ sung vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam.

3.2. Đề xuất hướng nghiên cứu bổ sung Danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm ở Việt Nam

– Bệnh lựa chọn nghiên cứu bổ sung cần đáp ứng các tiêu chí quy định theo hướng dẫn chung ở trên. Nên lựa chọn các bệnh đã có trong danh mục khuyến cáo của ILO, Các nước EU, ASEAN… với các nội dung hướng dẫn khám, chẩn đoán cụ thể, có thể áp dụng thực hiện trong thực tế.

– Ưu tiên các bệnh gây tổn thương mạn tính, bệnh để lại di chứng tổn thương cơ thể; bệnh đặc thù với nguyên nhân gây bệnh là nhóm các yếu tố có hại thường thấy trong các ngành, nghề sử dụng nhiều lao động.

– Ưu tiên nghiên cứu các bệnh có tiêu chuẩn chẩn đoán sử dụng các chỉ số xét nghiệm có thể thực hiện được trong điều kiện ở Việt Nam; có phương pháp phân tích tham khảo theo hướng dẫn của các tổ chức quốc tế. Các Nhóm bệnh nghề nghiệp cần ưu tiên nghiên cứu gồm:

– Bệnh do yếu tố hoá chất/nhóm hoá chất thường được sử dụng nhiều ở Việt Nam gây ra; các hoá chất sử dụng nhiều trong các ngành có nguy cơ cao.

– Nhóm bệnh có yếu tố vật lý đã có trong danh mục của ASEAN để đảm bào tính hội nhập trong khu vực: Bệnh do làm việc trong môi trường nóng, bệnh rãnh xương cổ tay, tổn thương cơ xương (Rotator Cuff Tendinopathies)…

– Ưu tiên nghiên cứu các bệnh nghề nghiệp có thể phát sinh ở các ngành có nguy cao, ngành nghề sử dụng công nghệ mới, công nghệ xanh, công nghệ tái tạo, tuần hoàn…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. International Labour Organization – ILO (2022), “Diagnostic and exposure criteria for occupational diseases“, Guidance notes for diagnosis and prevention of the diseases in the ILO List of Occupational Diseases (revised 2010) ISBN 978-92-2-035683-8.

2. European Communities (2009) “Information notices on occupational diseases: a guide to diagnosis” Office for Official Publications of the European Communities Luxembourg, ISBN 978-92-79-11483-0.

3. ASEAN Diagnostic Criteria for Occupational Diseases Committee (2017), “ASEAN Diagnostic Criteria for Occupational Diseases” June 2017 edition

4. Malaysia, Department Occupational Safety and Health (2023) “Guidelines on Medical Surveillance Programme at The Workplace 2023” ISBN 978-967-19762-6-5.

5. Singapore Workplace Safety and Health Council (2011), “Diagnosis and Management of Occupational Diseases” wshc.sg.

6. China (2023), Notice of the National Health and Family Planning Commission and Four Other Agencies on the Promulgation of “Classification and Catalogue of Occupational Diseases” (No. 48 on the National Health and Medical Disease Prevention and Control) https://www.gov.cn/gzdt/2013-12/30/content_2557352.htm

7. German Social Accident Insurance – DGUV (2007), “Guidelines for Occupational Medical Examination” Committee for occupational medicine of the DGUV, 2007 Gentner Verlag, Stuttgart, Germany, ISBN 978-3-87247-691-3. http://dnb.ddb.de.

TS.BS. Vũ Xuân Trung 

Trung tâm Sức khỏe nghề nghiệp, Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động

Tạp chí KH An toàn – Sức khỏe và Môi trường lao động số 3/2024