Tổng quan một số nghiên cứu về căng thẳng tâm lý trong lao động của người lao động khai thác khoáng sản

Thứ Năm, 12/12/2024, 11:06(GMT +7)

1. Tổng quan về căng thẳng trong lao động

Căng thẳng trong lao động là một vấn đề đang gia tăng trên toàn thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của người lao động (NLĐ) mà còn ảnh hưởng đến năng suất của doanh nghiệp (DN). Căng thẳng liên quan đến công việc phát sinh khi nhu cầu công việc ở nhiều loại và kết hợp khác nhau vượt quá khả năng và khả năng ứng phó của một người. Căng thẳng tâm lý liên quan đến công việc là bệnh tật, thương tích là bệnh nghề nghiệp được bồi thường phổ biến thứ hai ở Bắc Mỹ, Australia, sau các rối loạn cơ xương [2].

Căng thẳng trong lao động có thể do nhiều sự kiện gây ra. Ví dụ, một người có thể cảm thấy áp lực nếu nhu cầu công việc của họ (như giờ làm việc hoặc trách nhiệm công việc) lớn hơn mức họ có thể thoải mái xử lý. Các nguồn căng thẳng liên quan đến công việc khác bao gồm xung đột với đồng nghiệp hoặc quản lý, thay đổi liên tục vị trí việc làm, khả năng bị sa thải. Theo Ủy ban An toàn và Sức khỏe Quốc gia Australia, căng thẳng liên quan đến công việc là nguyên nhân gây ra tình trạng nghỉ ốm kéo dài nhất [12].

Theo Das AP, Singh S (2011) [1] công việc khai thác hầm mỏ đã được coi là một trong những môi trường làm việc nguy hiểm nhất. Nó được định nghĩa là công việc có tải trọng cao, đặc trưng bởi các điều kiện nguy hiểm. Các tài liệu hiện có đã nêu chi tiết rằng những đăc điểm này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn và sức khỏe của NLĐ, gây ra tai nạn, bệnh tật và thậm chí nguy cơ tử vong cao.

Liên quan đến những hậu quả tiêu cực này, Sepadi MM, (2020)[10] khi nghiên cứu các phơi nhiễm của NLĐ mỏ đã nêu bật rằng NLĐ hầm mỏ có thể mắc nhiều bệnh tật và biến chứng sức khỏe khác nhau, cả về thể chất và tinh thần, liên quan đến các rủi ro về thể chất, chẳng hạn như tiếp xúc với bụi, nhiệt độ cao, độ sâu lớn, môi trường tiếng ồn và rung động, các hơi hóa chất, thương tích và tai nạn; cùng với đó là các rủi ro về tâm lý xã hội, chẳng hạn như nhu cầu công việc theo ca, căng thẳng tâm lý, người sử dụng lao động (NSDLĐ) ít quan tâm,…

Do tồn tại cả hai loại rủi ro trong công việc khai thác mỏ (về mặt thể chất và tâm lý xã hội), Shumate AM, Yeoman K, (2017) [11] khi nghiên cứu các yếu tố nguy cơ sức khỏe và bệnh tật trong số thợ mỏ ở New Mexico đã mô tả một số bệnh nghề nghiệp điển hình của NLĐ, ví dụ như các bệnh về đường hô hấp, chẳng hạn như bệnh bụi phổi silic, bệnh lao, hen suyễn, phù phổi và bệnh cấp tính do độ sâu; các bệnh tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao; các rối loạn cơ xương ; một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt,… Đặc biệt là các rối loạn tâm thần, ví dụ như căng thẳng công việc, lo lắng và trầm cảm , rối loạn giấc ngủ và mệt mỏi. Đây là những chỉ số nghiêm trọng về ĐKLĐ nguy hiểm của họ, có thể tác động xấu tới sức khỏe của NLĐ hầm mỏ.

Những điều nêu trên không chỉ làm giảm tình trạng sức khỏe của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến tổ chức khai thác mỏ. Trong nghiên cứu do Nakua EK và cộng sự thực hiện (2019) [9] về gánh nặng thương tích nghề nghiệp trong số thợ mỏ ở Ghana, họ phát hiện ra rằng 565 thợ mỏ (chiếm 25,8% tổng số thợ mỏ được khảo sát) báo cáo bị tai nạn thương tích trong năm 2018. Điều này dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh chung là 19,67 ca chấn thương trên 200.000 giờ làm việc và gần 26,9% đến 35,8% các trường hợp nghỉ ốm ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng tại nơi làm việc.

Theo Street T.D. và các cộng sự (2019) [12] khi nghiên cứu ĐKLĐ của NLĐ trong ngành khai khoáng sản ở Australia cho thấy căng thẳng công việc làm suy giảm khả năng làm việc của NLĐ tới 33,6%. Còn theo Legault G (2017) [5] khi nghiên cứu về hậu quả của việc thiếu ngủ, làm việc theo ca của thợ hầm mỏ, cho biết các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, như mệt mỏi và mất ngủ có thể làm giảm sự tập trung và chú ý vào nhiệm vụ và làm tăng nguy cơ tai nạn, tăng tai nạn có thể gây tử vong tới 18%. Ví dụ, vào năm 2018, ngành khai khoáng Chile ghi nhận số ngày nghỉ do tai nạn lao động cao nhất (trung bình 36,9 ngày nghỉ do tai nạn/mỏ).

Đã có nhiều nghiên cứu về tai nạn và bệnh tật của NLĐ mỏ do thương tích trong tai nạn, do tiếp xúc với bụi silic và nguy cơ ung thư phổi; tác động tiêu cực của công việc ở độ sâu và các loại ung thư, dị ứng và bệnh đường hô hấp khác. Tuy nhiên, tài liệu liên quan đến sức khỏe tâm thần của NLĐ ngành khai thác mỏ còn bị hạn chế.

Các nghiên cứu hiện có về căng thẳng công việc đã được tiến hành theo góc độ định tính, nhưng chỉ có một số ít nghiên cứu được thực hiện theo góc độ định lượng. Ngoài ra, các nghiên cứu về căng thẳng công việc đã tập trung vào giáo viên, bác sĩ, y tá và các loại công việc căng thẳng về mặt tinh thần khác, trong khi chỉ một số ít nghiên cứu tập trung vào lao động chân tay như công nhân xây dựng. Căng thẳng công việc của thợ mỏ than hiếm khi được thảo luận trong các nghiên cứu hiện có [3].

Thế hệ mỏ mới được đặc trưng bởi tính độc lập cao. Nhiều người không gặp khó khăn về tài chính hoặc căng thẳng trong cuộc sống nói chung. Do điều kiện làm việc chung khá tốt và sự hỗ trợ tài chính của gia đình. Những thợ mỏ thế hệ mới sinh sau năm 1990 dường như có mức độ bền bỉ kém. Với sự gia tăng cơ giới hóa và tự động hóa của các doanh nghiệp khai thác mỏ, năng lực sản xuất của mỏ đã được cải thiện, mặc dù điều này có nghĩa là căng thẳng trong công việc của những người thợ mỏ đã tăng lên. Trong điều kiện làm việc áp lực cao, hiệu suất công việc của NLĐ cũng trở nên không ổn định. Theo Liu. và các cộng sự (2014) [7] khi nghiên cứu về các bệnh và triệu chứng trầm cảm ở thợ hầm mỏ Trung Quốc cho biết, các khoảng thời gian làm việc dưới lòng đất kéo dài có thể dẫn đến mất tập trung, dẫn đến gia tăng hành vi không an toàn. Đây là vấn đề đang thu hút sự chú ý của những người nghiên cứu các lĩnh vực quản lý an toàn và sức khỏe của mỏ than.

Nghiên cứu về căng thẳng trong lao động có thể có ý nghĩa to lớn trong việc xây dựng các tài liệu tập huấn về ATVSLĐ cho những NLĐ thế hệ thợ mỏ mới có thể làm việc tốt và an toàn. Trong đó đề cập tới các biện pháp phòng tránh nguy cơ gây cẳng thẳng trong công việc của thợ mỏ than thế hệ mới (NLĐ sinh sau năm 1990) nhằm cải thiện môi trường làm việc của họ theo cách có mục tiêu hơn, do đó giảm mức độ căng thẳng công việc và cải thiện hiệu suất công việc của họ.

2. Các áp lực tâm lý trong lao động của người lao động hầm lò

Hongxi Di và cộng sự (2022) [3] cho biết, Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Quốc gia Trung Quốc (NIOSH) đã xây dựng một chương trình để mô tả gánh nặng bệnh tật trong số thợ mỏ khai thác than. Các cuộc khảo sát gần đây đã được phân tích và các tài liệu cụ thể về tình trạng sức khỏe của thợ mỏ của các công ty khai thác than đã được xem xét. Các tác giả đã đánh giá tác động của các môi nguy hiểm nghề nghiệp khác nhau đối với căng thẳng công việc của thợ mỏ. Theo báo cáo 20% thợ mỏ than ở Tân Cương, Trung Quốc đã bị căng thẳng nghề nghiệp nghiêm trọng. Căng thẳng công việc trong số thợ mỏ than ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc của họ, cả hai đều có tác động đến ĐKLĐ của NLĐ, nguy cơ bị tai nạn lao động tăng lên và làm giảm năng suất lao động của NLĐ.

Cũng theo HongxiDi (2022) [3], NLĐ trong mỏ hầm lò, thường đối mặt với 6 loại áp lực trong công việc gây nên căng thẳng tâm lý, như trình bày trong bảng 1.

Bảng 1. Các áp lực tâm lý trong công việc của người lao động mỏ hầm lò [3]

1 Căng thẳng trong môi trường làm việc

2 Căng thẳng về trách nhiệm công việc

1.1 Môi trường lao động (tiếng ồn, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, bụi, khí hóa chất,…)

2.1 Cường độ lao động

1.2 Quyền lợi và nghĩa vụ của cá nhân

2.2 Phải làm thêm giờ

1.3 Phương tiện bảo vệ cá nhân

2.3 Nghỉ ốm, nghỉ do công việc riêng

1.4 Không gian làm việc

2.4 Căng thẳng trách nhiệm công việc

3 Căng thẳng trong quan hệ giữa các đồng nghiệp

4 Căng thẳng trong phát triển nghề nghiệp

3.1 Các mệnh lệnh từ lãnh đạo

4.1 Sự hỗ trợ từ lãnh đạo

3.2 Xung đột lợi ích với đồng nghiệp

4.2 Mặc cảm với sự phát triển, thăng tiến của nhân viên khối văn phòng

3.3 Giao tiếp nội bộ nhóm làm việc

4.3 Cá nhân không nhận thức được không gian phát triển

3.4 Cảm giác cô đơn khi làm việc

6 Căng thẳng của hệ thống tổ chức

5 Căng thẳng của môi trường gia đình

6.1 Chế độ khen thưởng, kỷ luật của doanh nghiệp

5.1 Sự hiểu biết, chia sẻ và hỗ trợ của gia đình

6.2 Tính hợp lý hệ thống quản lý của doanh nghiệp

5.2 Gánh nặng gia đình, con cái

6.3 Tính hợp lý của việc thiết lập thể chế

Sau đây, báo cáo sẽ đi sâu vào tổng hợp các nghiên cứu về 6 căng thẳng tâm lý của người lao động hầm mỏ.

2.1. Căng thẳng của môi trường làm việc

Joaquim AC và cộng sự (2018) [2] khi nghiên cứu sức khỏe tâm thần ở thợ hầm mỏ, đã phân tích dựa trên lý thuyết có cơ sở về việc NLĐ cảm thấy thất vọng với môi trường làm việc khắc nghiệt của họ. Mỏ than tối tăm, ẩm thấp và lạnh lẽo luôn tràn ngập than và khí đốt dễ cháy cộng với việc lao động trong một không gian hẹp với nhiều bất tiện. Hơn 80% thợ hầm mỏ được phỏng vấn đề khẳng định môi trường làm việc của họ khá khắc nghiệt. Trong hầu hết các trường hợp, ngoài các tai nạn chết người như sập mái, bục nước và nổ khí, thì bị té ngã và xây xước cũng thường xuyên xảy ra. Độ ẩm lớn, tiếng ồn cao và bụi là những tác hại lớn nhất đối với sức khỏe của thợ hầm mỏ. Bên trong mỏ, NLĐ thường không thể nghe thấy nhau; và vào cuối ngày, tất cả thợ mỏ đều đen vì bụi than. Kết quả là, một số lượng đáng kể thợ mỏ mắc các bệnh nghề nghiệp như mất thính lực lâu dài và bệnh bụi phổi silic. Các phương tiện bảo vệ cá nhân như nút tai chống ồn, khẩu trang chống bụi, kính bảo vệ mắt, đèn chiếu sáng cá nhân tuy được cấp phát khá đầy đủ, nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Những NLĐ đeo khẩu trang thông thường, những chiếc khẩu trang đó sẽ nhanh chóng hoặc bị bụi bám, hoặc lọt bụi và bị vứt bỏ vì vô dụng. Chất lượng không khí dưới lòng đất cũng rất tệ, vì vậy nhiều công nhân chọn không đeo khẩu trang chống bụi ngay cả khi họ cảm thấy khó thở khi không có chúng. Nút tai chống ồn khả năng hạn chế tiếng ồn kém và luôn gây cảm giác khó chịu.

2.2. Căng thẳng về trách nhiệm công việc

Masia U, Pienaar J (2011) [8] khi nghiên cứu về căng thẳng trong công việc của thợ hầm mỏ với trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, cho thấy căng thẳng công việc của thợ mỏ than liên quan đến trách nhiệm phải sản xuất an toàn. Khi làm việc, NLĐ hầm lò phải luôn thể hiện mức độ hợp tác và tập trung cao độ và có ít thời gian để nghỉ ngơi. Khi xảy ra tai nạn, thương vong và tổn thất có thể rất lớn. Do đó, NLĐ hầm lò phải gánh vác trách nhiệm lớn về quản lý an toàn và những trách nhiệm lớn đó mang lại mức độ căng thẳng công việc cao hơn các lĩnh vực công việc khác.

Nghiên cứu của các tác giả trên cũng cho thấy, sức ép của cường độ và thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi cũng gây áp lực tâm lý cho NLĐ làm việc trong hầm mỏ.

2.3. Căng thẳng trong các mối quan hệ giữa các cá nhân

Yu H, Chen H, Long R (2017) [3] trong công trình nghiên cứu về mệt mỏi về tinh thần và nghịch lý an toàn trong một số hầm mỏ ở Đông Bắc Trung Quốc, cho thấy, hơn 70% thợ hầm mỏ cho biết họ phải đối mặt với căng thẳng lớn trong các mối quan hệ giữa các cá nhân do ít hiểu biết nhau và dễ xung đột cá nhân. Theo các tác giả, nguyên nhân do thợ hầm mỏ có một công việc đặc biệt ở chỗ công việc diễn ra liên tục trong ba ca trong ngày, mọi người phải chịu đựng môi trường khắc nghiệt và thời gian làm việc dài, với rất ít giao tiếp xã hội, do các vòng tròn giao tiếp giữa các cá nhân của họ bị giới hạn trong khu vực khai thác, vì họ ít giao tiếp với các làng và cộng đồng xung quanh. Thợ hầm mỏ phải chịu khối lượng công việc lớn, vì vậy họ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất của mình và ngay cả khi làm việc, họ hiếm khi giao tiếp với nhau.

Cũng theo phân tích dựa trên lý thuyết có cơ sở của nhóm tác giả trên, căng thẳng trong công việc của thợ hầm mỏ trong các mối quan hệ giữa các cá nhân xuất phát từ khoảng cách thế hệ trong giao tiếp. Mặc dù không có xung đột lớn nào xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày, nhưng thợ hầm mỏ có nhiều trạng thái tinh thần khác nhau với các quan điểm khác nhau về công việc hàng ngày của họ. Do đó, không thể tránh khỏi việc xảy ra bất đồng quan điểm, ảnh hưởng đến các mối quan hệ giữa các cá nhân. Theo số liệu thống kê dữ liệu khảo sát, NLĐ làm việc trong các hầm mỏ còn khá trẻ. Đáng chú ý, thợ hầm mỏ trẻ phải đối mặt với sự thay đổi trong vị trí của họ. Từ chỗ là học sinh, đi làm, kết hôn, làm chủ gia đình, nhưng ít giao tiếp xã hội, nên ít kinh nghiệm sống, vì thế đã gây ra cho họ rất nhiều căng thẳng. Kết quả là, thợ hầm mỏ không muốn giao tiếp với người khác, chọn cách khép mình trong thế giới nhỏ bé của riêng họ và từ chối xây dựng các mối quan hệ giữa các cá nhân. Theo cách này, thợ hầm mỏ cuối cùng cảm thấy ngày càng cô đơn và chán nản, trở nên nhút nhát và khép kín, có khả năng cảm thấy bối rối và khó chịu nếu buộc phải đối phó với cảm xúc của người khác. Tuy nhiên, nếu không cảm nhận rõ tâm trạng của người khác, họ ngần ngại bộc lộ tiếng nói bên trong của mình với người khác, tạo ra một chu kỳ khép kín.

2.4. Căng thẳng trong phát triển sự nghiệp

Theo Li Y và cộng sự (2019) [6] công việc trong khai thác hầm mỏ là cố định. NLĐ khai thác hầm mỏ được chia thành NLĐ trực tiếp sản xuất và nhân viên văn phòng ở tuyến hai. Các vị trí công việc cho NLĐ trực tiếp sản xuất cũng được cố định. Hầu hết NLĐ trực tiếp sản xuất không có trình độ học vấn tốt. Phần lớn trong số họ tốt nghiệp trường trung cấp nghề và kỹ thuật, và chỉ một số ít có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ.

Do thời gian làm việc căng thẳng và mệt mỏi, khi về nhà NLĐ hầm mỏ phải nghỉ ngơi, nên đa số NLĐ không có thời gian để theo đuổi việc học thêm hoặc tiếp tục nâng cao kỹ năng của mình vì mục đích phát triển sự nghiệp. Kết quả là, NLĐ hầm mỏ gặp phải tình trạng bế tắc trong quá trình phát triển sự nghiệp sau nhiều năm làm việc. Ngay cả khi họ nhận được cơ hội thăng tiến, họ thường bỏ lỡ những cơ hội như vậy, do trình độ học vấn kém.

2.5. Căng thẳng của môi trường gia đình

Han L, Li Y, và các cộng sự (2018) [4] khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa hạnh phúc gia đình và hành vi không an toàn của thợ mở than ở Trung Quốc cho thấy, thông thường thở mỏ than của Trung Quốc làm việc trên 10 giờ mỗi ngày, kể cả thời gian đi lại và công tác chuẩn bị trước khi xuống hầm lò, nên phần lớn thợ hầm mỏ được các tác giả phỏng vấn đều tin rằng ca làm việc của họ quá dài và họ có ít thời gian để nghỉ ngơi và chăm sóc gia đình, nhất là không dạy bảo việc học tập cho con cái.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy, phần lớn thợ mỏ than đều ở trong hoàn cảnh tương tự nhau về điều kiện gia đình. Trong các mỏ than, việc phụ nữ trở thành bà nội trợ sau khi kết hôn là điều tự nhiên. Chỉ một số ít người vợ có công việc riêng, và trong nhà máy rửa than hoặc tòa nhà chế biến than, các lựa chọn của phụ nữ bị hạn chế. NLĐ làm việc dưới lòng đất để kiếm tiền, và vợ của họ không có công việc chính thức. Hầu hết các khu vực mỏ khai thác đều xa xôi, vì vậy không dễ để tìm được công việc phù hợp cho gia đình của họ ở các khu vực mỏ. Hơn nữa, những người vợ phải chăm sóc con cái, vì vậy họ không thể dành thời gian để làm những công việc khác, gây nên áp lực tài chính cho NLĐ. Điều này vô tình làm tăng thêm căng thẳng gia đình của thợ mỏ than.

2.6. Căng thẳng của hệ thống quản lý

Yu H, Chen H, Long R (2017) [13] trong công trình nghiên cứu về mệt mỏi tinh thần và nghịch lý an toàn trong các mỏ than Trung Quốc, cho biết quá trình cổ phần hóa, các công ty than đã chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước thành công ty mẹ tự chủ và đa dạng hóa. Do đó, thợ mỏ than hiện làm việc cho các doanh nghiệp tư nhân thay vì các tổ chức công, vì vậy tiền lương của họ được xác định bởi các lợi ích sản xuất và hệ thống quản lý của các công ty. Do đó, hầu hết thợ mỏ than đều có cảm giác nguy hiểm và sợ khủng hoảng sâu sắc vì họ không hoàn toàn tin tưởng vào sự phát triển tương lai của các DN khai thác than. Tệ hơn nữa, hầu hết thợ mỏ than không có cơ hội tham gia đầy đủ vào kế hoạch chiến lược trung và dài hạn. Chủ tịch và tổng giám đốc nắm giữ mọi trách nhiệm, trong khi các tác nhân gây căng thẳng được truyền xuống phía dưới đối với những người lao động trực tiếp sản xuất. Khi đưa ra các quy định, các doanh nghiệp khai thác than có xu hướng tập trung vào việc cải thiện các lợi ích của DN nhưng lại bỏ qua các yêu cầu của những NLĐ trực tiếp sản xuất. Kết quả là, NLĐ cảm thấy rằng hệ thống quản lý quá cứng nhắc, vì nó cung cấp quá ít quyền và lợi ích cho họ, trong khi lại gây quá nhiều căng thẳng cho NLĐ.

Nghiên cứu này góp phần giúp chúng ta hiểu rõ hơn về căng thẳng công việc của thợ mỏ than ở Trung Quốc, qua đó liên hệ tới thực tế quản lý của các DN ở Việt Nam, để có thể nắm bắt và đề xuất cách cải thiện hệ thống quản lý trong các DN khai thác than, khoáng sản ở nước ta nhằm giảm thiểu áp lực tâm lý đối với thợ mỏ và cải thiện hiệu suất quản lý an toàn.

3. Hướng nghiên cứu ở Việt Nam

Nước ta hiện đang chứng kiến những bước phát triển lớn, chuyển từ định hướng sản lượng cao sang định hướng chất lượng cao trong khai thác than-khoáng sản, do đó, căng thẳng công việc của NLĐ đã thay đổi đáng kể. Cần có các nghiên cứu kết hợp phương pháp phân tích định tính với phương pháp phân tích định lượng, nghiên cứu hiện tại không chỉ nhằm mục đích làm phong phú thêm hiểu biết lý thuyết về căng thẳng công việc trong các lĩnh vực như vậy mà còn đưa ra các đề xuất cho việc quản lý căng thẳng cho NLĐ ở các DN khai thác mỏ nước ta.

Khai thác mỏ là một ngành lao động đặc thù, được xếp loại lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. NLĐ khai thác mỏ luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai nạn lao động do lở đất đá, sập hầm, bục nước, nhiễm độc khí meetan và mắc các bệnh nghề nghiệp phổ biến trong ngành khai thác mỏ như bệnh bụi phổi-silic, bệnh bụi phổi-amiăng, bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh rung cục bộ tần số cao, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân, bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, bệnh phóng xạ nghề nghiệp, bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp, nhiễm độc mangan nghề nghiệp, nhiễm độc cacbonmonoxit nghề nghiệp, nhiễm độc TNT (trinitrotoluen) và bệnh da nghề nghiệp. Tuy nhiên cho đến nay chưa có nghiên cứu nào về tâm sinh lý lao động của NLĐ hầm lò, nhất là căng thẳng tâm lý. Do đó, rất cần có một nghiên cứu đầy đủ và toàn diện về căng thẳng tâm lý của NLĐ hầm lò.

4. Kết luận

Khai thác mỏ có thể khiến một bộ phận đáng kể NLĐ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng và rủi ro tại nơi làm việc. Theo các tài liệu nghiên cứu đã nêu trên, bốn chủ đề nổi lên có liên quan tới sức khỏe tâm thần NLĐ, đó là các vấn đề về tâm lý và các yếu tố cá nhân, các vấn đề tâm lý xã hội và các yếu tố công việc, các vấn đề về sức khỏe và thể chất và các yếu tố quản lý đã được nêu bật để kiểm soát, cải thiện và thúc đẩy tình trạng sức khỏe tâm thần và đảm bảo sức khỏe tâm lý ở NLĐ hầm mỏ.

Các nghiên cứu đưa ra cho thấy lao động khai thác mỏ có nhiều nguy cơ rủi ro cao, như: môi trường làm việc nguy hiểm (ví dụ: cháy, nổ, sập hầm lò), tổ chức công việc (ví dụ: cường độ lao động, làm việc theo ca), quan hệ giữa các cá nhân (ví dụ: xung đột công việc – gia đình), rủi ro tâm lý xã hội tại nơi làm việc (ví dụ: nhu cầu công việc cao, căng thẳng trong công việc), sự thỏa mãn cá nhân (ví dụ: chất lượng cuộc sống, sự hài lòng trong công việc), lam dụng chất gây nghiện, các đặc điểm tính cách, vốn tâm lý, tình cảm thể chất và tinh thần.

Vì thế, rất cần có nghiên cứu sâu về vấn đề căng thẳng tâm lý lao động trong hầm lò. Vì căng thẳng tâm lý là một nguy cơ rủi ro ẩn, nó không gây tai nạn hay bệnh tật ngay, mà diễn biến từ từ làm suy giảm sức khỏe NLĐ, dẫn đến một số bệnh lý và ảnh hưởng đến chất lượng lao động cũng như chất lượng sống của NLĐ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Das AP, Singh S (2011) Occupational health assessment of chromite toxicity among Indian miners. Indian J Occup Environ Med 15, 6-13.
  2. Joaqim AC, Lopes M, Stangherlin L, Castro K, Ceretta LB, Longen WC, Ferraz F, Schweigert I (2018) Mental health in underground coal miners. Arch Environ Occup Heal 73, 334-43.
  3. Hongxi Di, Shujahat Ali, Yiming Lu, Defining the Primary Work Stress Factors of Chinese Coal Miners-A Mixed-Methods Study, Int J Environ Res Public Health, 2022 Nov 7;19(21):14593
  4. Han L, Li Y, Yan W, Xie L, Wang S, Wu Q, Ji X, Zhu B, Ni Ch (2018) Quality of life and influencing factors of coal miners in Xuzhou, China. J Thorac Dis 10, 835-44.
  5. Legault G, Clement A, Kenny GP, Hardcestle S, Keller N (2017) Cognitive consequences of sleep deprivation, shift work, and heat exposure in underground miners. Appl Ergon 58, 144-50.
  6. Li Y, Sun X, Ge H, Liu J, Chen L (2019) Occupational stress and its impact on the quality of life of copper-nickel miners in Xinjiang, China. Int J Environ Res Public Health 16, 2-10.
  7. Liu L, Wang L, Chen J (2014) Prevalence and factors associated with depressive symptoms in Chinese underground coal miners. Biomed Res Int 14, 1-9.
  8. Masia U, Pienaar J (2011) Decoding safety compliance in the mining industry: examining the role of job stress, job insecurity, satisfaction and commitment as antecedents. SA J Ind Psychol 37, 1-10
  9. Nakua EK, Owusu-Dabo E, Newton S, Adofo K, Otupiri E, Donkor P, Mock Ch (2019) Burden of occupational injuries among gold miners in Ghana. Int J Inj Contr Saf Promot 26, 329-35.
  10. Sepadi MM, Chadyiwa M, Nkoshi V (2020) Exposure of platinum miners to dust particles emitted from mine waste rock crushing plants in Limpopo, South Africa. Int J Environ Res Public Health 17, 655.
  11. Shumate AM, Yeoman K, Victoroff T, Evans K, Karr R, Sanchez T, Sood A (2017) Health and disease risk factors among New Mexico miners: a comparison across mining industries. J Occup Environ Med 59, 789-94
  12. Street TD, Lacey SJ, Somoray K (2019) Employee stress, reduced productivity, and interest in workplace wellness programs: a case study from the Australian mining industry. Int J Environ Res Public Health 16, 94.
  13. Yu H, Chen H, Long R (2017) Mental fatigue, cognitive biases, and the safety paradox in Chinese coal mines. Resource Policy 52, 165-72.

Nguyễn Anh Thơ

Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động

Nguồn: Theo tài liệu Hội thảo Đánh giá việc thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh lao động và đề xuất giải pháp tăng cường quản lý an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp khai thác đá khu vực Bắc Trung Bộ (năm 2024)