Vá “lỗ hổng” an toàn, vệ sinh lao động

Thứ Tư, 22/05/2024, 09:19(GMT +7)

Đắk Lắk – Những vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về “lỗ hổng” trong công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Kiểm tra ra… sai phạm!

Từ đầu năm 2024 đến nay, Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tại 16 doanh nghiệp thi công 8 công trình xây dựng trên địa bàn. Qua đó phát hiện phần lớn doanh nghiệp đều có vi phạm, chủ yếu ở các nội dung: Không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc có nhưng chưa đầy đủ; không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; không báo cáo về công tác ATVSLĐ theo quy định…

Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, công tác ATVSLĐ thời gian qua ở các đơn vị, doanh nghiệp tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn một số tồn tại. Một số doanh nghiệp và chủ sử dụng lao động chưa thực sự quan tâm, chưa chú trọng trong công tác huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo kỹ năng nghề và bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người lao động. Ở một số nơi, việc huấn luyện cũng còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tiễn, chưa tập trung vào công việc, kỹ năng xử lý, thao tác đúng, quy trình, biện pháp làm việc an toàn cụ thể cho người lao động.

Lãnh đạo Công ty Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Việt Thắng (huyện Ea Kar) và cán bộ BHXH huyện tuyên truyền pháp luật về lao động cho công nhân.

Đáng nói là phần lớn doanh nghiệp, đơn vị hầu như chưa quan tâm và thực hiện báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ, nên nếu có xảy ra tai nạn lao động tại đơn vị thì lực lượng chức năng rất khó nắm bắt, xử lý.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã nhận được khai báo 4 vụ việc tai nạn lao động làm 4 người chết, trong đó có một vụ việc xảy ra từ tháng 2/2023 và 2 vụ xảy ra vào tháng 12/2023 nhưng đến năm 2024 mới khai báo với cơ quan chức năng.

Thực tế đã có nhiều bài học đắt giá trong việc tuân thủ cũng như tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, nhưng đến nay vấn đề đảm bảo ATVSLĐ vẫn chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực ATVSLĐ dù được thực hiện nhưng vẫn chưa thường xuyên và không thể bao quát hết nên các vi phạm chưa được phát hiện, xử lý kịp thời…

Xây dựng quy trình làm việc an toàn

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung hiện có 493 lao động hợp đồng xác định thời hạn và không xác định thời hạn; trên 300 lao động phổ thông thực hiện các công việc đơn giản, mang tính thời vụ, được cung cấp bởi các đơn vị dịch vụ, nhận khoán… Thời gian qua, công ty luôn chấp hành đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động theo quy định; tích cực cải thiện điều kiện làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh và sức khỏe.

Trong đó, tất cả thiết bị, máy móc đều được đưa vào danh sách kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ. Cán bộ phụ trách ATVSLĐ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân tuân thủ nội quy lao động. Người lao động được trang bị quần áo và dụng cụ bảo hộ phù hợp với công việc; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi cho toàn thể lao động chính thức. Công tác đào tạo pháp luật lao động liên quan đến ATVSLĐ, an toàn hóa chất và nâng cao những kỹ năng, năng lực chuyên môn trong giải quyết công việc cho người lao động cũng được chú trọng và thực hiện có hiệu quả…

Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần KD Green Farm (huyện Krông Pắc).

Ông Trần Hữu Phú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn – Miền Trung cho biết: “Với đặc thù đơn vị sản xuất đồ uống, ban lãnh đạo công ty luôn đặt vấn đề ATVSLĐ lên hàng đầu. Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật, đơn vị quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, máy móc để cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm an toàn cho người lao động cũng như nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Song song đó, công ty cũng luôn chú trọng tuyên truyền và kiểm tra chặt chẽ để mỗi người lao động thực hiện nghiêm quy trình làm việc, bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và anh chị em công nhân”.

Có thể nói, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ thì vẫn còn rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp lơ là thực hiện, nếu có cũng chỉ mang tính đối phó, hình thức, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, việc bịt lại “lỗ hổng” về ý thức trong công tác bảo đảm an toàn lao động là việc làm cấp thiết. Một khi người sử dụng lao động và cả người lao động quan tâm, coi trọng công tác này thì họ có thể hoàn toàn khắc phục những nguyên nhân chủ quan để không xảy ra những vụ tai nạn lao động đáng tiếc do thiếu kiến thức về bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc như : sử dụng thuốc lá hoặc chất dễ bén lửa trong quá trình làm việc; máy móc, thiết bị hư hỏng trong quá trình hoạt động lâu dài mà không được sửa chữa kịp thời; không thiết kế rào chắn bao xung quanh nơi làm việc…

Thúy Hồng

Nguồn: Báo Đắk Lắk Điện tử