Vai trò của chủ doanh nghiệp và công đoàn trong việc tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động
Công tác tự kiểm tra ATVSLĐ là quy định pháp lý có tính bắt buộc đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhằm đánh giá các nguy cơ rủi ro, yếu tố có hại, có tác dụng kéo giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế được tiến hành một cách hình thức và đối phó – ở mức độ phổ biến.
Các quy định đầy đủ
Điểm đ, Khoản 2, Điều 72 về “Bộ phận ATVSLĐ” – Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định rõ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất: “Tổ chức tự kiểm tra về ATVSLĐ; điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ theo quy định của pháp luật”.
Để cụ thể hóa quy định này, Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH, ngày 15/05/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã quy định các nội dung tổ chức thực hiện công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh. Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Điều 9 về “Tự kiểm tra ATVSLĐ” nêu: “Người sử dụng lao động phải quy định và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra ATVSLĐ trong cơ sở sản xuất, kinh doanh”. Nội dung, hình thức, thời hạn tự kiểm tra cụ thể do người sử dụng lao động chủ động quyết định theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo đó, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong 06 tháng ở cấp cơ sở sản xuất kinh doanh và 01 lần trong 03 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề khác với ngành nghề quy định tại Điều 8 Thông tư này, người sử dụng lao động phải tổ chức kiểm tra toàn diện ít nhất 01 lần trong một năm ở cấp cơ sở sản xuất, kinh doanh và 01 lần trong 06 tháng ở cấp phân xưởng, tổ, đội sản xuất hoặc tương đương.
Hình thức, nội dung công tác tự kiểm tra
Phụ lục I của Thông tư nói trên nêu chi tiết nội dung, hình thức tự kiểm tra. Nội dung kiểm tra là các vấn đề thực hiện các quy định về ATVSLĐ, như khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; hồ sơ, sổ sách, nội quy, tình trạng ATVSLĐ; việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; việc thực hiện các nội dung của kế hoạch ATVSLĐ; việc quản lý thiết bị, vật tư và các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; kiến thức ATVSLĐ của NLĐ; việc tổ chức ăn uống, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe NLĐ…
Các nội dung tự kiểm tra khác doanh nghiệp tiến hành sao cho phù hợp với tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh.
Hình thức kiểm tra là kiểm tra tổng thể các nội dung về ATVSLĐ; kiểm tra chuyên đề từng nội dung kế hoạch ATVSLĐ; kiểm tra sau đợt nghỉ sản xuất dài ngày; kiểm tra sau sự cố, sau sửa chữa lớn…
Để việc tự kiểm tra có hiệu quả, tránh tình trạng đối phó, Thông tư trên quy định phải thành lập đoàn kiểm tra; họp đoàn kiểm tra phân công nhiệm vụ cho từng thành viên; thông báo lịch kiểm tra đến các đơn vị hoặc các tổ chức sản xuất, và tiến hành kiểm tra…
Việc thực hiện các quy định của pháp luật còn hạn chế
Kiểm tra việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho NLĐ là một nội dung quan trọng của công tác tự kiểm tra; song, thực tế cho thấy, hiệu quả công tác này còn hạn chế. Bằng chứng là tỷ lệ NLĐ bị bệnh nghề nghiệp còn cao và có xu hướng tăng. Nếu làm tốt và đầy đủ công tác này, chắc chắn tình trạng NLĐ mắc các chứng bệnh nghề nghiệp nguy hiểm cũng như mắc bệnh nghề nghiệp sẽ được phát hiện kịp thời.
Việc kiểm tra công tác quản lý các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, kiểm tra kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ đối với NLĐ cũng không kém phần quan trọng. Song, liên tiếp các vụ tai nạn lao động xảy ra thời gian gần đây, quá trình điều tra đã cho thấy việc kiểm tra, tự kiểm tra máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ còn qua loa, sơ sài, thậm chí không làm.
Nếu làm tốt việc tự kiểm tra, các thiết bị, máy móc được đưa vào sử dụng sẽ hoạt động ở trạng thái tốt như thiết kế; NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ định kỳ và được nhắc nhở, kiểm tra trước khi vào ca sản xuất sẽ vận hành máy móc, thiết bị đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra.
Việc tự kiểm tra sau đợt nghỉ sản xuất dài ngày, kiểm tra trước hoặc sau mùa mưa, bão, kiểm tra sau sự cố, sau sửa chữa lớn… là vô cùng quan trọng nhằm để NLĐ ôn lại, củng cố kỹ năng, kiến thức, sự hiểu biết, nắm chắc cũng như sự tuân thủ chấp hành các quy định, nội quy, quy trình khi làm việc trở lại. Đặc biệt, sau mưa bão, việc tự kiểm tra, đánh giá tổng quan công trình đang thi công dang dở, kiểm tra lại nhà xưởng, lán trại thi công, nơi ở của NLĐ, các đường dây dẫn điện, hố móng, đường hào… có tác dụng thiết thực ngăn chặn, phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc do TNLĐ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau các kỳ nghỉ dài ngày, như nghỉ lễ, tết, sau mưa bão, sửa chữa lớn, tình trạng tai nạn lao động đều tăng. Chứng tỏ công tác tự kiểm tra ATVSLĐ còn bị các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lơ là, không quan tâm đúng mức.
Vai trò của chủ doanh nghiệp và công đoàn
Các doanh nghiệp chuyên về hoạt động thi công, xây dựng công trình là lĩnh vực có nhiều yếu tố, nguy cơ dễ xảy ra TNLĐ xuất phát từ các yếu tố chủ quan lẫn khách quan. Các doanh nghiệp này thường có quy mô gồm các tổ, đội sản xuất, người được bổ nhiệm đứng đầu gọi là Tổ trưởng, Đội trưởng; xưởng sản xuất (Xưởng trưởng), xí nghiệp sản xuất (Giám đốc xí nghiệp), hoặc các công ty con phụ thuộc (Giám đốc công ty con). Các đơn vị trực thuộc này không có tư cách pháp nhân, hoặc có tư cách pháp nhân nhưng không đầy đủ, nên việc tự kiểm tra ATVSLĐ thường hình thức, đối phó.
Công tác tự kiểm tra ATVSLĐ ở các đơn vị này phụ thuộc gần như hoàn toàn ở chủ doanh nghiệp. Để làm tốt công tác này, người sử dụng lao động cần phải ban hành thông báo hoặc kế hoạch tự kiểm tra công tác ATVSLĐ đối với các đơn vị trực thuộc.
Người sử dụng lao động cũng cần quy định rõ thời gian kiểm tra trong kế hoạch đối với từng đội sản xuất, tổ sản xuất hay các xí nghiệp, công ty con. Ngoài ra cũng có thể kiểm tra đột xuất các đơn vị này để đảm bảo rằng, việc thực hiện các nội dung, quy định về ATVSLĐ được thực hiện một cách đầy đủ, chứ không phải làm đối phó, cho xong.
Để công tác tự kiểm tra về ATVSLĐ tại doanh nghiệp thực chất, hiệu quả, cần đề cao vai trò của công đoàn cơ sở. Bởi công đoàn có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Công đoàn có quyền đề nghị hoặc yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện công tác tự kiểm tra ATVSLĐ theo quy định. Trong quá trình tham gia, có quyền yêu cầu người sử dụng lao động cải thiện môi trường, điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn trong lao động sản xuất đối với NLĐ cũng như giảm các yếu tố, nguy cơ có hại gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tóm lại, việc tự kiểm tra công tác ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nói chung không chỉ là việc chấp pháp, mà thực hiện tốt, bài bản công tác này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do các yếu tố chủ quan. Trong công tác này, cùng với công đoàn, trách nhiệm, nhận thức của người sử dụng lao động là yếu tố quyết định.
Nguyễn Minh