Văn hóa an toàn mang tới hạnh phúc gia đình

Thứ Hai, 24/02/2025, 09:03(GMT +7)

Ruut Veenhoven, giáo sư Đại học Oxford (Vương quốc Anh) trong nghiên cứu về “Tính phổ quát của hạnh phúc” đã đặt câu hỏi cho hơn 8.000 người: “Chúng ta cần gì để được hạnh phúc?”; hơn 70% lựa chọn được sống hạnh phúc bên gia đình là yếu tố quan trọng nhất. Vậy chúng ta cần làm gì để có được cuộc sống hạnh phúc bên gia đình? Có thể có nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này, tuy nhiên, nếu không đảm bảo an toàn khi làm việc thì chắc chắn mọi sự sẽ kết thúc một cách vô ích.

Mối liên quan giữa an toàn tại nơi làm việc và hạnh phúc gia đình

Mọi người đều thừa nhận tầm quan trọng của sự an toàn. Tuy nhiên, có nhiều người thờ ơ với những hành động cần phải thực hiện để duy trì sự an toàn cho chính mình và cho đồng nghiệp.

Một môi trường an toàn (MTAT), lành mạnh không chỉ bảo vệ NLĐ mà còn góp phần nâng cao tinh thần làm việc, mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình của họ.

Vì thế, có thể nói, hạnh phúc gia đình bắt đầu từ nơi làm việc an toàn. Đảm bảo ATVSLĐ trong sản xuất có tác động sâu sắc đến hạnh phúc gia đình, vì nó không chỉ đảm bảo sức khỏe và tính mạng của NLĐ mà còn ảnh hưởng đến tinh thần, sự ổn định và chất lượng cuộc sống của gia đình họ.

Khi NLĐ làm việc trong MTAT và hợp vệ sinh, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) giảm thiểu, giúp họ trở về nhà khỏe mạnh, không mang theo những gánh nặng về thể chất hay tinh thần cho cuộc sống gia đình, từ đó giảm nguy cơ mất mát và khó khăn kinh tế.

Môi trường làm việc (MTLV) ATVSLĐ giúp NLĐ yên tâm khi làm việc, giảm bớt lo lắng hoặc căng thẳng, góp phần giảm áp lực tinh thần mà họ có thể mang về nhà, tạo không khí gia đình hòa thuận vui vẻ.

TNLĐ, BNN có thể dẫn đến mất thu nhập, mang theo gánh nặng chi phí y tế, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế gia đình. Một MTLV an toàn sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định, giúp gia đình hạnh phúc.

Khi biết người thân làm việc trong MTAT, gia đình họ sẽ bớt lo lắng và có cuộc sống thoải mái hơn.

Xin được dẫn lại câu chuyện thương tâm về hậu quả của một TNLĐ chết người ở Hàn Quốc. Một cô con gái 4 tuổi được người cha là một công nhân xây dựng đưa đến trường trước khi đi làm. Cô bé dặn: “Bố ơi, bố đi làm về sớm, dẫn con đi chơi”. Song, một TNLĐ đã khiến người cha tử vong ngày hôm ấy. Công ty đã bồi thường cho gia đình tang quyết thêm 200% so với số tiền bồi thường theo quy định. Nhưng dù đã nhận được số tiền bồi thường khá lớn, con gái của nạn nhân vẫn chỉ chờ cha và luôn làm mẹ đau lòng với câu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao bố không về””. Đây là điều nhắc nhở những NLĐ rằng, việc đảm bảo an toàn không chỉ cho bản thân, mà con rất quan trọng cho hạnh phúc gia đình của họ.

Khi người sử dụng lao động (NSDLĐ) quan tâm đến ATVSLĐ trong doanh nghiệp, NLĐ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và giá trị của họ, từ đó nâng cao tinh thần làm việc, giúp họ có thái độ tích cực hơn trong cuộc sống gia đình, mối quan hệ gia đình thêm bền chặt và hạnh phúc.

Xây dựng văn hóa an toàn là đảm bảo hạnh phúc cho NLĐ

Để đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ tại nơi làm việc, các doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa an toàn (VHAT). Đây không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp mà còn là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Khi NLĐ được bảo vệ, gia đình họ cũng được bảo vệ, tạo nền tảng cho hiệu quả gia đình và sự ổn định cộng đồng.

VHAT không chỉ đơn giản là tạo ra MTLV an toàn mà còn là việc nâng cao nhận thức về an toàn của NLĐ và doanh nghiệp, biến nó thành thói quen hàng ngày trong mọi lĩnh vực của đời sống.

VHAT được phát triển mạnh mẽ sau một số thảm họa nghiêm trọng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp có nguy cơ cao. Cột mốc quan trọng là tai nạn hạt nhân Chernobyl năm 1986, khi các báo cáo điều tra chỉ ra rằng yếu tố văn hóa tổ chức và sự thiếu ý thức về ATVSLĐ là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa. Ý nghĩa của VHAT là nhằm giảm thiểu TNLĐ, BNN, bảo vệ sức khỏe và tính mạng con người, nhất là NLĐ.

Mục đích của VHAT là tạo ra MTLV an toàn, lành mạnh, nơi mà tất cả NSDLĐ, NLĐ nhận thức, cam kết, hành động để bảo vệ sức khỏe và an toàn của bản thân, đồng nghiệp và cho chính gia đình mình.

VHAT bao gồm nhiều hoạt động hơn là chỉ tuân theo các quy định pháp luật về ATVSLĐ. Đó là một tư duy toàn diện thấm nhuần vào mọi khía cạnh trong sản xuất. Nó không chỉ bảo vệ NLĐ mà còn thúc đẩy năng suất lao động và gìn giữ một nơi làm việc an toàn, hợp vệ sinh.

VHAT không chỉ là một bộ quy tắc, mà là một tấm thảm phức tạp được dệt từ các giá trị, hành vi và thái độ của doanh nghiệp đối với vấn đề ATVSLĐ. Nó có thể được định nghĩa ngắn gọn là một cam kết chung về việc ưu tiên cho công tác ATVSLĐ trong mọi phương diện của sản xuất.

VHAT được thể hiện thông qua các hành vi, hành động hàng ngày phản án sự tập trung không ngừng của doanh nghiệp vào vấn đề an toàn. Điều này được thể hiện khi NLĐ sẵn sàng và chủ động tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, ngay cả khi không có sự giám sát.

Ngoài các giá trị và hành vi, VHAT còn được hình thành bởi thái độ. Đó là việc nuôi dưỡng một tư duy vốn hiểu được tầm quan trọng của sự an toàn của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp đến từng NLĐ và tác động lan tỏa của nó.

Về bản chất, VHAT là một thực thể sống động, có hơi thở tại nơi làm việc. Đó là lời nhắc nhở liên tục rằng an toàn không phải là một suy nghĩ nhất thời, mà là một yếu tố cốt lõi thấm nhuần vào mọi quyết định, mọi hành động và mọi công việc của doanh nghiệp với mục đích cuối cùng là mang lại sự an toàn, sức khỏe và hạnh phúc cho NLĐ.

Như vậy, việc doanh nghiệp chú trọng tới VHAT không chỉ là trách nhiệm mà còn là một cách tạo dựng hạnh phúc và ổn định lâu dài cho NLĐ và gia đình của họ.

Tầm quan trọng của VHAT

Ngoài mục tiêu rõ ràng là ngăn ngừa TNLĐ và BNN, VHAT còn có sức mạnh tạo nên lợi ích chung của NLĐ và sự thành công của doanh nghiệp.

Ưu tiên cho công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc thông qua chương trình hành động VHAT, có nghĩa là ưu tiên cho việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của NLĐ. Khi NLĐ cảm thấy an toàn tại nơi làm việc của mình, họ có thể tập trung vào nhiệm vụ mà không phải lo lắng về các mối nguy hiểm tiềm ẩn. Cảm giác an toàn này góp phần làm giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần và tăng sự hài lòng trong công việc. Cuối cùng, nó tạo ra bầu không khí tích cực, gắn kết hơn.

Khi doanh nghiệp tuân thủ các quy định về ATVSLĐ và xây dựng VHAT, nguy cơ xảy ra TNLĐ giảm đáng kể, NLĐ có thể yên tâm làm việc trong MTAT, từ đó tránh được những tổn thương về thể chất và tinh thần.

VHAT có tác động trực tiếp đến thành công của doanh nghiệp. Nơi làm việc an toàn dẫn đến giảm tình trạng nghỉ việc do tai nạn, bệnh tật và năng suất lao động cao hơn. Các doanh nghiệp xây dựng được VHAT, tạo được ý thức cho NLĐ về ATVSLĐ, uy tín sẽ được nâng cao, NLĐ gắn bó hơn.

Xây dựng một VHAT tích cực không chỉ dừng lại ở việc tuân thủ theo các quy định an toàn, mà là tạo nên một môi trường lao động để mỗi cá nhân NLĐ đều cảm thấy có trách nhiệm với sự an toàn của mình và của người khác. Khi an toàn trở thành giá trị chung, NLĐ sẽ hợp tác hiệu quả hơn, giao tiếp cởi mở hơn và đổi mới với sự tự tin trong công việc.

VHAT không chỉ là một tập hợp các quy định, các hướng dẫn để NLĐ học thuộc, mà còn là chất xúc tác để xây dựng một nơi làm việc phát triển, nơi mà hạnh phúc và thành công gắn liền với nhau.

Doanh nghiệp làm tốt VHAT không chỉ bảo vệ NLĐ mà còn xây dựng niềm tin và hình ảnh tích cực trong cộng đồng.

Các yếu tố chính của VHAT trong doanh nghiệp

Các yếu tố này đóng vai trò là nền tảng để thúc đẩy hành vi và thái độ có ý thức về ATVSLĐ của NLĐ.

Yếu tố chính sách VHAT bắt đầu từ lãnh đạo doanh nghiệp. Khi họ thể hiện cam kết thực sự đối với công tác ATVSLĐ sẽ là một thông điệp mạnh mẽ đến toàn bộ NLĐ, dẫn đến một tác phong văn hóa doanh nghiệp mà công tác ATVSLĐ được đưa vào hoạt động hàng ngày.

Yếu tố giao tiếp cởi mở và minh bạch là chìa khóa để duy trì VHAT. NLĐ cần được biết về các rủi ro tiềm ẩn tại nơi làm việc, biện pháp đảm bảo an toàn và những thay đổi trong quy trình sản xuất có thể dẫn đến tai nạn. Việc giao tiếp cởi mở tạo nên bầu không khí giúp mọi người đều có cùng quan điểm, giảm thiểu hiểu lầm và tạo ra sự thống nhất trong việc ưu tiên cho công tác ATVSLĐ.

Yếu tố không ngừng trau dồi kiến thức, vì kiến thức về ATVSLĐ không phải là tĩnh, nó luôn phải cập nhật, bổ sung. Các buổi huấn luyện, đào tạo thường xuyên giúp NLĐ cập nhật các quy định, các hướng dẫn về ATVSLĐ mới nhất, trang bị cho họ các kỹ năng cần thiết và giúp họ xử lý các tình huống bất ngờ một cách thuần thục và tự tin. Huấn luyện, đào tạo cũng cung cấp một nền tảng kiến thức về ATVSLĐ cho NLĐ, để NLĐ quan tâm hơn tới công tác ATVSLĐ.

Vai trò của lãnh đạo doanh nghiệp

Lãnh đạo đóng vai trò then chốt trong việc định hình và củng cố VHAT trong doanh nghiệp. Bằng cách chủ động thể hiện các giá trị an toàn và chấp nhận trách nhiệm, lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra một môi trường mà công tác ATVSLĐ trở thành một phần nội tại của quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

VHAT hiệu quả bắt đầu bằng cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp biết kết hợp các giá trị ATVSLĐ vào quá trình ra quyết định sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp. Khi ATVSLĐ được tích hợp vào các cuộc thảo luận về mục tiêu, dự án và chiến lược kinh doanh, NLĐ sẽ nhận ra tầm quan trọng của nó trong công việc.

Khi lãnh đạo doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về những sai sót về ATVSLĐ, họ sẽ tạo văn hóa coi trọng sự trung thực và trách nhiệm. Việc làm này khuyến khích NLĐ chịu trách nhiệm về an toàn trong khi làm việc.

Những lãnh đạo doanh nghiệp tích cực tham gia xây dựng VHAT không chỉ đảm bảo phúc lợi cho NLĐ, mà còn tạo tiền đề cho hiệu quả hoạt động sản xuất được cải thiện, tạo thành công lâu dài cho doanh nghiệp.

Sự tham gia và gắn kết của NLĐ

NLĐ tích cực tham gia xây dựng VHAT sẽ không chỉ nâng cao các biện pháp an toàn, mà còn có ý thức chủ động trong mọi công việc và cam kết của họ đối với việc tuân thủ các quy định về ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Khi NLĐ có tiếng nói trong các hoạt động ATVSLĐ của doanh nghiệp, họ cảm thấy được trao quyền và được coi trọng. Ý kiến đóng góp của NLĐ có thể dẫn đến các giải pháp sáng tạo giải quyết các thách thức an toàn độc đáo, góp phần tạo nên MTLV an toàn hơn.

Việc khuyến khích NLĐ tham gia vào các sáng kiến về ATVSLĐ sẽ thúc đẩy ý thức tự giác; được thể hiện ở việc NLĐ quan tâm đến sự an toàn của nhau, tạo ra cam kết chung về một nơi làm việc an toàn.

Những hiểu biết sâu sắc của NLĐ về công việc và vị trí làm việc của họ có thể phát hiện ra những mối nguy tiềm ẩn mà nếu không có họ có thể không nhận ra. Một vòng phản hồi mạnh mẽ (NLĐ đề xuất, doanh nghiệp đáp ứng) không chỉ xác định các lĩnh vực cần cải thiện MTLV mà còn chứng minh doanh nghiệp coi trọng NLĐ.

Thu hút NLĐ vào hành trình VHAT của doanh nghiệp còn tạo ra một MTAT là trách nhiệm của mọi NLĐ. Sự tham gia của NLĐ mang đến những góc nhìn và giải pháp rất thực tế, giúp nơi làm việc an toàn, hợp vệ sinh hơn cho tất cả mọi người.

VHAT nâng cao giá trị doanh nghiệp

Việc tích hợp VHAT với các giá trị và sứ mệnh của doanh nghiệp là một giải pháp chiến lược giúp tăng cường hoạt động SXKD. Các hoạt động ATVSLĐ phù hợp với các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc và mục đích kinh doanh của doanh nghiệp.

Một chiến lược VHAT phản ánh các giá trị của doanh nghiệp sẽ được NLĐ đồng tình hơn. Nó mang lại cảm giác chân thực và nhất quán, thúc đẩy ý thức đoàn kết vì mục đích chung. NLĐ cũng hiểu rằng ATVSLĐ không phải là một phong trào có tính thời điểm, mà là ưu tiên cơ bản phù hợp với các mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp.

Thông qua VHAT, NLĐ có thể thấy sự tham gia tích cực của mình đóng góp trực tiếp vào thành công của doanh nghiệp. Sự liên kết này tạo ra cảm giác tự hào và chính là mục đích trong việc duy trì môi trường làm việc ATVSLĐ.

Tích hợp VHAT với các giá trị của doanh nghiệp không chỉ củng cố các biện pháp ATVSLĐ mà còn tạo nên một nền văn hóa để NLĐ cảm thấy gắn kết với một mục đích cao cả hơn.

Một doanh nghiệp cam kết đảm bảo an toàn, thông qua hoạt động VHAT thường được đánh giá cao về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, không chỉ gia tăng giá trị thương hiệu mà còn giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các cơ hội hợp tác kinh doanh và mở rộng thị trường.

Như vậy, VHAT không chỉ bảo vệ lợi ích của NLĐ mà còn là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị, từ uy tín thương hiệu đến hiệu quả kinh doanh và sự phát triển bền vững.

Đẩy mạnh công tác huấn luyện và đào tạo

Huấn luyện và đào tạo liên tục đóng vai trò then chốt trong việc trang bị cho NLĐ kiến thức và kỹ năng cần thiết để duy trì VHAT vững mạnh. Bằng cách đầu tư vào huấn luyện ATVSLĐ, các doanh nghiệp trao quyền cho NLĐ của mình để đưa ra quyết định sáng suốt, đóng góp tích cực cho một MTLV an toàn, hợp vệ sinh hơn.

Huấn luyện và đào tạo ATVSLĐ cung cấp thông tin cần thiết về các mối nguy tiềm ẩn, các biện pháp thực hành tốt nhất và các quy trình khẩn cấp. Kiến thức này giúp cho NLĐ nhận ra rủi ro và thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn ngừa TNLĐ, BNN.

VHAT không phải là tĩnh; nó phát triển với thông tin và hiểu biết mới. Học tập liên tục đảm bảo rằng NLĐ luôn cập nhật các kiến thức mới nhất, củng cố VHAT và cảnh giác với các nguy cơ rủi ro trong lao động.

Bằng cách thúc đẩy VHAT thông qua huấn luyện, đào tạo, các doanh nghiệp đầu tư vào phúc lợi của NLĐ, đồng thời củng cố cam kết duy trì nơi làm việc an toàn và hiệu quả.

Khen thưởng và động viên các hành vi an toàn

Việc thừa nhận và củng cố các hành vi an toàn là một chiến lược cơ bản để duy trì và tăng cường VHAT mạnh mẽ tại nơi làm việc.

Khi các hành vi an toàn được công nhận và khen thưởng, NLĐ sẽ tiếp thu chúng như một thói quen của họ dẫn đến ý thức trách nhiệm chung về ATVSLĐ. NLĐ cảm thấy được coi trọng và trân trọng, thúc đẩy sự gắn kết và cam kết cao hơn trong việc duy trì một MTLV an toàn.

Sự tham gia tích cực của các lãnh đạo doanh nghiệp trong việc thực hiện các hành vi an toàn sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của VHAT. Khi NSDLĐ làm gương cho những hành vi này, họ sẽ trở thành tấm gương cho toàn bộ doanh nghiệp.

Bằng cách công nhận và khuyến khích các hành vi an toàn, các doanh nghiệp chứng minh sự tận tâm của mình đối với hạnh phúc của NLĐ và coi ATVSLĐ là một bộ phận không thể thiếu trong văn hóa nơi làm việc.

VHAT – Một con đường an toàn phía trước

Trong bối cảnh ATVSLĐ nơi làm việc luôn thay đổi, việc xây dựng VHAT trong doanh nghiệp như nền tảng của một tương lai an toàn và thịnh vượng.

VHAT được thiết lập tốt sẽ vượt qua các quy định và chính sách khô cứng, đưa an toàn vào doanh nghiệp như một giá trị cốt lõi. Đó là một nền văn hóa mà mọi NLĐ đều là người tham gia tích cực, được trao quyền để đưa ra những lựa chọn an toàn và chịu trách nhiệm với bản thân, đồng nghiệp. Bằng cách liên kết VHAT với các giá trị của doanh nghiệp, cam kết lãnh đạo và giáo dục liên tục, nơi làm việc sẽ trở thành nơi trú ẩn an toàn cho hạnh phúc của NLĐ.

Khi chúng ta định hướng con đường phía trước, hành trình hướng tới việc đảm bảo ATVSLĐ nơi làm việc được cải thiện, thể hiện bằng việc cải tiến liên tục, sự hợp tác và đổi mới. Việc áp dụng VHAT không chỉ là thước đo sự tuân thủ pháp luật; mà còn là khoản đầu tư cho thành công cho tương lai, một lời hứa với NLĐ, các bên liên quan trong chuỗi sản xuất hàng hóa và phát triển của doanh nghiệp.

Kết luận

Hạnh phúc là điều mà ai cũng mong muốn và càng đặc biệt đúng khi nói đến hạnh phúc gia đình. An toàn là điều kiện tiên quyết cần thiết để bảo vệ hạnh phúc quý giá của chúng ta. Giống như không khí và nước, chúng ta không để ý đến sự có mặt của nó trong cuộc sống hàng ngày, nhưng chúng ta lại cảm nhận sâu sắc được sự quý giá của nó khi nó biến mất.

Hãy nhớ rằng an toàn là yêu cầu hàng đầu để mỗi người và gia đình được hưởng hạnh phúc và ai cũng mong ước cả năm sẽ là những Tháng Hành động về ATVSLĐ, cũng như tháng mà Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc chọn một ngày trong đó làm Ngày Quốc tế Gia đình – nó sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc cho tất cả mọi người, trong đó có NLĐ.

GS.TS. Lê Vân Trình

Chủ tịch Hội KHKT An toàn và Vệ sinh lao động Việt Nam

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 354 (Tháng 1/2025)