Văn hóa phòng ngừa trong an toàn, vệ sinh lao động
Ngày 28/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 209/NQ-CP về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới. Trong bốn nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 209, nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên được nêu là nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác ATVSLĐ. Điều này cho thấy Chính phủ đặt trọng tâm vào văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ – được xem là giải pháp bền vững để ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN).
Văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), yếu tố then chốt để quản lý ATVSLĐ là thúc đẩy văn hóa phòng ngừa tại doanh nghiệp, đảm bảo quyền của NLĐ có một môi trường làm việc an toàn, đảm bảo sức khỏe, được tôn trọng. Văn hóa phòng ngừa trên hết là người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần đánh giá các nguy hiểm vốn có trong môi trường làm việc, từ đó đưa ra các chính sách, biện pháp hợp lý và khả thi để giảm thiểu các nguy hiểm được phát hiện và tiềm ẩn tại nơi làm việc, từ đó ngăn ngừa tai nạn và thương tích xảy ra cho NLĐ.
Trong quá trình này, NSDLĐ cần tham khảo ý kiến NLĐ và tổ chức của họ. Mỗi NLĐ, cán bộ đại diện ATVSLĐ và cán bộ công đoàn cần được hướng dẫn về nhận biết nguy hiểm tại nơi làm việc, trong đó có nguy hiểm vật lý (vật rơi vào đầu, máy cắt vào tay, nồng độ bụi, tiếng ồn…); nguy hiểm hóa chất (mùi hóa chất nguy hiểm, chất lỏng gây bỏng da…); nguy hiểm sinh học (vi sinh vật thực phẩm, nhà vệ sinh, khu rác thải…); nguy hiểm về tư thế làm việc (thiết bị làm việc không phù hợp, bàn ghế không phù hợp…); nguy hiểm tâm lý xã hội (căng thẳng trong công việc, áp lực công việc, làm việc kiệt sức…) và đề xuất biện pháp khắc phục với NSDLĐ.
Đồng thời, NSDLĐ cần mời các cố vấn kỹ thuật bên ngoài vào tư vấn toàn diện về thực hiện an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc. Thiết lập cơ chế báo cáo để NLĐ báo cáo về bất kỳ tình huống nào mà họ tin rằng có nguy hiểm sắp xảy ra. Cuối cùng, và đặc biệt quan trọng của văn hóa phòng ngừa, là mỗi NLĐ có quyền dừng làm việc cho đến khi NSDLĐ thực hiện các biện pháp khắc phục cần thiết để loại bỏ nguy hiểm nghiêm trọng đối với tính mạng hoặc sức khỏe của họ.
Văn hóa tổ chức tạo ra văn hóa phòng ngừa
Văn hóa tổ chức bao gồm các giá trị, chuẩn mực, quan điểm, thái độ, tầm nhìn và những điều cấm kỵ về hành vi của tổ chức đó. Tổ chức có thể là cộng đồng xã hội có chung các giá trị cốt lõi – là yếu tố chính quyết định bản sắc của tổ chức, là nền tảng hình thành sứ mệnh và chiến lược của tổ chức, cũng như ảnh hưởng đến việc thiết kế và vận hành hệ thống, cơ cấu, phong cách hoạt động, lựa chọn và phát triển nhân viên của tổ chức.
Nhiều tổ chức thiết lập giá trị cốt lõi bao gồm: sự tham gia của NLĐ và xã hội trong quá trình hoạt động, thúc đẩy công bằng trong tổ chức, xây dựng lòng tin giữa người quản lý và nhân viên, phát triển bền vững, thúc đẩy linh hoạt, sáng tạo, phát triển và tăng trưởng. Mỗi giá trị cốt lõi đều quan trọng nhằm phát triển văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ, bởi mỗi giá trị đều có thể có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến ATVSLĐ (ví dụ sự tin tưởng giữa ban quản lý và NLĐ là cần thiết để khuyến khích NLĐ báo cáo, tham gia phân tích các sự cố về ATVSLĐ, hợp tác và trao đổi thông tin).
Điều quan trọng là văn hóa tổ chức hay văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ không thể có được chỉ bằng cách lập kế hoạch, triển khai một cách đơn thuần bởi người quản lý, mà cần được tạo ra bởi sự tham gia của tất cả các thành viên trong tổ chức và được khẳng định trong sự tương tác giữa các thành viên của tổ chức. Những rủi ro ATVSLĐ cần được thảo luận và giải quyết, những rủi ro nào có thể chấp nhận được và những rủi ro nào đòi hỏi hành động có trách nhiệm của doanh nghiệp. Quá trình này tạo ra văn hóa tổ chức và văn hóa ATVSLĐ.
Đặc điểm của văn hóa ATVSLĐ
Văn hóa ATVSLĐ thể hiện ở bốn đặc điểm sau:
Văn hóa báo cáo và thông tin
Mọi NLĐ sẵn sàng báo cáo các vấn đề, sai sót và tình huống suýt xảy ra. Điều này là cần thiết để thông báo cho tất cả các bên liên quan có biện pháp phòng ngừa.
Văn hóa công bằng
Một bầu không khí tin cậy khuyến khích mọi NLĐ cung cấp thông tin liên quan đến ATVSLĐ mà không sợ bị phân biệt đối xử.
Văn hóa linh hoạt
Cho phép thích ứng với các điều kiện thay đổi hoặc yêu cầu mới của công việc trong khi vẫn tập trung vào ATVSLĐ.
Văn hóa học tập
Các cá nhân và tập thể đều mong muốn cải thiện ATVSLĐ, luôn sẵn sàng học hỏi từ nhau, có khả năng suy xét, đánh giá về hành vi của chính mình và của người khác liên quan tới ATVSLĐ.
Văn hóa ATVSLĐ tạo ra môi trường an toàn
Trong đó mọi NLĐ, người quản lý có nhận thức chung về các chính sách, thủ tục, quy trình về ATVSLĐ và cùng nhau tuân thủ. Phát triển văn hóa ATVSLĐ xuất phát từ nhận thức rằng con người là tài sản lớn nhất của tổ chức và cần được bảo vệ. Phát triển văn hóa ATVSLĐ tạo ra một tổ chức xuất sắc và có trách nhiệm. Hành vi thiếu trách nhiệm của NSDLĐ, việc thực hiện ATVSLĐ kém như thiếu trang thiết bị an toàn máy móc, không trang cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho NLĐ, doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, cắt giảm chi phí lao động… là những lý do cản trở phát triển văn hóa ATVSLĐ.
Để phát triển văn hóa ATVSLĐ, cần có cách tiếp cận quy chuẩn và tiếp cận mở. Trong đó:
Tiếp cận quy chuẩn được thực hiện từ trên xuống bằng việc xác định các chuẩn mực về hành vi mong muốn và không mong muốn trong ATVSLĐ. Trên cơ sở chuẩn mực, các chương trình được triển khai nhằm đảm bảo sự tuân thủ của người quản lý và NLĐ. (Ví dụ chương trình an toàn hoặc chương trình thúc đẩy các hành vi lành mạnh như 30 phút tập thể dục mỗi ngày).
Các chương trình ATVSLĐ sau khi được triển khai sẽ được đánh giá tác động, và các ý kiến khác nhau giữa ban quản lý, người giám sát và NLĐ là thông tin đầu vào để đối thoại và thảo luận nhằm cải thiện ATVSLĐ. Trên cơ sở đó, tổ chức đưa ra kế hoạch hành động mới nâng cao văn hóa ATVSLĐ lên một mức độ mới, đặc biệt liên quan tới giải quyết các điểm bị đánh giá yếu kém về ATVSLĐ.
Tiếp cận mở coi động lực nội tại và khả năng tự điều chỉnh của toàn bộ lực lượng lao động là trọng tâm. Tất cả mọi người trong tổ chức đều được nâng cao nhận thức thông qua các hoạt động đào tạo, giáo dục và đối thoại, từ đó tạo ra sự hiểu biết chung về ATVSLĐ cũng như về giá trị của việc phòng ngừa. (Ví dụ một công ty hóa chất ở thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm các nhà quản lý, giám đốc điều hành, nhân viên, NLĐ; trên cơ sở đó, tổ chức các cuộc đối thoại về chính sách ATVSLĐ, những tình huống gặp phải và những biện pháp thực tế).
Tiếp cận mở chỉ hiệu quả khi tổ chức có sự tin tưởng lẫn nhau giữa cấp quản lý và NLĐ, từ đó mới có thể đưa đến nhiều đề xuất cải thiện cụ thể. Tiếp cận mở đòi hỏi thái độ thiện chí của NSDLĐ trong đầu tư cho ATVSLĐ vì mục tiêu lâu dài.
Quan điểm quyết định hành vi
Các nhà quản lý cấp cao là chủ thể có quyền quyết định, và do đó, thái độ của họ đối với rủi ro về ATVSLĐ cũng như an toàn và sức khỏe của NLĐ có ảnh hưởng lớn đến tổ chức. Muốn có văn hóa ATVSLĐ, nhà quản lý cấp cao cần có quan điểm, niềm tin và thái độ rằng mọi tai nạn, tổn hại và bệnh tật trong công việc đều có thể phòng ngừa và muốn xây dựng văn hóa phòng ngừa.
Ngược lại, nếu nhà quản lý cấp cao tin rằng tai nạn, tổn hại và bệnh tật trong công việc là điều đáng tiếc và là hậu quả không tránh khỏi trong công việc, ngụ ý rằng tai nạn, thương tích và bệnh tật là có thể chấp nhận được thì văn hóa phòng ngừa sẽ không thể hình thành và phát triển.
NSDLĐ cần nhìn nhận ATVSLĐ là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) và cần coi văn hóa phòng ngừa trong ATVSLĐ là đạo đức kinh doanh, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, từ đó mới có thể có hành động đúng.
Đối với NLĐ, khi tham gia tích cực vào quá trình đánh giá ATVSLĐ, nhận thức của họ được cải thiện và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa ATVSLĐ. Hệ thống quản lý ATVSLĐ cần có NLĐ tham gia xác định, báo cáo và phân tích nguy cơ, rủi ro ATVSLĐ cũng như theo dõi và phản hồi sau khi các biện pháp cải thiện được áp dụng.
NSDLĐ cần xây dựng văn hóa không đổ lỗi cho NLĐ để mọi NLĐ đều cảm thấy thoải mái khi báo cáo mọi sự cố có thể xảy ra. Việc báo cáo sự cố cần được coi là nguồn thông tin quản lý có giá trị, cho phép tổ chức ứng phó thích hợp. Muốn vậy, NLĐ cần không bị đổ lỗi trong mọi trường hợp. Khi bị đổ lỗi, NLĐ sẽ nghi ngại và không dám báo cáo. Xây dựng văn hóa không đổ lỗi đóng góp cho hình thành văn hóa phòng ngừa và cần một quá trình dài để đạt được sự tin tưởng trong lực lượng lao động. Hành vi gương mẫu, báo cáo và cung cấp thông tin có trách nhiệm chính là hành vi ATVSLĐ.
Phạm Thị Thu Lan
Viện Công nhân và Công đoàn