Đánh giá mức độ phơi nhiễm khí Clo ở người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền trung
Xem thêm
- 1Phân viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Trung
Lĩnh vực: Môi trường và điều kiện lao động
Trạng thái: --
Từ khóa: --
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Ngành chế biến thủy sản ở miền Trung Việt Nam đang phát triển mạnh, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, đặc biệt là công đoạn khử trùng bằng chlorine, người lao động có nguy cơ phơi nhiễm khí Clo – một hóa chất có độc tính, nếu vượt ngưỡng cho phép sẽ gây hại đến sức khỏe. Mặc dù đã có hướng dẫn pha chế dung dịch sát trùng, nhưng thực tế nhiều nơi thực hiện không đúng quy trình, dẫn đến phát tán khí Clo ra môi trường lao động. Việc kiểm soát phơi nhiễm khí Clo trong các nhà máy chế biến thủy sản hiện chưa được chú trọng đúng mức, đặc biệt là trong điều kiện lao động không thông thoáng, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp.
Mục tiêu: Đánh giá tình trạng phơi nhiễm khí Clo tại nơi làm việc của người lao động trong các cơ sở chế biến thủy sản khu vực miền Trung nhằm nhận diện mức độ rủi ro và đề xuất các biện pháp kiểm soát phù hợp.
Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô tả cắt ngang trên 501 người lao động tại 4 cơ sở chế biến thủy sản, chia thành hai nhóm: nhóm tiếp xúc và nhóm đối chứng; Phương pháp Khảo sát, đo đạc lấy mẫu và phân tích mẫu khí Clo trong không khí theo Thường quy kỹ thuật Sức khỏe nghề nhiệp và môi trường tập 1. Phương pháp đánh giá độ phơi nhiễm dựa trên nồng độ trung bình 8 giờ làm việc; Phương pháp xử lý số liệu bằng phần mềm Excel; Phương pháp điều tra xã hội học về thời gian tiếp xúc, tần suất tiếp xúc và thời gian ca làm việc của người lao động.
Kết quả nghiên cứu: Nhóm tiếp xúc có nồng độ phơi nhiễm lớn hơn gấp 8,5 lần so với nhóm đối chứng (0,640 mg/m³ so với 0,075 mg/m³, p < 0,05), 25/401 mẫu đo của nhóm tiếp xúc vượt tiêu chuẩn cho phép theo QCVN 03:2019/BYT. Bộ phận sơ chế là nơi có nguy cơ phơi nhiễm cao nhất với nồng độ trung bình đạt 1,124 mg/m³ và tỷ lệ mẫu vượt chuẩn cao nhất..
Kết luận: Người lao động tại các cơ sở chế biến thủy sản có nguy cơ phơi nhiễm khí Clo ở mức đáng lo ngại, đặc biệt là ở các bộ phận như sơ chế, tinh chế và pha chế. Mặc dù tỷ lệ vượt chuẩn chưa cao, nhưng tiếp xúc kéo dài ở nồng độ thấp cũng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Cần khẩn trương áp dụng các biện pháp kiểm soát như cải tiến quy trình pha chế, tăng cường thông gió, kiểm tra định kỳ và giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn hóa chất trong lao động.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 1,2&3-2020)