Đề xuất hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất kết cấu thép theo tiêu chuẩn OHSAS 18001

Ngày đăng: 26/05/2025
icon user

KS Nguyễn Anh Hoàng và CTV

Xem thêm
  • 1Phân viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Trung

Lĩnh vực: An toàn và chính sách

Trạng thái: --

Từ khóa: --

TÓM TẮT

 

Đặt vấn đề: Bộ tiêu chuẩn quốc tế OHSAS 18000, gồm OHSAS 18001 và 18002, do Viện Tiêu chuẩn Anh phát hành, đưa ra yêu cầu và hướng dẫn triển khai hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp, giúp tổ chức kiểm soát và giảm thiểu rủi ro. OHSAS 18001 được áp dụng rộng rãi nhờ khả năng nâng cao hiệu quả quản lý ATVSLĐ và cải thiện liên tục điều kiện làm việc. Việc xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý ATVSLĐ không chỉ giúp cơ sở quản lý được những rủi ro trong hoạt động sản xuất mà còn giúp cho cơ sở nâng cao giá trị, thương hiệu trong quá trình hội nhập. Với đề xuất này, chúng tôi mong muốn sẽ cung cấp những nội dung liên quan giúp cho các cơ sở sản xuất kết cấu thép tại miền Trung có thể tiến hành xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ nhằm tăng cường đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động và tăng sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập.

Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất một mô hình Hệ thống quản lý ATVSLĐ áp dụng theo tiêu chuẩn OHSAS 18001, phù hợp với đặc điểm sản xuất kết cấu thép tại khu vực miền Trung, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát rủi ro, bảo vệ người lao động và hướng đến phát triển bền vững.

Phương pháp nghiên cứu: Khảo sát thực trạng tại các cơ sở sản xuất kết cấu thép, đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động như tai nạn điện, cháy nổ, vi khí hậu, hơi khí độc, tia bức xạ, và thực trạng triển khai công tác ATVSLĐ. Trên cơ sở đó, đề xuất cấu trúc và phương thức triển khai hệ thống quản lý ATVSLĐ theo mô hình PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Cải tiến).

Kết quả nghiên cứu: Các cơ sở sản xuất có nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ do bố trí không hợp lý, thiết bị cũ, thiếu nhân sự chuyên trách, và hệ thống quản lý chưa đầy đủ. Công tác huấn luyện, khám sức khỏe định kỳ, và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân còn chưa được thực hiện đúng quy định. Đề xuất một hệ thống quản lý ATVSLĐ đầy đủ bao gồm: tổ chức bộ máy, quy trình, tài liệu hệ thống, cách thức vận hành, duy trì và cải tiến liên tục. Hệ thống này hướng tới việc kiểm soát chủ động rủi ro và nâng cao an toàn cho người lao động.

Kết luận: Việc xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn OHSAS 18001 tại các cơ sở sản xuất kết cấu thép là cần thiết và cấp bách. Hệ thống này không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả các nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp mà còn nâng cao năng lực quản lý, hình ảnh doanh nghiệp và tạo nền tảng cho sản xuất an toàn – bền vững trong thời kỳ hội nhập.

(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6-2019)