Mức độ nhiễm crom trong nước tiểu ở người lao động có tiếp xúc tại một số cơ sở nghiên cứu
Xem thêm
- 1Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động
Lĩnh vực: Sức khỏe và nghề nghiệp
Trạng thái: --
Từ khóa: --
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Crom tồn tại chủ yếu ở dạng hợp chất Crom III và Crom VI, có tính bền vững cao, chống ăn mòn và oxi hóa tốt, thường được sử dụng trong sản xuất thép và công nghệ mạ điện trong ngành cơ khí. Phơi nhiễm crom thường gặp nhất ở ngành sản xuất crom, tiếp đến là ngành cơ khí như hàn thép và mạ điện, với nhiều vị trí có nồng độ crom vượt mức cho phép. Hiện nay, khoảng 85% crom được sử dụng trong sản xuất thép và mạ điện. Tuy nhiên, tại Việt Nam, dữ liệu về mức độ phơi nhiễm crom trong môi trường và trong cơ thể người lao động còn rất hạn chế. Đáng chú ý, tiêu chuẩn giới hạn crom trong môi trường lao động và nước tiểu tại Việt Nam cao hơn đáng kể so với tiêu chuẩn quốc tế.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá mức độ nhiễm crom trong nước tiểu ở người lao động có tiếp xúc tại một số cơ sở nghiên cứu.
Phương pháp nghiên cứu: Mô tả cắt ngang.
Kết quả nghiên cứu: Nghiên cứu trên 399 người lao động có tiếp xúc với crom và 417 người lao động không tiếp xúc với crom tại 02 cơ sở cơ khí năm 2018, kết quả cho thấy: Kết quả đo 30 mẫu môi trường và 66 mẫu cá nhân không có vị trí nào nồng độ crom vượt tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, có 12/16 mẫu khu vực (>0,0005mg/m3) và 26/44 mẫu đo trung bình 8 giờ có nồng độ crom cao hơn tiêu chuẩn cho phép của ACGIH (>0,0002mg/m3). Theo tiêu chuẩn Việt Nam chỉ có 0,5% người lao động nhóm tiếp xúc có nồng độ crom cao vượt tiêu chuẩn cho phép, theo tiêu chuẩn của ACGIH có 13,5% người lao động nhóm tiếp xúc có nồng độ crom vượt tiêu chuẩn. Trung bình nồng độ crom trong nước tiểu người lao động có tiếp xúc với crom là 5,55±5,97 µg/l cao hơn so với trung bình nồng độ crom ở nhóm không tiếp xúc, p < 0,05. Chưa phát hiện thấy mối liên quan giữa nồng độ crom trong nước tiểu và các triệu chứng đường hô hấp và tiết niệu ở người lao động có tiếp xúc với crom.
Kết luận: Cần cải thiện quy trình công nghệ nhằm giảm sự phát thải crom ra môi trường lao động. Ngoài ra cần xem xét lại giới hạn cho phép về nồng độ crom trong môi trường ở Việt Nam, từ đó cải thiện môi trường lao động và nâng cao sức khỏe cho người lao động ngành cơ khí.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6-2019)