Nghiên cứu nhận diện và đánh giá nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp của người lao động vận hành máy dán ép cao tần ngành sản xuất giày da
Xem thêm
- 1Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh Lao động và Bảo vệ Môi trường miền Nam
Lĩnh vực: Sức khỏe và nghề nghiệp
Trạng thái: --
Từ khóa: --
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Ngành giày da Việt Nam sử dụng máy dán ép cao tần để tăng hiệu quả sản xuất, nhưng thiết bị này tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghề nghiệp như điện, nhiệt, rung, bức xạ, ecgônômi. Việc đánh giá nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người lao động. Nghiên cứu khảo sát đã xác định 6 nhóm nguy cơ chính đối với người vận hành máy gồm: điện trường, từ trường tần số radio, tĩnh điện, vi khí hậu, nguy cơ điện, phỏng nhiệt và chấn thương cơ học, từ đó tính toán và phân loại mức độ nguy cơ để có biện pháp kiểm soát phù hợp.
Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu nhằm nhận diện và đánh giá các nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp đối với người lao động vận hành máy dán ép cao tần trong ngành sản xuất giày da, từ đó làm cơ sở đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe nghề nghiệp.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu áp dụng phương pháp nghiên cứu nhận diện và đánh giá nguy cơ cho thiết bị sản xuất trên người lao động vận hành máy dán ép cao tần trong ngành sản xuất giày da. Các nhóm nguy cơ được đánh giá là tiếp xúc với bức xạ điện từ trường, tĩnh điện, vi khí hậu, tai nạn điện, bỏng nhiệt, chấn thương khi vận hành. Nguy cơ được đánh giá qua tổng hợp mức độ nghiêm trọng của phơi nhiễm và tần suất tiếp xúc của người lao động với nguy cơ khi vận hành.
Kết quả nghiên cứu: Kết quả mức tiếp xúc điện trường ở cả các ngành hầu hết trong mức thấp (II) và trung bình (III), nguy cơ phơi nhiễm từ trường ở mức không đáng kể (I) và thấp (II). Nguy cơ tiếp xúc tĩnh điện đều ở mức không đáng kể (I). Nguy cơ tiếp xúc vi khí hậu nóng từ thấp đến cao tùy thuộc và điều kiện thông gió làm mát nhà xưởng. Hầu hết kết quả đánh giá nguy cơ tai nạn điện các máy dán ép cao tần là ở mức trung bình (III). Kết quả đánh giá nguy cơ bỏng nhiệt cho người lao động vận hành máy dán ép cao tần là mức cao (IV) gây phỏng. Nguy cơ bị chấn thương cơ học trên người lao động vận hành máy dán ép cao tần phổ biến ở mức trung bình (III). Nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp tổng hợp kết luận ở mức trung bình (III) đối với người lao động vận hành máy dán ép cao tần trong ngành sản xuất giày da. Nguy cơ bỏng nhiệt vượt trội cần lưu ý làm cơ sở cho đề xuất các giải pháp giảm thiểu nguy cơ cho người lao động vận hành máy dán ép cao tần.
Kết luận: Người lao động vận hành máy dán ép cao tần trong ngành giày da đối mặt với nguy cơ tiếp xúc nghề nghiệp ở mức trung bình, cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ bỏng nhiệt. Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp kiểm soát, phòng ngừa rủi ro nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6-2019)