Nghiên cứu phân lập và định danh nấm Aspergillus spp sinh độc tố Aflatoxin trong không khí môi trường lao động tại nhà máy xay xát gạo ở Hưng Yên
Xem thêm
- 1Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Lĩnh vực: Môi trường và điều kiện lao động
Trạng thái: --
Từ khóa: --
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Tình trạng ô nhiễm nấm mốc trong môi trường làm việc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người lao động, đặc biệt là hệ hô hấp. WHO, CDC và EPA đều cảnh báo rằng việc tiếp xúc với bào tử nấm mốc, nhất là Aspergillus spp, có thể gây hen suyễn, viêm phổi, kích ứng mắt, mũi, da và nghiêm trọng hơn là ung thư phổi hoặc tử vong ở người có hệ miễn dịch yếu. Bào tử nấm có kích thước nhỏ (2–3,5 µm), dễ xâm nhập vào phổi và sản sinh độc tố nguy hiểm như Aflatoxin – một độc tố có nguồn gốc từ Aspergillus flavus và A. parasiticus, đã được chứng minh có khả năng gây ung thư gan, tổn thương thận và tích lũy trong cơ thể người và gia súc. Trong các loại Aflatoxin, B1 là chất độc mạnh nhất, độc gấp nhiều lần so với xyanua và asen. Các chủng sinh độc tố thường được tìm thấy trong thực phẩm và nông sản như gạo, lạc, đậu tương và thuốc nam.
Mục tiêu nghiên cứu: Phân lập, định danh và đánh giá sự hiện diện của các chủng nấm mốc Aspergillus spp có khả năng sinh độc tố Aflatoxin trong không khí tại môi trường lao động ở một số cơ sở chế biến, xay xát gạo khu vực Hưng Yên.
Phương pháp nghiên cứu: Lấy mẫu nấm trong không khí tại môi trường lao động bằng thiết bị SpinAir theo tiêu chuẩn TCVN 10736-18:2017, nuôi cấy trên môi trường chọn lọc theo TCVN 10736-17:2017 để phân lập nấm Aspergillus spp. Việc định danh chủng nấm được thực hiện bằng phương pháp hình thái học, đồng thời đánh giá khả năng sinh độc tố Aflatoxin dựa trên phát huỳnh quang dưới đèn UV khi nuôi cấy trên môi trường đặc hiệu. Các chủng nấm có dấu hiệu sinh độc tố được giải trình tự gen và so sánh trình tự trên GenBank bằng phần mềm Mega 7.0.
Kết quả nghiên cứu: Nghiên cứu đã phân lập và định danh chính xác chủng Aspergillus flavus sinh độc tố từ không khí tại cơ sở chế biến, xay xát gạo ở Hưng Yên bằng phương pháp quan sát hình thái và giải trình tự gen ITS. Trình tự gen của hai chủng nấm phân lập (HY.9 và T4.1) cho kết quả tương đồng 100% với Aspergillus flavus trên ngân hàng gen. Đây là loài nấm có khả năng sinh độc tố Aflatoxin – một chất được WHO và Tổ chức Ung thư Quốc tế xếp vào nhóm tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm đến gan, thận, đường tiêu hóa và có thể gây tử vong. Ngoài ra, nấm này còn là nguyên nhân chính gây viêm xoang và nấm phổi.
Kết luận: Kết quả nghiên cứu khẳng định sự hiện diện của các chủng nấm Aspergillus spp sinh độc tố Aflatoxin trong không khí môi trường lao động tại cơ sở chế biến gạo. Đây là cơ sở khoa học quan trọng phục vụ đánh giá nguy cơ nghề nghiệp, đặc biệt trong ngành nông sản, chế biến thực phẩm.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6-2019)