Nhận diện mối nguy và đánh giá rủi ro an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất thuộc da

Ngày đăng: 26/05/2025
icon user

ThS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, ThS. Nguyễn Khánh Huyền, CN. Lê Thị Đào

Xem thêm
  • 1Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động

Lĩnh vực: Môi trường và điều kiện lao động

Trạng thái: --

Từ khóa: --

TÓM TẮT

 

Đặt vấn đề: Ngành công nghiệp Da – Giầy Việt Nam phát triển mạnh, đứng thứ ba về xuất khẩu sau dầu thô và dệt may. Việc thực thi các hiệp định thương mại như CPTPP mang đến nhiều cơ hội cạnh tranh cho ngành, tuy nhiên đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa cao, kéo theo nhu cầu phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là ngành thuộc da. Quá trình thuộc da sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại và phát sinh nhiều rủi ro về ATVSLĐ, đòi hỏi cần có phương pháp đánh giá và kiểm soát rủi ro hiệu quả tại nơi làm việc.

Mục tiêu nghiên cứu: Nhận diện các mối nguy về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong doanh nghiệp thuộc da. Áp dụng quy trình đánh giá rủi ro để đưa các rủi ro về mức chấp nhận được. Xây dựng và duy trì các quy chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực, máy móc, thiết bị. Cải tiến điều kiện lao động, thiết bị và vệ sinh nơi làm việc theo tiêu chuẩn pháp lý và hướng đến giảm thiểu tai nạn, bệnh nghề nghiệp.

Phương pháp nghiên cứu: Áp dụng phương pháp đánh giá rủi ro định lượng dựa trên mối quan hệ giữa mức độ nguy hiểm của mối nguy và khả năng xảy ra sự cố. Dựa vào phân tích trên, các mối nguy được đánh giá trước và sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát, từ đó xác định mức rủi ro còn lại và đề xuất hành động phù hợp.

Kết quả nghiên cứu: Xây dựng được Hệ thống quản lý ATVSLĐ và Quy trình đánh giá rủi ro ATVSLĐ. Quy trình được triển khai áp dụng thực tế cho nhiều công đoạn thuộc da như pha hóa chất, nạp hóa chất vào thùng quay, mở nắp thùng, kiểm tra da, v.v. Một số mối nguy điển hình được xác định, bao gồm nguy cơ hóa học như bỏng axit, kích ứng da, hít phải hơi độc từ hóa chất; Nguy cơ vật lý gồm trượt ngã, bị thương do thiết bị không an toàn. Đồng thời, đề xuất một số biện pháp kiểm soát mối nguy. Sau khi áp dụng biện pháp kiểm soát, mức độ rủi ro giảm đáng kể, từ mức không chấp nhận được về mức chấp nhận được trong phần lớn các trường hợp.

Kết luận: Việc xây dựng và áp dụng quy trình nhận diện – đánh giá – kiểm soát rủi ro trong ngành thuộc da là cần thiết và hiệu quả. Phương pháp này giúp doanh nghiệp quản lý tốt các mối nguy ATVSLĐ, giảm thiểu tai nạn và bệnh nghề nghiệp, tăng năng suất lao động và cải thiện điều kiện làm việc, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật và nâng cao năng lực cạnh tranh khi hội nhập thị trường quốc tế.

(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6 – 2019)