Thực trạng phơi nhiễm nghề nghiệp với Formaldehyde tại các công ty sản xuất gỗ các tỉnh Đông Nam Bộ 2018
Xem thêm
- 1Phân viện Khoa học An toàn Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường miền Trung
Lĩnh vực: Sức khỏe và nghề nghiệp
Trạng thái: --
Từ khóa: Phơi nhiễm nghề nghiệp, Formaldehyde, cơ sở chế biến gỗ
TÓM TẮT
Đặt vấn đề: Formaldehyde (FA) là chất khí không màu, tan trong nước và có thể gây kích thích, viêm cấp khi tiếp xúc, ngay cả trong thời gian ngắn. Trên thế giới, phơi nhiễm FA đã được công nhận là nguyên nhân gây ra các bệnh nghề nghiệp về đường hô hấp và da. Tuy nhiên, tại Việt Nam, chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá mối liên hệ giữa phơi nhiễm FA trong môi trường lao động và các bệnh lý liên quan, đặc biệt trong ngành chế biến gỗ – lĩnh vực có số lượng người lao động lớn và nguy cơ phơi nhiễm cao. Kết quả từ nghiên cứu này sẽ cung cấp số liệu cho lĩnh vực quan trắc môi trường ngành gỗ nhằm cải thiện môi trường làm việc cho người lao động.
Mục tiêu của nghiên cứu: Xác định mối liên quan giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với formaldehyde và một số bệnh hô hấp, bệnh ngoài da của người lao động tại các công ty sản xuất gỗ ở các tỉnh Đông Nam Bộ.
Phương pháp nghiên cứu: Nghiên cứu cắt ngang xác định tỷ lệ phơi nhiễm với formaldehyde của 519 người lao động trực tiếp với gỗ trong ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Thực hiện quan trắc môi trường và đo nồng độ FA cá nhân liên tục trong ca làm việc 8 giờ. Khám lâm sàng để phát hiện các bệnh hiện mắc. Đối tượng được coi là phơi nhiễm khi nồng độ FA trung bình 8 giờ > 0,5 mg/m³ (theo Quyết định 3733/2002/QĐ-BYT).
Kết quả nghiên cứu: Có 3 cơ sở (50% cơ sở tham gia nghiên cứu) có nồng độ FA trong môi trường vượt ngưỡng giới hạn là 0,5mg/m3. Tất cả các mẫu quan trắc vị trí làm việc của người lao động đều phát hiện có formaldehyde, trong đó 142 vị trí lao động (27,4%) tiếp xúc với formaldehyde môi trường làm việc có nồng độ vượt giới hạn cho phép (>0,5mg/m3 trong 8h). Mối liên quan giữa việc tiếp xúc với nồng độ formaldehyde vượt giới hạn cho phép (>0.5 mg/m3 trong 8 giờ) và bệnh viêm họng (PR=1,73; KTC 95% 1,16-2,60), viêm mũi (PR=2,19; KTC 95% 1,23-3,90), giảm chức năng hô hấp (PR=1,8; KTC 95% 1,01-3,24)và viêm da dị ứng (PR=1,88; KTC 95% 1,13-3,14).
Kết luận: Tỷ lệ phơi nhiễm formaldehyde vượt giới hạn cho phép trong ngành chế biến gỗ là đáng kể (27,4%). Có mối liên quan rõ rệt giữa phơi nhiễm nghề nghiệp với FA và một số bệnh hô hấp, bệnh ngoài da. Nghiên cứu cung cấp bằng chứng để đề xuất bổ sung bệnh do FA vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm tại Việt Nam.
(Bài viết được đăng trên Tạp chí Hoạt động KHCN số 4,5&6 – 2019)