Ảnh hưởng của chất lượng không khí trong nhà nơi làm việc đến sức khỏe người lao động

Thứ Sáu, 14/02/2025, 08:52(GMT +7)

Con người dành chủ yếu thời gian trong nhà (hơn 80%) [1], chính vì vậy sức khỏe con người bị ảnh hưởng lớn bởi chất lượng không khí bên trong nhà cho dù nồng độ chất ô nhiễm không quá cao. Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra tác động của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người. Chúng là nguyên nhân gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt có nhiều chỉ dấu cho thấy liên quan đến các bệnh về ung thư. Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị ảnh hưởng của nồng độ các chất trong không khí đến sức khỏe con người [2]. Không chỉ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, các bệnh về ung thư, người lao động còn mắc phải hội chứng bệnh nhà kín (SBS) khi làm việc trong nhà với chất lượng không khí không tốt. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy ô nhiễm không khí trong nhà chịu tác động từ các nguồn ô nhiễm đến từ bên ngoài cũng như những nguồn phát thải bên trong.

Lắp đặt hệ thống hút nhiệt và làm mát tại cơ sở sản xuất. Ảnh: TT BHLĐ&BVMT

Các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng không khí trong nhà nơi làm việc

Xác định nguồn ô nhiễm không khí trong nhà là một thách thức do tính đa dạng và biến động cao của các nguồn trong nhà; Các quá trình vật lý và hóa học phức tạp đóng vai trò là nguồn chính, nguồn tiền chất dẫn đến sự hình thành thứ cấp và mối liên hệ với môi trường ngoài trời.

Thông qua các thông số điển hình là bụi mịn (PM) và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC), đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu hiện đại hiện nay, các nhà khoa học đã xác định được nguồn phát sinh ô nhiễm trong nhà, bao gồm:

– Các chất có nguồn gốc từ môi trường ngoài trời gồm: các chất gây ô nhiễm công nghiệp, sản phẩm cháy, các chất gây ô nhiễm giao thông như nitơ dioxide, cacbon dioxide, VOC, metan và các hạt.

– Các chất có nguồn gốc tại nơi làm việc gồm: các sản phẩm thuốc lá và nicotine, hóa chất được sử dụng cho mục đích vệ sinh, vật liệu xây dựng… Có ba nhóm chính của các chất ô nhiễm trong nhà tại nơi làm việc:

+ Các yếu tố sinh học như: vi khuẩn, vi rút, nấm mốc, độ ẩm, vệ sinh không sạch sẽ.

+ Các yếu tố hóa học như: nitơ dioxide, cacbon hữu cơ, cacbon nguyên tố, VOCs… phát sinh từ các sản phẩm được sử dụng trong tòa nhà như lớp phủ sàn hoặc tường, thiết bị văn phòng, đồ nội thất, sản phẩm vệ sinh, sự cố tràn hóa chất và các sản phẩm được sử dụng cho mục đích xây dựng, chất kết dính, sơn và các sản phẩm đốt cháy.

+ Các yếu tố liên quan đến hạt: Các hạt là những chất đủ nhẹ, treo lơ lửng trong không khí. Các hạt có thể được tạo ra bởi các hoạt động như xây dựng, in ấn và từ các thiết bị đang vận hành.

Ảnh hưởng của chất lượng không khí trong nhà nơi làm việc đến sức khỏe người lao động

Các nghiên cứu cho thấy chất lượng không khí trong nhà kém có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe (đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, kích ứng), gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp (hen suyễn, viêm phế quản mãn tính), các bệnh dị ứng (viêm phổi quá nhạy cảm) và ung thư [5]. Ngoài việc gây nguy hiểm về mặt sức khỏe và sự thoải mái, chất lượng không khí kém cũng có thể ảnh hưởng xấu đến hiệu suất làm việc. Tác động của các chất ô nhiễm không khí trong nhà đối với sức khỏe của người lao động phụ thuộc vào nồng độ của chất ô nhiễm, thời gian tiếp xúc, độ tuổi và giới tính.

Chất lượng không khí trong nhà kém cũng là nguyên nhân gây ra hội chứng bệnh nhà kín, một hội chứng phổ biến và thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học gần đây. Một nghiên cứu tổng hợp của Iasmin Lourenço Niza và cộng sự cho thấy các triệu chứng chính của hội chứng bệnh nhà kín ở những người làm việc trong không gian kín bao gồm: mệt mỏi, nhức đầu, buồn ngủ, kích ứng mắt và mũi, da khô, các vấn đề về hô hấp, chóng mặt, mất trí nhớ, trầm cảm, nhạy cảm với mùi, đau nhức cơ xương khớp, bệnh giống cúm, hen suyễn, phát ban trên da, kém tập trung…

Các giải pháp cải thiện chất lượng không khí trong nhà nơi làm việc

Cải thiện môi trường không khí trong nhà cần phải có sự kết hợp của nhiều giải pháp:

  1. Loại bỏ hoặc thay đổi nguồn ô nhiễm bên trong nhà: Các thiết bị máy móc phát sinh ô nhiễm có thể đặt riêng tại một khu vực người lao động không thường xuyên làm việc hoặc có hệ thống hút cục bộ hút thải ra khỏi không gian trong nhà. Sử dụng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất ít phát thải.
  2. Tối ưu hoạt động của hệ thống thông gió, hệ thống điều hòa không khí và thường xuyên bảo trì bảo dưỡng hệ thống: Hệ thống thông gió và điều hòa không khí hiện nay rất phổ biến. Để tiết kiệm năng lượng tiêu thụ các không gian sử dụng điều hòa nhiệt độ thường có xu hướng giảm thiểu tối đa sự xâm nhập của không khí bên ngoài. Vì vậy cân bằng giữa hiệu quả sử dụng năng lượng và lượng “khí tươi” cấp từ bên ngoài vào là vấn đề cần phải quan tâm. Ngoài ra việc bảo dưỡng hệ thống điều hòa thông gió định kỳ cũng nâng cao chất lượng không khí trong nhà, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả lọc bụi và giảm phát sinh vi sinh vật có hại.
  3. Lắp đặt các thiết bị lọc không khí cục bộ để loại bỏ chất ô nhiễm: Lắp đặt các thiết bị lọc cục bộ là giải pháp tương đối hiệu quả để nâng cao chất lượng không khí trong nhà. Các thiết bị hấp phụ, hấp thụ hay các giải pháp công nghệ mới như plasma, điện từ trường có hiệu quả cao trong thu bắt chất ô nhiễm không khí trong nhà.
  4. Lắp đặt các hệ thống giám sát tự động chất lượng không khí trong nhà: Hiện nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều thiết bị công nghệ giám sát chất lượng không khí trong nhà nhằm cảnh báo hoặc gửi tín hiệu để vận hành các hệ thống kiểm soát chất lượng không khí rất phổ biến. Lắp đặt các thiết bị này là một giải pháp hữu ích để nâng cao chất lượng không khí trong nhà.
  5. Giáo dục và truyền thông để nâng cao nhận thức của người lao động về tầm quan trọng của chất lượng không khí trong nhà: Nhiều người lao động lầm tưởng không khí trong nhà luôn có chất lượng tốt. Tuy nhiên trên thực tế không phải như vậy. Vì vậy cần giáo dục và truyền thông để người lao động có sự hiểu biết đúng đắn về chất lượng không khí trong nhà nơi làm việc của họ và sự ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người.

Tài liệu tham khảo

  1. Klepeis, N. E., et al (2001), “The National Human Activity Pattern Survey (NHAPS): a resource for assessing exposure to environmental pollutants.” Journal of Exposure Science & Environmental Epidemiology 11 (3) : 231-252.
  2. WHO (2010), WHO guidelines for indoor air quality:selected pollutants

ThS. Nguyễn Quốc Hoàn

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động 

Tạp chí KH An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động số 4/2024