Hướng dẫn nhận diện mối nguy về an toàn vệ sinh lao động trong ngành đóng tàu biển
Đường bờ biển dài cùng vị trí địa lý chiến lược là lợi thế to lớn cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đóng tàu; và trên thực tế, ngành công nghiệp đóng tàu biển của Việt Nam cũng đã “nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường” trên thị trường khu vực và thế giới. Sự khởi sắc của ngành tạo điều kiện việc làm cho một lượng lớn lao động kỹ thuật lành nghề, tuy nhiên điều này cũng dấy lên những lo ngại về rủi ro an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) mà một ngành công nghiệp lắp ráp quy mô lớn đem lại.
Để kiểm soát rủi ro hiệu quả, điều quan trọng là phải nhận diện và đánh giá chính xác rủi ro trong mỗi hoạt động của doanh nghiệp. Điều này khá phức tạp tại các cơ sở đóng tàu, vốn có khu vực làm việc trải rộng và hoạt động sản xuất mang nhiều tính chất cơ khí thủ công. Mặt khác, đánh giá rủi ro về ATVSLĐ là yêu cầu bắt buộc được pháp luật quy định đối với nhóm 11 ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), trong đó có ngành đóng tàu.
Nhằm cung cấp kiến thức về hướng dẫn đánh giá rủi ro ATVSLĐ cho ngành đóng tàu biển, bài viết này giới thiệu phương pháp nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro trong hoạt động đóng mới tàu.
Mối nguy và rủi ro ATVSLĐ
“Mối nguy” về ATVSLĐ là “nguyên nhân” hay “tình huống” có khả năng gây tổn hại tới sức khỏe và sự an toàn của người lao động (NLĐ), với hậu quả có thể xảy ra là tai nạn hay bệnh tật. Một ví dụ dễ hình dung là “làm việc ở độ cao trên 2m” là mối nguy dẫn tới khả năng xảy ra tai nạn “ngã cao”. Trong khi đó, “rủi ro” là “xác suất” xảy ra tai nạn hay bệnh tật khi NLĐ tiếp xúc với mối nguy. Ở ví dụ trên, “rủi ro ngã cao” là xác suất xảy ra tai nạn ngã cao khi NLĐ làm việc ở độ cao trên 2m. Tùy vào điều kiện cụ thể như khu vực làm việc chắc chắn hay chênh vênh, NLĐ có hay không sử dụng dây đai an toàn, … mà rủi ro ngã cao ở mức cao hay thấp. Việc xác định xác suất xảy ra TNLĐ, BNN, bệnh liên quan tới nghề nghiệp do NLĐ tiếp xúc với các mối nguy trong quá trình làm việc là hoạt động “đánh giá rủi ro”.
Nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro trong ngành đóng tàu biển
Như đã đề cập ở trên, nhận diện mối nguy là nhận diện các nguyên nhân hay tình huống có khả năng gây tổn hại tới sức khỏe và sự an toàn của NLĐ. Trong khi đó, nhận diện rủi ro là nhận diện các tổn hại tiềm tàng mà mối nguy có thể gây ra, bao gồm TNLĐ, BNN và bệnh liên quan tới nghề nghiệp. Do mối quan hệ nhân quả, nhận diện mối nguy phải được tiến hành trước nhận diện rủi ro. Tuy vậy, để quá trình này diễn ra tập trung và có hệ thống, việc phân loại rủi ro, từ đó phân loại mối nguy về ATVSLĐ trong ngành đóng tàu biển là cần thiết.
Phân loại rủi ro ATVSLĐ (hay phân loại tổn hại có thể xảy ra) được thực hiện thông qua hồi cứu, phân tích, tổng hợp dữ liệu điều tra sự cố, TNLĐ, BNN và bệnh liên quan tới nghề nghiệp trong ngành hoặc các ngành nghề có đặc thù sản xuất tương tự. Dữ liệu hồi cứu càng tương đương (dữ liệu của chính doanh nghiệp được đánh giá, dữ liệu của các doanh nghiệp cùng ngành có công nghệ và quy mô sản xuất tương tự, …) thì danh sách phân loại càng đầy đủ, chi tiết.
Dựa trên dữ liệu TNLĐ thu thập được từ 05 công ty đóng tàu lớn tại Việt Nam trong 5 năm 2016 – 2020 cùng dữ liệu của ngành đóng tàu biển Hàn Quốc trong 10 năm 2007 – 2017, các loại tổn hại và mối nguy về ATVSLĐ trong ngành đóng tàu biển được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Phân loại rủi ro và phân loại mối nguy về ATVSLĐ trong ngành đóng tàu biển
Bảng phân loại rủi ro và phân loại mối nguy như trên có tác dụng định hướng cho hoạt động nhận diện nguy cơ trong các doanh nghiệp đóng mới tàu biển, thông qua quan sát, liệt kê trực tiếp hoặc bảng kiểm đối với một công việc, một nhóm công việc hay một bước công việc tại khu vực làm việc cụ thể.
Bảng 2 cho ví dụ về nhận diện mối nguy đối với NLĐ thực hiện công việc hàn, mài tại các khu vực làm việc: trong nhà xưởng, bãi sản xuất, trên triền đà/ cầu tàu, hoặc trên tàu.
Bảng 2: Ví dụ về nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro đối với công việc hàn, mài trong đóng tàu
Tùy theo tình hình thực tế, doanh nghiệp có thể điều chỉnh, sửa đổi, và cập nhật bảng phân loại rủi ro và phân loại mối nguy hàng năm. Tuy nhiên, với tính chất đa dạng của quá trình sản xuất, không giới hạn hoạt động đánh giá rủi ro trong bảng phân loại mà cần kết hợp với ý kiến của NLĐ trực tiếp và những người quản lý bộ phận để đảm bảo nhận diện đầy đủ các mối nguy và đánh giá chính xác rủi ro.
Kết luận
Nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro được xem là bước quan trọng nhất của chu trình đánh giá rủi ro bởi chỉ khi xác định được chính xác nguy cơ mới có thể kiểm soát chúng. Mục tiêu của nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro là phát hiện ra các mối nguy, giả định về tất cả các loại tai nạn và bệnh tật có thể xảy ra, đồng thời xác định các đối tượng bị ảnh hưởng. Trong ngành đóng tàu biển, việc xây dựng bảng phân loại rủi ro (tổn hại có thể xảy ra) và phân loại mối nguy dựa trên hồi cứu dữ liệu sự cố, TNLĐ, BNN và bệnh liên quan tới nghề nghiệp có tác dụng định hướng cho hoạt động nhận diện mối nguy và nhận diện rủi ro. Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, cần kết hợp với ý kiến của NLĐ trực tiếp, quản lý bộ phận, cũng như những cá nhân có hiểu biết cụ thể về quy trình sản xuất để đảm bảo nhận diện đầy đủ các mối nguy và đánh giá chính xác rủi ro.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Hoàng Phương (2023). Nghiên cứu giải pháp kiểm soát rủi ro an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp tại một số cơ sở đóng tàu biển góp phần giảm thiểu tai nạn và bệnh nghề nghiệp. Báo cáo tổng kết đề tài mã số CTTĐ-2021/01/TLĐ, Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động.
2. National Investigation Committee on Severe Industrial Accidents in the Shipbuilding Industry (2018). Major industrial accident in the shipbuilding industry. Accident investigation report.
Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động