Biện pháp bảo đảm an toàn trong ngành công nghiệp luyện kim

Thứ Hai, 02/12/2024, 11:32(GMT +7)

Công nghiệp luyện kim sử dụng nhiều chất dễ cháy, nổ, độc hại có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, tài sản và sức khỏe NLĐ; cần có các biện pháp ngăn ngừa bảo đảm an toàn. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả đưa ra các nguy cơ gây mất an toàn lao động (ATLĐ) trong công nghiệp luyện kim và các biện pháp giảm thiểu nguy cơ, cùng với đó là các biện pháp phòng tránh với mục đích bảo vệ NLĐ khỏi các tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật… và cải thiện ATLĐ trong khi làm việc.

Các mối nguy hiểm đặc trưng trong công nghiệp luyện kim

Các mối nguy hiểm và sức khỏe

Bị tai nạn hay bệnh tật tại nơi làm việc trong công nghiệp luyện kim phụ thuộc vào sự nhận biết nguyên lý của các mối nguy hiểm, lường trước được tai nạn nghề nghiệp.

Các nguyên nhân chính gây mất an toàn trong công nghiệp luyện kim gồm: Trượt, vấp, ngã trên đường đi; ngã từ trên cao; máy móc, thiết bị không được bảo vệ; vật rơi vào; không gian kín, hạn chế; máy móc, phương tiện, cầu trục, xe nâng, tời chuyển động; vận hành thiết bị; phơi nhiễm amiăng; hít phải các khí, bụi, hơi, khói độc; da tiếp xúc với hóa chất như acid, bazơ,… dung môi; tiếp xúc với kim loại lỏng; cháy, nổ; bức xạ (ion hóa hoặc không ion hóa); bỏng điện, điện giật; công việc lặp đi lặp lại, thủ công gây mất tập trung; thiếu sự hiểu biết về an toàn nghề nghiệp và sức khỏe; tổ chức lao động kém; kiểm tra và phòng tránh tai nạn không đầy đủ; thiếu trang bị y tế và bảo vệ xã hội.

Các mối nguy hiểm vật lý và phòng chống

Tiếng ồn: NLĐ cần nhận biết nguồn ồn, giảm tiếng ồn của nguồn gây ồn và sử dụng thiết bị bảo vệ tai; kiểm tra thính lực.

Rung: Phát hiện nguồn rung, sử dụng công cụ chống rung. Thiết bị phải tuân thủ tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định.

Nóng, lạnh: Sử dụng quần áo bảo vệ, tăng tần suất nghỉ, mở rộng không gian, uống đủ nước và chất điện giải. Cách nhiệt bề mặt hoặc giảm khả năng phát nhiệt ra bên ngoài, làm nguội bề mặt nóng, sử dụng khiên cầm tay hoặc điều khiển từ xa.

Bức xạ ion hóa: Phát hiện nguồn phát, đo mức độ phơi nhiễm. Đảm bảo phế liệu không chứa phóng xạ, nếu có phải tách khỏi phế liệu để một chỗ có ghi cảnh báo và báo nhà chức trách.

Các mối nguy hiểm hóa học và khắc phục

Hóa chất tại nơi làm việc: Hóa chất phải được bảo quản, sử dụng đúng qui định, người sử dụng phải được đào tạo. Cần phải tắm và rửa ngay nếu dính hóa chất, giặt quần áo ngay khi bị dính hóa chất.

Hít phải khí, bụi, hơi, khói độc: Trong khói bụi luyện kim thường chứa các kim loại nặng như Pb, Cr, Zn, Mn, Ni. Sử dụng biện pháp kĩ thuật xử lý các tác nhân gây hại cùng với thay thế tác nhân có hại hơn thành tác nhân ít có hại hơn. Cách ly các quá trình phát thải, xử lý bụi, khí thải. Sử dụng khẩu trang ẩm hoặc khẩu trang có chức năng ngăn bụi tốt.

Phơi nhiễm amiăng: Đảm bảo vật liệu chứa amiăng để loại bỏ, che đậy, quây kín giảm phát thải sợi amiăng ra môi trường có ghi lời cảnh báo. Nếu bị phơi nhiễm cần kiểm tra sức khỏe định kì. Khi cần phải làm việc trong môi trường phơi nhiễm thì phải có dụng cụ bảo vệ NLĐ. Thổi gió sạch vào nơi bị nhiễm, khí thải qua tấm lọc. Vật liệu chứa amiăng sợi nên được làm ẩm khi sử dụng.

Vật liệu cách nhiệt (bông thủy tinh…): Vệ sinh sau khi tiếp xúc, kiểm tra sức khỏe định kì.

Các mối nguy hiểm an toàn lao động và cách khắc phục

Không gian làm việc kín, hẹp: Đo nồng độ oxygen trước khi làm việc trong không gian kín, Có cảnh báo bên ngoài. Không sử dụng khí nén để thông gió nhân tạo, không sử dụng xi lanh khí nén trong không gian hẹp. Để vật dễ cháy ra xa, đặc biệt có cảnh báo cùng với quần áo, dụng cụ, đèn, vật liệu chống cháy và thiết bị báo cháy. Biết xử lý tình huống khẩn cấp. Người làm việc trong không gian hẹp nên được người bên ngoài giám sát chặt chẽ.

Vận hành thiết bị (điện, cơ, thủy lực…): NLĐ phải được học cách nhận biết và thực hiện các thao tác đúng quy trình như chuẩn bị tắt máy, tắt máy… Tất cả đường ống hay đường dây phải có dán mác kỹ thuật, nếu không sử dụng phải tháo ngay. Đảm bảo hệ thống điện, tủ điện an toàn.

Máy móc, thiết bị làm việc không được bảo vệ: Cố định, che đậy, buộc bất cứ khi nào cần thiết. Quy định nghiêm khi đóng mở thiết bị. Nên sử dụng khóa liên động. Người vận hành phải được đào tạo. Tắt ngay máy khi phát hiện không an toàn, hoặc không có thiết bị che đậy, bảo vệ và báo cho cấp trên. Cấm người không có nhiệm vụ đi vào trong các khu vực thao tác và điều khiển.

Cầu trục, tời: Tất cả thiết bị nâng hạ, di chuyển, vật liệu, kim loại lỏng, xỉ phải được thiết kế, xây dựng, kiểm tra, bảo dưỡng, vận hành theo đúng tiêu chuẩn. Không chở quá trọng tải thiết kế. Thiết bị nâng hạ phải có tín hiệu âm thanh hay ánh sáng để cánh báo khi vận hành. Cầu trục nâng hạ thép lỏng hay xỉ. Người vận hành thiết bị nâng hạ cần được bảo vệ khỏi chất ô nhiễm trong không khí, vật rơi, vật bay hoặc nhiệt độ cao. Dây nâng, xích phải được bảo dưỡng, không được dùng quá trọng tải thiết kế. Đường di chuyển phải thông thoáng không có vật cản trở, đặc biệt đối với vận chuyển kim loại lỏng phải không có nước trên đường đi của nó. Tốc độ di chuyển không quá tốc độ đi bộ. Nâng chậm, từ từ ko giật (không quá 20 cm/s). Cấm người không có nhiệm vụ đi vào trong các khu vực đường vận chuyển nguyên vật liệu (băng tải, đường ống dẫn…). Đường di chuyển của cầu trục, xe goòng đang hoạt động.

Vật rơi: Tránh các nơi có nguy cơ vật rơi trừ trường hợp khẩn cấp, giữ cho bất cứ nơi nào có nguy cơ vật rơi sạch sẽ. Có cảnh báo nơi nguy hiểm có vật rơi, đội mũ cứng khi cần thiết phải làm việc những nơi đó.

Ngã, trượt, vấp: Xây dựng sàn ko trơn trượt, sử dụng vật liệu không cháy trên bề mặt. Bề mặt sàn giữ sạch, không có dầu mỡ hay chất lỏng. Hố hay sàn thủng phải được cảnh báo. Sàn thao tác, lối đi có lan can, bậc thang. Sàn thao thác hay lối đi có lưới, lỗ lưới đủ nhỏ để vật rơi xuống gặp lưới không lọt xuống người bên dưới, lưới được buộc an toàn.

Làm việc thủ công (mang, vác…): Bê, vác những vật nặng ảnh hưởng đến cơ xương khớp. Sử dụng máy móc, dụng cụ hỗ trợ. Nếu cần làm thì hạn chế càng nhiều càng tốt, thay nhay thực hiện. Học cách thực hiện đúng kỹ thuật.

Biện pháp phòng tránh

Để phòng tránh tai nạn lao động trong công nghiệp gang thép, việc thực hiện các biện pháp an toàn lao động là cực kỳ quan trọng.

Huấn luyện an toàn lao động đầy đủ và thường xuyên cho tất cả nhân viên liên quan đến quá trình vận hành; bao gồm việc giáo dục về nguy cơ và biện pháp phòng tránh, cũng như cách xử lý tình huống khẩn cấp.

Kiểm tra định kỳ các thiết bị và hệ thống an toàn như hệ thống điện, hệ thống khí gas và các thiết bị bảo hộ là không thể thiếu. Bảo dưỡng định kỳ giúp phát hiện và khắc phục sự cố trước khi chúng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thiết lập và thực hiện các quy trình làm việc an toàn một cách nghiêm ngặt; bao gồm việc tuân thủ các quy định an toàn lao động, sử dụng đúng trang thiết bị bảo hộ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ. Sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân đúng cách.

Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động; bao gồm việc tuân thủ các quy trình an toàn cụ thể trong quá trình vận hành, như kiểm tra an toàn trước khi khởi động máy, tuân thủ quy trình phản ứng với tình huống khẩn cấp; không làm việc một mình khi có nguy cơ lớn.

Tổ chức và duy trì môi trường làm việc sạch sẽ; bao gồm việc giữ vệ sinh khu vực làm việc, lắp đặt biển báo cảnh báo và hướng dẫn an toàn; đảm bảo sự tiếp cận dễ dàng đến các thiết bị cứu hỏa và trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Quan trắc môi trường lao động, đo lường các yếu tố như nhiệt độ, áp suất, hàm lượng khí độc trong không khí giúp nhận biết nguy cơ và đưa ra biện pháp phòng tránh phù hợp. Việc duy trì các thiết bị hoạt động ổn định không chỉ giảm thiểu nguy cơ hỏng hóc đột ngột mà còn đảm bảo an toàn cho nhân viên làm việc gần chúng.

Biết xử lý các tình huống khẩn cấp trong từng trường hợp: NLĐ khi vào ca sản xuất và trong giờ làm việc không được uống rượu bia, các chất kích thích; trong quá trình thao tác sản xuất công nhân không đùa nghịch, ngủ gật, làm việc riêng, tự ý đóng ngắt, điều khiển các công tắc, cầu dao,… hoặc tự ý rời bỏ vị trí thao tác; khi thao tác sửa chữa hoặc bảo dưỡng máy, thiết bị hoặc lò thì phải treo biển báo, biển cấm đúng quy định an toàn và kỹ thuật.

Kết luận

Các doanh nghiệp tăng cường tự kiểm tra, đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; xây dựng, triển khai các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ; phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đầu tư cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; tổ chức huẩn luyện, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về ATVSLĐ cho NLĐ; hướng dẫn NLĐ nhận diện, đánh giá và tham gia đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ; đồng thời tuyên truyền huấn luyện và tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro và mất ATLĐ.

Tài liệu tham khảo:

  1. MEISI05-R-2005-02-0159-1-En.doc, Code of Practice on Safety and Health in the Iron and Steel Industry, Printed by the International Labour Office, Geneva, Switzerland (2005).
  2. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – QCVN 26:2010/BTNMT.
  3. Quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bức xạ ion hóa – giới hạn liều thường xuyên bức xạ ion hóa tại nơi làm việc, Thông tư số 29/2016/TT-BYT.
  4. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh – QCVN 06:2009/BTNMT
  5. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh – QCVN 05:2023/BTNMT
  6. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bụi – giá trị giới hạn tiếp xúc cho phép bụi tại nơi làm việc – QCVN 02:2019/BTNMT.

PGS.TS. Trần Thị Thu Hiền

Viện Khoa học và Kỹ thuật vật liệu, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 351 (Tháng 10/2024)