Các yếu tố rủi ro phổ biến nhất về ATVSLĐ tại nơi làm việc ở châu Âu

Thứ Tư, 12/03/2025, 05:01(GMT +7)

Mới đây, Cơ quan An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp châu Âu (EU-OSHA) đã công bố những kết quả đầu tiên của cuộc khảo sát lần thứ tư “Khảo sát doanh nghiệp châu Âu về rủi ro mới và đang nổi lên – ESENER) nhằm cung cấp những thông tin quan trọng để xác định các chính sách phòng ngừa tại nơi làm việc, nâng cao sức khỏe của người lao động và cải thiện các chiến lược quản lý rủi ro trên nhiều lĩnh vực.

Để đạt được mục tiêu này, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2024, cuộc khảo sát đã phỏng vấn các cán bộ phụ trách an toàn lao động tại 41.548 công ty có ít nhất từ 5 nhân viên trở lên, tại 30 quốc gia (EU-27, Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ) để tìm hiểu cách quản lý rủi ro, tập trung vào các rủi ro tâm lý xã hội và số hóa công việc.

Khảo sát này đã xác định các yếu tố rủi ro phổ biến nhất tại nơi làm việc ở Châu Âu liên quan đến tư thế, chuyển động lặp đi lặp lại và tiếp xúc với công chúng. 64% doanh nghiệp báo cáo các vấn đề liên quan đến công việc ít vận động, trong khi 63% cho rằng các chuyển động lặp đi lặp lại của tay hoặc cánh tay là một rủi ro. Ngoài ra, 52% số người tham gia khảo sát coi việc nâng hoặc di chuyển người hay vật nặng là một yếu tố rủi ro quan trọng.

Làm việc từ xa ngày càng trở nên phổ biến, nhưng các đánh giá rủi ro vẫn chưa đầy đủ. Tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo có nhân viên làm việc từ xa thường xuyên là 23%. Tuy nhiên, chỉ 18% doanh nghiệp có sự tham gia của người lao động trong việc xác định các quy tắc làm việc từ xa, và chỉ 8% đưa văn phòng tại nhà vào các đánh giá rủi ro của họ. Trong số các doanh nghiệp áp dụng làm việc từ xa, 48% đưa người lao động từ xa vào đánh giá an toàn.

Các rủi ro tâm lý xã hội vẫn thường bị đánh giá thấp, mặc dù chúng ngày càng trở thành mối quan tâm lớn. Các yếu tố rủi ro tâm lý xã hội phổ biến nhất được báo cáo bao gồm việc phải đối phó với khách hàng hoặc bệnh nhân khó tính (56%) và áp lực từ các thời hạn chặt chẽ (43%). Trong số các nơi làm việc báo cáo có yếu tố rủi ro tâm lý xã hội, 21% cho rằng những rủi ro này khó quản lý hơn so với các rủi ro ATVSLĐ khác. Tỷ lệ này có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, với các nước Bắc Âu như Thụy Điển (38%) và Đan Mạch (37%) đánh giá đây là thách thức lớn hơn.

Trở ngại lớn nhất trong việc giải quyết rủi ro tâm lý xã hội theo nhận định của các doanh nghiệp là sự ngại ngần trong việc thảo luận công khai về chúng (59%). Sự do dự này khiến việc thực hiện các chiến lược hiệu quả để giải quyết các vấn đề như căng thẳng, quấy rối và kiệt sức trở nên khó khăn hơn. Hỗ trợ chuyên môn cũng là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên, chỉ 21% doanh nghiệp tìm đến các nhà tâm lý học để quản lý rủi ro tâm lý xã hội. Sự khác biệt giữa các quốc gia cũng rất đáng chú ý: tại Phần Lan, 73% doanh nghiệp dựa vào các nhà tâm lý học, tiếp theo là Bỉ (48%) và Đan Mạch (47%). Điều này cho thấy sự khác biệt trong cách tiếp cận quản lý sức khỏe tinh thần giữa các quốc gia thành viên EU.

Số hóa đang thay đổi bối cảnh ATVSLĐ. Khảo sát cho thấy, 21% doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo để quản lý hoạt động (với mức trung bình của EU là 7%), trong khi 15% công ty vận tải sử dụng hệ thống để theo dõi hiệu suất và hành vi của người lao động. Trong số các doanh nghiệp sử dụng ít nhất một công nghệ kỹ thuật số tiên tiến, 35% tham vấn người lao động về tác động của chúng đối với an toàn. Ngoài ra, khảo sát cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ số trong đánh giá rủi ro tại nơi làm việc. 43% nơi làm việc đã đưa ra các đánh giá rủi ro liên quan đến việc sử dụng công nghệ số, 42% các cơ sở cung cấp đào tạo về việc sử dụng công nghệ số, phản ánh sự ảnh hưởng ngày càng tăng của số hóa đối với công việc. Khảo sát cũng nhấn mạnh các yếu tố rủi ro liên quan đến việc sử dụng công nghệ số trong công việc. Ngoài rủi ro về cơ xương khớp, các doanh nghiệp còn báo cáo tình trạng gia tăng cường độ công việc (34%), quá tải thông tin (32%) và ranh giới mờ nhạt giữa công việc và đời sống cá nhân (27%).

Sự phức tạp của quy định tiếp tục là một rào cản lớn đối với việc quản lý an toàn hiệu quả. 40% doanh nghiệp trong EU-27 báo cáo gặp khó khăn trong việc tuân thủ các quy định an toàn. Tuy nhiên, mức độ khó khăn này khác nhau đáng kể giữa các quốc gia: tại Bỉ, 58% doanh nghiệp coi sự phức tạp của quy định là một trở ngại, so với 48% ở Ý. Ngược lại, các quốc gia như Lithuania và Phần Lan báo cáo tỷ lệ thấp hơn nhiều, lần lượt là 15% và 16%.

Nhiều nơi làm việc vẫn thiếu đại diện của người lao động trong các vấn đề về sức khỏe và an toàn. 31% doanh nghiệp trong EU-27 không có bất kỳ hình thức đại diện nào của người lao động về an toàn, với tỷ lệ đặc biệt cao ở Hy Lạp (73%), Bồ Đào Nha (65%) và Latvia (65%). Trong nhiều trường hợp, đại diện an toàn được người sử dụng lao động lựa chọn trực tiếp (52% doanh nghiệp), chỉ 38% doanh nghiệp cho phép người lao động tự bầu đại diện của họ.

Cuộc khảo sát nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý các rủi ro mới nổi. Mặc dù đã có những tiến bộ trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn những rào cản đáng kể do sự phức tạp của quy định và sự thiếu tham gia tích cực của người lao động trong các quyết định về an toàn. Hơn nữa, tại nhiều quốc gia, vẫn chưa có đủ nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần tại nơi làm việc, cũng như sự hiểu biết về rủi ro tâm lý xã hội và các chiến lược để giải quyết chúng. Sự thiếu hụt kiến thức và nhận thức này khiến việc áp dụng các biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa căng thẳng, lo âu và kiệt sức trong người lao động trở nên khó khăn hơn. Do đó, điều cần thiết là phải thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức, đào tạo có mục tiêu và hỗ trợ chuyên môn để giúp các doanh nghiệp tích hợp quản lý những rủi ro này vào chính sách an toàn lao động của họ.

Xem chi tiết báo cáo tại đây (EN)

Xuân Đài

Nguồn: osha.europa.eu