Tác động của công nghệ số đến sức khỏe tinh thần của người lao động

Thứ Sáu, 06/06/2025, 09:53(GMT +7)

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đã làm thay đổi đáng kể bản chất công việc cũng như cách thức làm việc. Việc ứng dụng công nghệ số tại nơi làm việc không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất lao động mà còn tăng tính linh hoạt và tiết kiệm chi phí. Đồng thời, công nghệ số cũng góp phần cải thiện điều kiện làm việc và giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công nghệ số cũng mang đến nhiều thách thức, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động (NLĐ). Tình trạng căng thẳng kéo dài, mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cảm giác bị giám sát quá mức hay nỗi lo về sự bất ổn trong công việc là những vấn đề đáng lo ngại.

Việc hiểu rõ tác động của công nghệ số đến sức khỏe tinh thần của NLĐ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp và nhà quản lý đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Từ đó, không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của NLĐ mà còn góp phần tạo ra môi trường làm việc an toàn, duy trì năng suất và nâng cao mức độ hài lòng trong công việc.

Bài viết này sẽ thảo luận về một số nguy cơ mà công nghệ số có thể gây ra cho NLĐ và đề xuất các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, hướng tới một môi trường làm việc bền vững hơn.

Các nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ số đến sức khỏe tinh thần của NLĐ

Robot tiên tiến và trí tuệ nhân tạo AI

Robot tiên tiến và AI ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, kho vận, y tế, giáo dục, hỗ trợ khách hàng, tiếp thị và tư vấn tài chính. Những công nghệ này có thể đảm nhận các nhiệm vụ tiềm ẩn rủi ro cao đối với sức khỏe của người lao động, chẳng hạn như xử lý hóa chất độc hại, làm việc trên cao, thực hiện công việc lặp đi lặp lai, nâng vật nặng hoặc kiểm tra tại những khu vực khó tiếp cận, nơi có nguy cơ cao về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Tuy nhiên, việc triển khai robot tiên tiến và AI cũng kéo theo một số mối nguy tiềm ẩn đáng lưu ý:

– Mất an toàn việc làm: Sự phát triển của AI và tự động hóa đang tái định hình thị trường lao động, khiến nhiều người đối mặt với nguy cơ bị thay thế bởi máy móc hoặc mất ổn định công việc. Điều này có thể gây ra căng thẳng kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, mức độ hài lòng trong công việc và động lực làm việc của NLĐ.

– Thiếu kiểm soát công việc: Robot hoạt động theo quy trình tự động, hạn chế sự chủ động của con người trong công việc. Việc tăng cường làm việc với robot cũng có thể làm giảm đáng kể sự tương tác giữa đồng nghiệp và cảm giác gắn kết với tổ chức, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của NLĐ.

– Quá tải nhận thức: Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đòi hỏi NLĐ phải liên tục cập nhật và học hỏi các kỹ năng mới để thích nghi, gây quá tải nhận thức. Đồng thời, họ phải duy trì tốc độ làm việc ngang bằng với một robot thông minh, dẫn đến áp lực lớn về hiệu suất. Điều này không chỉ làm gia tăng căng thẳng mà còn làm giảm mức độ hài lòng trong công việc.

Hệ thống kỹ thuật số thông minh

Hệ thống kỹ thuật số thông minh, bao gồm các thiết bị dựa trên cảm biến, Internet vạn vật (IoT), thiết bị đeo, công nghệ không dây, thực tế tăng cường và thực tế ảo (AR/VR), phần mềm giám sát năng suất, phân tích dữ liệu và tự động hóa quy trình. Những công nghệ này có thể giúp ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại đối với người lao động, cải thiện việc tuân thủ ATVSLĐ, hỗ trợ ra các quyết định hiệu quả và có thể cung cấp nhiều cơ hội đào tạo hơn trong môi trường ảo.

Tuy nhiên, mặc dù được thiết kế để nâng cao an toàn, các hệ thống kỹ thuật số thông minh cũng có thể gây ra một số nguy cơ cho NLĐ, bao gồm:

– Giám sát quá mức: Các hệ thống này thường thu thập dữ liệu cá nhân như vị trí, mức độ hoạt động và thậm chí là dữ liệu sinh lý. Điều này có thể khiến NLĐ cảm thấy bị theo dõi liên tục, làm tăng mức độ căng thẳng và giảm sự thoải mái trong công việc.

– Mất quyền kiểm soát: Việc các hệ thống tự động thiết lập tốc độ và phương pháp làm việc có thể khiến NLĐ cảm thấy bị hạn chế trong việc kiểm soát quy trình công việc của mình. Điều này có thể dẫn đến cảm giác thất vọng, lo lắng và giảm động lực làm việc.

– Áp lực hiệu suất: Hệ thống giám sát thời gian thực và phân tích dữ liệu để đo lường năng suất có thể tạo ra áp lực buộc NLĐ phải duy trì hiệu suất cao liên tục. Áp lực về thời gian và khối lượng công việc gia tăng có thể dẫn đến kiệt sức và tăng mức độ stress.

Công việc nền tảng số

Công việc nền tảng số được định nghĩa là công việc “… được thực hiện thông qua một công cụ trực tuyến hoặc ứng dụng kết nối cung và cầu lao động, thường dựa trên thuật toán” (Sổ tay UNECE về các hình thức việc làm, 2022). Công việc nền tảng số mang lại những lợi ích như tính chủ động cao hơn, thời gian làm việc linh hoạt và khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, công việc nền tảng số cũng đi kèm với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề quản lý bằng thuật toán và các thỏa thuận lao động không theo tiêu chuẩn có thể dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn sau:

– Công việc không ổn định: Do không có mối quan hệ lao động rõ ràng và hợp đồng làm việc không theo tiêu chuẩn, NLĐ trên nền tảng số thường phải đối mặt với tình trạng việc làm bấp bênh và thu nhập không ổn định. Điều này gây áp lực tài chính, dẫn đến gây căng thẳng và lo âu kéo dài.

– Áp lực công việc: Các nền tảng số sử dụng thuật toán để phân công, giám sát và đánh giá công việc của NLĐ. Hiệu suất làm việc được theo dõi liên tục dựa trên các dữ liệu thu thập, chẳng hạn như dữ liệu về sự phản hồi của khách hàng, tốc độ hoặc độ chính xác của việc thực hiện nhiệm vụ… Đồng thời, sự cạnh tranh gay gắt giữa những NLĐ trên nền tảng buộc họ phải duy trì hiệu suất cao liên tục, làm tăng nguy cơ kiệt sức và căng thẳng.

– Thiếu sự gắn kết: NLĐ trên nền tảng có ít hoặc không có sự kết nối với đồng nghiệp hay tổ chức, dẫn đến cảm giác cô lập khi làm việc. Sự thiếu gắn kết này là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng đáng kể, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của NLĐ nền tảng.

Làm việc từ xa

Làm việc từ xa đã trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt sau đại dịch COVID-19. Hình thức này mang lại nhiều lợi ích cho NLĐ, bao gồm sự linh hoạt, năng suất cao hơn, quyền tự chủ lớn hơn và giảm căng thẳng khi di chuyển. Ngoài ra, nó còn giúp quản lý sức khỏe và tình trạng mệt mỏi tốt hơn.

Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ làm việc từ xa cũng có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của NLĐ, bao gồm:

– Mất ranh giới giữa công việc và cuộc sống: Làm việc tại nhà khiến người lao động khó phân định rõ thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi. Áp lực phải liên tục kết nối và trả lời email nhanh chóng có thể kéo dài thời gian làm việc đến buổi tối hoặc cuối tuần, dẫn đến stress, căng thẳng và mệt mỏi.

– Cô lập xã hội: Một trong những nhược điểm lớn nhất của làm việc từ xa là thiếu sự tương tác trực tiếp với đồng nghiệp. Điều này có thể gây cảm giác cô đơn, mất kết nối và nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, làm gia tăng nguy cơ trầm cảm và lo âu.

– Thiếu sự hỗ trợ: Người làm việc từ xa không thể nhận được sự hỗ trợ hoặc hướng dẫn kịp thời từ đồng nghiệp và quản lý, khiến việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công việc trở nên khó khăn hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc và gia tăng mức độ căng thẳng, lo lắng.

Một số biện pháp giảm thiểu nguy cơ do công nghệ số gây ra

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của công nghệ số đối với sức khỏe tinh thần của NLĐ, các tổ chức và nhà quản lý có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Cung cấp đào tạo và hỗ trợ: Cung cấp đạo tạo toàn diện và hỗ trợ liên tục để giúp NLĐ thích nghi với các công nghệ và quy trình làm việc mới. Điều này không chỉ cải thiện kỹ năng mà còn tăng cường sự tự tin, giảm đáng kể căng thẳng liên quan đến nguy cơ mất việc do tự động hóa.

– Giao tiếp rõ ràng và cởi mở: Truyền đạt rõ ràng về kế hoạch triển khai công nghệ số tại nơi làm việc, bao gồm các thay đổi trong quy trình, tác động tiềm tàng đến NLĐ và các biện pháp đảm bảo an toàn. Một môi trường giao tiếp cởi mở giúp giảm bớt lo lắng và tăng cường lòng tin giữa NLĐ và tổ chức.

– Chính sách bảo mật và quyền riêng tư: Xây dựng và thực thi các chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm quyền riêng tư của NLĐ. Cần xác định rõ phạm vi giám sát, tránh xâm phạm những hoạt động không liên quan đến công việc để tạo cảm giác an toàn và thoải mái hơn.

– Khuyến khích sự tham gia của NLĐ: Cho phép NLĐ tham gia vào quá trình ra quyết định khi lựa chọn và triển khai công nghệ mới. Việc tạo cơ hội để họ đóng góp ý kiến và phản hồi giúp nâng cao sự gắn kết, giảm bớt lo ngại về việc làm và tăng cường lòng tin vào tổ chức.

– Giám sát có đạo đức: Sử dụng công nghệ số một cách minh bạch, chỉ thu thập dữ liệu cần thiết để đánh giá hiệu suất và năng suất, tránh giám sát quá mức hoặc xâm phạm quyền riêng tư của NLĐ.

– Cải tiến liên tục: Thường xuyên đánh giá tác động của công nghệ số để đảm bảo phân bổ công việc công bằng, tránh tình trạng quá tải nhận thức hoặc áp lực quá mức đối với NLD. Đồng thời, cần linh hoạt điều chỉnh công việc để giúp NLĐ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Công nghệ số đang thay đổi sâu sắc môi trường làm việc, mang lại nhiều cơ hội để cải thiện an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, công nghệ cũng gây ra một số nguy cơ cho NLĐ. Việc nhận diện và giảm thiểu những mối nguy này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần của NLĐ mà còn góp phần xây dựng một môi trường làm việc bền vững, hiệu quả hơn.

Tài liệu tham khảo:

1. European Agency for Safety and Health at Work (2024). Digital technologies at work and psychosocial risks: evidence and implications for occupational safety and health. https://osha.europa.eu/sites/default/files/documents/Digitalisation-and-PSR_EN.pdf.

2. Eurofound (2021). Telework and ICT-based mobile work: Flexible working in the digital age. https://www.eurofound.europa.eu/system/files/2020-01/ef19032en1.pdf.

3. Frey, C. B., & Osborne, M. A. (2017). The future of employment: How susceptible are jobs to computerization?. https://doi.org/10.1016/j.techfore.2016.08.019.

4. Wood, A. J., Graham, M., Lehdonvirta, V., & Hjorth, I. (2019). Good gig, bad gig: Autonomy and algorithmic control in platform work. https://doi.org/10.1177/0950017018785616.

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động