Cải thiện chất lượng không khí trong các cơ sở sản xuất

Thứ Tư, 19/02/2025, 09:39(GMT +7)

Trong bối cảnh công nghiệp hóa, môi trường làm việc tại các nhà máy thường phải đối mặt với những thách thức liên quan đến ô nhiễm không khí. Chất lượng không khí kém tại nơi làm việc có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe, sự an toàn của con người cũng như làm giảm năng suất làm việc. Đó là lý do tại sao các nhà máy, nơi làm việc và cơ sở công nghiệp luôn phải thực hiện các biện pháp chủ động để cải thiện và duy trì chất lượng không khí. Bài viết này giới thiệu một số biện pháp để đảm bảo chất lượng không khí và tầm quan trọng của việc quan trắc môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất (CSSX) công nghiệp.

1. Ô nhiễm không khí trong sản xuất công nghiệp và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động

Ô nhiễm không khí trong nhà máy liên quan đến sự tồn tại của các chất độc hại và chất gây ô nhiễm trong không khí bên trong nhà máy hay các cơ sở sản xuất. Việc phát thải các chất ô nhiễm vào không khí phát sinh chính từ các hoạt động sản xuất, chế biến bao gồm việc sử dụng máy móc, các nguồn năng lượng và hóa chất. Các khí thải này bắt nguồn từ các quy trình như đốt cháy, phản ứng hóa học và xử lý các chất nguy hại. Từ đó, một loạt các chất gây ô nhiễm khác nhau được thải vào không khí vùng làm việc, góp phần làm giảm chất lượng không khí trong nhà.

 Các loại chất gây ô nhiễm có trong không khí trong nhà máy có thể khác nhau tùy thuộc vào ngành công nghiệp và quy trình sản xuất cụ thể. Các chất gây ô nhiễm phổ biến bao gồm các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), chất dạng hạt (PM), lưu huỳnh dioxit (SO2), nitơ oxit (NOx), cacbon monoxit (CO) và nhiều loại khói, hơi và khí hóa học khác nhau [1]:

– Chất dạng hạt (PM): Bắt nguồn chủ yếu từ các quy trình như nghiền, cắt hoặc xử lý vật liệu tạo ra các hạt mịn phân tán trong không khí.

 – Hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC): Các dung môi, sơn, chất kết dính và chất tẩy rửa được sử dụng trong công nghiệp thường chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs).

– Khói, hơi và khí hóa học: phát sinh từ các công đoạn sản xuất liên quan đến hóa chất, chẳng hạn như tinh chế kim loại, hàn vật liệu hoặc sản xuất hóa chất, thải ra khói và khí độc hại.

Ô nhiễm không khí trong nhà máy gây ra nhiều tác động xấu đến sức khỏe người lao động. Tùy thuộc vào bản chất của các chất ô nhiễm, nồng độ của chúng và bản chất của quá trình tiếp xúc, tác động đến sức khỏe con người có thể ở các mức khác nhau. Người lao động tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian ngắn có thể gặp phải những tác động như kích ứng mắt, mũi, da và họng, cùng với mệt mỏi,  đau đầu và viêm phổi [1]. Nếu tiếp xúc với các chất độc hại trong thời gian dài có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như suy giảm hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến gan, lá lách, máu, ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản, gây ra các bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, một số chất còn có thể gây ung thư cho con người [2-4]. Vì vậy, việc duy trì môi trường không khí trong sạch là cách thức giúp bảo vệ sức khỏe và tăng cường an toàn lao động, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

2. Tầm quan trọng của quan trắc môi trường lao động

Để có thể đánh giá đúng hiện trạng chất lượng không khí, cũng như phát hiện những mối nguy hại phát sinh, các nhà máy cần thực hiện quan trắc môi trường lao động. Quan trắc môi trường nơi làm việc bao gồm việc đo lường, kiểm tra và đánh giá các yếu tố khác nhau trong môi trường làm việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn và năng suất của người lao động. Mục tiêu của việc giám sát môi trường nơi làm việc là tạo ra một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh và bền vững, đảm bảo rằng công ty tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn hiện hành. Sau đây là một số yếu tố mà các công ty có thể thực hiện quan trắc môi trường lao động [5]:

Quan trắc hàm lượng khói, bụi: để phát hiện ô nhiễm không khí tiềm ẩn bao gồm việc đo mức độ bụi, hơi và khói độc hại.

Quan trắc mức độ tiếp xúc của nhân viên với hóa chất tại nơi làm việc: Bao gồm giám sát mức độ tiếp xúc của nhân viên với hóa chất nguy hiểm, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, … trong quá trình sản xuất hoặc các nhiệm vụ cụ thể, bao gồm cả việc giám sát việc lưu trữ, sử dụng và thải bỏ hóa chất.

Ngoài ra, cũng cần quan trắc một số yếu tố vật lý có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động như:

Nhiệt độ, độ ẩm: Theo dõi nhiệt độ và độ ẩm để đảm bảo chúng nằm trong phạm vi tối ưu cho sự thoải mái của nhân viên và ngăn ngừa sự phát triển của nấm mốc hoặc vi khuẩn.

Tốc độ chuyển động không khí: Chuyển động của không khí có ý nghĩa vệ sinh quan trọng là làm sạch không khí trong phòng và loại bỏ các chất ô nhiễm (bụi, hơi khí, vi khuẩn…).

Các yếu tố như tiếng ồn, ánh sáng, độ rung,…: Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, dẫn tới bị các bệnh nghề nghiệp và làm giảm năng suất lao động.

Dựa trên kết quả quan trắc, các bước hành động thích hợp sẽ được thực hiện để giải quyết mọi vấn đề hoặc mối quan tâm đã xác định. Quan trắc môi trường lao động thường xuyên cũng cho phép cải tiến liên tục, vì có thể xác định các xu hướng và mô hình và có thể thực hiện các biện pháp chủ động để ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng phát sinh.

Quan trắc môi trường lao động tại các cơ sở sản xuất. (Ảnh: Trạm Quan trắc và Phân tích MTLĐ)

3. Một số biện pháp cải thiện chất lượng không khí trong các cơ sở sản xuất công nghiệp

Sau khi đánh giá chất lượng không khí tại nơi làm việc, cần thực hiện các bước để cải thiện chất lượng không khí, sau đó điều chỉnh, duy trì và quản lý hiệu quả. Sau đây là một số phương pháp hiệu quả và thiết yếu nhấtcó thể cải thiện chất lượng không khí công nghiệp:

1. Lắp đặt hệ thống thông gió: Việc lắp đặt hệ thống thông gió ( thông gió công nghiệp hoặc thương mại) phù hợp sẽ giúp đảm bảo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, đồng thời giúp tuân thủ các quy định. Một hệ thống thông gió công nghiệp được lắp đặt đúng cách và thiết kế tốt có thể loại bỏ có hiệu quả hầu hết các chất gây ô nhiễm trong không khí. Ngoài ra, hệ thống thông gió sẽ cung cấp và thúc đẩy quá trình lưu thông không khí trong lành trong môi trường làm việc. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của môi trường làm việc, có thể lựa chọn các giải pháp: thông gió tự nhiên, thông gió cơ khí hoặc kết hợp cả hai.

2. Kiểm soát khí thải bằng cách sử dụng tủ hốt và hệ thống gom khói bụi: Trong khi hệ thống thông gió nói chung giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí trong môi trường công nghiệp thì biện pháp chủ động hơn là kiểm soát khí thải ngay tại nguồn:

– Tủ hốt khí độc. Trong một số môi trường công nghiệp cần phải có thiết bị tủ hốt khí độc để giúp khử độc không khí ngay tại nguồn phát sinh và giúp người lao động an toàn với các vật liệu, hóa chất nguy hiểm.

– Hệ thống thu gom bụi và khói đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực, công đoạn sản xuất như thu gom khí thải từ hàn, chà nhám, mài và phun. Nguyên lý làm việc của hệ thống là thu bắt triệt để chất ô nhiễm tại nguồn sau đó dẫn chúng qua một loạt các bộ lọc kín. Sau khi được làm sạch, không khí sẽ được thải ra ngoài trời hoặc tuần hoàn trở lại sau khi đạt được tiêu chuẩn cho phép. Các thiết bị lọc bụi,  xử lý oxit nitơ, lưu huỳnh và các khí VOC giúp giảm đáng kể các chất gây ô nhiễm trong không khí.

3. Lắp đặt hệ thống lọc và làm sạch không khí: Hệ thống lọc không khí công nghiệp cải thiện chất lượng không khí bằng cách lọc không khí vào hoặc ra khỏi cơ sở sản xuất. Các chất gây ô nhiễm được lọc ở dạng hạt, mùi, VOC, oxit nitơ, lưu huỳnh dioxit, sương dầu hay khói kim loại. Hệ thống lọc không khí công nghiệp là một phần quan trọng của sản xuất công nghiệp với nhiều vai trò, gồm cải thiện chất lượng không khí, giảm tác động xấu đến môi trường, cải thiện sức khỏe và sự an toàn của công nhân, đảm bảo thiết bị và máy móc hoạt động phù hợp.

4. Áp dụng phương pháp sản xuất sạch hơn: Đây là một bước quan trọng hướng tới việc tạo ra một môi trường sạch và bền vững hơn, chẳng hạn như sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tối ưu hóa mức tiêu thụ năng lượng, giúp giảm thiểu phát sinh ô nhiễm ngay từ nguồn.

5. Kiểm tra, bảo trì các hệ thống và thiết bị: Nếu đã lắp đặt tất cả các hệ thống và thiết bị trên, bạn sẽ có được chất lượng không khí tốt. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiểm tra hệ thống và thiết bị cải thiện không khí thường xuyên và bảo trì chúng định kì. Bảo dưỡng định kỳ đảm bảo tuổi thọ cho thiết bị, đảm bảo chất lượng không khí, tăng cường sự an toàn cho người lao động.

6. Đào tạo người lao động về ý thức bảo vệ môi trường: Cung cấp kiến thức và hướng dẫn sử dụng đúng cách các thiết bị, đồ bảo hộ là biện pháp giúp người lao động có khả năng tự bảo vệ và góp phần duy trì môi trường làm việc trong lành.

Kết luận

Duy trì chất lượng không khí trong môi trường làm việc là điều cần thiết để đảm bảo an toàn, sức khỏe và năng suất của người lao động. Việc lắp đặt hệ thống thông gió, lọc khí hay áp dụng các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường sẽ góp phần giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí trong nhà máy. Ngoài ra, quan trắc môi trường lao động thường xuyên giúp phát hiện và ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn, ảnh hưởng đến môi trường làm việc và sức khỏe con người.

Tài liệu tham khảo

1. Vasi, M. What is Indoor Factory Air Pollution? – Sources, Effects and Control, Truy cập 115/11/2024 từ : https://blowerfab.com/2023/06/30/indoor-factory-air-pollution-sources-effects-control/.

2. Tatyana G. Krupnova, Alga V.Rakova (2021), “Elemental Composition of PM2.5 and PM10 and Health Risks Assessment in the Industrial Districts of Chelyabinsk, South Ural Region, Russia”, Int J Environ Res Public Health. 18(23): p. 12354.

3. University of IIIinois Urbana Champaign, Health Effects Of Chemical Exposure; Truy cập: 12/11/2024, từ https://drs.illinois.edu/Page/SafetyLibrary/HealthEffectsOfChemicalExposure.

4. United States Environmental Protection Agency,  Health and Environmental Effects of Particulate Matter (PM).  Truy cập: 15/11/2024, từ https://www.epa.gov/pm-pollution/health-and-environmental-effects-particulate-matter-pm.

5. Workplace Environmental Monitoring as CSR. Truy cập 30/10/2024 từ: https://www.sucofindo.co.id/en/articles/workplace-environmental-monitoring-as-csr/.

Nguyễn Hoàng Hiệp

Trạm Quan trắc và Phân tích Môi trường lao động, Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động

Tạp chí Khoa học An toàn – Sức Khỏe & Môi trường lao động, số 4/2024