Đảm bảo an toàn cho người lao động đơn độc bằng công nghệ

Thứ Tư, 13/11/2024, 03:29(GMT +7)

Trong môi trường làm việc năng động ngày nay, ngày càng có nhiều nhân viên thấy mình làm việc một mình. Điều này có thể do tính chất công việc, sự sắp xếp công việc linh hoạt hoặc thậm chí là các tình huống bất ngờ. Cho dù đó là nhân viên bảo vệ tuần tra ca đêm, tài xế giao hàng đến các địa điểm xa xôi hay nhân viên bảo trì tiến hành sửa chữa ngoài tầm nhìn của đồng nghiệp, làm việc một mình đặt ra một loạt thách thức độc đáo về an toàn.

Mặc dù làm việc độc lập có thể mang lại sự tự chủ, hiệu quả và linh hoạt nhưng điều đó cũng có nghĩa là không có ai sẵn sàng hỗ trợ trong những trường hợp khẩn cấp. May mắn thay, công nghệ đã cung cấp nhiều giải pháp để giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc làm việc một mình. Dưới đây là một số mối nguy bị bỏ qua khi làm việc một mình và các giải pháp khác nhau nhằm tăng cường sự an toàn cho người lao động đơn độc.

Hiểu về rủi ro khi làm việc một mình

Đối với người sử dụng lao động, việc bảo vệ người lao động đơn độc thường bao gồm việc cung cấp thiết bị và đồ bảo hộ an toàn phù hợp, chẳng hạn như thiết bị bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời và nhiệt, thiết bị có khả năng hiển thị cao, thiết bị giám sát khí và hệ thống phòng ngừa té ngã. Mặc dù các thiết bị này bảo vệ người lao động khỏi những mối nguy nghề nghiệp đã biết như điều kiện môi trường, các khí độc và làm việc trên cao, nhưng các biện pháp an toàn này thường không hiệu quả khi gặp những tình huống không lường trước được, bao gồm:

– Các trường hợp khẩn cấp về y tế: Trong trường hợp khẩn cấp về y tế, chẳng hạn như đau tim hoặc chấn thương nghiêm trọng, việc không có đồng nghiệp ở gần khiến việc sơ cứu quan trọng gần như chắc chắn bị chậm trễ.

– Bạo lực và hành hung: người lao động làm việc một mình, đặc biệt là những người làm công việc tiếp xúc với công chúng như nhân viên an ninh hoặc những người xử lý tiền dễ bị tấn công và đụng độ bạo lực hơn.

– Căng thẳng tâm lý: Sự cô lập và thiếu tương tác xã hội vốn có trong công việc đơn độc có thể gây ra cảm giác căng thẳng, lo lắng hoặc cô đơn. Những trạng thái tâm lý này có thể tác động tiêu cực đến khả năng phán đoán và sức khỏe tổng thể của người lao động.

Tất nhiên, tai nạn và thương tích, chẳng hạn như ngã, trượt, sự cố máy móc, hoặc tiếp xúc với các vật liệu nguy hiểm luôn là mối lo ngại đối với người lao động làm việc một mình. Ngay cả khi có thiết bị an toàn phù hợp, đồng nghiệp của họ cũng mất một thời gian để ứng phó nếu có sự cố xảy ra.

Bảo vệ người lao động đơn độc với sự quan tâm cần thiết

Để giảm thiểu những rủi ro này, các công ty phải thiết lập các giao thức an toàn toàn diện phù hợp với nhu cầu của người lao động đơn độc. Sau đây là một số biện pháp bảo vệ thiết yếu cần thực hiện:

Đánh giá rủi ro

Thực hiện đánh giá rủi ro toàn diện để nhận diện các mối nguy tiềm ẩn cụ thể đối với người lao động đơn độc. Cơ quan quản lý An toàn và Sức khỏe nghề nghiệp Hoa Kỳ (OSHA) định nghĩa người lao động đơn độc là “người lao động làm việc một mình, chẳng hạn như trong không gian hạn chế hoặc địa điểm biệt lập”. Tuy nhiên, rất dễ bỏ qua những nhân viên ở lại một mình khi đồng nghiệp nghỉ giải lao hoặc những nhân viên làm việc một mình ở những khu vực đông dân cư.

Khi thực hiện đánh giá rủi ro đối với người lao động đơn độc, hãy đánh giá bản chất của công việc, môi trường và tình trạng sức khỏe của người lao động.

Quy trình làm việc an toàn

Thiết lập các quy trình làm việc chi tiết và rõ ràng đối với các công việc phải thực hiện một mình, bao gồm việc sử dụng các thiết bị phù hợp, các giao thức an toàn cho các nhiệm vụ cụ thể và quy trình ứng phó khẩn cấp. Sau đây là một số ví dụ:

Đạo tạo và làm quen với thiết bị: Đảm bảo toàn bộ người lao động làm việc một mình đều được huấn luyện đầy đủ để sử dụng các thiết bị mà họ sẽ vận hành. Bao gồm phương tiện bảo vệ cá nhân và các thiết bị chuyên dụng khác.

Hướng dẫn cụ thể về nhiệm vụ: Xây dựng các hướng dẫn chi tiết cho tất cả nhiệm vụ mà người lao động đơn độc có khả năng thực hiện. Điều này nên bao gồm hướng dẫn từng bước, các mối nguy tiềm ẩn liên quan đến mỗi một nhiệm vụ và biện pháp để giảm thiểu các mối nguy đó.

Vai trò của người giám sát và người quan sát: Xác định rõ vai trò và trách nhiệm của người giám sát và người quan sát từ xa trong trường hợp khẩn cấp. Họ phải được đào tạo để cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức, hợp tác với các dịch vụ khẩn cấp và đảm bảo rằng tất cả người lao động đơn độc đều được tính đến trong quá trình sơ tán và cứu hộ.

Xem xét các quy trình một cách thường xuyên, khuyến khích sự phản hồi từ người lao động đơn độc để kết hợp với thực tế tại hiện trường và các mối nguy nghề nghiệp tiềm ẩn.

Các giao thức truyền thông

Triển khai các giao thức truyền thông, chẳng hạn như kiểm tra theo lịch trình qua điện thoại, tin nhắn hoặc các ứng dụng giám sát chuyên biệt để đảm bảo người lao động đơn độc luôn được tính đến. Các hướng dẫn này nên thiết lập khoảng thời gian kiểm tra cụ thể dựa trên mức độ rủi ro của nhiệm vụ và môi trường. Nó cũng nên bao gồm các quy trình không phản hồi, chẳng hạn như tăng cường việc nỗ lực kiểm tra hoặc điều động đồng nghiệp đến vị trí của người lao động đơn độc.

Bảo vệ người lao động bằng công nghệ

Với sự phong phú của các thiết bị và ứng dụng sẵn có, công nghệ dành cho người lao động đơn độc có thể đơn giản hoặc phức tạp tùy thuộc vào bản chất của công việc và nguồn lực của người sử dụng lao động. Ví dụ, các ứng dụng di động được thiết kế để đảm bảo sự an toàn của người lao động đơn độc cung cấp các tính năng như nhắc nhở kiểm tra, nút báo động và còi báo khi có người ngã. Một số công nghệ cũng được tích hợp vào các thiết bị khác, chẳng hạn như thiết bị giám sát khí cá nhân tiên tiến, tự động thông báo cho nhân viên giám sát nếu người lao động không di chuyển trong một khoảng thời gian được xác định trước.

Sau đây là một số thiết bị không dây khác cần xem xét:

– Thiết bị theo dõi GPS: Các thiết bị này cho phép bạn giám sát vị trí của người lao động đơn độc theo thời gian thực, cho phép phản ứng nhanh hơn với các trường hợp khẩn cấp.

– Bộ đàm hai chiều: Phương thức truyền thông đáng tin cậy là điều cần thiết cho người lao động đơn độc. Bộ đàm hai chiều đảm bảo người lao động có thể gọi hỗ trợ hoặc báo cáo sự cố mà không phải phụ thuộc vào hệ thống mạng di động.

– Công nghệ đeo được: Đồng hồ thông minh và các thiết bị đeo được khác có tính năng theo dõi sức khỏe có thể theo dõi những dấu hiệu quan trọng và phát hiện sự bất thường. Chúng có thể tự động cảnh báo cho người giám sát nếu số liệu sức khỏe người lao động lệch khỏi mức tiêu chuẩn. Một số thiết bị cũng có tính năng SOS, cho phép người lao động gửi tín hiệu nguy hiểm chỉ với một nút bấm.

Để các công nghệ hoạt động hiệu quả thì các thiết bị này cần được bảo trì đúng cách để hoạt động như mong đợi. Nếu một thiết bị bị hỏng hoặc dừng ghi thông tin, người lao động đơn độc sẽ không thể dựa vào mạng lưới an toàn bổ sung này. Yêu cầu kiểm tra trước ca làm việc để đảm bảo các thiết bị an toàn này hoạt động bình thường trước khi ra ngoài làm việc.

Một số người lao động có thể cho rằng các công nghệ này là xâm phạm quyền riêng tư. Việc tổ chức các buổi huấn luyện an toàn sẽ giải quyết các mối lo ngại về quyền riêng tư và giúp đào tạo người lao động về cách các thiết bị này bảo vệ họ khỏi các mối nguy tiềm ẩn và các tình huống không lường trước được.

Biên dịch: Xuân Đài

Nguồn: ishn.com