Phát hiện khuyết tật và biện pháp khắc phục đảm bảo an toàn thiết bị nâng – Phần 1: Các bộ phận cơ khí

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:01(GMT +7)

1. Phanh

a. Phát hiện các khuyết tật

– Cần phải thay các tang phanh có các khuyết tật sau: Có vết nứt trên vành và trên ổ; Mối lắp ghép giữa tang phanh và trục bị lỏng.

– Độ đảo của tang phanh xảy ra do mòn lệch không được vượt quá 0,005D đối với phanh hành trình dài và 0,002D đối với phanh hành trình ngăn (D – đường kính tang phanh).

– Bề mặt làm việc của tang phanh đã được tôi với chiều sâu lớn hơn 4mm, do vậy nếu bề mặt ấy bị mòn quá 2,5mm thì bắt buộc phải phục hồi (hàn đắp, tiện, mài, sau đó tôi mặt ngoài). Những tang phanh mà bề dày của vành tang đã mòn quá 50% so với kích thước ban đầu thì phải loại bỏ.

– Các guốc phanh, trong lúc sửa chữa cần phải thay thế nếu như: Mòn đều (khi bề dày của chúng đã giám quá 1/2 so với bề dày ban đầu); Mòn không đều (khi bề dày của chúng ở phần giữa đã giảm quá 1/2 và ở phần bên đã giảm quá 1/3 bề dày ban đầu.); Cần phải thay các guốc phanh và đai phanh có các vết nứt ngang trên thân.

– Các trục và các chốt của phanh đã bị mòn quá 5% đường kính ban đầu và có độ ô van lớn hơn 0,5mm thì phải thay thế.

– Các lỗ trên các thanh truyền đã bị mòn quá 15% đường kính ban đầu cần phải sửa chữa còn các chi tiết lồng vào các lỗ đó (như trục chốt) thì phải thay mới.

– Những lò xo phanh có biến dạng dư cần phải thay mới.

– Khi phục hồi các khớp bản lề, bề mặt ngoài của các chốt cần phải tiến hành mài và tôi bề mặt.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Bề mặt làm việc của tang phanh sau khi sửa chữa phải đạt độ bóng cấp 7. Độ cứng
bề mặt của tang phanh bằng thép sau khi nhiệt luyện cần đạt HRC 45 với độ sâu không nhỏ hơn 4mm.

– Trên các bền mặt ma sát của phanh không cho phép tồn tại các vết xước, vết lồi lõm. Để khắc phục các vết này cho phép dùng hàn đắp bằng kim loại mềm hơn kim loại của tang phanh, sau đó gia công cơ và nhiệt luyệt đạt yêu cầu trên. Chỉ cho phép hàn các vết nứt ở các tang phanh bằng thép.

– Độ áp khít của các guốc phanh vào tang phanh không được nhỏ hơn 75% diện tích bề mặt tiếp xúc. Hành trình chết của các thanh truyền phanh được nối với ngàm của nam châm điện không được vượt quá 10% hành trình của nam châm điện. Đầu đinh tán trên các vành má phanh phải chìm sâu 24% so với bề dày của má phanh. Khe hở giữa các guốc phanh hoặc đia phanh với bề mặt làm việc của tang phanh ở trạng thài nhả phanh cần phải lớn hơn 0,25mm và không được vượt quá 1,25mm (đối với phanh đai) và không lớn hơn 1,0mm đối với phanh guốc.

2. Khớp nối trục

a. Phát hiện các khuyết tật

– Mối lắp ghép của các bán khớp lên trục bị lỏng hoặc có độ xê dịch dọc trục của chúng.

– Số bu lông chốt không đủ, mối lắp ghép của các chốt trong các ổ của các khớp ống chốt bị lỏng.

– Xuất hiện các vết nứt trên mặt bích.

– Đối với các khớp nối kiển vấu thì vấu đã bị mòn quá 30% so với bề dày ban đầu.

– Các tấm đệm của các khớp nối bánh răng bị hở.

– Tổng khe hở đường kính giữa lỗ và ống lót hoặc giữa ống lót và chốt không được lớn hơn 0,1 D (D- đường kính lỗ của bán khớp).

– Các vòng lót chất dẻo bị rộp phải vứt bỏ.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Đối với các khớp nối kiểu ống: chốt có đĩa trung gian độ xê dịch tương đối của các trục được đo tại 4 điểm đối xứng qua tâm không được vượt quá 0,3mm. Khi sửa chữa, việc nối các khớp nối bắt buộc phải tiến hành theo đường kính vạch chuẩn để bảo đảm độ đồng tâm của các trục.

– Các vòng đệm chất dẻo, nếu làm việc theo một chiều chưa nhiều, cho phép được sử dụng lại nhưng khi lắp phải quay đi 1800.

– Không cho phép lắp thêm các ống lót giữa trục và lỗ của moay ở của bán trục cũng như dùng nêm để làm tăng thêm độ chặt của mối lắp ghép ấy.

– Đối với các khớp nối kiểu vấu cho phép: Dũa lại các vấu nếu độ mòn chưa quá 10% bề dày ban đầu; Hàn đắp các vấu nếu độ mòn quá 10% nhưng còn nhỏ hơn 30% bề dày ban đầu.

3. Ròng rọc

a. Phát hiện các khuyết tật

Cần phải thay các ròng rọc có những khuyết tật sau:

– Bề dày thành rãnh cáp giảm 15-20% so với bề dày ban đầu.

– Độ mòn của bề mặt rãnh cáp theo trục của ròng rọc vượt quá 25% đường kính cáp.

– Xuất hiện các vết nứt ở moay ơ hoặc trên vành rãnh cáp.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Cho phép tiện lại các ròng rọc theo rãnh cáp trong giới hạn 30% so với bề dày của vành tại vị trí đáy rãnh. Việc kiểm tra các rãnh tiện lại được tiến hành bằng mẫu tương ứng với mặt cắt danh nghĩa của rãnh. Độ hở cho phép giữa đường mẫu và mặt cắt của rãnh không được quá 0,5mm.

– Những ròng rọc dù chế tạo mới hay sửa chữa lại đều phải tiến hành cân bằng tĩnh (trừ trường hợp có vận tốc quay nhỏ hơn 1m/giây).

– Cho phép hàn đắp các vết lõm, vết xước có đường kính không quá 8mm trên bề mặt lòng rãnh và sau đó gia công cơ khí lại. Không cho phép hàn các loại ròng rọc làm bằng gang.

4. Tang cuốn cáp

a. Phát hiện các khuyết tật

Cần phải thay các tang có những khuyết tật sau:

– Trên mặt trụ, trên các tấm ở mặt đầu và trên moay ơ có các vết nứt.

– Độ mòn của thành rãnh quấn cáp vượt quá 30% bề dày ban đầu.

– Các gờ rãnh bị sứt, nếu vết nứt không quá 1/3 chiều dài 1 vòng quấn cáp thì hàn đắp sau đó gia công cơ để đạt mặt cắt yêu cầu. Nếu vết nứt có chiều cao không quá 2mm thì có thể không phải hàn mà sử dụng tiếp.

– Những tang không có hoặc bị hỏng cơ cấu kẹt chặt thì không được sử dụng.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Độ mòn bề dày của hành tang không cho phép vượt quá 15% bề dày của thành tang. Để kiểm tra bề dày này cho phép khoan các lỗ f6mm ở phía đầu và phía giữa của tang.

– Mặt cắt và bước của rãnh quấn cáp được kiểm tra bằng đường mẫu. Khe hở cho phép giữa đường mẫu và mặt cắt của rãnh không được lớn hơn 0,5mm.

– Độ đảo của đường tròn ngoài của tang so với trục tâm của moay ơ cần ở trong khoảng 1/2 dung sai của đường kính ngoài của tang.

– Các rãnh quấn cáp của tang được phép phục hồi bằng cách tiện lại nhưng với điều kiện phải kiểm tra bề dày thành tang bằng cách khoan lỗ và tính toán kiểm tra lại độ bền.

– Những vết nứt tại các vị trí chuyển tiếp từ thân tang sang mặt bích gờ đối với những tang nhiều lớp cáp cho phép hàn sau khi đã đốt nóng toàn bộ tang.

5. Móc cẩu

a. Phát hiện các khuyết tật

Phải thay các móc cẩu nếu phát hiện thấy:

– Trên bề mặt chúng có các vết nức, rạn, vỡ.

– Quai mỏ của móc cẩu bị mòn quá 10% kích thước ban đầu.

– Có biến dạng dư (bị uốn) trên thân móc tại các tiết diện nguy hiểm.

– Ren của móc và của đai ốc bị chờn.

– Các chốt đỡ bị mòn quá 5% đường kính danh nghĩa.

– Các chi tiết kẹp chặt của móc có các vết nứt, gẫy phải thay thế.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Không cho phép hàn đắp hoặc khoét các khuyết tật trên móc.

– Phần đuôi của móc phải nhẵn, tròn, không có các vết xước, vết gờ làm ảnh hưởng đến khả năng di động của cáp khi móc cáp vào móc cẩu.

– Các đường ren trên móc phải bảo đảm độ bền, không bị sứt mẻ hoặc chờn.

– Móc cẩu phải được thử độ bền với tải trọng lớn hơn tải trọng nâng tiêu chuẩn 25%. Thời gian thử độ bền không dưới 10 phút. Mỗi móc cẩu sau khi thử nghiệm xong phải có lý lịch trong đó ghi sức nâng của móc, vật liệu làm móc và các kết quả thử nghiệm.

6. Bộ truyền động đai

a. Phát hiện các khuyết tật

Trong các bộ truyền động đai các chi tiết thường có các khuyết tật sau:

– Đai bị chùng dẫn tới đai bị trượt, thậm chí đối với đai dẹt có thể bị lệch so với bánh đai và tuột ra khỏi bánh đai.

– Các banh đai bị nứt trên thân hoặc trên moay ơ bị mòn.

– Đai bị nứt, bị dập.

– Đai bị mòn dẫn tới cót hể bị đứt.

– Các gối đỡ hoặc các trục bị mòn, bị cong.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Các gối đỡ và các trục bị mòn bị cong phải sửa chữa theo các quy định và chỉ dẫn.

– Đai bị nứt, dập bắt buộc phải thay thế không được sử dụng tiếp. Trường hợp đai bị chùng cho phép sửa chứa bằng cách cắt bớt sau đó nối lại.

– Sửa chữa các náh đai cho phép áp dụng các điều quy định sửa chữa tang.

– Độ không song song của các trục của hai bánh đai không được quá 0,5mm trên 1000mm.

7. Kết cấu thép khung máy

Các khuyết tật

Cần phải sửa chữa các khung, dàn, cần khi chúng có những khuyết tật sau:

– Các vết nứt nói chung tại các mối hàn.

– Các mối hàn bị bung, tróc.

– Các dầm bị uốn cong hoặc vênh, xoắn.

– Các thanh cục bộ bị móp, bị han gỉ.

– Lớp sơn chống gỉ bị bong.

Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Các vết nứt trên các chi tiết không chịu lực lớn có thẻ khắc phục bằng hàn điện mà không cần đệm các tấm lót gia cường. Trong các trường hợp khác (những thanh, dầm chịu tải lớn) có các vết nứt, vỡ cũng được khắc phục bằng hàn điện nhưng phải đệm thêm các tấm lót gia cường.

– Trước khi đặt các tấm lót vào khung để hàn cần phải hàn đắp sơ bộ các vết nứt đã có. Việc hàn đắp các vết nứt phải được tiến hàn như hàn giáp mối tức là các vết nứt phải được xe rãnh có chiều sâu bằng chiều dày của tấm kim loại cần hàn. Sau khi hàn xong, các mối hàn phải được dũa phẳng sau đó mới đặt các tấm lót lên trên và hàn chặt chúng vào kết cấu thép.

– Đảm bảo độ cong vênh của các khung, các dầm trong mặt phẳng nằm ngang không được vượt quá 3mm. Khoảng cách giữa các thanh song song chỉ được sai lệch trong khoảng
± 2mm so với kích thước quy định.

– Trong khi sửa chữa các khung hoặc dàn tất cả các phần tử bị cong do biến dạng quá 2/1000 đều phải nắn sửa lại.

– Những vị trí trên thanh hoặc tấm kim loại bị bong sơn và han rỉ phải cạo sạch vết han gỉ và sơn lại.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)