Phát hiện khuyết tật và biện pháp khắc phục đảm bảo an toàn thiết bị nâng- Phần 2: Các thiết bị dụng cụ điện

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:01(GMT +7)

1. Động cơ điện

a. Phát hiện các khuyết tật

– Không được có các vết xước và lồi lõm trên các vành tiếp xúc và vành góp cũng như các vật cháy sém trên lớp cách điện giữa các vòng tiếp xúc. Các vòng tiếp xúc có độ đảo hướng tâm vượt quá 0,05mm phải được mài lại, độ đảo mặt đầu của chúng cho phép không quá 0,5mm.

– Các lò xo của chổi quét phải được thay thế nếu như áp lực của chổi đè lên vành vượt quá giới hạn cho phép từ 150 – 250kG/cm2.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Việc kiểm tra trạng thái của vành góp và chổi quét được tiến hành cho các động cơ như sau: i/ Đối với những động cơ làm việc ở chế độ lặp lại – ngắt quãng cần kiểm tra theo khoảng thời gian cần thiết để đạt được nhiệt độ ổn định của các vòng dây trong động cơ, nhưng đối với những động cơ có công suất lớn hơn 100kW thì không thể sớm hơn 2 giờ. ii/ Đối với những động cơ làm việc ở chế độ ngắt quãng thì cần kiểm tra sau một vài chu trình làm việc (bắt đầu từ lúc động cơ có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100kW và không ít hơn 1 giờ – cho động cơ có công suất lớn hơn kW).

– Các chổi đặt trên cùng một kẹp của các động cơ chạy dòng 1 chiều cho phép độ sai lệch về lực ép không quá 10% so với lực ép định mức. Không cho phép dùng nêm để áp chổi quét vào các má kẹp của bộ giữ chổi. Đối với các động cơ không đồng bộ, chiều rộng và chiều dày của chổi phải nhỏ hơn các kích thước tương ứng của má kẹp một lượng 0,2mm. Đối với các động cơ chạy dòng 1 chiều, khe hở giữa má kẹp và chổi theo phương chiều dài của vành góp chỉ cho phép 0,1 – 0,35mm, còn theo phương chu vi của vành góp không quá 0,2mm.

– Những chổi có các dây dẫn mềm với độ ép quá thấp cần phải thay thế. Việc thay chổi cần được tiến hành trong những trường hợp sau: a/ Độ mòn của chổi lớn đến mức mà lò xo của bộ kẹp chổi không thể tạo nên được lực ép cần thiết; b/ Bề mặt mạ đồng của chổi có thể bị chạm vào vành góp; c/ Chiều cao của chổi không đủ lớn, dẫn tới có khả năng chổi sẽ bị gập vào má kẹp. Đối với các động cơ chạy dòng một chiều, muốn cho dòng điện phân bố đều giữa các chổi riêng biệt thì việc thay thế những chổi cùng đặt trên một kẹp nên tiến hành cùng
một lúc.

2. Dẫn động điện của phanh

a. Phát hiện các khuyết tật

– Sự chậm ăn phanh và nhả phanh do sự ăn khớp giữa nam châm và phanh bị lệch, còn đối với các nam châm hành trình ngắn do xuất hiện khe hở giữa phần tĩnh và phần động của mạch từ.

– Khi làm việc, ở các nam châm điện từ xuất hiện tiếng ù lớn do: a/ bộ phận kẹp của các cuộn dây bị lỏng. Để đảm bảo độ kẹp chặt cần phải đặt các tấm đệm ép vào tai kẹp; b/ Do sự lắp ráp của nam châm có độ chặt không cao, những chỗ bị lỏng cần phải xiết chặt lại; c/ Do quá tải (đối với các nam châm của dòng xoay chiều), do lực ép của lò xo phanh quá lớn hoặc do đặt tải trên đòn bẩy không đúng đồng thời cũng do hệ thống phanh bị kẹt và do các lỗi khác trong sơ đồ đóng mạch của nam châm; d/ Do sự lệch trong hệ thống từ của nam châm và của nắp. Nhìn chung các nam châm điện từ có thể sẽ làm việc tin cậy nếu điện áp chỉ bị giảm đến giới hạn không quá 15% so với trị số điện áp định mức.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

– Tuỳ theo độ mòn của các tấm đệm trong hệ thống phanh cũng như khi thay chúng bằng những tấm mới cần tiến hành điều chỉnh phanh, phục hồi lại khe hở tối thiểu giữa các tấm đệm phanh và tang phanh, tức là phục hồi lại hành trình ban đầu của nam châm điện từ hoặc của cơ cấu đẩy điện – thuỷ lực.

– Phần động của nam châm điện – từ cần phải ghép khít với phần tĩnh. Không cho phép xuất hiện khe hở cũng như các hiện tượng tương kẹt, vênh, làm cản trở đến sự dịch chuyển của phần động.

– Sau khi sửa chữa xong, trước lúc đưa vào vận hành cần phải kiểm tra hệ thống dẫn động phanh bằng cách đóng chúng vào mạng điện. Điều này rất cần thiết đối với nam châm điện – từ xoay chiều, vì nếu có sự lệch, vênh trong hệ thống từ, khi đó sẽ phát ra tiếng ù lớn. Thời gian thử nam châm khoảng từ 0,5 – 1giây.

– Hệ thống dẫn động điện của phanh phải được kiểm tra cùng với phanh sau khi khởi động thử. Khi điều chỉnh phanh cần phải bôi trơn các chốt bản lề bằng mỡ. Trong khi sửa chữa cần phải tháo, rửa sạch và bôi trơn hộp pít tông của nam châm điện từ. Sau khi lắp nam châm có bộ giảm rung cần phải kiểm tra để cho việc đóng ngắt nam châm xảy ra không bị giật. Sự nén yếu do mòn các ống dẫn hướng được khắc phục bằng cách vặn lại vít của bộ giảm rung.

– Không cho phép sử dụng dầu có mác khác vì sẽ dẫn tới chế độ làm việc của cơ cấu đẩy bị phá huỷ và động cơ điện chóng bị hỏng. Việc thay dầu cần tiến hành định kỳ sau 1-2 tháng vận hành cơ cấu đẩy.

– Khi sửa chữa hệ thống dẫn động điện của phanh cần chú ý đến độ mòn của các ống dẫn hướng và cần nối, đến trạng thái của các gối đỡ và các chi tiết khác bị mòn. Những chi tiết có khuyết tật cần phải sửa chữa thay thế kịp thời.

– Sau khi lắp hệ thống dẫn động điện của phanh, sau khi quấn lại động cơ hoặc thay thế cuộn dây đòi hỏi phải cho kiểm tra điện trở của các lớp cách điện, lực kéo của cơ cấu máy và nhiệt độ đốt nóng của chúng.

3. Nam châm điện nâng hàng

a. Phát hiện các khuyết tất

Các hỏng hóc thường gặp nhất của nam châm điện nâng hàng trong quá trình vận hành là do các lớp cách điện bị hỏng và cáp dẫn điện bị đứt. Trong đó có những hỏng hóc đặc biệt nhất như:

– Hỏng lớp cách điện giữa các ngăn trong cuộn dây do chập mạch gây ra. Dấu hiệu sự hỏng này là sức nâng của nam châm bị giảm và giảm điện trở của cuộn dây nam châm.

– Hỏng lớp cách điện giữa lõi của cuộn dây với một trong số các ngăn của cuộn dây do sự chập của cuộn dây với thân của nam châm điện. Dấu hiệu của hỏng hóc này là sự tạo ra tia lửa giữa nam châm điện và hàng hoá nằm trên mặt đất khi chúng tiếp xúc với nhau. Trong trường hợp này điện trở giữa thân nam châm điện và cuộn dây có thể sẽ bằng 0.

– Hỏng lớp cách điện của các bản đầu ra của cuộn dây vì sự xê dịch của cuộn dây trong đầu ra điện lực, do va đập, hoặc vì sự xê dịch của các bản đầu ra do lực điện động xuất hiện bởi sự tác dụng tương hỗ giữa dòng điện đi qua các bản với từ trường của cuộn dây. Vì vậy mà lớp cách điện giữa các đầu ra và thân nam châm bị đánh thủng. Các hỏng hóc này thường phát hiện được ở những chỗ uốn cong của bản đầu ra.

– Hỏng lớp cách điện của các chốt đầu ra do các lớp cách điện này bị ẩm, điều này dẫn tới sự đánh thủng lớp cách điện giữa chốt và thân nam châm.

– Các hỏng hóc về cơ khí của nam châm điện dẫn tới các hỏng hóc về điện của cuộn dây như: Các cực bị mòn hoặc bị vỡ; Các bu lông, các chốt bắt chặt các cực bị yếu hoặc bị gãy; Các vòng đệm không mang từ bị mòn hoặc bị hỏng.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

Khi sửa chữa các nam châm điện thông thường cần phải hoàn chỉnh lại kết cấu của các thành phần riêng biệt, tăng độ bắt chặt của cuộn dây và các cực, sử dụng các lớp cách điện có độ bền chịu nhiệt và độ bền cơ học cao hơn, tăng độ kín khít của cuộn dây, gia cường thêm kết cấu các phần ra của cuộn dây v.v.

– Hàn cuộn dây vào giá lót kín. Giá này có vòng đệm trên được chế tạo từ lá thép dầy
6-10mm và một ống bao quanh từ lá thép dầy 3-5mm để làm tăng độ vững chắc của kết cấu. Các vòng đệm cách điện không phải chế tạo từ mica mà từ bakêlít, amiăng hoặc các vật liệu khác và đặt thêm các ống lót bằng bakêlít amiăng vào giữa lõi của cuộn dây và các ngăn của nó.

– Để tránh sự va chạm của vòng đệm không từ tính với cuộn dây ở các nam châm điện không có giá đỡ kính như đã ở trên ta có thể lót 1 vòng đệm cao sau vào giữa vòng đệm không từ tính và cuộn dây.

– Đề phòng ngừa sự đánh thủng lớp cách điện của các bản đầu ra tại các vị trí uốn cong và tiếp xúc với khung của cuộn dây ta nên luồn chúng vào trong một miếng đệm xốp. Khắc phục được sự gấp cong của các bản đầu ra sẽ làm tăng độ tin cậy làm việc của chúng.

– Để tránh các lực cơ học từ cáp dẫn tác động lên thân của nam châm ta nên lót 1 ống phụ bằng cao su bọc các đầu dây lại.

– Các cuộn dây trong một số nam châm điện được quấn bằng dây nhôm có lớp cách điện bằng ô xít mà trong điều kiện xưởng sửa chữa không thể phục hồi lại khi hỏng thì có thể cách điện lại bằng cách buộc lớp sợi thuỷ tinh. Để làm được điều này cần tăng kích thước khoang của cuộn dây bằng cách tiện bớt thành và đáy của thân nam châm điện hoặc tăng chiều cao các cực của chúng.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)