Tình huống 137: Một công nhân đang trèo lên giàn giáo treo để bả ma tít tường ngoài tòa nhà thì bị rơi

Thứ Hai, 25/12/2023, 11:10(GMT +7)

Mô tả tình huống: Tại công trình sửa chữa khu chung cư, một thợ sơn đang đặt chân lên tay vịn sân thượng trèo lên giàn giáo để bả ma tít tường bên ngoài thì mất cân bằng, ngã từ độ cao khoảng 54m xuống vườn hoa dưới mặt đất.

Nguyên nhân tai nạn:

   • Ngoài sợi cáp chính nối với giàn giáo treo cần lắp thêm dây cứu hộ dọc (dây phụ trợ) với đai chống ngã và đai an toàn trước khi lên giàn giáo tác nghiệp. Tuy nhiên, người thợ này đã làm việc trong tình trạng dây cứu hộ dọc chưa được lắp.

Các biện pháp phòng ngừa:

   • Tại nơi làm việc có nguy cơ bị  rơi phải lắp thiết bị kết nối đai an toàn và thắt đai an toàn trước khi tác nghiệp.

      – Khi sơn tường bên ngoài có sử dụng giàn giáo cần kết nối dây cứu hộ dọc (dây phụ trợ, ≥ 16 mm) với vật có kết cấu vững chắc, nối móc dây buộc ở đai chống ngã với vòng chữ D ở đai an toàn rồi mới lên giàn giáo treo.

      – Cần kiểm tra để bảo đảm không có vấn đề khác thường, dây cứu hộ dọc đang được nối chắc chắn với vật có kết cấu vững chắc, đai an toàn đang được sử dụng trước khi tác nghiệp.

Thứ tự tác nghiệp giàn giáo treo

Công tác chuẩn bị:

   • Người quản lý thi công phải kiểm tra điểm cố định ở nơi thi công, tìm hiểu chính xác chiều cao của tòa nhà và lập kế hoạch làm việc; cần đào tạo cho người lao động hiểu biết về loại dây thừng phù hợp dùng để tác nghiệp, phương pháp kiểm tra dây thừng cơ bản, dây thừng để nối đai an toàn và neo, cách sử dụng giàn giáo treo an toàn, biện pháp ứng cứu khi cần.

   • Người lao động cần nhận thức đầy đủ về kế hoạch làm việc, kiểm tra trước khi làm việc các nội dung như dây thừng dùng tác nghiệp và dây nối đai an toàn, thiết bị cần thiết để treo giàn giáo như sàn treo, vòng khóa, đai an toàn đề phòng tai nạn ngã rơi.

   • Ngừng hoạt động của giàn giáo treo trong các điều kiện thời tiết sau đây: Tốc độ gió hơn 5m/giây, lượng mưa hơn 1mm/giờ, tuyết rơi hơn 1cm/giờ.

Lên giàn giáo và tác nghiệp:

   • Trước khi lên giàn giáo phải đeo đai an toàn.

   • Trong trường hợp phải đi qua các điểm như  tay vịn an  toàn… để  lên giàn giáo  treo  thì cần kiểm tra kỹ lưỡng xem các điểm, thiết bị liên quan có bị hư hỏng, có khả năng rơi trượt không để tránh tai nạn xảy ra.

   • Thiết lập khu vực cấm qua lại nơi làm việc có sử dụng giàn giáo treo, lắp biển cảnh báo ở dưới khu vực hoạt động để người lao động khác được biết.

   • Khi làm việc trên giàn giáo, nếu rướn người ra quá đà có thể sẽ bị rơi ra khỏi sàn treo. Vì thế không được để trọng tâm cơ thể rời khỏi sàn treo.


(Nguồn tin: KOSHA)