Tương lai của công tác an toàn, vệ sinh lao động: Các xu hướng chính định hình trong năm 2025
Cách chúng ta nghĩ về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đang thay đổi. Bối cảnh pháp lý đang phát triển, công nghệ đang thay đổi bản chất của công việc, sự thay đổi nhân khẩu học đang ảnh hưởng đến cơ cấu lực lượng lao động và sự tập trung ngày càng cao vào các rủi ro tâm lý-xã hội đang định hình lại các tiêu chuẩn.
Những xu hướng này không chỉ là lý thuyết, chúng có ý nghĩa thực sự đối với các doanh nghiệp, người lao động và các chuyên gia an toàn. Các doanh nghiệp không thích ứng với rủi ro sẽ tụt hậu, trong khi những doanh nghiệp có cách tiếp cận chủ động sẽ có vị thế tốt hơn để tạo ra nơi làm việc an toàn hơn, lành mạnh hơn và gắn kết hơn.
Dưới đây là những gì đang thay đổi và ý nghĩa của chúng đối với tương lai của ATVSLĐ:
1. Bối cảnh tuân thủ các quy định
Trong vài thập kỷ qua, các quy định về ATVSLĐ đã trở nên nghiêm ngặt hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này đã dẫn đến những cải thiện đáng kể về ATVSLĐ, đặc biệt là ở những quốc gia đã phát triển. Tuy nhiên, cách tiếp cận các quy định lại khác nhau. Một số quốc gia đang tăng cường giám sát, trong khi các quốc gia khác đang thu hẹp quy mô để giảm gánh nặng tuân thủ.
Điều gì đang thay đổi?
- Tập trung nhiều hơn vào các mối nguy tâm lý-xã hội – Nhiều khu vực, bao gồm Úc và một số khu vực ở châu Âu, đang đưa sức khỏe tâm lý-xã hội vào luật an toàn, yêu cầu người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải giải quyết các rủi ro như văn hóa nơi làm việc, căng thẳng công việc và công bằng trong tổ chức.
- Quản lý rủi ro trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa – Khi các doanh nghiệp tích hợp AI và robot vào hoạt động của mình, các khuôn khổ pháp luật đang bắt đầu giải quyết các rủi ro an toàn liên quan đến sự tương tác giữa người và máy móc.
- Liên kết quốc tế chặt chẽ hơn – Các nỗ lực toàn cầu, chẳng hạn như ISO 45003, đang thiết lập các tiêu chuẩn mới để quản lý các rủi ro tâm lý-xã hội tại nơi làm việc, thúc đấy các doanh nghiệp xem xét lại cách tiếp cận sức khỏe tâm thần và an toàn.
Các tổ chức cần làm gì?
Các doanh nghiệp phải đi trước những thay đổi về quy định, nhằm đảm bảo các chương trình an toàn của họ phù hợp với cả các yêu cầu tuân thủ hiện tại và mới nổi. Điều này có nghĩa là tích hợp quản lý rủi ro tâm lý-xã hội vào các chiến lược ATVSLĐ, theo kịp sự phát triển của AI về an toàn và theo dõi các xu hướng toàn cầu để dự đoán những thay đổi trong tiêu chuẩn tuân thủ.
2. Sự gia tăng công nghệ trong công tác ATVSLĐ
Công nghệ đang thay đổi nơi làm việc theo cách không thể tưởng tượng được chỉ một thập kỷ qua. AI, tự động hóa, robot và thiết bị an toàn đeo được đang trở thành một phần không thể thiếu trong hoạt động, mang đến những cách thức mới để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng đem đến những thách thức mới.
Cách công nghệ đang cải thiện ATVSLĐ
- Loại bỏ các công việc có mức độ rủi ro cao – Tự động hóa đang làm giảm nhu cầu của người lao động (NLĐ) phải tham gia vào các công việc nguy hiểm, lặp đi lặp lại hoặc công việc yêu cầu thể chất.
- Nâng cao khả năng phát hiện rủi ro – Phân tích an toàn dựa trên AI, giám sát thời gian thực và công nghệ đeo được đang cải thiện khả năng nhận diện mối nguy và phòng ngừa sự cố.
- Cách mạng hóa công tác đào tạo – Thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đang thay đổi cách đào tạo NLĐ, cho phép họ trải nghiệm các tình huống rủi ro cao trong môi trường được kiểm soát.
Những thách thức mà công nghệ mang lại
- Quá tải nhận thức – Khi NLĐ đảm nhận việc giám sát và quản lý công nghệ nhiều hơn, khối lượng công việc liên quan đến nhận thức tăng lên, dẫn đến căng thẳng và mệt mỏi.
- Mối lo ngại về giám sát – Việc sử dụng AI ngày càng nhiều để giám sát NLĐ có thể dẫn đến việc giám sát quá mức, làm gia tăng sự lo lắng về đạo đức và tác động tiêu cực đến sức khỏe của NLĐ.
- Sự phụ thuộc quá mức vào tự động hóa – Nếu NLĐ trở nên quá phụ thuộc vào công nghệ, họ có thể mất đi các kỹ năng quan trọng cần thiết để xử lý trong các tình huống khẩn cấp.
Các tổ chức cần làm gì?
Các tổ chức phải chú trọng cân bằng giữa việc tận dụng công nghệ để nâng cao an toàn và đảm bảo rằng công nghệ không gây ra những rủi ro mới. Điều này bao gồm việc xem xét các yếu tố con người liên quan đến tự động hóa, thiết kế lại công việc để duy trì sự giám sát của con người khi cần thiết và sự tham gia của NLĐ trong các quyết định về việc ứng dụng công nghệ.
3. Nhân khẩu học của lực lượng lao động đang thay đổi
Lực lượng lao động đang trải qua sự thay đổi cơ bản. Dân số đang già hóa, tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng tăng và các hình thức làm việc linh hoạt đang trở thành chuẩn mực. Những xu hướng này đem lại cả cơ hội và thách thức cho công tác ATVSLĐ.
Cách nhân khẩu học đang định hình lại nơi làm việc
- Lực lượng lao động đang già hóa – Mọi người ở lại trong lực lượng lao động lâu hơn, cho dù là do lựa chọn hoặc bắt buộc. Mặc dù kinh nghiệm và kiến thức có được là lợi thế nhưng những lao động lớn tuổi có thể cần thêm sự hỗ trợ trong các lĩnh vực như thời gian phục hồi, quản lý sức khỏe mãn tính và các điều chỉnh ecgônômi.
- Làm việc linh hoạt và từ xa – Mô hình làm việc kết hợp và từ xa cho thấy những thách thức mới trong quản lý rủi ro ATVSLĐ, bao gồm tác động của sự cô lập đến sức khỏe tâm thần và nhu cầu về không giam làm việc tại nhà tiện dụng.
- Sự gia tăng của nền kinh tế gig (Kinh tế gig là một mô hình kinh tế trong đó các công việc tạm thời, linh hoạt và tự do trở nên phổ biến – người dịch) – Việc gia tăng lao động tự do và công việc hợp đồng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm ATVSLĐ được quy định như thế nào khi NLĐ không được phân loại lao động.
Các tổ chức nên làm gì?
Khi nhân khẩu học của lực lượng lao động thay đổi, các tổ chức phải điều chỉnh chính sách của mình để hỗ trợ lực lượng lao động đang già hóa. Điều này bao gồm việc thực hiện các hình thức làm việc linh hoạt, cung cấp các chương trình chăm sóc sức khỏe phù hợp và cung cấp các cơ hội đào tạo để giữ cho NLĐ lớn tuổi luôn gắn bó và làm việc hiệu quả. Để ứng phó với sự gia tăng của các hình thức làm việc từ xa, các doanh nghiệp phải đảm bảo NLĐ có quyền tiếp cận các thiết bị phù hợp, chủ động giải quyết các rủi ro tâm lý-xã hội và duy trì các chiến lược truyền thông mạnh mẽ để hỗ trợ sức khỏe cho NLĐ. Ngoài ra, khi các loại hình công việc gig và công việc nền tảng trở nên thông dụng, các doanh nghiệp cần cân nhắc làm thế nào để mở rộng các biện pháp bảo vệ an toàn vượt ra ngoài các mô hình việc làm truyền thống nhằm đảm bảo tất cả NLĐ, bất kể loại hình lao động nào, đều có sự hỗ trợ ATVSLĐ phù hợp.
4. Sự gia tăng của quản lý rủi ro tâm lý-xã hội
Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc không còn là mối quan tâm thứ yếu nữa mà là vấn đề an toàn cốt lõi. Rủi ro tâm lý-xã hội chẳng hạn như khối lượng công việc lớn, lãnh đạo kém, mất an ninh việc làm và văn hóa nơi làm việc có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe và hiệu suất công việc của NLĐ.
Tại sao điều này lại quan trọng
- Những con số đã nói lên tất cả – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 15% người trưởng thành trong độ tuổi lao động bị mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, với 12 tỷ ngày làm việc bị mất mỗi năm do tình trạng vắng mặt liên quan đến sức khỏe tâm thần.
- Các cơ quan quản lý đang hành động – Nhiều nước đã ban hành luật yêu cầu các doanh nghiệp phải đánh giá và quản lý rủi ro tâm lý-xã hội, với các cơ quan quản lý bắt đầu truy tố các hành vi không tuân thủ.
- Công việc đang thay đổi – Làm việc từ xa, tự động hóa và sự bất ổn về kinh tế ngày càng gia tăng đang tạo ra thêm những tác nhân gây căng thẳng mới, khiến cho các chiến lược sức khỏe tâm thần chủ động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các tổ chức cần làm gì?
Để quản lý hiệu quả các rủi ro tâm lý-xã hội, các tổ chức phải tích hợp các vấn đề về sức khỏe tâm thần vào các chương trình ATVSLĐ của mình, coi việc giải quyết sức khỏe tâm lý-xã hội cũng quan trọng như an toàn thể chất. Lãnh đạo đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy văn hóa nơi làm việc tích cực; do đó, người quản lý phải được trang bị đầy đủ kiến thức để phòng ngừa căng thẳng tại nơi làm việc và xây dựng một môi trường làm việc mang tính hỗ trợ. Hoạt động đánh giá rủi ro cũng cần bao gồm các mối nguy tâm lý-xã hội, các tiêu chí như khối lượng công việc, sự rõ ràng về vai trò và sự công bằng trong tổ chức để đảm bảo NLĐ cảm thấy an toàn, được coi trọng và được hỗ trợ trong vai trò của họ.
Kết luận
Vài năm tới sẽ chứng kiến những thay đổi lớn trong cách quản lý ATVSLĐ. Các tổ chức nỗ lực thay đổi, dù là tuân thủ quy định pháp luật, ứng dụng công nghệ, thích ứng với lực lượng lao động hay các sáng kiến về sức khỏe tâm thần, sẽ có vị thế tốt hơn để bảo vệ NLĐ của mình và duy trì khả năng cạnh tranh.
Thách thức rất rõ ràng: An toàn không chỉ là các rủi ro về thể chất. Khi công việc phát triển, các doanh nghiệp phải triển khai cách tiếp cận ATVSLĐ rộng hơn, toàn diện hơn để xem xét cả rủi ro truyền thống và rủi ro mới nổi.
Biên dịch: Xuân Đài