Vài góp ý về an toàn vệ sinh lao động sau các vụ tai nạn lao động gần đây ở ngành Than
Mặc dù Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhưng tai nạn lao động vẫn diễn biến phức tạp. Đầu năm 2024 đã xảy ra 4 vụ tai nạn lao động làm chết 7 người, 8 người bị thương.
Những nguyên nhân chính xảy ra tai nạn lao động
Ngày 29/7/2024, tại mỏ Suối Lại, Công ty Than Hòn Gai xảy ra tai nạn lao động làm 5 công nhân tử vong. Trước đó, ngày 3/4/2024, tại Công ty Than Thống Nhất đã xảy ra vụ cháy khí metan khiến 4 công nhân tử vong và 7 người khác bị thương. Ngày 27/7/2024, tại Công ty Than Khe Chàm, một vụ tai nạn hầm lò khiến một công nhân tử vong. Nhìn chung qua các vụ tai nạn này có 3 nguyên nhân chính là cháy nổ, đổ sập và bục nước.
Ngày 30/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến hiện trường kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả, thăm hỏi gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn khiến 5 công nhân Công ty Than Hòn Gai tử vong. Ảnh: Hoàng Yến |
Bên cạnh đó chúng ta cũng phải nhìn nhận công nghệ khai thác than của Việt Nam chưa đuổi kịp với công nghệ tiên tiến của thế giới, ý thức về an toàn lao động của người lao động còn hạn chế, kể cả vi phạm trong quản lý lao động và sản xuất của người sử dụng lao động… những điều này đều ảnh hưởng đến công tác ATVSLĐ.
Hậu quả của tai nạn lao động không chỉ là tính mạng của bản thân người công nhân, chi phí bồi thường, khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn cho doanh nghiệp khai thác than mà còn để lại nỗi đau cho các gia đình nạn nhân, người trụ cột trong gia đình. Không chỉ vậy hệ lụy còn có thể đưa những người liên quan bị khởi tố, vào vòng lao lý.
Luôn nghĩ đến an toàn trước khi làm việc
Trước mắt các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm nguy cơ mất an toàn lao động, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác than, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ tai nạn, số người chết và bị thương hoặc mắc bệnh nghề nghiệp.
Về phía TKV cần rà soát ngay các quy định, tiêu chuẩn, quy trình khai thác, vận hành hầm lò, kịp thời khắc phục những hạn chế, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người lao động.
TKV cũng cần tiến hành hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, quan trắc tai biến địa chất, thăm dò khoáng sản, có giải pháp xử lý các yếu tố nguy hiểm, có hại, đánh giá rủi ro, ngăn ngừa hiệu quả các sự cố, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong ngành khai thác than.
Quá trình khai thác cần chú trọng công tác theo dõi, giám sát, đánh giá việc thay đổi kết cấu vỉa than, hầm lò, kiểm định an toàn các thiết bị định kỳ và khi có dấu hiệu hư hỏng.
Vị trí cửa lò xuống lò chợ nơi xảy ra sự cố. Ảnh: VTV. |
TKV cần quán triệt đến người lao động các biện pháp thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ; chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động, kiểm soát, nhận diện yếu tố nguy hại tại nơi làm việc, tạo môi trường làm việc an toàn, xây dựng văn hóa và tác phong làm việc an toàn, luôn nghĩ đến an toàn trước khi làm việc, thực hiện đúng quy trình, không làm tắt, làm ẩu mà vẫn đảm bảo năng suất lao động.
Một vấn đề khác là tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện về chính sách, pháp luật các quy trình, quy định, biện pháp an toàn làm việc trong các mỏ; nhận diện nguy cơ rủi ro, xây dựng các biện pháp loại trừ rủi ro, sự cố; nâng cao nhận thức, ý thức tự chủ an toàn và kỹ năng tuân thủ an toàn lao động đến từng công nhân và tổ đội sản xuất; hướng dẫn kỹ năng khi đi lại, làm việc, kiểm soát lẫn nhau trong hầm lò.
Quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người lao động, tăng cường các chính sách an sinh. Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm qua các sự cố, tai nạn lao động, có biện pháp phòng chống mưa bão, sẵn sàng trong tìm kiếm cứu nạn, không để xảy ra các vụ tai nạn mang tính thảm họa (có số lượng thương vong lớn).
Đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khai thác, cơ giới hóa, tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, giảm sức người, giảm sự tiếp xúc trực tiếp của người lao động với nguy cơ và rủi ro.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị tự động kiểm soát thông gió, khí mỏ, phòng chống cháy nội sinh. Trang cấp các thiết bị đo khí metan (CH4) cầm tay và các đầu đo khí cố định để truyền thông số về phòng điều khiển sản xuất, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do đồng chí Nguyễn Văn Bắc – Trưởng ban Tài chính làm trưởng đoàn đã kịp thời có mặt tại gia đình anh Vũ Văn Hiệp (Hải Dương) để thăm hỏi và chia buồn chiều 30/7. Ảnh: Văn Quân. |
TKV cũng nên kiên quyết loại bỏ các công nghệ có nguy cơ mất an toàn cao, đầu tư đổi mới công nghệ, máy, thiết bị, thay thế những thiết bị cũ, lạc hậu không đảm bảo an toàn lao động. Xây dựng mô hình Trung tâm cấp cứu mỏ, quản trị rủi ro bằng công nghệ 4.0 để giảm thiểu sự cố.
Nâng cao năng lực công tác và kỹ năng làm việc cho cán bộ làm công tác ATVSLĐ, từ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách đến an toàn vệ sinh viên; rà soát, hoàn thiện quy trình, quy định, hồ sơ kỹ thuật an toàn; sẵn sàng phương án ứng cứu sự cố, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai. Tổ chức hệ thống phòng ban làm công tác ATVSLĐ từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị thành viên với các cán bộ chuyên trách về công tác ATVSLĐ.
Tăng cường công tác quản lý máy móc, thiết bị, phương tiện, kho cảng, bến bãi, kịp thời phát hiện, xử lý các nguy cơ sạt lở, nhất là trong mùa mưa lũ. Tăng cường kỹ năng chỉ huy, chỉ đạo sản xuất, quản lý vận hành máy móc thiết bị, phát hiện, xử lý nguy cơ mất an toàn.
TKV cần nâng cao hơn nữa vai trò của Công đoàn trong công tác ATVSLĐ, đồng thời kiện toàn mạng lưới an toàn vệ sinh viên đảm bảo số lượng và chất lượng.
Công tác tự chủ an toàn luôn có 5 nguyên tắc, là bảo vệ mình, bảo vệ đồng đội, không hiểu thì hỏi, không biết không làm, tuân thủ quy phạm kỹ thuật an toàn. Đưa công tác an toàn lao động thành một trong những tiêu chí để khen thưởng và xử phạt trong quá trình sản xuất. Thi trắc nghiệm tìm hiểu kiến thức an toàn đầu ca giúp công nhân nâng cao kiến thức và ý thức tự chủ an toàn.
Ngoài ra, TKV cũng cần tăng cường điện chiếu sáng, đảm bảo an toàn điện lưới, kiểm soát chặt chẽ quy trình bốc xúc than, đất đá và quá trình vận chuyển, ngăn ngừa nguy cơ sạt lở đất đá, khoan thăm dò phòng ngừa bục nước, quản lý thiết bị điện, tời trục, tàu điện… Cải tạo cảnh quan môi trường, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường thường xuyên, trồng thêm nhiều cây xanh…