Vai trò của công đoàn trong bảo đảm an toàn bữa ăn ca tại doanh nghiệp

Thứ Hai, 09/12/2024, 09:27(GMT +7)

Bữa ăn ca là bữa ăn rất quan trọng đối với NLĐ tại doanh nghiệp – bữa ăn cung cấp cho NLĐ năng lượng để tái tạo sức lao động trong ngày làm việc. Hiện hầu hết các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tại các KCN đều tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ. Tuy nhiên, vấn đề dinh dưỡng và bảo đảm an toàn cho bữa ăn này còn nhiều điều đáng bàn. Bài viết dưới đây của TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cung cấp một góc nhìn về tầm quan trọng của bữa ăn ca; vấn đề “công lý thực phẩm” trong bữa ăn của NLĐ và vai trò của công đoàn đối với chất lượng cũng như sự an toàn bữa ăn ca của NLĐ.

Tầm quan trọng của bữa ăn lành mạnh

Bữa ăn trưa cung cấp khoảng một phần ba lượng năng lượng tiêu thụ hàng ngày của con người, và là phần năng lượng có thể nói là quan trọng nhất vì được tiêu thụ trong thời gian làm việc. Các nghiên cứu chỉ ra bữa ăn lành mạnh tại nơi làm việc sẽ ảnh hưởng đáng kể và tích cực đến lượng thức ăn được hấp thụ vào cơ thể.

Bữa ăn lành mạnh bao hàm chất lượng bữa ăn đủ dinh dưỡng đi kèm với môi trường làm việc thoải mái. Thiếu dinh dưỡng không chỉ làm suy giảm sức khỏe thể chất mà cả sức khỏe tinh thần, dẫn tới giảm hiệu quả và năng suất làm việc, ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Bữa ăn không đảm bảo dinh dưỡng dài ngày có thể làm tăng mức độ mệt mỏi và giảm sự tỉnh táo trong công việc, từ đó ảnh hưởng đến an toàn trong công việc và vận hành máy móc. Các nghiên cứu đã chỉ ra sự mệt mỏi của NLĐ trong công việc có mối liên hệ với tỷ lệ tai nạn lao động (TNLĐ) và thương tật tại nơi làm việc, kéo theo là chi phí giải quyết hậu quả và bồi thường. Dinh dưỡng kém còn có thể dẫn đến sự phát triển của các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư… khiến sức khỏe NLĐ suy giảm nhanh hơn. Hệ quả là, nhiều NLĐ, kể cả người có kỹ năng và kinh nghiệm quý báu cũng sẽ phải rời khỏi công việc sớm khi sức khỏe suy giảm.

Môi trường làm việc thoải mái mới có thể tạo ra bữa ăn lành mạnh. Bầu không khí/môi trường xung quanh nơi ăn đóng vai trò quan trọng. Các nghiên cứu đã chỉ ra tỷ lệ hấp thụ chất dinh dưỡng giảm khi NLĐ bị ức chế hay làm việc quá sức. Các hành vi quát tháo, đánh đập, la hét, kiểm soát khắt khe, xử phạt vô lý… đối với NLĐ đều có thể khiến NLĐ chán nản, ăn không thấy ngon, từ đó làm giảm giá trị hấp thụ của bữa ăn.

Thiếu dinh dưỡng không nghiêm trọng bằng thiếu an toàn

Ngộ độc thực phẩm là điển hình của bữa ăn không an toàn. Nhiều vụ việc về ngộ độc thực phẩm tại nhà máy đã được ghi chép ở nhiều địa phương. Điều này cho thấy việc giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm chưa được chặt chẽ. Vi khuẩn có hại khi thâm nhập vào cơ thể có thể phá hủy đường ruột, hệ tiêu hóa. Ngộ độc cấp tính là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài… Ngộ độc mạn tính là tiếp xúc lâu dài hoặc liên tục với chất độc nhưng các triệu chứng không xảy ra ngay lập tức. Thực phẩm không bảo đảm, nhất là với tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản thực phẩm phổ biến và không được kiểm soát có nguy cơ gây ngộ độc mạn tính. Ngộ độc cấp tính có thể được giải quyết ngay nhưng ngộ độc mạn tính không được nhìn thấy có thể gây hậu quả lâu dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bữa ăn thiếu an toàn, trong đó có nguồn cung cấp thực phẩm không bảo đảm, quy trình phối hợp thực phẩm trong chế biến món ăn, xử lý thực phẩm không đúng cách, cơ sở phục vụ ăn uống, phương tiện bảo quản và lưu trữ thực phẩm, trang thiết bị nhà bếp không hợp vệ sinh… Một số loại thực phẩm, đặc biệt là protein, được bảo quản ở nhiệt độ phòng sẽ nhanh hỏng và có nguy cơ gây ngộ độc, ví dụ tiêu chảy. Thiếu tiện nghi để NLĐ có thể rửa tay trước khi ăn, sử dụng nước uống không an toàn cũng có thể dẫn tới vi khuẩn xâm nhập vào bữa ăn. Quan trọng hơn là người sử dụng lao động chú trọng nhiều hơn đến việc tối đa hóa năng suất và lợi nhuận, đáp ứng thời hạn gấp rút của đơn hàng mà ít quan tâm đến phúc lợi và sức khỏe của công nhân. Trong nhiều trường hợp, đây là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu an toàn bữa ăn cho NLĐ.

Khi hoạt động trong điều kiện khí hậu nóng, lượng nước mất đi đáng kể qua mồ hôi, dẫn đến cơ thể cần nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Khoa học đã chứng minh sự kết hợp của điều kiện làm việc kém và thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng quan trọng gây ra tình trạng mất khả năng thích nghi về mặt tâm lý. Đây là một trong những nguyên nhân mắc các bệnh mãn tính ngày càng tăng. Căng thẳng về môi trường, căng thẳng về cảm xúc và các yếu tố tiêu cực khác đều đòi hỏi nhu cầu về vi chất dinh dưỡng cao hơn. Tuy nhiên, điều này chưa được cân nhắc trong việc xác định giá trị của bữa ăn trưa ở các doanh nghiệp hiện nay.

Bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng và an toàn sức khỏe còn đòi hỏi sự đa dạng và cân bằng của khẩu phần ăn. Mỗi người có sở thích và khẩu vị khác nhau; nếu NLĐ không được nhiều lựa chọn, họ có thể không nạp đủ năng lượng trong bữa ăn. Quá nhiều đạm có thể gây cholesterol trong máu hoặc ảnh hưởng tới khả năng chuyển hóa. Lượng trái cây và rau quả cao là một trong những nền tảng của chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng rất ít khi trái cây được đưa vào bữa ăn của NLĐ.

Công lý thực phẩm trong bữa ăn trưa tại doanh nghiệp

Công lý thực phẩm (Food Justice)

Khái niệm công lý thực phẩm đã được nhắc tới từ thập niên 60 của thế kỷ trước, thể hiện một quan điểm toàn diện và hệ thống coi thực phẩm lành mạnh là quyền con người. Có ba nguyên tắc chính về công lý thực phẩm: Thực phẩm lành mạnh cho tất cả mọi người; Hệ thống thực phẩm bền vững và Công lý cho NLĐ trong ngành thực phẩm.

Bốn nội dung của công lý thực phẩm được thúc đẩy hiện nay gồm: An ninh lương thực: Mọi người đều có thể tiếp cận thực phẩm một cách đáng tin cậy; Chuyển đổi hệ thống thực phẩm: Các phương pháp sạch và công bằng trong sản xuất và phân phối thực phẩm; Sự tham gia và quyền tự quyết của cộng đồng: Cộng đồng tham gia vào quá trình sản xuất thực phẩm và có thể tự đưa ra quyết định; Tính bền vững về môi trường: Sản xuất thực phẩm không gây hại cho hệ sinh thái địa phương.

 

Một trong những khía cạnh của công lý thực phẩm tại nơi làm việc được quan tâm hiện nay là quyền tiếp cận các loại thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng và phù hợp với văn hóa. Đồng thời, công lý thực phẩm hướng đến giải quyết nguyên nhân gốc rễ của tình trạng không bình đẳng trong việc tiếp cận dinh dưỡng đầy đủ. Công lý thực phẩm yêu cầu các giải pháp dựa trên quyền con người và quyền bình đẳng, trong đó có quyền được đảm bảo an ninh lương thực, và dinh dưỡng đầy đủ một cách công bằng.

Trong thực tế, ở doanh nghiệp, việc quan tâm tới chất lượng bữa ăn đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn chưa được đầy đủ, chưa nói tới cung cấp bữa ăn phù hợp với văn hóa. Trong nhiều trường hợp, vấn đề này thường chỉ được chú ý hơn sau khi các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. NLĐ tan ca thường ăn nhanh cho xong bữa để có thời gian nghỉ ngơi trước khi vào ca làm việc mới.

Về giám sát bữa ăn ca, NLĐ thường thiếu kiến thức về dinh dưỡng cân bằng và cơ chế hấp thụ vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Họ cũng e ngại khi lên tiếng về chất lượng hay an toàn bữa ăn. Ở một doanh nghiệp, khi công nhân báo cáo có “dòi” trong bữa ăn, họ bị người quản lý ép nghỉ việc. Ở một đơn vị khác, một phụ nữ bị ép nộp phạt 50 triệu vì phản ánh bữa cơm kém chất lượng với lý do “nói xấu, làm mất uy tín, danh dự của đơn vị”.

Cán bộ ATVSLĐ và cán bộ công đoàn cũng có kiến thức không đầy đủ về thực phẩm và bữa ăn cân bằng dinh dưỡng, thực phẩm lành mạnh. Nơi làm việc thường thiếu các thông điệp về sức khỏe và truyền thông về dinh dưỡng. Vấn đề về bữa ăn ca nhiều khi chỉ thực sự được quan tâm khi tập thể NLĐ đình công phản đối chất lượng bữa ăn kém.

Có một thực tế là chất lượng bữa ăn của công nhân kém và không được quan tâm có phần do phân biệt đối xử về bữa ăn ca tại nơi làm việc. Trong khi nhiều doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tổ chức bữa ăn trưa chung cho mọi NLĐ, bao gồm cả người quản lý và chuyên gia nước ngoài thì cũng có nhiều doanh nghiệp có chế độ ăn khác nhau giữa người quản lý và nhân viên. Ở những doanh nghiệp có sự phân biệt này, người quản lý được tổ chức ăn ở phòng ăn riêng, khác với công nhân và chất lượng bữa ăn cũng khác.

Một số khuyến nghị về vai trò công đoàn

Một trong những biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh nghề nghiệp của công nhân là xây dựng chế độ ăn uống đảm bảo dinh dưỡng và an toàn, có tính đến đặc thù công việc của công nhân trong các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Vì mục tiêu lâu dài, công đoàn cần lên tiếng về công lý thực phẩm tại nơi làm việc và đề xuất các giải pháp thực hiện công lý thực phẩm, bao gồm, nhưng không giới hạn, với các biện pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường đối thoại và thương lượng tập thể để cải thiện chất lượng bữa ăn trưa tại doanh nghiệp. Về việc này, Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức tiền chi bữa ăn giữa ca cho NLĐ tối đa không quá 730.000 đồng/người/tháng là quy định cản trở thương lượng tập thể cải thiện chất lượng bữa ăn cho NLĐ và cần được bãi bỏ. Công đoàn cần thương lượng không chỉ mức chi bữa ăn ca mà còn cả cơ chế thực thi, giám sát để đảm bảo chất lượng bữa ăn tương xứng với giá tiền và an toàn vệ sinh thực phẩm. Rất nhiều vấn đề cần cơ chế giám sát và vai trò công đoàn, bao gồm đấu thầu nhà cung cấp, thực đơn cân bằng, đa dạng và đủ lượng calo cần thiết, đối thoại và giải quyết vấn đề giữa công ty và nhà cung cấp, trách nhiệm pháp lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, công đoàn cần đẩy mạnh thương lượng bữa ăn ca ở những doanh nghiệp chưa tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ.

Thứ hai, thu hút NLĐ tham gia giám sát chất lượng bữa ăn và thiết lập các kênh để NLĐ phản ánh thường xuyên; đặc biệt là thiết lập cơ chế bảo vệ NLĐ khi họ có ý kiến về chất lượng bữa ăn; tăng cường nhiệm vụ giám sát chế độ ăn đủ dinh dưỡng, đa dạng và an toàn cho đội ngũ an toàn vệ sinh viên.

Thứ ba, thường xuyên đào tạo về an toàn và dinh dưỡng bữa ăn cho cán bộ công đoàn và NLĐ tại doanh nghiệp; tăng cường truyền thông về an toàn và sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý tại nơi làm việc và đào tạo cho NLĐ về quyền của họ trong tiếp cận thực phẩm lành mạnh.

Thứ tư, ở những nơi có sự phân biệt đối xử về bữa ăn ca giữa người quản lý và công nhân, công đoàn cần có tiếng nói để đảm bảo bình đẳng trong đối xử về bữa ăn ca.

Thứ năm, cần tuyên truyền cho người sử dụng lao động về tầm quan trọng của bữa ăn ca đối với năng suất, hiệu quả và lợi nhuận cũng như những thách thức về cơ hội tiếp cận thị trường, để người sử dụng lao động quan tâm và đảm bảo chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ.

TS. Phạm Thị Thu Lan

Viện Công nhân và Công đoàn

Nguồn: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động số 351 (Tháng 10/2024)