Biến đổi chất lượng PTBVCN và biện pháp duy trì chất lượng lâu dài

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:01(GMT +7)

Phương tiện BVCN thường được làm bằng kim loại: sắt, thép, nhôm…, vật liệu phi kim loại: Cao su, chất dẻo, vải, sợi, giấy…Sau khi xuất xưởng, đưa vào sử dụng, theo thời gian, các loại vật liệu này sẽ bị suy giảm chất lượng và cuối cùng là hư hỏng do chịu tác động của các yếu tố khác nhau trong môi trường tự nhiên và môi trường sản xuất.

Các yếu tố tác động và sự biến đổi chất lượng

Các yếu tố tác động đến sự biến đổi chất lượng phương tiện BVCN được phân thành 2 nhóm:

– Yếu tố nguy hiểm và có hại tồn tại trong môi trường lao động. Chúng gồm các yếu tố vật lý, hóa học, sinh vật và vi sinh vật, các yếu tố bất lợi về không gian, vị trí, tư thế lao động, điều kiện địa lý, thời tiết khí hậu…

– Yếu tố liên quan đến môi trường bảo quản: Nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ mặt trời… Các yếu tố trên có thể tác động riêng rẽ, song cũng có thể tác động đồng thời. Khi chịu tác động đồng thời, phương tiện BVCN sẽ có sự biến đổi chất lượng nghiêm trọng hơn so với chịu riêng rẽ.

Tác động của các yếu tố nguy hiểm và có hại tồn tại trong môi trường lao động

Phương tiện BVCN được sử dụng với mục đích ngăn chặn hoặc làm giảm tác động của các yếu tố nguy hiểm và có hại trong môi trường lao động tới người sử dụng. Trong quá trình sử dụng, phương tiện BVCN thường xuyên chịu tác động của các yếu tố trên và dần mất đi các tính chất quy định chất lượng của chúng, quan trọng nhất là tính chất bảo vệ. Tính chất bảo vệ bị suy giảm nhiều hay ít phụ thuộc vào cường độ và thời gian tác động của yếu tố nguy hiểm và có hại.

Tác động của các yếu tố môi trường bảo quản

Phương tiện BVCN không chỉ chịu tác động của các yếu tố nguy hiểm và có hại tồn tại trong môi trường lao động, mà còn chịu tác động của các yếu tố môi trường khi bảo quản. Thông thường nếu nơi bảo quản không tốt: Môi trường có độ ẩm cao, ít thông thoáng hay có ánh sáng chiếu thẳng, thì các yếu tố trên tác động xấu tới vật liệu làm phương tiện BVCN, từ đó làm chất lượng sản phẩm này suy giảm.

Ví dụ:

– Nếu ở môi trường ẩm, ít thông thoáng, các vật liệu polyme: Cao su, chất dẻo, vải, sợi…dễ bị thủy phân (đối với các polyme có các nhóm chức dễ tham gia phản ứng thủy phân: amin, este…) và bị nấm mốc phá hủy. Nếu vật liệu là kim loại, chúng dễ bị oxy hóa.

– Nếu ở môi trường có ánh nắng chiếu thẳng (có bức xạ tử ngoại), các vật liệu polyme dễ bị oxy hóa bởi oxy không khí gây đứt mạch, hoặc khâu mạch (xem sơ đồ 3.2).

Ngoài các yếu tố trên, cách hành xử không đúng của các đối tượng liên quan trong quá trình vận chuyển, cất giữ, sử dụng phương tiện BVCN cũng làm giảm chất lượng của chúng.

Biện pháp duy trì chất lượng lâu dài

Biện pháp duy trì lâu dài chất lượng của phương tiện BVCN thực chất là các công việc cần thực hiện để giảm nhẹ tác động của các yếu tố. Phần này chỉ đề cập đến những lưu ý khi sử dụng và bảo quản phương tiện BVCN.

Lưu ý khi sử dụng

– Sử dụng phương tiện BVCN phù hợp với tính năng của sản phẩm và hướng dẫn của nhà sản xuất, phân phối.

– Cẩn thận tránh tối đa tác động của các yếu tố không phù hợp với tính năng của sản phẩm.

– Vệ sinh phương tiện BVCN bằng các biện pháp thích hợp sau mỗi lần sử dụng

– Kiểm tra thường xuyên dấu hiệu hư hỏng để có biện pháp bảo dưỡng, sửa chữa hoặc thay thế kịp thời.

Lưu ý khi bảo quản

– Đối với phương tiện BVCN chưa dùng, phải đóng bao bì thích hợp, xếp ngăn nắp trên các giá đỡ để cất giữ trong kho. Với các phương tiện BVCN làm bằng cao su, chất dẻo: Ủng, giầy, găng tay…, không được xếp chồng nặng, vì chúng dễ bị biến dạng.

– Nơi cất giữ phải thoáng mát, xa nguồn ô nhiễm, xa nguồn nhiệt và không bị ánh nắng chiếu thẳng.

(Trích từ cuốn PTBVCN của tác giả Lưu Văn Chúc)


(Nguồn tin: Nilp.vn)