Đánh giá gánh nặng lao động, mức tiêu hao năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng của công nhân trong các cơ sở Dệt May và Giầy Da
Tóm tắt:
Nhiệm vụ tiến hành nhằm khảo sát đánh giá gánh nặng lao động (GNLĐ), mức tiêu hao năng lượng (THNL) và nhu cầu dinh dưỡng thực tế cho 1440 đối tượng tại 48 cơ sở của 2 ngành Dệt May và Giầy Da thuộc 3 miền với 4 vùng lương. Các phương pháp sử dụng để đánh giá GNLĐ và THNL bao gồm:phân tích đặc điểm lao động (LĐ), bấm thời gian LĐvà bảng THNL các thao tác lao động. Kết quả cho thấy: cả 2 ngành đều có gánh nặng thể lực (7/7 chỉ tiêu) ở mức nặng đến rất nặng; gánh nặng căng thẳng trong quá trình lao động(QTLĐ) của công nhân Dệt (11/22 chỉ tiêu), May (20/22 chỉ tiêu) và Giầy Da (17/22 chỉ tiêu) ở mức căng thẳng cao đến rất cao; mức THNL trung bình 1061±325 kcal/8h (trong đó:Dệt May 1087±323 kcal/8h và Giầy Da: 990±320 kcal/8h ) và có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0.05) giữa 2 ngành và giữa các nhóm công việc trong từng ngành; nhu cầu năng lượng thực tế bữa ăn ca nhằm bảo đảm bù đắp năng lượng đã tiêu hao trong LĐ tính trung bình cho ngành Dệt May (867±173kcal/ca) cao hơn so với ngành Giầy Da (828±165 kcal/ca), sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành công nghiệp Dệt May với đặc thù là lao động nữ, chiếm khoảng 80-90% lực lượng sản xuất, với tuổi nghề không quá cao. Thời gian làm việc trung bình thường trên 8giờ/ngày, nhiều khi công nhân phải làm việc tăng ca tới 10-12 giờ/ngày. Có tới 35% doanh nghiệp có điều kiền lao động và môi trường không đảm bảo vệ sinh. Các bệnh mắc chủ yếu do ảnh hưởng của môi trường và tính chất công việc là : bệnh tai mũi họng (chiếm 40-80%); bệnh đau đầu (75%), nhức mỏi cơ thể (56%); bệnh đau cột sống vùng thắt lưng (40-60%); ngoài ra là các bệnh về mắt (gần 20%), viêm da dị ứng (10-12%)…. Tỷ lệ công nhân bị giảm cân sau một thời gian làm việc chiếm khoảng 56%, trong đó độ tuổi 30 chiếm đa số. Theo nhiều tác giả nhưBùi Hoài Nam (2015) [1], Nguyễn Thúy Quỳnh (2015) [2], Viện Nghiên cứu KHKT Bảo hộ Lao động (2003) [3], các nguy cơ không đảm bảo an toàn, nguy cơ tai nạn và bệnh nghề nghiệp trong ngành Dệt May nước ta còn khá phổ biến.
Ngành Giầy Da hiện thu hút trên 624.000 lao động trên cả nước, trong tổng số lao động đó, nữ chiếm tới 85%.Một số kết quả nghiên cứu trước năm 2003 về MTLĐ ngành Giầy Da đã cho thấy: Nhiệt độ ở nhiều nơi khảo sát vượt tiêu chuẩn vệ sinh công nghiệp từ 0,40C đến 1,50C và cao hơn nhiệt độ ngoài trời từ 1,60C đến 2,70C. Tình trạng bệnh lý biểu hiện như: Viêm họng: 46,8%; Viêm mũi, xoang: 44,7%; Mắt: 23,6%; Da liễu: 7,1% (55% trong số đó do dị ứng). Bệnh thần kinh và suy nhược thần kinh tuy chỉ chiếm 6,3% nhưng đó là một dấu hiệu đáng chú ý vì biểu hiện trạng thái bệnh lý này có liên quan đến tính chất của yếu tố dung môi hữu cơ có trong MTLĐ và do cường độ, thời gian làm việc kéo dài. [3]. Tư thế làm việc gò bó, chưa hợp lý dẫn đến tỉ lệ triệu chứng bệnh đau mỏi cơ xương khớp tương đối cao (71,2%). Ảnh hưởng của điều kiện lao động, hóa chất trong quá trình sản xuất giầy tới sức khỏe người lao động cũng được nhiều tác giả khác trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu.
Với các vấn đề nêu trên, ngành công nghiệp Dệt may và Da giầy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ô nhiễm MTLĐ. Hằng ngày NLĐ phải trực tiếp tiếp xúc với các yếu tố này trong suốt quá trình làm việc đã ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của NLĐ cũng như năng xuất lao động. Đây là điều rất đáng quan tâm bởi với điều kiện làm việc như vậy, sức khỏe NLĐ sẽ không được đảm bảo về lâu dài. Do vậy, để cung cấp số liệu thực tế làm cơ sở để cải thiện điều kiện làm việc và xây dựng thực đơn bữa ăn trên cơ sở mức tiêu hao năng lượng thực tế một cách hợp lý, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (tên cũ là Viện NC KHKT Bảo hộ lao động) đã nhận nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu đề tài “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động một số ngành nghề”.
Trong phạm vi báo cáo này, chúng tôi chỉ tập trung nhiệm vụ đánh giá GNLĐ, tínhmức tiêu hao năng lượng các thao tác trong khoảng thời gian thực hiện công việc trong ca làm việc và tính nhu cầu năng lượng thực tế của người lao động thuộc 2 ngành dệt may (DM) và da giầy (DG). Hy vọng qua kết quả nghiên cứu sẽ làm cơ sở khoa học để xây dựng thực đơn bữa ăn ca một cách hợp lý để đảm bảo sức khỏe làm việc lâu dài cho người lao động.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng và Phạm vi nghiên cứu:
* Đối tượng nghiên cứu : Người lao động tại 48 cơ sở trong 2 ngành Dệt May và Da Giầy tại 4 vùng lương và 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tổng số đối tượng được khảo sát là 1440.
2.2. Phương pháp nghiên cứu:
– Thiết kế nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang
– Thời điểm đánh giá: Trong ca lao động
– Các kỹ thuật sử dụng chính :
+ Điều tra phân tích đặc điểm lao động bằng phương pháp quan sát, mô tả.
+ Đánh giá ĐKLĐ theo các chỉ tiêu nặng nhọc (gánh nặng thể lực động, gánh nặng tĩnh, chuyển động lặp lại, tư thế lao động…) và căng thẳng trong QTLĐ (gánh nặng trí tuệ, gánh nặng giác quan, gánh nặng cảm xúc, gánh nặng đơn điệu và chế độ làm việc , nghỉ ngơi).
+ Tính THNL bằng bấm thời gian lao động và bảng tiêu hao năng lượng các thao tác lao động.
Kỹ thuật thực hiện theo “Thường quy kỹ thuật-Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường“ [4] của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế năm 2015.
2.3. Tiêu chuẩn đánh giá
– Đánh giá theo “Bảng tiêu chuẩn phân loại nghề công việc theo các chỉ tiêu nặng nhọc“ và “Bảng tiêu chuẩn phân loại nghề công việc theo các chỉ tiêu căng thẳng“. Đánh giá theo 3 mức như sau [5], [6]:
+ Loại 1: Mức tối ưu –Gánh nặng thể lực nhẹ/Căng thẳng lao động mức nhẹ
+ Loại 2: Mức cho phép – Gánh nặng thể lực trung bình /Căng thẳng LĐ mức trung bình
+ Loại 3: Mức độc hại – Lao động nặng nhọc /Căng thẳng LĐ cao. Mức này:chia 2 nhóm:
- Mức 1- Nặng nhọc 1/Căng thẳng cao (3.1)
- Mức 2- Nặng nhọc 2/Căng thẳng rất cao (3.2)
Chọn kết quả phân mức xếp loại cao nhất cho cùng 1 công việc.
Nếu có≥ 2 chỉ tiêu mức 3.1 hoặc 3.2thì đánh giá mức nặng nhọc tăng lên 1 mức.
– Đánh giá mức THNL theo thao tác theo thang 6 bậc dựa theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT [3] và Thường quy kỹ thuật -Bộ Y tế, 2015.
– Đánh giá kết quảnhu cầu năng lượng (NCNL)tham chiếu theo “Nhu cầu dinh dưỡng- khuyến nghị cho người Việt nam”, Bộ Y tế-Viện Dinh dưỡng , 2016. [7]
III. KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN.
3.1. Kết quả đánh giá gánh nặng lao động
3.1.1. Kết quả quan trắc môi trường lao động
3.1.1.1. Kết quả quan trắc các cơ sở Dệt May:
Kết quả chỉ ra : miền Bắc: 05/12 cơ sở, miền Trung : 05/12 cơ sở và miền Nam: 04/1cơ sở vi phạm tiêu chuẩn về vi khí hậu theo QCVN 26:2016 /BYT. Kết quả xếp điểm được đánh giá theo thang điểm từ 1-6. Tuy nhiên trong kết quả đo môi trường làm việc của Dệt May, kết quả chỉ đến mức điểm tối đa là 4. Kết quả cho thấy mức 3-4 điểm tập trung chủ yếu vào yếu tố Vi khí hậu, các yếu tố khác ở mức đạt TCVS.
3.1.1.2. Kết quả quan trắc môi trường lao động ở các cơ sở Giầy Da
Nhìn chung, tại miền Bắc có 3/4 cơ sở , miền Trung có 3/4 cơ sở và miền Nam có 3/5 cơ sở vi phạm tiêu chuẩn (có ít nhất 01 thông số quan trắc không đạt yêu cầu). Kết quả cũng cho thấy yếu tố Vi khí hậu là đáng quan tâm.
3.1.2. Kết quả đánh giá gánh nặng lao động
Để đánh giá gánh nặng lao động, đề tài đã sử dụngphương pháp đánh giá GNLĐ của Nga năm 2014 [23] và hệ thống chỉ tiêu về điều kiện lao động (ĐKLĐ) bao gồm 22 chỉ tiêu dựa trên “Phương pháp đánh giá tổng hợp kết quả đo đạc khảo sát các yếu tố ĐKLĐ đặc trưng” và “Hệ thống tiêu chuẩn phân cấp 22 yếu tố ĐKLĐ”. Về cơ bản vẫn đánh giá theo hướng dẫn trong “Thường quy kỹ thuật của Bộ Y tế-Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường” năm 2015 [4].
3.1.2.1. Kết quả đánh giá GNLD các cơ sở Dệt
– GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu nặng nhọc: Có 7/7 chỉ tiêu được đánh giá ở các mức nặng. Trong đó, mức 3.3 chủ yếu tập trung vào các công việc đòi hỏi thể lực như xếp bông, vận hành máy sợi, nối sợi, vệ sinh ống sợi…..
– GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu căng thẳng : Có 11/22 chỉ tiêu được đánh giá từ mức 3.1 trở lên, trong đó 6/22 chỉ tiêu ở mức từ 3.1 và 5/22 chỉ tiêu ở mức 3.2. Nhìn chung các nhóm công việc trong cơ sở sản xuất dệt mức căng thẳng trong lao động ở mức trung bình, riêng công nhân vận hành máy dệt đòi hỏi sự tập trung chú ý caogánh nặng đơn điệu trong lao động ở mức cao 3.1.
3.1.2.2. Kết quả đánh giá GNLĐ ở 32 cơ sở May
– GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu nặng nhọc: đều từ mức nặng (mức 3.1) đến mức rất nặng (mức 3.3) tùy thuộc vào công việc. Có 7/7 chỉ tiêu ở mức từ 3.1 trở lên. Nhìn chung, nghề May đa số các vị trí đều ở mức nặng.
– GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu căng thẳng: có 20/22 chỉ tiêu được đánh giá từ mức căng thẳng cao (mức 3.1) đến căng thẳng rất cao (mức 3.2), trong đó 6/22 chỉ tiêu ở mức 3.1 và 14/22 chỉ tiêu ở mức 3.2. Tất cả các vị trí công việc đánh giá mức căng thẳng cao và rất cao (3.1-3.2), chiếm tỷ lệ chung @ 89%;
3.1.2.3. Kết quả đánh giá GNLĐ ở các cơ sở Giầy Da
– Có 7/7 chỉ tiêu GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu nặng nhọc đều được đánh giá từ mức lao động nặng (mức 3.1) đến mức rất nặng (mức 3.3) tùy thuộc vào công việc.
– GNLĐ tổng hợp theo các chỉ tiêu căng thẳng : Có 17/22 chỉ tiêu được đánh giá từ mức 3.1 trở lên, trong đó 6/22 chỉ tiêu ở mức từ 3.1 và 11/22 chỉ tiêu ở mức 3.2 (chiếm tỷ lệ >80%). Nhìn chung trừ công đoạn sấy và đóng gói và khu vực kho mức căng thẳng cao (mức 3.1), các công việc khác đều ở mức căng thẳng rất cao (mức 3.2).
3.2. Kết quả đánh giá mức tiêu hao năng lượng và nhu cầu dinh dưỡng
3.2.1. Tính tiêu hao năng lượng thực tế theo thao tác
Kết quả tính mức THNL của công nhân bằng phương pháp bấm giờ các thao tác lao động trong ca làm việc cho kết quả như sau :
* Kết quả đánh giá mức THNL ở cả 3 miền:
Kết quả bảng 3.1 và biểu đồ 3.1 dưới cho nhận xét :
– Tính cho cả 3 miền và 3 mức lao động, mức THNL trung bình theo thao tác chung cho cả 2 ngành là 1061kcal±325kcal/8h(nằm trong mức THNL vừa [8]). Trong đó, Dệt Maylà 1087±323kcal/8h, (vớimức THNL trung bình tối thiểulà 299 kcal/8h và tối đalà 3035kcal/8h) và của Giầy Da là 990±320 kcal/8h (vớimức THNL trung bình tối thiểu là 399 kcal/8h và tối đa là 2650kcal/8h); Kết quả nghiên cứu cho thấy mức THNL trung bình giữa 2 ngành có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
– Xem xét kết quả mức THNL tối đa giữa 2 ngành cũng cho thấy ngành Dệt May, ở loại hình lao động nặng, có mức THNL trung bình tối đa cao hơn (xuất hiện ở một số công đoạn vẽ, cắt, đóng gói-kho) so với ngành Giầy Da. Đây là những công đoạn phải hoạt động, thao tác nhiều, nhất là công đoạn đóng gói.
* Kết quả đánh giá mức THNL chia theo miền và vùng lương:
– THNL trung bình theo từng miền khảo sát, cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05), trong đó miền Bắc có mức THNL trung bình cao hơn và khác biệt với miền Trung và miền Nam.
– THNL tính theo vùng lương, ngành Dệt May, chưa thấy sự khác biệt, nhưng ngành Giầy Da lại có sự khác biệt giữa vùng lương 1 với 3 vùng còn lại. Ở ngành Giầy Da, vùng 1 có mức THNL trung bình cao hơn so với 3 vùng lương còn lại.
* Kết quả mức THNL chia theo giới tính và nhóm tuổi:
Với ngành Dệt May, mức THNL ở loại hình lao động nhẹ và vừa nữ cao hơn nam, nhưng ở loại hình lao động nặng thì nam cao hơn nữvàchưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa về mức THNL trung bình giữa nam và nữ. Với ngành Giầy Da, nam giới có mức THNL trung bình cao hơn nữ giới ở loại hình lao động vừa và nặng và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Mức THNL nhóm tuổi 31-60 cao hơn nhưng chưa có sự khác biệt.
3.2.2. Kết quả đánh giá tổng hợp gánh nặng lao động chung cho 2 ngành:
Tổng hợp các kết quả quan trắc môi trường, GNLĐ và mức THNL phân tích nêu cho ra kết quả trong bảng 3.2dưới đây và rút ra kết luận vềGNLĐ tổng hợp 2 ngành như sau:
Kết quả trong bảng 3.2. cho kết luận :
– Môi trường lao động ô nhiễm chủ yếu do yếu tố vi khí hậu (mức nặng- loại 4)
– Mức tiêu hao năng lượng trung bình ở cả hai ngành ở mức vừa:1061kcal±325kcal/8h,
– GNLĐ tổng hợp chung cho ngành Dệt May và Giầy Da thuộc loại 4 (rất nặng nhọc độc hại), trong đó vấn đề đáng quan tâm ở cả 2 ngành là sự căng thẳng trong quá trình lao động.
3.3. Kết quả tính nhu cầu năng lượng theo mức THNL thực tế
3.3.1. Nhu cầu năng lượng cả ngày chung cho 2 ngành
Từ kết quả tính mức THNL trong ca lao động, loại hình lao động, NCNLcả ngày của công nhân được tính theo cân nặng thực tế và theo Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam 2016[7]chung của 2 ngành chia theo các nhóm tuổi, giới, loại hình lao động cho kết quả bảng 3.3 như sau :
Kết quả trong bảng 3.3 và 3.4. dưới cho nhận xét sau :
+ NCNL có xu hướng giảm theo độ tuổi và tăng theo loại hình lao động.
+ So với nhu cầu khuyến nghị năng lượng cho người Việt Nam theo lứa tuổi và mức hoạt động thể lực, nhu cầu năng lượng tính theo cân nặng của các đối tượng cho kết quả có sự chênh lệch.
+ NCNLtrung bình Dệt May là 2168±432 kcal/ngày (trong đó, NCNL trung bình tối thiểu: 1161kcal/ngày và tối đa là 4647 kcal/ngày), NCNL trung bình Giầy Da:2071±413 kcal/ngày (trong đó, NCNL trung bình tối thiểu là 1115kcal/ngày và tối đa là 3416 kcal/ngày). Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về NCNL giữa 2 ngành (p<0,05).
+ Ở loại hình lao động nặng, ngành Dệt May có NCNL trung bình tối đa cũng cao hơn so với ngành Giầy Da. Điều này là hợp lý vì mức THNL trung bình tối đa ở loại hình lao động nặng trong ngành Dệt May cũng cao hơn Giầy Da. Tiêu hao nhiều, đòi hỏi sự bù đắp năng lượng nhiều hơn.
+ Nhìn chung, chưa thấy sự khác biệt giữa các nhóm tuổi ở nam và nữ trong từng ngành, trừ nhóm tuổi của nữ trong ngành Dệt May ở mức lao động nhẹ.
3.3.2. Kết quả tính nhu cầu năng lượng bữa ăn ca
Từ kết quả NCNL cả ngày như trên, mứcNCNL bữa ăn ca (bằng 40% năng lượng cả ngày) khảo sát chung ở 2 ngành chia theo nhóm tuổi, giới, loại hình lao động cho kết quả trong bảng 3.5và 3.6:
+ NCNL thực tế bữa ăn ca trung bình chung cả 2 ngành là 857±172kcal/ca , trong đó ngành Dệt Maylà 867±173kcal/ca. Ở ngành Giầy Da 828±165kcal/ca.NCNL trung bình bữa ăn ca của Dệt Maycao hơn so với Giầy Da và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).
+ Có sự khác biệt về NCNL bữa ăn ca giữa nam và nữ ở cả 2 ngành. Chưa có sự khác biệt về NCNL bữa ăn ca của nam giữa 2 ngành nhưng có sự khác biệt của nữ giữa 2 ngành. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả đánh giá mức tiêu hao năng lượng TB ở ngành Dệt May cao hơn ngành Giầy Da.
Trên cơ sở các kết quả THNL thực tế trong quá trình lao động và NCNL bữa ăn ca thực tế đã khảo sát, đề tài đề xuất mức NCNL theo các nhóm tuổi, giới và mức lao động (căn cứ Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam 2016) đối vớiNLĐ trong 2 ngành sản xuất Dệt May và Giầy Da như sau:
IV. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
Kết quả nghiên cứu về GNLĐ, sức khỏe, NCDD, chât lượng bữa ăn cũng như các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ góp phần cải thiện sức khỏe NLĐ ở hai ngành Dệt May và Giầy Da cho phép rút ra một số kết luận sau :
– Mức GNLĐ ở cả hai ngành Dệt May và Giầy da đều được đánh giá ở mức nặng nhọc độc hại.
– Mức tiêu hao năng lượng TB ở cả hai ngành ở mức vừa: 1061±325kcal/ca, trong đó Dệt May trung bình là 1087±323kcal/ca và ngành Giầy Da là 990±320kcal/ca;
– NCNL đối với bữa ăn ca nhằm bảo đảm bù đắp năng lượng đã tiêu hao trong lao động tính trung bình cho cả 2 ngành là 857±172kcal, trong đó ngành Dệt May là 867±173 kcal/ca; ngành Giầy Da là 828±165 kcal/ca.
– THNL và NCNL trung bình tối đa ở loại hình lao động nặng ở ngành Dệt May đều cao hơn so với ngành Giầy Da. Điều này cho thấy, các thao tác trong một số công đoạn trong ngành Dệt May tiêu tốn nhiều calo hơn so với ngành Giầy da.
– Kết quả đánh giá bữa ăn ca thực tế các cơ sở hiện cấp cho NLĐ ở cả 2 ngành, tại 4 vùng lương trên địa bàn toàn quốc đều cho thấy chưa bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu, chưa cân đối giữa các thành phần thức ăn, chưa đáp ứng được NCNL so với NCNLKN (chỉ đáp ứng được 89% ở loại hình lao động nhẹ, 75,5% loại hình lao động vừa và 64,6% loại hình lao động nặng) và nhất là chưa đáp ứng đủ về Vit và vi lượng;
– Căn cứ vào mức độ THNL đối với 3 mức lao động đề tài đề xuất Nhu cầu năng lượng tối thiểu bữa ăn ca chung cho cả 2 ngành nhằm đảm bảo đáp ứng mức đủ THNL trong quá trình lao động (kết quả được đề xuất trong bảng 3.7 nêu trên).
– Xây dựng được mô hình bữa ăn ca gồm 36 bộ thực đơn và các lựa chọn thực phẩm tương đương chất lượng, mức chi phí theo loại hình lao động/ngành nghề, miền, vùng kinh tế. Đề tài cũng đã xây dựng được Bộ tiêu chí ATVSTP cho bữa ăn ca.
4.2. Kiến nghị
– Đề nghị xem xét áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường và ĐKLĐ nhằm làm giảm bớt GNLĐ góp phần nâng cao sức khỏe cho NLĐ. Không bố trí các đối tượng có biểu hiện thiếu máu vào làm ở các vị trí có tiếp xúc với các loại DMHC
– Cần tăng cường chế độ dinh dưỡng bữa ăn ca cân đối và hợp lý nhằm đảm bảo chất- lượng, đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng bữa ăn ca và giảm nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân, béo phì qua việc xem xét áp dụng Bộ 36 thực đơn cho bữa ăn ca.
Tài liệu tham khảo :
1. Bùi Hoài Nam, Nguyễn Đức Trọng, Nguyễn Thị Thùy Dương, Đào Văn Dũng (2015), “Điều kiện lao động nữ công nhân may công nghiệp ở Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Minh Anh”, Tạp chí y học dự phòng, Tập XXV, số 8(168) 2015 Số đặc biệt
2. Nguyễn Thúy Quỳnh, 2015. “Tình trạng sức khỏe của công nhân nữ ở một số khu công nghiệp Việt Nam và một số yếu tố liên quan”. Báo cáo kết quả khoa học và công nghệ đề tài.
3. Lê Vân Trình, Điều tra đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khỏe con người trong một số ngành nghề tập trung nhiều lao động và đề xuất một số giải pháp hạn chế nhằm bảo vệ nguồn nhân lực trong quá trình hội nhập. DAMT/2007/01/TLĐ. 2009.
4. Thường quy kỹ thuật sức khỏe nghề nghiệp và môi trường tập 1 (2015), Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế, Nhà xuất bản y học
5.Федеральный закон от 28 декабря 2013 г. № 426-ФЗ «О специальной
оценке условий труда».
6. Приказ Минтруда России №33н от 24 января 2014 г. Об утвержденииМетодики проведения специальной оценки условий труда,Классификатора вредных и (или) опасных производственных факторов,формы отчета о проведении специальной оценки условий труда и
инструкции по ее заполнению.
7. Bộ Y tế-Viện Dinh dưỡng “Nhu cầu dinh dưỡng– khuyến nghị cho nghề nghiệp và Môi trường-Tập 1. NXB Y học, 2015.
8. Viện khoa học lao động và các vấn đề xã hội. Hướng dẫn phân loại nghề nặng nhọc độc hại ở Việt Nam, 1996.
TS. Đỗ Trần Hải, TS.Vũ Xuân Trung,
TS.Phạm Thị Bích Ngân, Ths.Nguyễn Thị Hiền và CTV,
Viện KH An toàn và Vệ sinh lao động
(Nguồn tin: Vnniosh.vn)