Khái niệm cơ bản về Ecgônômi

Thứ Sáu, 01/12/2023, 02:50(GMT +7)

Trong quá trình lao động, 3 yếu tố: Con người – đối tượng kỹ thuật – Môi trường lao động luôn có một mối quan hệ, tương thích, tác động đến nhau. Con người thiết kế, tạo ra và sử dụng các công cụ, phương tiện lao động, đồng thời họ chịu tác động trở lại của những yếu tố tốt cũng như xấu, bất lợi của công cụ, phương tiện và các yếu tố môi trường mà họ làm việc. Việc nghiên cứu sự tương thích giữa các đối tượng kỹ thuật, môi trường lao động với con người để bảo đảm sao cho con người có thể lao động có năng suất, chất lượng, an toàn và tiện nghi là nội dung cơ bản của một ngành khoa học mới – Khoa học Ecgônômi.

1. Thuật ngữ Ergonomisc (theo tiếng Anh) xuất phát từ gốc tiếng Hy Lạp: “ergo” – nghĩa là công việc, lao động và “Nomos” – nghĩa là qui luật. Xuất xứ đó đã cho chúng ta thấy ý nghĩa của Ergonomis – mà theo cách dịch ra tiếng Việt đã được công nhận trong các tiêu chuẩn và từ điển ở nước ta là Ecgônômi – là khoa học nghiên cứu về những qui luật của lao động, hay nói 1 cách khác là nghiên cứu mối quan hệ giữa con người và lao động.
Nói về con người, chúng ta hiểu bao gồm các vấn đề về hình dáng, kích thước, sự cấu tạo được gọi chung là các đặc điểm giải phẫu; các quá trình sinh học ở bên trong duy trì sự tồn tại của cơ thể gọi chung là các đặc điểm sinh lý, cơ sinh; và các đặc điểm về sự đáp ứng của cơ thể đối với môi trường xung quanh gọi là các đặc điểm tâm lý.
Nói về lao động, chúng ta hiểu bao gồm các nhiệm vụ phải hoàn thành, các động tác, thao tác, các bước công việc phải làm, các phương pháp trong lao động, các dụng cụ, thiết bị, máy móc, bố trí chỗ làm việc và môi trường nơi làm việc.

2. Hiện nay đã có nhiều định nghĩa về Ecgônômi được đưa ra bởi các tổ chức, các cá nhân khác nhau. Có thể nêu một số định nghĩa như sau:
Hội Ecgônômi quốc tế (IEA) đã đưa ra định nghĩa về Ecgônômi như sau: “Ecgônômi (hay các yếu tố con người) là một ngành khoa học liên quan đến việc nghiên cứu sự tương thích giữa con người và các yếu tố khác của hệ thống và công việc bằng cách áp dụng lý thuyết, các nguyên tắc, các số liệu và các phương pháp để thiết kế nhằm đạt được tối ưu hoá lợi ích của con người và hiệu quả hoạt động chung của toàn hệ thống”.
Michael J. Smith, trong Bộ Bách khoa toàn thư về ATVSLĐ, tập 2, do Tổ chức Lao động quốc tế ILO xuất bản lần thứ 4, Geneva 1998, đã đưa ra định nghĩa:“Ecgônômi công nghiệp là môn khoa học về sự tương thích giữa môi trường làm việc và các hoạt động nghề nghiệp với khả năng, kích thước và các nhu cầu của con người. Ecgônômi giải quyết các vấn đề về môi trường làm việc vật chất, việc thiết kế các công cụ và công nghệ, thiết kế nơi làm việc, các nhu cầu công việc và tải trọng sinh lý, cơ sinh đối với cơ thể con người. Mục tiêu của Ecgônômi công nghiệp là nhằm tăng cường tính tương thích giữa những người lao động, môi trường làm việc, các công cụ và nhu cầu về nghề nghiệp của họ. Khi tính tương thích kém thì các vấn đề về stress và sức khoẻ có thể xảy ra”.
Theo cuốn Từ điển Lewis về An toàn và sức khoẻ lao động và môi trường (J.W.Viconli – USA 2000) thì: “Ecgônômi là một hoạt động gồm nhiều nguyên tắc tập trung vào sự tương thích giữa con người và toàn bộ môi trường làm việc của họ, với sự quan tâm đến những người phải chịu stress do phải làm việc trong môi trường nóng, thiếu ánh sáng, ồn, cũng như những vấn đề liên quan tới các công cụ và thiết bị tại chỗ làm việc. Ecgônômi còn được coi như là các yếu tố con người và những yếu tố kỹ thuật liên quan đến con người”.
Ở Việt Nam, từ 1990 đã đưa ra tiêu chuẩn về định nghĩa Ecgônômi như sau:“Ecgônômi là môn khoa học liên ngành nghiên cứu tổng hợp sự thích ứng giữa phương tiện kỹ thuật và môi trường lao động với khả năng của con người về giải phẫu, sinh lý, tâm lý nhằm bảo đảm cho lao động có hiệu quả nhất, đồng thời bảo vệ sức khoẻ, an toàn và tiện nghi cho con người”.

3. Như vậy là tuy các định nghĩa đưa ra không hoàn toàn thống nhất về câu từ,
song về cơ bản các khái niệm được nêu lên với những ý cốt lõi giống nhau. Điều đó cho thấy, về bản chất, Ecgônômi nghiên cứu hoặc sử dụng các thông tin liên quan đến cấu trúc cơ thể của con người gồm các khả năng và giới hạn thể lực, các kích thước và đặc điểm cơ của cơ thể, các đặc điểm sinh lý, đặc điểm hoạt động của não bộ và chức năng của hệ thần kinh trung ương, các đặc điểm tâm lý và hành vi của con người… để xây dựng nên thành những nguyên tắc hay yêu cầu cho thiết kế môi trường lao động, thiết kế, chế tạo các đối tượng kỹ thuật, quản lý lao động, tổ chức lao động khoa học, an toàn vệ sinh lao động nhằm đảm bảo cho lao động hiệu quả nhất và bảo vệ sức khoẻ, an toàn cho người lao động.
Trong mọi hoạt động, Ecgônômi luôn luôn theo đuổi các mục tiêu nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động của hệ thống Con người – Đối tượng kỹ thuật – Môi trường lao động, mà ta có thể gọi tắt là hệ thống Người – Máy – Môi trường. Ecgônômi làm thích ứng lao động với các khả năng của con người về giải phẫu, sinh lý và tâm lý, đảm bảo cho lao động được tiến hành với hiệu quả cao nhất, với tổn hao sinh học thấp và đảm bảo an toàn cho con người.
Chúng ta có thể hình tượng hoá mối tương thích giữa con người với đối tượng kỹ thuật và môi trường như trên sơ đồ

Từ phân tích trên cho thấy mục tiêu của Ecgônômi là:
– Hướng tới việc loại trừ mọi nguy hại cho sức khoẻ của con người;
– Hướng tới sự tiện nghi cho con người, tức là làm cho các đối tượng kỹ thuật phù hợp với các khả năng hữu hạn của con người, có tác dụng động viên các quá trình tâm lý, sinh lý, hạn chế mệt mỏi và thúc đẩy khả năng lao động lâu dài mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người;
– Hướng tới tối ưu các tổn hao sinh học trong quá trình lao động;
– Làm cho lao động có hiệu quả cao (tăng năng suất và chất lượng của lao động);

Vậy, mục tiêu chính của ecgônômi là làm cho công cụ, thiết bị, công việc phù hợp với con người chứ không phải là làm cho con người phù hợp với công việc, công cụ, thiết bị.

Để đạt được mục tiêu chính nói trên, một số yêu cầu và nguyên tắc chính của Ecgônômi đối với hệ thống lao động là:
– Đối với không gian làm việc và phương tiện lao động: Cấu trúc không gian vị trí làm việc phải đảm bảo an toàn, tiện nghi cho 90% người sử dụng (từ P5 đến P95). Tư thế, lực cơ, chuyển động của cơ thể; khả năng tiếp nhận thông tin từ các phương tiện phản ánh thông tin, đặc tính chuyển động của cơ thể phải đảm bảo an toàn và tiện nghi.
– Đối với môi trường lao động: Đảm bảo kích thước không gian di chuyển, thao tác. Trao đổi không khí, cân bằng nhiệt, màu sắc, âm thanh, rung động, bức xạ phải đảm bảo nằm trong giới hạn cho phép.
–  Đối với quá trình lao động: Bảo đảm an toàn, sức khỏe, tiện nghi để thực hiện mục tiêu lao động. Loại trừ quá tải và dưới tải – giới hạn trên và dưới của chức năng sinh lý, tâm sinh lý.
Để đạt được mục đích, đối tượng nghiên cứu của Ecgônômi không đơn thuần chỉ là con người trong hoạt động lao động, mà ở mọi nơi, mọi chỗ làm việc hay sinh hoạt, vui chơi giải trí, con người đều chịu tác động của rất nhiều yếu tố xung quanh. Nếu trong điều kiện sản xuất, đó là sự tác động của thiết bị, máy móc, của chính quá trình công nghệ, của việc tổ chức vị trí lao động đó và môi trường lao động do chính quá trình sản xuất đó tạo nên. Những yếu tố điều kiện lao động này không ngừng tác động trực tiếp đến người lao động. Bởi vậy, nghiên cứu tác động tương hỗ giữa con người với điều kiện lao động và từng yếu tố của điều kiện này hay mối tác động tương hỗ giữa các yếu tố Người-Máy-Môi trường là đối tượng nghiên cứu của Ecgônômi.
Tuy nhiên cũng cần biết rằng trong một số trường hợp đặc biệt, khi con người hoạt động, sử dụng công cụ, thiết bị để đạt một mục đích cụ thể khác như trong lĩnh vực quân sự, trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, chúng ta không thể đòi hỏi công cụ, thiết bị (ở đây là thiết bị, khí tài như con tàu vũ trụ, xe tăng, máy bay chiến đấu…) phải phù hợp, tiện nghi đối với con người, mà chúng ta phải chấp nhận mục tiêu hàng đầu là tính năng, tác dụng của thiết bị, khí tài đó và cần phải tuyển chọn con người một cách kỹ lưỡng, bảo đảm phù hợp với những yêu cầu đặt ra của thiết bị, khí tài và phải huấn luyện, tập luyện cho họ có thể thích ứng để làm việc, thao tác với thiết bị, khí tài đó. Đây là trường hợp đặc biệt của Ecgônômi.

4. Các hướng phát triển và ứng dụng của Ecgônômi:

  Ecgônômi phát triển theo hai hướng là Ecgônômi dự phòng hay còn gọi là Ecgônômi thiết kế và Ecgônômi sửa chữa hay còn gọi là Ecgônômi can thiệp.
4.1. Với ý nghĩa dự phòng, Ecgônômi có thể tham gia tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho mọi đối tượng, đồng thời hạn chế các tác hại do môi trường và điều kiện lao động không thuận lợi. Thiết kế một nhà máy, một qui trình công nghệ, một công cụ phải dựa trên sự hiểu biết về Ecgônômi, nghĩa là thấy rõ sự hạn chế của khả năng con người, biết tôn trọng những đặc điểm hình thái, sinh lý, tâm lý của người lao động thì không những tăng được năng suất mà lại còn tránh được cho người lao động các tai nạn và bệnh tật không muốn có. Trong mục đích dự phòng, Ecgônômi can thiệp ngay từ giai đoạn thiết kế.
– Địa điểm xây dựng nhà máy: Bản thiết kế phải kèm theo những giải thích về quá trình sản xuất, các yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc nhiễm bẩn không khí, đất, nước và lan truyền tiếng ồn sang khu dân cư và dự kiến cách xử lý,… Nhà Ecgônômi tham gia xét duyệt và góp ý về các tiêu chuẩn vệ sinh-sinh lý và ecgônômi ngay từ khi còn trong giai đoạn thiết kế.
– Thiết kế dây truyền công nghệ, máy móc: Thiết kế phải làm giảm gánh nặng thể lực, tâm thần và gánh nặng do môi trường, đề xuất các cải tiến để thích nghi gánh nặng lao động và gánh nặng môi trường đối với khả năng chịu đựng của con người. Muốn làm được điều đó, ngay từ giai đoạn thiết kế mỗi sản phẩm phải tính đến các đặc điểm liên quan đến người sử dụng như; tuổi, giới, đặc điểm nhân trắc, thể lực, trình độ học vấn, phong tục tập quán… Ecgônômi làm nhiệm vụ cung cấp các thông tin trên, đồng thời giám sát việc thực hiện các yêu cầu đó.
– Tổ chức lao động khoa học: Ecgônômi nghiên cứu định mức lao động, hoàn thiện và hợp lý hóa các thao tác, áp dụng phương pháp lao động theo các nguyên tắc Ecgônômi (tiết kiệm và hợp lý hóa cử động, thao tác…), quy định chế độ lao động và nghỉ ngơi… Ecgônômi còn nghiên cứu hình thức tổ chức lao động khoa học, cách bố trí mặt bằng thao tác cho thuận lợi, phù hợp với các nguyên tắc Ecgônômi về vùng thao tác và trường thị giác.
– Tuyển chọn nghề nghiệp: Mặc dù Ecgônômi luôn tuân thủ theo phương châm làm cho công việc phù hợp với con người, nhưng đối với một số công việc có những đòi hỏi thích nghi nghề nghiệp đặc biệt thì Ecgônômi tham gia tuyển chọn những người có khả năng thích nghi tốt với nghề nghiệp đó.

4.2. Hướng Ecgônômi sửa chữa được phát huy rộng rãi ở những nơi có bất hợp lý trong quá trình lao động, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Do điều kiện và trình độ kinh tế, đa số các thiết bị máy móc và công cụ ở các nước đang phát triển đều nhập từ các nước phát triển, nơi có các điều kiện kinh tế và xã hội rất khác biệt. Các đặc điểm về nhân trắc, thể lực, sinh lý, cơ sinh và tâm sinh lý cũng có nhiều điểm khác biệt giữa các nước, các dân tộc. Chính vì vậy, trong quá trình vận hành các trang thiết bị, máy móc, dụng cụ nhập khẩu có thể phát sinh các yếu tố bất hợp lý, có hại, nguy hiểm làm ảnh hưởng đến người lao động và tăng nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN. Trong bối cảnh đó, cần có sự can thiệp của Ecgônômi bằng những giải pháp cải thiện hợp lý. Ecgônômi sửa chữa thường được thực hiện theo 4 giai đoạn:
– Phát hiện (chẩn đoán) dựa trên sự phân tích các hoạt động nghề nghiệp (quay phim, chụp ảnh các tư thế làm việc, quan sát biểu đồ sinh lý, phân tích các sự cố,…)
– Thử nghiệm: Dùng thử nghiệm phân tích các biểu đồ đã chọn.
– Ứng dụng: Cải tạo các bất hợp lý theo các thử nghiệm thành công.
– Đánh giá: Quan sát hành vi NLĐ dựa vào các hiệu quả (chất lượng, số lượng, trị giá sản phẩm, an toàn thiết bị, an toàn con người, sức khoẻ, ổn định nhân sự).

PGS.TS. Nguyễn An Lương – Hội ATVSLĐ Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Đức Hồng – Viện Bảo hộ lao động


(Nguồn tin: NILP)