Nghiên cứu mối quan hệ giữa các kích thước bàn tay của nam công nhân tuổi từ 25 đến 30

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:22(GMT +7)

TÓM TẮT
Để thiết kế găng tay cần phải xây dựng hệ thống kích thước của bàn tay và phân tích được đặc điểm kích thước bàn tay. Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu kích thước bàn tay của nam công nhân thành phố Hồ Chí Minh bằng phương pháp điều tra cắt ngang và phương pháp đo trực tiếp cho 450 nam công nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy: kích thước chủ đạo trong hệ thống kích thước bàn tay là kích thước chiều dài và kích thước chiều rộng bàn tay; bước nhảy của kích thước chiều dài bàn tay là 1cm, chiều rộng bàn tay là 1cm; đề xuất được 10 cỡ số tối ưu trong hệ thống kích thước bàn tay với tỉ lệ phục vụ là 74,23%. Hệ thống kích thước bàn tay là cơ sở để thiết kế và sản xuất găng tay bảo hộ lao động đảm bảo độ vừa vặn và tiện nghi nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. 

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong lĩnh vực dệt may, các công trình nghiên cứu về nhân trắc học có ý nghĩa vô cùng to lớn với sự phát triển của ngành. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp may đang hướng tới sản xuất các mặt hàng may mặc từ quần áo đến phụ trang nhằm tăng thêm phần giá trị thẩm mỹ cho người sử dụng. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu, khảo sát về đặc điểm hình thái con người nhằm xây dựng nên một hệ thống cỡ số chuẩn cho các lứa tuổi và giới tính càng trở nên cần thiết. Trên thế giới ngoài hệ thống kích thước phần thân cơ thể người còn có hệ thống kích thước bàn tay, bàn chân của cơ thể người. Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu về hệ thống kích thước cơ thể người bước đầu là xây dựng hệ thống kích thước cơ thể trẻ em trai, trẻ em gái, cơ thể nam, nữ thanh niên, trung niên [1] và hệ thống kích thước bàn chân [2]. Các công trình nghiên cứu về đặc điểm kích thước bàn tay còn rất ít.  Kết quả nghiên cứu về hệ thống kích thước bàn tay người Việt Nam từ những năm 1986 [3] đến nay không còn phù hợp. Mặt khác, khoa học kỹ thuật phát triển, rất nhiều ngành sản xuất cần phải sử dụng găng tay để bảo vệ đôi bàn tay như ngành điện, ngành cơ khí, ngành xây dựng,…Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng hệ thống kích thước bàn tay của nam, nữ công nhân là cần thiết, giúp cho ngành sản xuất găng tay phát triển theo hướng bền vững, hướng tới đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa. Vì thế, chúng tôi bước đầu đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mối quan hệ giữa các kích thước bàn tay của nam công nhân tuổi từ 25 đến 30 ” nhằm  góp phần đánh giá sự phát triển đặc điểm hình thái bàn tay và xây dựng hệ thống kích thước bàn tay để phục vụ cho công tác thiết kế găng tay thông thường cũng như găng tay bảo hộ lao động.  Nội dung của nghiên cứu là xác định các kích thước bàn tay, xác định kích thước chủ đạo và xây dựng hệ thống kích thước bàn tay: bước nhảy, hàm tương quan….

2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

450 nam công nhân đang sinh sống tại  thành phố Hồ Chí Minh được chọn ngẫu nhiên và đại diện từ trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex thành phố Hồ Chí Minh, công ty TNHH Thương mại kỹ thuật xây dựng HTC, công ty TNHH dịch vụ tin học máy tính Dũng Sĩ.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu là phương pháp điều tra cắt ngang và theo tiêu chuẩn [4] đã xác định được 26 kích thước nhân trắc của bàn tay [3]. Các kích thước đo được chia thành bốn nhóm:

+ Các kích thước chiều dài;

            + Các kích thước chiều rộng;

+ Các kích thước chiều dày;

            + Các kích thước vòng.

  • Phương pháp chọn mẫu

  Xác định cỡ mẫu nghiên cứu theo công thức:

Trong đó: n – Cỡ mẫu; Với nghiên cứu sinh học thường sử dụng mức xác suất p = 0,95 ứng với z = 1.96; e – Sai số 3%.

 Thực tế 450 công nhân nam đã được chọn làm mẫu.

  •  Mốc đo và kích thước đo

– Các mốc đo được xác định bởi các mốc giải phẫu xương, cơ tương ứng [3];

– Các số đo nhân trắc của nam công nhân ở tư thế đứng theo tiêu chuẩn [4];

– Xác định 26 kích thước đo nhân trắc.

Hình 1. Các kích thước bàn tay

* Phương pháp xử lý số liệu

Xử lý số liệu bằng thống kê sinh học và phần mềm SPSS.V22 để xác định các giá trị trung bình cộng (M), trung vị (Me), số trội (Mo), độ lệch chuẩn (σ), hệ số biến thiên (Cv).

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3.1 Kích thước bàn tay

Kết quả nghiên cứu 26 kích thước đo nhân trắc bàn tay được trình bày trong bảng 1.

3.2 Xác định kích thước chủ đạo

    Các kích thước chủ đạo thường là các kích thước quan trọng, có mối tương quan chặt chẽ với một số kích thước khác của bàn tay và tuân theo quy luật phân phối chuẩn. Thông thường, để thiết lập hệ thống cỡ số bàn tay, sử dụng hai kích thước chủ đạo là chiều dài và chiều rộng bàn tay [5]. Chiều dài bàn tay có quan hệ chặt chẽ với các kích thước chiều dài của các ngón tay. Chiều rộng bàn tay có mối quan hệ chặt chẽ với các số đo vòng và số đo chiều rộng của các ngón tay. Xác định kích thước chủ đạo của hệ thống cỡ số được tiến hành theo hai bước:

Bước 1: Xác định kích thước chủ đạo trong dãy 26 kích thước của bàn tay, nghiên cứu bằng kĩ thuật phân tích thành phần chính trong phân tích số liệu đa chiều [6]. Kết quả phân tích thành phần chính được trình bày rút gọn trong bảng 2 và 3.

Bước 2: Chứng minh qui luật phân phối của kích thước chủ đạo tuân theo qui luật phân phối chuẩn theo các điều kiện sau [7]:

1. Giá trị trung bình M phải gần với số trội Mo và số trung vị Me

2. Hệ số bất đối xứng [SK] < [S]

3. Hệ số nhọn [KU] < [K]

4. X2 thực nghiệm < X2 giới hạn

Kết quả tính các đặc trưng thống kê của hai kích thước chủ đạo chiều dài và chiều rộng bàn tay được thể hiện trên bảng 3.

Bảng 3. Kết quả kiểm định giả thiết phân phối chuẩn của chiều dài và chiều rộng bàn tay

Quan sát hình 2 và 3 thấy các đồ thị tần số thực nghiệm của kích thước chiều dài và chiều rộng bàn tay có dạng hình chuông, tiệm cận ngang với trục hoành  và có dáng sát với đồ thị của hàm mật độ phân phối chuẩn. Như vậy, phân phối thực nghiệm của hai kích thước chiều dài và chiều rộng bàn tay phù hợp với phân phối chuẩn.

3.3. Xây dựng hệ thống kích thước bàn tay

3.3.1. Xác định bước nhảy của kích thước chủ đạo

Bước nhảy là khoảng cách giữa 2 cỡ số liên tiếp nhau của kích thước chủ đạo. Bước nhảy dùng để phân nhóm các dạng cơ thể người sao cho các dạng cơ thể người trong cùng một nhóm sử dụng chung một sản phẩm đều cảm thấy vừa vặn.

Cơ sở để xác định bước nhảy của kích thước chiều dài bàn tay và chiều rộng bàn tay

– Căn cứ vào các tiêu chuẩn ISO 15383:2001[8]

– Biểu đồ tần số phân phối cho kích thước chiều dài và chiều rộng bàn tay (hình 2,3)

Bước nhảy của kích thước chủ đạo chiều dài bàn tay là 1cm và chiều rộng bàn tay là 1cm.

3.3.2. Xây dựng hàm tương quan giữa các kích thước chủ đạo với các kích thước bàn tay

Hàm tương quan giữa hai kích thước chủ đạo chiều dài và chiều rộng bàn tay với các kích thước bàn tay khác đã được xây dựng nhờ phần mềm SPSS. Các quan hệ này được trình bày trong bảng 4.

3.3.2 Xác định khoảng cỡ và số lượng cỡ số tối ưu

Việc xác định số lượng cỡ số tối ưu nhằm thỏa mãn các yêu cầu:

– Đảm bảo trang phục có độ vừa vặn đáp ứng yêu cầu sử dụng

– Có tỉ lệ phục vụ (tần suất xuất hiện) cao nhất

– Đảm bảo số lượng cỡ số ít nhất đáp ứng yêu cầu kinh tế

Kết quả tính toán số lượng cỡ và tỉ lệ phục vụ của các cỡ số của đối tượng nam công nhân được thể hiện trên bảng 5.

Kết quả  nghiên cứu trong  bảng 5 cho thấy có thể lựa chọn được 10 cỡ số tối ưu đại diện cho không ít hơn 5 % của mỗi nhóm chiều dài, chiều rộng bàn tay. Khi đã lựa chọn 10 cỡ số như vậy thì tỉ lệ phục vụ là 74,23 % dân số thuộc địa bàn khảo sát trong phạm vi đề tài (bảng 6)

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu về kích thước bàn tay của nam công nhân tuổi từ 25 đến 30 tại thành phố Hồ Chí Minh cho thấy:

            + Kích thước chủ đạo trong hệ thống kích thước bàn tay là kích thước chiều dài và kích thước chiều rộng bàn tay.

+ Bước nhảy của kích thước chiều dài bàn tay là 1 cm, chiều rộng bàn tay là 1 cm.

            + Đề xuất được 10 cỡ số tối ưu trong hệ thống kích thước bàn tay với tỉ lệ phục vụ là 74,23%.

Kết quả nghiên cứu trên đây là cơ sở để thiết kế và sản xuất găng tay bảo hộ lao động đảm bảo độ vừa vặn và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu để xây dựng hệ thống cỡ bàn tay cho người Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Bích Hoàn, Lê Thúy Hằng, Lã Thị Ngọc Anh (2012), Nghiên cứu đặc điểm giải phẫu phần trên cơ thể học sinh nữ tuổi 17 tại địa bàn Hà Nội, Tạp chí Y – Dược học quân sự, Số 3/2012, trang 56-59.
  2. Bùi Văn Huấn, Nguyễn Mạnh Khôi, Cao Thị Kiên Chung (2015), Nghiên cứu xây dựng hệ thống cỡ số bàn chân phụ nữ miền bắc Việt Nam, Tạp chí Khoa học và Công nghệ các trường đại học, Số 104, trang 112-118.
  3. Viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (1986), Atlat nhân trắc học người Việt Nam trong lứa tuổi lao động, Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật.
  4. TCVN 5781:1994, Phương pháp đo cơ thể người.
  5. Ochae Kwon, Kihyo Jung,  Determination of key dimensions for a glove sizing system by analyzing the relationships between hand dimensions.
  6. Vũ Văn Hiều (2008), Xây dựng phần mềm tính toán và phân cỡ kích thước cơ thể người Việt Nam phục vụ ngành công nghiệp may, Viện Dệt May.
  7. Nguyễn Đình Khoa (1975), Phương pháp thống kê ứng dụng trong sinh học, Trường Đại học tổng hợp.
  8. Tiêu chuẩn ISO 15383:2001: Găng tay chống cháy.

Lã Thị Ngọc Anh1, Nguyễn Thị Mỹ Thơ1,2

1.Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

2. Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex tp.HCM


(Nguồn tin: Nilp.vn)