Quần áo chống nhiễm xạ
1. Phân loại, kết cấu và vật liệu sử dụng
Quần áo chống nhiễm xạ được phân loại theo kết cấu, gồm 2 loại chính và các phân loại sau:
1.1. Quần áo được thông gió bằng khí nén
– Quần áo thông gió bằng khí nén được phân thành 4 loại tùy thuộc vào cách thức thải khí.
+ Loại I : Quần áo được thông gió bằng khí nén có đường thoát bên ngoài áo. Ở loại này quần áo này, khí được bơm và thải ra một nơi xa vùng không khí xung quanh, nên không ảnh hưởng tới thành phần không khí xung quanh.
+ Loại II : Quần áo được thông gió bằng khí nén có đường dẫn thoát khí ra ngoài và được kiểm soát. Ở loại này, các thiết bị xả (van, lỗ, phin lọc khí…) phải vừa khít với đường xả trực tiếp qua khoảng cách đã định, và cần đảm bảo tốc độ thoát khí đủ nhanh để phòng ngừa sự khuyếch tán ngược của chất ô nhiễm.
+ Loại III : Quần áo được thông gió bằng khí nén với đường thoát khí được kiểm soát. Ở loại này, khí thải được thải ra không khí xung quanh qua thiết bị xả (van,lỗ, phin lọc khí…)
+ Loại IV : Quần áo được thông gió bằng khí nén với đường thoát khí không được kiểm soát. Ở loại này, khí thải được thải tự do ra không khí xung quanh (qua thắt lưng, ống tay…)
– Kết cấu chung gồm: Quần áo, mũ chùm, găng tay, ủng (găng tay và ủng có thể đi liền với quần áo hoặc rời. Nếu rời thì phần liên kết phải bảo đảm độ kín) và thiết bị cấp và thải khí (xem ảnh 5.2, hình 5.3). Với kết cấu bảo đảm được độ kín và được cấp khí, nên quần áo này sử dụng được trong thời gian dài, ở nơi bị ô nhiễm nặng và chống được sự xâm nhập của các chất phóng xạ như Triti (đồng vị phóng xạ của Hydro).
– Vật liệu làm quần áo được thông gió bằng khí nén là loại vật liệu đặc biệt, không bị thấm các chất phóng xạ
1.2. Quần áo không được thông gió bằng khí nén
– Loại quần áo này khác với quần áo được thông gió bằng khí nén một số điểm:
+ Thay vì được cấp khí, quần áo được trang bị phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp ( bán mặt nạ, mặt nạ lọc bụi, hơi khí độc).
+ Quần áo không được tổ hợp với găng tay, ủng.
– Vì không phải là loại quần áo cách ly nên loại quần áo này không sử dụng được trong thời gian dài, ở những nơi bị ô nhiễn nặng.
– Vật liệu làm quần áo không được thông gió bằng khi nén, tùy theo điều kiện sử dụng, là loại vật liệu không thấm chất phóng xạ hoặc các loại vải sợi bông.
2. Yêu cầu chất lượng
Quần áo được thông gió bằng khí nén là loại quần áo chống nhiễm xạ có tính năng bảo vệ cao nhất, vì thế có yêu cầu cao về chất lượng, phương pháp thử và điều kiện sử dụng. Dưới đây chỉ đề cập đến loại quần áo này.
2.1. Yêu cầu về vật liệu
– Vật liệu chế tạo quần áo phải là loại không thấm chất phóng xạ và chống được tác dụng bất lợi của các chất khác tại nơi làm việc, điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Vật liệu phải phù hợp để chế tạo quần áo bảo vệ và tiêu hủy chúng sau khi sử dụng.
– Vật liệu phải có khả năng chịu được các tác động của các yếu tố:
+ Cơ học: Xé rách, mài mòn, đâm xuyên…
+ Nhiệt: Bức xạ nhiệt…
+ Hóa học: Dung môi, các chất ăn mòn…
+ Điện: Điện giật…
+ Nguy cơ phát nổ do tĩnh điện…
– Vật liệu phải trơn, nhẵn và không chứa các chất gây kích thích hoặc dị ứng da trong khi sử dụng(đặc biệt là khi tiếp xúc với mồ hôi) hoặc khi lưu kho không được thải ra các hóa chất nguy hiểm.
– Vật liệu và bề mặt các bộ phận hoàn chỉnh phải thuận lợi đối với việc khử nhiễm hoặc làm sạch sau khi dùng.
– Đặc tính cháy của vật liệu phải phù hợp với các quy định của nhà nước.
2.2. Yêu cầu về kết cấu, kiểu dáng
– Quần áo phải vừa vặn, không có phần nhô ra, không cản trở đến di chuyển và thao tác của người sử dụng.
– Các bộ phận lắp kín cần bảo đảm giảm thiểu nguy cơ nhiễm bẩn khi người mặc thay quần áo.
– Mũ trùm có thể là loại cứng hoặc mềm. Phần mặt kính của mũ trùm phải đủ rộng để dễ dàng quan sát, tính chất quang học phải bảo đảm. Có thể có thêm các phương tiện chống mờ kính. Phần liên kết của mũ với áo phải bảo đảm kín, dễ tháo lắp khi làm vệ sinh.
– Găng tay là một phần của bộ quần áo, có thể tháo rời được hoặc liền với quần áo. Chỗ liên kết phải bảo đảm kín. Loại găng tay phải phù hợp với công dụng của quần áo.
– Giầy, ủng là một phần của bộ quần áo, có thể tháo rời được hoặc liền với quần áo. Chỗ liên kết phải bảo đảm kín. Loại giầy, ủng phải phù hợp với công dụng của quần áo.
– Ống dẫn khí: Phải được làm từ vật liệu không ảnh hưởng đến chất lượng khí thở. Chịu được các tác động cơ lý: Áp suất của khí được cấp, các tác động kéo, xoắn, va đập và nhẹ đến mức có thể.
– Thiết bị thông gió bên trong phải cung cấp đủ lượng dưỡng khí đồng nhất, thay mới ở tất cả các vùng của quần áo trong mọi tư thế hoạt động của người mặc. Không khí cung cấp vào phần mũ trùm có tác dụng thông gió phần mặt, pha loãng và kéo theo khí thở chứa cacbon dioxit và hơi nước ra ngoài.
– Thiết bị xả khí: Dùng để dẫn khí thoát ra ngoài quần áo sao cho tổn thất áp suất nhỏ nhất, đồng thời ngăn ngừa không khí bên ngoài bị nhiễm phóng xạ xâm nhập vào trong quần áo qua chỗ rò.
– Các van điều chỉnh lưu lượng dòng khí: Cần nhỏ gọn, nhạy và sạch. Van phải được đặt ở vị trí để người mặc dễ với tới và xa phần mũ để không gây tiếng ồn. Vòi khí phải bảo đảm lắp khít với khóa hoặc lỗ cấp khí để bảo đảm cấp được một lượng khí cần thiết cho người thở. Lượng khí khoảng 3,6 m3/giờ (60 l/giây).
– Các thiết bị cấp cứu: Cho phép người mặc quần áo có thể thở trong thời gian cần thiết để di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, khi việc cấp khí bị ngừng đột ngột. Thiết bị này cũng có thể là các loại bán mặt nạ hoặc mặt nạ lọc độc.
2.3. Yêu cầu đối với bộ quần áo đồng bộ
– Khối lượng: Khối lượng của bộ quần áo phải nhỏ đến mức có thể để đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dùng và giảm các nỗ lực thể chất.
– Độ kín: Quần áo phải kín để khí nén bảo đảm được áp suất dư trong quần áo nhằm ngăn chặn và làm sạch chất gây ô nhiễm rò rỉ vào bên trong quần áo.
– Mức độ bảo vệ hô hấp chống lại sol khí (bụi, sương, hơi nhiễm phóng xạ) được thể hiện bằng lượng rò rỉ của bụi vào mũ trùm hay hệ số bảo vệ của quần áo (hệ số này là tỷ số của nồng độ ô nhiễm trung bình đo được trong không khí bao quanh và bên trong mũ trùm của bộ quần áo tại điểm người mặc hít thở).
– Lưu lượng dòng khí:
+ 9 ÷ 15 m3/giờ (150 ÷ 250 l/phút), ở điều kiện lao động bình thường, nhiệt độ và áp suất thường.
+ 30 m3/giờ (500 l/phút), ở điều kiện làm việc khắc nghiệt (nhiệt độ cao, áp suất thấp, lao động nặng.
– Áp suất dư trong quần áo:
+ Thông thường là 0,1 ÷ 0,3 kPa (1 ÷ 3 mbar). Việc đo áp suất dư được thực hiện ở điều kiện: Người mặc không cử động, lưu lượng khí không đổi: 12 m3/giờ (200 L/phút), nhiết độ và áp suất thường.
+ Ở điều kiện người mặc vận động mạnh: Không vượt quá 1,2 kPa (12 mbar).
– Thành phần dưỡng khí: Không khí cấp cho quần áo phải tương tự như không khí sạch bình thường(mức độ ô nhiễm không vượt quá giá trị cho phép quy định trong tiêu chuẩn).
3. Lưu ý khi lựa chọn, sử dụng và bảo quản
3.1. Lựa chọn
– Sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, có văn bản công bố hợp chuẩn, hợp quy hoặc kết quả giám định chất lượng.
– Lựa chọn quần áo có công dụng phù hợp để sử dụng:
+ Quần áo loại I: có mức độ bảo vệ cao nhất, được dùng để chống các chất khí ô nhiễm, kể cả Triti.
+ Quần áo loại II: có mức độ bảo vệ cao, được dùng để chống sol khí, các chất ô nhiễm, kể cả Triti.
+ Quần áo loại III: có mức độ bảo vệ bình thường, khả năng chống được sol khí cao hay thấp phụ thuộc vào chất lượng của vật liệu, phương pháp chế tạo quần áo và thiết bị thoát khí.
+ Quần áo loại IV: Loại quần áo này không chống được khí hoặc sol khí phóng xạ nồng độ cao.
+ Quần áo không được thông gió bằng khí nén, được làm bằng vật liệu không thấm: thường chỉ được dùng ở môi trường có độ ô nhiễm thấp hoặc giới hạn nhất định(chất ô nhiễm dạng lỏng, rắn). Quần áo này không chống được các chất ô nhiễm dạng khí và Triti. Cần sử dụng phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp phù hợp khi bầu không khí bị ô nhiễm.
+ Quần áo không được thông gió bằng khí nén, được làm bằng vật liệu thấm: phù hợp với các công việc thông thường trong vùng nhiễm xạ theo các khuyến cáo của cơ quan quản lý chuyên môn về chống nhiễm xạ. Chúng có khả năng chống nhiễm xạ bởi các chất rắn hoặc sol khí.
3.2. Sử dụng
Khi tiếp xúc với môi trường có phóng xạ, phải sử dụng quần áo phù hợp và tuân thủ hướng dẫn sử dụng (cách mặc, sư dụng, cách cởi). Cần vệ sinh và cất giữ tập trung theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3.3. Bảo quản
Nơi bảo quản, cất giữ phải khô ráo, thoáng mát, tránh xa nguồn nhiệt và ánh nắng chiếu thẳng, đặc biệt là tia cực tím.
TS. Lưu Văn Chúc
(Nguồn tin: Nilp.vn)