Các chất độc nguy hại thường gặp – Phần 2

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:26(GMT +7)

7. Hydroflorua (HF): Dạng khí hoặc lỏng, không màu mùi hăng, bay hơi mạnh. Hợp chất này là axit mạnh, phản ứng mãnh liệt với kim loại, oxyt kim loại, có nguy cơ gây cháy nổ.

Hợp chất này thường gặp trong công nghiệp tinh luyện dầu khí, khắc kính bằng axít, sản xuất phân bón, sản xuất gốm sứ, thuỷ tinh.

Giới hạn tiếp xúc trong 8 giờ 0,1 mg/m3  không khí, tối đa mỗi lần tiếp xúc 0,5 mg/m3  không khí.

Tiếp xúc với liều cao gây tác hại cấp, biểu hiện: ho, rát họng, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, mới đầu gây khó thở, sau đến thở gấp có thể đưa đến tử vong, nếu không kiểm soát được để cấp cứu kịp thời. Chất này vào da gây bỏng nghiêm trọng, vào mắt có thể bị mù, vào đường tiêu hoá gây đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy có thể dẫn đến tử vong.

Tiếp xúc với liều thấp chất này ăn mòn da, ăn mòn niêm mạc mắt, niêm mạc đường hô hấp có thể đưa đến phù phổi, chất này còn gây bệnh thận, xương và còn làm giảm canxi huyết.

8. Ôzôn (O3)

Ôzôn có trong tự nhiên do ánh sáng tử ngoại phản ứng với ôxít nitơ  và  hydro  cacbon  trong  không  khí.  Trong  công  nghiệp  gặp  ở công nghệ hàn hồ quang và thiết bị điện.

Giới hạn tiếp xúc trong 8 giờ là 0,1mg/m3  không khí, từng lần tối đa là 0,2 mg/m3  không khí.

Tiếp xúc với liều cao gây tác hại cấp tính, biểu hiện: kích thích niêm mạc đường hô hấp, làm suy giảm hệ thần kinh trung ương.

Tiếp xúc với liều thấp nhiều lần gây kích thích mắt, mũi, họng, đau đầu, tức ngực…

9. Khí Amoniac (NH3)

Khí  này  có  mùi  khai,  không  màu,  bay  hơi  nhanh,  chất  này thường được sử dụng trong phân bón, chất dẻo, dệt, nhuộm, da giày, công nghệ làm lạnh, làm bia…

Tiếp xúc với liều cao gây tác hại cấp, biểu hiện: Ho, đau rát mũi họng, gây khó thở, thở gấp, có thể gây tử vong, nếu không kiểm soát được để cấp cứu kịp thời.

Chất này là bazơ, phản ứng mạnh với axit, khí này ăn mòn da, niêm mạc, các phế nang phổi, hít vào liều cao có thể gây phù phổi cấp, co thắt phế quản, nạn nhân có thể tử vong.

Giới hạn tiếp xúc trong 8 giờ là 17 mg/m3  không khí, tiếp xúc từng lần là 25mg/m3 không khí.

10. Formaldehyde (HCHO)

Chất này dưới dạng khí, dạng dung dịch, có mùi đặc trưng, bay hơi rất nhanh, cực kỳ dễ cháy. Được sử dụng rộng rãi trong thuốc  diệt trùng, diệt nấm mốc, bảo quản da, làm dịch ướp thực phẩm, làm dung môi, keo dán.

Tiếp xúc với liều cao gây tác hại cấp tính, biểu hiện: ho, rát họng,  đau  đầu,  khó thở,  buồn  nôn,  nếu không  kiểm  soát  được  nạn nhân có thể bị tử vong do phù phổi hoặc co thắt khí quản. Vào mắt gây đau, và làm giảm thị lực sau vài giờ.

Ở dạng lỏng vào da gây kích thích da, gây tê, bỏng có thể dẫn tới tổn thương nặng.

Tác hại mãn tính gây hen phế quản, viêm phế quản, có thể làm đột biến gen và gây ung thư.

Giới hạn tiếp xúc trong 8 giờ 0,5 mg/m3 không khí, từng lần tối đa 1mg/m3 không khí.

11. Benzen và các chất đồng đẳng (C6H6)

Benzen và chất đồng đẳng (Toluen, Xylen…), dạng lỏng, không màu, có mùi đặc trưng, bay hơi nhanh, hơi nặng hơn không khí có khả năng bắt cháy từ xa. Phản ứng mãnh liệt với các chất oxy hóa gây nổ. Chất này thuộc chất dung môi hữu cơ được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp sản xuất hoá chất, hoá dược,…

Tiếp xúc với liều cao chất này gây nhiễm độc cấp, biểu hiện: Mệt mỏi, đau đầu, hoa mắt, buồn nôn, có cảm giác say say, khó thở, có thể bị co giật, hôn mê đưa đến tử vong. Nếu xâm nhập qua đường tiêu hoá gây đau bụng và cũng xuất hiện các triệu   chứng trên. Chất này vào da gây dị ứng da, hít phải nhiều gây viêm phổi, chất này tác động rất mạnh tới hệ thần kinh trung ương, có thể gây hôn mê.

Tiếp xúc nhiều lần ảnh hưởng đến gan, thận, chất này gây ung thư bạch cầu.

Giới hạn tiếp xúc trong  8 giờ là 5mg/m3 không khí, tiếp xúc từng lần là 15mg/m3 không khí.

Người lao động làm việc tiếp xúc với benzen và các chất đồng đẳng cao hơn giới hạn tiếp xúc gây Bệnh nhiễm độc benzen nghề nghiệp,  bệnh  được  hưởng  chế  độ  bảo  hiểm  xã  hội.  Thời  gian  tiếp xúc liên tục 6 tháng phải tổ chức khám bệnh nghề nghiệp lần đầu. Khám lâm sàng: hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, tiết niệu, da, niêm mạc và hệ tạo máu. Làm các xét nghiệm: Công thức máu, huyết sắc tố, tiểu cầu, thời gian máu đông, máu chảy, tuỷ đồ. Xét nghiệm nước tiểu: Albumin, trụ niệu, hồng cầu, phenol niệu. Khám định kỳ 6 tháng sau phải khám lại một lần. Khám lâm sàng: khám da và niêm mạc. Xét nghiệm: công thức máu, huyết sắc tố, tuỷ đồ, dây thắt và phenol niệu.

12. Những chất gây viêm phế quản nghề nghiệp (CO, CO2, H2S, Cl2, HCl, Cr, NH3…)

Người lao động làm việc phải tiếp xúc với các hơi khí trên hoặc với bụi có thể bị bệnh viêm phế quản mãn tính nghề nghiệp, bệnh được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Thời gian tiếp xúc gây bệnh thường trên 3 năm liên tục, những đối tượng này phải tổ chức khám sức khoẻ. Khám lâm sàng: khám cơ quan hô hấp, tuần hoàn. Làm xét nghiệm: đo chức năng hô hấp, thử đờm,  nếu cần chụp điện quang (khám lần đầu). Khám định kỳ lần sau cứ 6 tháng khám lại một lần, chủ yếu khám cơ quan hô hấp, đo chức năng hô hấp và xét nghiệm đờm.

 13. Những chất gây bệnh hen phế quản nghề nghiệp (hợp chất hữu cơ, bụi thực vật, bụi động vật, các muối kim loại, kiềm và axít mạnh, các chất oxy hoá  mạnh)

Người lao động làm việc trong môi trường ô nhiễm các chất trên có thể bị mắc bệnh hen phế quản nghề nghiệp, bệnh được hưởng bảo hiểm xã hội.

Thời  gian  tiếp  xúc  lần  đầu  6  tháng  liền  thì  phải  tổ  chức khám bệnh. Khám lâm sàng: cơ quan hô hấp, theo dõi triệu chứng cơn hen phế quản. Làm xét nghiệm: đo chức năng hô hấp trước và sau ca làm việc, thử test dị nguyên … Khám định kỳ lần sau cứ 12 tháng khám lại một lần. Khám lâm sàng: cơ quan hô hấp, hệ tuần hoàn, theo dõi biến chứng tâm phế mãn. Làm xét nghiệm: đo chức năng hô hấp.


(Nguồn tin: Trích dẫn: Tài liệu huấn luyện về ATVSLĐ cho cán bộ làm công tác an toàn – vệ sinh lao động, 2013)