Các hóa chất ăn mòn
Các hóa chất ăn mòn có thể là chất rắn, ví dụ natri hydroxit, chất lỏng như dung dịch hypoclorit, hoặc khí như clo hoặc amoniac. Một số hóa chất trở thành hoá chất ăn mòn khi chúng tiếp xúc với nước hoặc hơi ẩm như benzyl clorua và clorosilan khi tiếp xúc với mồ hôi trên da.
1. Phân loại
Các hóa chất ăn mòn thường được sử dụng trong công nghiệp có thể được phân nhóm
Các nhóm hoá chất ăn mòn
Nhóm các hóa chất ăn mòn |
Ví dụ |
Các axit và anhydrit |
Axit sunphuric, axit clohydric, axit nitric, axit axetic, anhydrit acetic, axit phosphoric, trioxit phospho |
Các kiềm hay bazơ |
Kali hydroxit, natri hydroxit, các amin hữu cơ như etanolamin |
Các halogen, muối halogen, các halogen hữu cơ |
Khí clo, sắt clorua, dung dịch clorit, axetyl iodua |
Các chất ăn mòn khác |
Ammoni polysunphua, các peoxit, hydrazin |
Các axit có thể được phân loại thành các axit vô cơ hoặc axit hữu cơ. Ví dụ axit khoáng là axit sunphuric, axit clohydric và axit nitric. Các ví dụ axit hữu cơ là axit axetic, axit ascobic và axit salisilic.
Các anhydrit là các chất có tính chất tương tự như tính chất của axit. Các anhydrit phản ứng với nước tạo thành các axit tương ứng, ví dụ anhydrit axetic phản ứng với nước để tạo thành axit axetic.
2. Các tính chất của axit và kiềm
Các axit và kiềm có tính chất chung, đó là các chất ăn mòn. Bên cạnh việc tấn công các mô sống, các axit và kiềm cũng tấn công các chất khác. Chúng phản ứng với các kim loại để sinh ra hydro, đó là chất dễ cháy.
Các axit và kiềm có thể có các tính độc và một số axit và kiềm là các chất dễ cháy. Hơi của một số axit như axit nitric và axit clohydric có tính ăn mòn cao ở nhiệt độ bình thường khi ở dạng đậm đặc.
Khi một axit và bazơ được trộn lẫn với nhau, chúng sẽ trung hòa lẫn nhau để tạo ra muối, nước và tỏa nhiệt.
Việc hòa trộn axit hoặc bazơ với nước cũng sinh nhiệt. Đó có thể là mối nguy như sự bắn tóe và tạo thành các sương mù nguy hiểm khi đưa nước vào các axit đậm đặc.
Độ axit và độ kiềm
pH là thang được sử dụng để so sánh độ mạnh hoặc mức độ của độ axit và độ kiềm của axit, bazơ và các dung dịch loãng của chúng.
pH có quan hệ với lượng ion hydro có mặt trong dung dịch. pH được biểu thị bằng thang từ 0 đến 14. pH của dung dịch trung tính là 7. Các axit có pH thấp hơn 7 và các bazơ có pH cao hơn 7.
Các giới hạn độ axit và bazơ có thể được phân loại như sau:
– pH từ 0 đến 2 axit mạnh
– pH từ 3 đến 5 axit yếu
– pH từ 6 đến 8 trung tính
– pH từ 9 đến 11 bazơ yếu
– pH từ 11 đến 14 bazơ mạnh
Các axit có giá trị pH từ 0 đến 2 và bazơ có giá trị pH từ 11,5 đến 14 có thể được xếp là loại chất ăn mòn.
3. Các ảnh hưởng sức khỏe
Những ảnh hưởng tới sức khỏe do phơi nhiễm trực tiếp với các axit hoặc kiềm rất khác nhau, từ sự kích ứng gây viêm đến tác động ăn mòn gây viêm loét và trong các trường hợp nặng, gây cháy do hóa chất. Nó phụ thuộc vào tính chất của axit và kiềm, nồng độ và thời gian phơi nhiễm với các axit hoặc kiềm.
Một số axit và kiềm sinh nhiệt khi gặp nước hoặc hơi ẩm. Các hóa chất này có thể gây tổn thương do ăn mòn và các vụ cháy do nhiệt sinh ra.
Các mối nguy hiểm nghề nghiệp do phơi nhiễm với các axit hoặc kiềm thường là các tác động tới da, mắt và đường hô hấp. Mắt thường dễ bị tổn thương nhanh và nghiêm trọng nhất và đó thường là các tổn thương vĩnh viễn.
Các khói axit cũng làm ăn mòn răng, ví dụ sự phơi nhiễm dài hạn với nồng độ thấp của khói axit clohydric có thể gây xói mòn răng cửa.
Ảnh hưởng của axit và kiềm mạnh được cảm nhận thấy vào thời điểm phơi nhiễm. Ảnh hưởng cũng có thể bị chậm lại, tùy thuộc vào hóa chất và nồng độ. Ví dụ ảnh hưởng của axit hydrofluoric có thể khác nhau từ sự kích ứng đến sự cháy nghiêm trọng da phụ thuộc vào nồng độ và thời gian phơi nhiễm.
Phơi nhiễm trực tiếp của các anhydrit hữu cơ với mắt, da, niêm mạc hay hệ hô hấp gây ra sự kích ứng và sự nhạy cảm.
4. Bồn chứa bảo quản
Các vật liệu chế tạo bồn và bồn chứa để cất kho các axit và kiềm phải có khả năng chống ăn mòn bên trong và bên ngoài. Các vật liệu này phải không phản ứng với các hóa chất chứa trong đó và các tạp chất.
Thép là vật liệu thông dụng nhất cho các bồn chứa chịu ăn mòn. Thép cacbon không có khả năng chịu được axit mạnh và nhiệt độ cao. Bồn chứa bằng nhôm không thể dùng để chứa các axit và kiềm.
Chất dẻo gia cường thì nhẹ và chịu ăn mòn do các axit khoáng. Vật liệu này có thể được sử dụng ở nhiệt độ không quá 800C. Tác động ăn mòn của axit hữu cơ cần được kiểm tra trước khi đưa hóa chất đó vào bồn chứa bằng chất dẻo gia cường.
Các chất nhiệt dẻo như polyvinylclorua (PVC), polyetylen (PE), polypropylen (PP) and polytetraflorua ethylene (PTFE) thường chịu được các axit và kiềm.
(Nguồn tin: Theo Tài liệu – Bảo hộ lao động, 2012)