Kinh nghiệm thực hiện số hóa lĩnh vực An toàn vệ sinh lao động ở Thái Lan

Thứ Tư, 19/02/2025, 09:42(GMT +7)

Sự thay đổi công nghệ mang tính đột phá đóng một vai trò quan trọng không chỉ trong việc phát triển kinh tế toàn cầu và các hoạt động kinh doanh truyền thống, mà còn trong cả lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Nhiều quốc gia, bao gồm cả Thái Lan, đã sử dụng công nghệ số để cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Bài viết này mô tả quá trình số hóa trong lĩnh vực ATVSLĐ ở Thái Lan và ví dụ thực tế sử dụng Internet vạn vật (Internet of Things) vào việc quản lý xe nâng để cải thiện ATVSLĐ và đầu ra năng suất.

Số hóa An toàn vệ sinh lao động ở Thái Lan

Trong những năm gần đây, Thái Lan đã mở rộng việc sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) vào nhiều lĩnh vực, bao gồm ATVSLĐ. Việc tích hợp công nghệ số vào ATVSLĐ được thực hiện với sự hợp tác của 4 lĩnh vực chính: các cơ quan chính phủ, các đơn vị đào tạo, các doanh nghiệp công nghiệp và các tổ chức ATVSLĐ khác.

Đối với lĩnh vực đầu tiên, Bộ Lao động là một trong những cơ chế thúc đẩy chuyển đổi số trong quá trình phát triển nguồn nhân lực của Thái Lan, bao gồm ATVSLĐ. Cơ quan này đã xây dựng một kế hoạch hành động số cho phát triển lao động trong thời gian 5 năm (2017-2021). Kế hoạch này cung cấp một chương trình khung bao gồm 3 trụ cột để đạt được nền tảng số cho phát triển nguồn nhân lực: tích hợp, thông tin và đổi mới. Trụ cột tích hợp tập trung vào việc tăng cường liên kết toàn diện giữa dữ liệu và công việc trên toàn quốc. Trụ cột đổi mới thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và sử dụng. Trụ cột thông tin nhấn mạnh vào việc ra quyết định dựa trên dữ liệu để quản lý tổ chức. Ba trụ cột hỗ trợ và phát triển các dịch vụ của Bộ Lao động bằng cách sử dụng chuyển đổi số theo 4 khía cạnh: tìm hiểu hành vi của mọi người đối với các dịch vụ số; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ số; phát triển việc chuyển đổi văn hóa số; và xây dựng các tổ chức nhằm đạt tới năng lực cạnh tranh và cập nhật ở mức độ cao.

Bộ Lao động đã tạo ra một hệ thống thông tin để tạo điều kiện cho người sử dụng lao động, người lao động, người được bảo hiểm và công dân có thể thực hiện giao dịch thông qua hệ thống từ các trang web hoặc ứng dụng di động. Hệ thống dịch vụ điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng lao động, người lao động và những người khác ở nhiều khía cạnh, bao gồm cả ATVSLĐ. Các công ty có thể gửi báo cáo ATVSLĐ trực tuyến, ví dụ như báo cáo giám sát môi trường làm việc, đào tạo phòng cháy chữa cháy và diễn tập sơ tán, kiểm tra sức khỏe và đào tạo ATVSLĐ. Người lao động có thể kiểm tra các quyền lợi của họ từ quỹ An sinh xã hội và Quỹ bồi thường cho người lao động. Ngoài lực lượng lao động bản địa Thái Lan, người di cư có thể sử dụng ứng dụng có tên “DOE Help Me” để khiếu nại, bao gồm cả các vấn đề về ATVSLĐ.

Hệ thống dịch vụ điện tử có chi phí thấp và không cần giấy tờ, tiết kiệm thời gian và cung cấp quyền truy cập vào thông tin mọi lúc mọi nơi. Ngoài ra, cơ quan chính phủ có thể phân tích dữ liệu lớn từ nền tảng để thiết lập các chính sách, quy định và hướng dẫn nhằm giải quyết các vấn đề ATVSLĐ và hỗ trợ lực lượng lao động khỏe mạnh. Trong kế hoạch 5 năm tiếp theo (2023-2027), chính phủ sẽ tạo lộ trình kỹ thuật số hướng tới một nền tảng kỹ thuật số dịch vụ lao động hoàn chỉnh cho một Thái Lan bền vững.

Đối với lĩnh vực thứ hai, giáo dục đóng vai trò quan trọng trong quá trình số hóa ATVSLĐ vì nó đào tạo ra các nhân viên an toàn có trách nhiệm tiếp nhận các hoạt động và quản lý ATVSLĐ trong các công ty, theo yêu cầu của pháp luật. Theo quy định, các công ty ở Thái Lan có hơn 100 nhân viên sẽ cần thuê một nhân viên an toàn chuyên nghiệp toàn thời gian có bằng cử nhân ATVSLĐ hoặc tương đương để thực hiện các nhiệm vụ về an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và môi trường làm việc. Các học viện đào tạo nhân viên an toàn của Thái Lan đã nhận ra tầm quan trọng của công nghệ số bằng cách tích hợp chúng vào chương trình giảng dạy ATVSLĐ của họ. Trong quá trình giảng dạy, sinh viên được khuyến khích áp dụng kiến ​​thức và kỹ năng về công nghệ số để tìm ra giải pháp cho các vấn đề ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Đối với lĩnh vực thứ ba, các công ty công nghiệp đã nhận ra lợi ích của số hóa. Họ áp dụng công nghệ số để cải thiện kết quả ATVSLĐ và năng suất. Bên cạnh đó, một số công ty công nghiệp thực hiện chính sách khuyến khích nhân viên của họ sáng tạo bằng cách sử dụng công nghệ số.

Cuối cùng, các tổ chức ATVSLĐ khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy số hóa ATVSLĐ. Ví dụ, Viện An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Thái Lan (T-OSH) cung cấp các nguồn tài nguyên ATVSLĐ hữu ích như đào tạo trực tuyến ATVSLĐ, hướng dẫn ATVSLĐ điện tử và các ứng dụng tải xuống miễn phí cho các công ty để xác định các mối nguy hiểm tại nơi làm việc của họ. T-OSH cũng cung cấp một nền tảng cho cuộc thi đổi mới ATVSLĐ cho tất cả các lĩnh vực. Nền tảng này khuyến khích người dân Thái Lan áp dụng các công nghệ số vào hoạt động ATVSLĐ. Số hóa ATVSLĐ được Hiệp hội Ecgônômi Thái Lan hỗ trợ trong lĩnh vực công thái học và cung cấp thông tin Ecgônômi trên trang web của mình.

Kinh nghiệm từ ví dụ thực tế sử dụng ToT để tăng cường quản lý ATVSLĐ khi sử dụng xe nâng.

Công ty sản xuất hộp số vô cấp (CVT) đầu tiên ở Thái Lan nhận ra rằng ATVSLĐ là ưu tiên hàng đầu với chính sách “An toàn là trên hết”. Trong hoạt động sản xuất, xe nâng thường được sử dụng trong cả quy trình sản xuất và kho bãi vì đây là thiết bị xử lý vật liệu đa năng có thể được áp dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên,  hoạt động sử dụng xe nâng có một số vấn đề liên quan đến ATVSLĐ và năng suất, chẳng hạn như tai nạn và suýt xảy ra tai nạn, mức tiêu thụ năng lượng và chi phí bảo dưỡng và sửa chữa. Do đó, công ty đã xây dựng một dự án ứng dụng IoT để tăng cường quản lý sử dụng xe nâng nhằm đảm bảo ATVSLĐ và nâng cao năng suất lao động.

Về mặt phương pháp luận, dự án đã sử dụng khái niệm Kế hoạch, Thực hiện, Kiểm tra và Hành động (PDCA). Một ủy ban bao gồm các kỹ sư, giám sát viên, tài xế xe nâng và nhân viên an toàn đã được thành lập để tổ chức các buổi họp động não/brainstorm để xác định ra cách tối ưu để giải quyết và cải thiện quản lý đội xe nâng. Nhóm đã quyết định tạo ra một hệ thống quản lý đội xe nâng bằng IoT do những ưu điểm của nó. Hệ thống bao gồm 5 phần: 1) hộp GPS để ghi lại giờ làm việc cho xe nâng, giờ và vị trí đỗ xe nâng, tốc độ và khoảng cách từ hộp GPS; 2) đầu đọc thẻ để đọc thông tin nhằm theo dõi giờ làm việc và hành vi của tài xế xe nâng; 3) cảm biến nhiệt độ của máy kiểm tra động cơ; 4) Hiệu suất của Chỉ số hiệu suất chính (KPI) để kiểm tra lực tác động do lái xe gây ra có thể phản ánh hành vi lái xe; và 5) hệ thống tắt và phần mềm chương trình. Các thiết bị hệ thống IoT đã được lắp đặt trên 5 xe nâng và chúng được vận hành trong điều kiện làm việc bình thường trong 6 tháng. Dữ liệu từ hệ thống IoT đã được sử dụng để tối ưu hóa và quản lý kết quả ATVSLĐ và năng suất, như minh họa trong hình dưới đây:

Hệ thống IoT và những lợi ích của nó đối với việc quản lý đội xe nâng

Hệ thống quản lý đội xe nâng IoT đã cung cấp thông tin hữu ích để cải thiện kết quả ATVSLĐ và năng suất. Việc theo dõi tốc độ lái xe của từng tài xế có thể nâng cao nhận thức về an toàn trong số các tài xế. Kết quả cho thấy 60% tài xế (5 người) đã giảm tốc độ lái xe của mình sau khi triển khai hệ thống IoT. Tuy nhiên, tốc độ giảm vẫn không đáp ứng được quy định an toàn của công ty (≤ 7 km/giờ). Do đó, đối với bước tiếp theo, công ty sẽ cải thiện hệ thống bằng cách thêm thiết bị báo động khi tốc độ vượt quá quy định. Hệ thống được cập nhật có thể nâng cao hành vi an toàn của người lái xe theo thời gian thực.

Lực tác động trung bình lên xe nâng trong khi lái theo các mức: mức 0- không có lực tác động, mức 1- tác động nhẹ, mức 2- tác động trung bình, mức 3- tác động lâu dài và mức 4- tác động trực tiếp lần lượt là 22,2%, 70,1%, 7,4% và 0,3%. Những điều này phản ánh hành vi của người lái xe liên quan đến các khía cạnh của ATVSLĐ và chi phí bảo trì.

Dữ liệu theo dõi giờ làm việc của mỗi tài xế cho thấy sự mất cân bằng trong lượng công việc của tài xế xe nâng. Trong quá trình thu thập dữ liệu 6 tháng, khối lượng công việc trung bình là 221 giờ với phạm vi từ 105-360 giờ. Dữ liệu sẽ được phân tích để thiết kế khối lượng công việc tối ưu cho các tài xế. Sau khi xem xét dữ liệu khoảng cách lái xe, công ty đã sắp xếp lại tuyến đường lái xe bằng cách giảm khoảng cách từ 336,5 xuống 264,5 mét. Tuyến đường mới có thể giúp giảm giờ làm việc, ngăn ngừa quá tải và mệt mỏi, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và tiết kiệm chi phí bảo trì và sửa chữa. Dữ liệu từ cảm biến nhiệt độ động cơ cũng được sử dụng cho kế hoạch bảo trì phòng ngừa của xe nâng.

Không có trường hợp cận nguy hoặc tai nạn nào xảy ra trong quá trình triển khai hệ thống IoT (tháng 6 – tháng 11/2023), trong khi trước khi triển khai, tổng số các trường hợp tích lũy là 16 (từ tháng 3 năm 2014 – tháng 5/2023), hoặc trung bình 0,97 trường hợp trong 6 tháng. Các phát hiện cho thấy rằng hệ thống IoT có thể giảm các trường hợp cận nguy và tai nạn với xe nâng bằng cách giảm các hành động và điều kiện không an toàn.

Hệ thống quản lý đội xe nâng IoT mang lại nhiều lợi thế như đã được đề cập ở trên; tuy nhiên, vẫn có một số điểm cần được cải thiện thêm, ví dụ như thêm cảnh báo thời gian thực khi tốc độ lái xe vượt quá quy tắc an toàn, phân tích dữ liệu và tự động tạo báo cáo tóm tắt. Công ty hiện có kế hoạch liên tục cải thiện hệ thống để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dùng.

Kết luận

Chính phủ Thái Lan đã đưa ra kế hoạch kỹ thuật số 20 năm cho các mục tiêu kỹ thuật số của Thái Lan, bao gồm kế hoạch dành cho ATVSLĐ số. Trong đó, sự hợp tác của 4 lĩnh vực: Các cơ quan chính phủ, các khu vực giáo dục, các doanh nghiệp công nghiệp và các tổ chức ATVSLĐ khác đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và thúc đẩy số hóa ATVSLĐ. Việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong quản lý ATVSLĐ đã góp phần giảm thiểu rủi ro, cải thiện sự an toàn của người lao động, tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất.

Dịch và biên soạn: Phạm Nguyễn Bình Nguyên

Tạp chí Khoa học An toàn – Sức khỏe & Môi trường lao động, số 4/2024