Phát hiện khuyết tật và biện pháp khắc phục đảm bảo an toàn thiết bị nâng – Phần 3: Thiết bị thủy lực và khí nén

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:02(GMT +7)

1. Máy nén khí

a. Phát hiện các khuyết tật

Mặt bích bắt chặt blốc xi lanh buộc phải thay thế nếu phát hiện có các vết nứt hoặc các lỗ bị sứt.

Không cho phép có các vết nứt và vỡ trên các – te, nếu có phải thay thế.

Các lỗ lắp gối đỡ trục bị mòn phải phục hồi

Trong áo nước của blốc xi lanh không cho phép có các vết nứt dài hơn 70mm và các vết thủng lớn hơn 0,6cm2. Nếu có phải phục hồi bằng hàn dắp hoặc bằng nhựa Epôcxi.

Phải thay các xi lanh nếu phát hiện thấy các vết thủng, nứt, hoặc sứt mẻ.

Không cho phép có các vết xước, tróc trên bề mặt làm việc của xi lanh.

Mặt phẳng tiếp giáp giữa nắp xi lanh và blốc xi lanh bị vênh thì phải mài lại.

Không cho phép độ mòn của các cổ lắp biên và các cổ dỡ của trục cơ vượt quá 0,4mm. Trường hợp độ mòn lớn hơn phải phục hồi các cổ trục bằng phương pháp tiện lại theo kích thước sửa chữa hoặc trong điều kiện có thể được thì tiến hành mạ crôm.

Nếu trên trục cơ có vết nứt thì buộc phải thay thế.

Không cho phép các thanh truyền bị cong và xoắn.

Lỗ để lắp ống lót của đầu trên thanh truyền bị mòn thì phải thay ống lót.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

Blốc xi lanh: Độ ô van và độ côn của xi lanh cho phép không lớn hơn 1/2 dung sai theo cấp chính xác 2. Trong trường hợp có độ côn ở trong giới hạn cho phép thì đường kính lớn của mặt côn chỉ được phép dưới của xi lanh; Nếu xi lanh bị mòn quá 0,08mm thì tiến hành sửa chữa bằng tiện và doa lại theo kích thước sửa chữa; Đường tâm của xi lanh phải vuông góc với đường tâm trục cơ. Độ sai lệch cho phép không quá 0,03mm trên chiều dài 100mm; Tất cả các xi lanh của một blốc cần phải có kích thước giống nhau – kích thước danh nghĩa hay kích thước sửa chữa..

Nắp xi lanh: Bề mặt tiếp giáp giữa nắp xi lanh và blốc xi lanh cần phải phẳng. Độ sai lệch (độ vênh) cho phép không quá 0,05mm, nếu lớn hơn phải mài lại; Không cho phép có các vết nứt, sứt mẻ, xước trên bề mặt yên xupáp; Các vết nứt hoặc sứt vỡ tại các điểm bắt chặt với blốc xi lanh cho phép khắc phục bằng hàn hoặc cấy các vít chốt.

Trục cơ: Không cho phép có các vết xước, nứt trên trục cơ; Khi có lắp gối đỡ bị mòn 0,03 – 0,05mm thì tiến hành mài theo kích thích sửa chữa; Các đường sinh của cổ lắp thanh truyền cần phải song song với đường tâm của cổ lắp gối đỡ với độ chính xác 0,02mm trên chiều dài 100mm. Độ côn và độ ô van của các cổ trục cho phép không quá 0,015mm.

Pít tông: Không cho phép có các vết nứt, phân lớp, vết rỉ trên thân pít tông. Khe hở định mức giữa pít tông và xi lanh cho phép trong khoảng 0,03-0,09mm; Pít gông cần được di chuyển tự do, không bị kẹt trong xi lanh; Các lỗ lắp chốt cần phải vuông góc với đường tâm pít tông. Độ sai lệch cho phép không quá 0,03mm trên chiều dài 100mm.

Bộ biên đã lắp ráp: Không cho phép tháo rời bộ biên; Không cho phép có các vết nứt, sứt mẻ trên biên; Độ không vuông góc của mặt đầu trên so với đường tâm các lỗ lắp ống lót cho phép không lớn hơn 0,05mm trên 100mm chiều dài. Độ không song song của các đường tâm của đầu biên không được lớn hơn 0,03mm trên chiều dài 100mm.

2. Van điều khiển

a. Phát hiện các khuyết tật

Những khuyết tật cơ bản của các van này bao gồm: mòn các ổ lắp ráp, hỏng các đệm cao su, các lò xo bị yếu, mòn các bề mặt tiếp giáp.

b. Các yêu cầu kỹ thuật sửa chữa

Van tác dụng trực tiếp: Các mặt phẳng tiếp giáp của van trượt phẳng và thân cần phải được mài mỏng, không có các vết nứt, xước, tróc trên các bề mặt này; Các mặt phẳng phải phẳng và áp sát vào nhau không có độ hở; Các tấm đệm giữa các phần riêng biệt của thân không được cho lọt không khí với áp suất làm việc lớn nhất; Các lò xo bị gẫy hoặc có biến dạng dư cần phải thay.

Van vi sai: Không cho phép không khí bị rò qua các đệm của các van xả dưới tác dụng của áp xuất công tác cực đại; Các tấm cao su phải dính chặt vào van, không bị rách, ổ van phải nhẵn và đều, các vết xước, vết lõm không được có trên bề mặt ổ.


(Nguồn tin: Tài liệu Bảo hộ lao động, NXB Lao động 2012)