Phương tiện bảo vệ cá nhân dùng cho công nhân chế tạo hạt nano

Thứ Sáu, 01/12/2023, 10:01(GMT +7)

Hạt nano là một loại hạt rắn sản xuất có chủ đích với kích thước một chiều ít nhất phải đạt trong khoảng từ 1 đến 100 nanomét. Đã nhiều năm nay các nhà vệ sinh công nghiệp đã hỗ trợ người lao động (NLĐ) nắm bắt và quản lý được rủi ro sức khỏe liên quan đến các hạt nano nhân tạo ( ví dụ: khói hàn) hay các hạt nano tự nhiên (ví dụ: bụi, virut). Các nghiên cứu và trải nghiệm mới đây đã chứng minh cho một thực tế là các biện pháp kiểm soát tiếp xúc truyền thống có thể áp dụng được đối với các hạt nano nhân tạo khi lựa chọn và triển khai nó như một phần kế hoạch tổng thể về an toàn -vệ sinh lao động.

Thứ tự kiểm soát

Tính nguy hại và nguy cơ tiếp xúc của vật liệu nano (cũng như mức bất ổn của từng vấn đề) cần được xem xét mỗi khi lựa chọn giải pháp khống chế. Khi mức bất ổn của tính nguy hại hay nguy cơ tiếp xúc tồn tại, cần có biện pháp cảnh báo, ví dụ, quản lý rủi ro tiếp xúc cần tuân thủ theo hướng dẫn trật tự kiểm soát vệ sinh công nghiệp. Để đạt được kết quả tốt nhất, cần xem xét các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa sớm từ khi quy hoạch thực nghiệm, phát triển sản phẩm, thiết kế quá trình sản xuất sao cho việc thiết lập và chọn lựa các biện pháp phù hợp được tốt nhất.

Việc kết hợp các biện pháp kiểm soát trong danh mục các thứ tự ưu tiên của các biện pháp kiểm soát thường được áp dụng để đạt được mục tiêu giảm thiểu tối đa việc tiếp xúc. Thứ tự các ưu tiên là:

– Loại bỏ hoặc giảm thiểu các nguy cơ/hoặc tiếp xúc, ví dụ, sử dụng vật liệu ướt tốt hơn vật liệu khô vì như vậy sẽ giảm thiểu khả năng phát sinh bụi;

– Kiểm soát bằng các biện pháp kỹ thuật, ví dụ: quây kín các công đoạn sản xuất, tổ chức thông gió hút cục bộ, lọc khí thải;

– Kiểm soát bằng các biện pháp hành chính, ví dụ: hạn chế các khu vực sản xuất mà NLĐ chưa được huấn luyện và cấp phép vào làm việc;

Phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) là biện pháp cuối cùng dùng để bảo vệ NLĐ và chỉ sử dụng khi các biện pháp khác không thể dùng được hoặc dùng không hiệu quả để giảm sự tiếp xúc tới mức độ chấp nhận được hoặc các biện pháp kiểm soát khác đang sử dụng nhưng NLĐ vẫn phải tiếp xúc ở mức độ cao. PTBVCN cũng có thể được sử dụng để bổ trợ cho các biện pháp khác nhằm làm tăng khả năng phòng ngừa và cũng nên là một phần của chương trình tổng hợp bảo vệ NLĐ tại chỗ làm việc.

Hiệu quả của PTBVCN

PTBVCN có thể có hiệu quả bảo vệ NLĐ khi làm việc với bụi nano nhân tạo nhưng PTBVCN dứt khoát không thể là lựa chọn hàng đầu. Nói chung các khuyến cáo dùng PTBVCN khi tiếp xúc với hạt nano cũng giống như khi sử dụng với các loại bụi khác hoặc các loại son khí khác. Lựa chọn PTBVCN cần căn cứ vào nhiều tiêu chí, ví dụ: bản chất hóa học tương tự hoặc độc tính học của hạt nano; lượng bụi nano khi tiếp xúc hoặc tình trạng vật lý (ở dạng bột khô hay dạng huyền phù); các biện pháp khống chế đang áp dụng; hiệu quả của PTBVCN cần phải đạt và những hạn chế của nó; các yếu tố nguy hại khác hiện hữu tại chỗ làm việc (ví dụ: bụi cháy nổ, cần xử lý tĩnh điện cho giày dép và quần áo). Khi quyết định chọn loại PTBVCN cũng cần thảo luận, trao đổi với NLĐ để có lựa chọn phù hợp nhất.

PTBVCN chỉ có hiệu quả bảo vệ khi chọn lựa đúng chủng loại, được bảo quản tốt và sử dụng đúng cách trong khi làm việc. Người giám sát quá trình sản xuất vật liệu nano và NLĐ cần phải được tập huấn để:

– Nhận biết được nhu cầu phải sử dụng PTBVCN: sử dụng cái gì (bao gồm cả việc chọn đúng kích cỡ) và công việc gì phải dùng và dùng loại nào);

– Sử dụng, điều chỉnh và cởi tháo ra phải không làm ô nhiễm mình và những người xung quanh tại chỗ làm việc;

– Nhận biết được những hạn chế của PTBVCN và suy giảm hiệu quả của nó cũng như thời điểm cần phải thay;

 – Kiểm tra, lưu giữ, bảo quản, làm sạch và thải bỏ PTBVCN đúng cách.

Quần áo và găng tay thường không được kiểm tra về tính hiệu quả đối với bụi nano nhân tạo. Hiệu quả của PTBVCN đối với bụi nano chỉ được đánh giá mang tính “tương đối” (ví dụ: % chui lọt của bụi hay tỷ lệ giảm tiếp xúc với bụi) tại thời điểm đó. Công tác nghiên cứu vẫn đang tiếp tục nhằm phát triển và công bố tính hợp lệ của các phương pháp đánh giá hiệu quả của PTBVCN chống bụi nano. Điều quan trọng là định kỳ cần xem xét lại cách chọn lựa PTBVCN dùng cho NLĐ tại nơi sản xuất vật liệu nano.

Các dạng PTBVCN

Mặt nạ

Bảo vệ cơ quan hô hấp phải nằm trong chương trình quản lý rủi ro, trong mọi kịch bản mà bụi nano có thể phát tán vào trong môi trường. Tất cả các loại mặt nạ sử dụng tại chỗ làm việc của Mỹ phải được Viện quốc gia về an toàn-vệ sinh lao động Mỹ (NIOSH) kiểm định.

Các nghiên cứu mới đây về tính hiệu quả của mặt nạ để giảm thiểu tiếp xúc với bụi nano chỉ ra rằng (i) việc sử dụng đúng đắn các chỉ dẫn về chọn lựa mặt nạ của Cơ quan an toàn vệ sinh lao động Mỹ ( OSHA) và NIOSH, các dạng mặt nạ khác nhau (ví dụ: mặt nạ, bán mặt nạ, mặt nạ cấp dưỡng khí, đường dẫn khí hay thiết bị thở mang theo người) và (ii) hiệu quả lọc khác nhau (95%, 99% hay 99,97%) [thường được gọi với tên thiết bị lọc bụi hiệu quả cao] có thể giúp tạo ra hiệu quả bảo vệ kỳ vọng đối với bụi nano.  Nhìn chung, cơ chế lọc bụi nano có hiệu quả chủ yếu nhờ hiệu ứng phát tán và lực tĩnh điện. Lý thuyết kinh điển về hiệu quả lọc bụi qua lớp sợi cho rằng hiệu quả lọc bụi sẽ giảm khi kích thước hạt bụi giảm. Nghiên cứu về hiệu quả của phin lọc đối với các hạt nano nhỏ nhất (<2 nm) vẫn đang tiếp tục nhưng có một điều rõ ràng là độ kín khít của mặt nạ tiềm ẩn nguy cơ làm lọt bụi vào cơ quan hô hấp cao hơn là chính màng lọc; do vậy phải đặc biệt lưu tâm tới kích thước của mặt nạ sao cho NLĐ đeo phải vừa và kín khít.

Các tiêu chí để lựa chọn mặt nạ gồm: loại, kích thước và nồng độ bụi nano và các loại ô nhiễm khác; tình trạng tiếp xúc ( điều kiện làm việc/thời gian tiếp xúc/quy trình sản xuất v.v); mức độ suy giảm hiệu quả của mặt nạ (ví dụ: hệ số bảo vệ ấn định [APF]; giới hạn sử dụng tối đa của phin lọc hoặc bộ lọc. Nếu đã có quy định về giới hạn tiếp xúc nghề nghiệp (OEL) hoặc mục tiêu kiểm soát nội bộ đã quy định đối với bụi nano thì nên áp dụng các quy định đó để lựa chọn mặt nạ. Nếu đã có OEL thiết lập cho một hóa chất tương tự, dù rằng không phải cho vật liệu nano cũng có thể áp dụng để chọn mặt nạ nhưng phải lưu ý rằng một số loại vật liệu có hoạt tính sinh học mạnh hơn cả bụi nano. Trong trường hợp đó cũng như trong trường hợp các hạt nano có khả năng chui qua bộ lọc của mặt nạ thì phải tăng mức độ bảo vệ của mặt nạ, ví dụ: chọn mặt nạ có hệ số bảo vệ ấn định [APF] cao hơn hoặc hiệu quả của fin lọc cao hơn. Nếu chưa có OEL tương ứng, việc chọn lựa mặt nạ cần tuân thủ theo hướng dẫn thông tin độc tính hiện có theo hướng cảnh báo. Trong những trường hợp cụ thể, thời gian thay đổi ống lọc của mặt nạ cần có những quy định riêng.

Quần áo chống hóa chất

Trong khi hít thở được coi là con đường phổ biến nhất để các hạt nano chui vào cơ thể thì quần áo bảo hộ lao động (BHLĐ) chính là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa da tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Lựa chọn quần áo chống hóa chất phải xem hóa chất phải tiếp xúc là loại nào (ví dụ: loại dung môi nào hay loại hạt nano nào) và rủi ro nào khi tiếp xúc. Trong một số trường hợp (nguy hại ít, rủi ro thấp), có thể sử dụng quần áo bằng vải cotton hoặc cotton pha polyester hoặc áo choàng cũng có thể bảo vệ được NLĐ. Khi môi trường có nguy cơ cao, quần áo BHLĐ cần phải may từ vật liệu ít bám bụi hoặc vật liệu ít sinh ra bụi. Các loại vải không dệt (mật độ cao/polyetylen kín gió) có thể dùng để may vì nó có khả năng bảo vệ rất tốt. Đối với môi trường có nguy cơ rất cao nên tránh dùng các loại vải làm từ giấy, cotton, len và các loại vải dệt để may quần áo BHLĐ. Các loại quần áo BHLĐ thông dụng khi làm việc trong môi trường bụi bặm thường dùng là: áo khoác phòng thí nghiệm, tay áo dài không cổ tay, quần dài không gấu, áo liền quần; giầy làm từ vật liệu chống thấm nước, che kín mũi chân, bao giầy. Khi cần phải được bảo vệ ở mức cao thì cần phải dùng quần áo BHLĐ có mũ trùm. Điểm nối giữa quần áo bảo hộ lao động và các thiết bị bảo vệ khác như mặt nạ, găng tay, giầy cần được làm kín bằng dải băng để tăng khả năng bảo vệ.

Găng tay

Khi làm việc với bột nano, các nhà vệ sinh công nghiệp khuyến cáo cần dùng găng tay để tránh bị viêm da. Điều này đặc biệt quan trọng vì da có thể bị tổn thương do bị đứt hoặc bị xước. Hiện đã có một số kết quả nghiên cứu về hiệu quả của găng tay dùng khi tiếp xúc hạt nano nhưng kiểm tra thường xuyên hiệu quả của nó thì thực sự chưa làm được vì dải vật liệu nano dùng trong công nghiệp khá rộng. Cũng như găng tay lựa chọn dùng trong hóa chất, găng tay dùng khi tiếp xúc với bụi nano cũng phải lựa chọn tùy theo thành phần của hạt nano cũng như các vật liệu khác đồng thời tiếp xúc, cần xem xét thêm các yếu tố khác như tác động cơ học hoặc nhiệt. Nếu các hạt nano ở dạng huyền phù thì găng tay phải chọn loại chống thấm và chống hạt nano. Thông tin trên tờ hướng dẫn an toàn sẽ rất hữu ích trong quá trình lựa chọn. Trong nhiều trường hợp khi xử lý các loại bụi nano khác nhau có thể chọn loại găng tay polymer chất lượng tốt, dùng một lần rồi thải bỏ (ví dụ: neoprene, nitrile, latex hoặc vật liệu chịu được hóa chất).

Chất lượng và độ dày của găng tay cũng góp phần làm tăng hiệu quả. Bụi có thể chui lọt qua găng tay khi găng tay bị tác động thường xuyên của sự mài mòn và bụi trong dung dịch keo. Chọn loại găng tay đủ dày và thay định kỳ. Một cách phòng ngừa khác cũng có thể áp dụng là dùng găng đúp (đi lồng 2 găng tay), nhất là khi găng tay mỏng hoặc bụi nano nguy cơ cao. Găng tay trong vẫn có tác dụng khi buộc phải tháo găng tay ngoài đã bị nhiễm bẩn. Dùng loại găng tay có cổ tay dài giúp bảo vệ cổ tay, che chắn đoạn hở của tay dưới tay áo. Nên tháo đồ trang sức đeo ở cổ tay khi dùng găng tay có cổ tay dài.

Bảo vệ mắt

Sử dụng phương tiện bảo vệ mắt khi tiếp xúc với vật liệu nano nhân tạo. Cũng như mọi loại hóa chất, sử dụng phương tiện bảo vệ mắt cần dựa vào bản chất nguy hại của vật liệu và nguy cơ tiếp xúc. Loại kính an toàn che kín, có cạnh bảo vệ thường được sử dụng trong trường hợp nguy cơ thấp, tiếp xúc ít và hạt nano có kích thước lớn. Kính an toàn có độ kín khít cao, chống được bụi được khuyến cáo áp dụng trong tình huống làm việc có nguy cơ cao, tiếp xúc nhiều trừ phi đã dùng phương tiện bảo vệ cơ quan hô hấp có kèm bảo vệ mắt ví dụ: loại mặt nạ che kín mặt và đầu.

Các lưu ý khác

Bảo dưỡng

Có lý do xác đáng để coi công việc bảo dưỡng cần sự quan tâm đặc biệt vì NLĐ có thể tiếp xúc trực tiếp với vật liệu nano khi mở và chui vào các thiết bị đóng kín mà hiếm khi mở ra. Ví dụ các việc như làm sạch và bảo dưỡng các thiết bị phân tích trong phòng thí nghiệm, dọn dẹp vệ sinh dây chuyền sản xuất hay sửa chữa, thay thế hoặc làm sạch thiết bị công nghệ. Lưu ý rằng việc bảo dưỡng không phải công việc thường xuyên, thường làm vào ca 2, ca 3 hoặc cuối tuần. Với những việc như vậy, sử dụng PTBVCN là khả thi vì các biện pháp kiểm soát khác không sử dụng được (ví dụ bảo dưỡng hệ thống hút bụi cục bộ; và trong những trường hợp như vậy NLĐ phải dùng nhiều PTBVCN cùng lúc hơn trường hợp thông thường. Cần đảm bảo rằng không xuất hiện các mối nguy hại mới (ví dụ: nóng, tư thế làm việc khó hay yếu tố con người). Các vấn đề tương tự như vậy có thể xảy ra khi làm vệ sinh, dọn dẹp đối phó với các tình huống khẩn cấp (đổ, tràn chất lỏng).

Quy trình tháo cởi, tái sử dụng và thải bỏ PTBVCN

Quy trình tháo cởi PTBVCN gồm cả kỹ thuật và tuần tự các bước cần bám sát tình huống cụ thể: độ hao mòn của PTBVCN và độ nhiễm bẩn của chúng sao cho không gây ô nhiễm cho NLĐ hoặc khu vực làm việc. PTBVCN đã sử dụng cần tháo cởi ở khu vực quy định. NLĐ dùng PTBVCN bị nhiễm bẩn không nên chạm vào những nơi mà những người khác không dùng PTBVCN đó có thể chạm vào. NLĐ cần tránh không để da chạm vào bề mặt PTBVCN đã nhiễm bẩn và không nên kéo dãn hoặc đập găng tay hoặc bao che cổ tay vật liệu dẻo vì nó sẽ phát sinh bụi hoặc gây bám bụi lên các bề mặt khác. Khi mặt nạ đã hỏng cần tháo bỏ sau các PTBVCN bên ngoài khác. Ví dụ về tuần tự các bước tháo bỏ như nhau:

– Tháo bỏ găng tay ngoài. Từ từ lột găng tay ra; giữ găng tay đó bằng tay vẫn đeo găng tay đúp, sau đó lột găng tay ngoài của tay kia, căng nó ra và dùng nó như cái túi rác đựng găng tay nhiễm bụi; Bỏ các găng tay nhiễm bụi vào thùng rác.

– Tháo kính an toàn và đặt nó vào thùng rác sạch;

 – Cởi áo khoác. Nếu áo khoác đã nhiễm bẩn, gập mặt đã nhiễm bẩn vào trong, từ từ cuộn nó lại để bọc chất ô nhiễm vào trong rồi bỏ vào thùng rác hoặc thùng chứa đồ giặt;

– Tháo mặt nạ/khẩu trang ra và đặt vào thùng rác hoặc thùng để đồ làm sạch lại (tái sử dụng);

– Tháo găng tay trong (như đã miêu tả ở mục (1), bỏ vào thùng rác sau đó rửa tay.

Đối với PTBVCN (ví dụ áo khoác, áo choàng) sẽ dùng lại, cần phải lưu ý vì quá trình trước, trong khi làm sạch và giặt là có thể bị tiếp xúc ô nhiễm thứ cấp. Áo khoác tái sử dụng không bị nhiễm bẩn hoặc không thấy bị nhiễm bẩn cần treo trên móc áo riêng để mặt ngoài của nó không có nguy cơ làm nhiễm bẩn áo khoác khác. Đối với các PTBVCN thải bỏ, cần đảm bảo rằng chúng được thải bỏ theo đúng quy định. Nếu thấy PTBVCN tái sử dụng có biểu hiện nhiễm bẩn thì dứt khoát thải bỏ, không sử dụng lại. Nguy cơ tiếp xúc thứ cấp với các PTBVCN đã nhiễm bẩn có thể phòng ngừa được (suốt quá trình trước, trong khi làm sạch và giặt là) bằng cách thu gom và đựng chúng trong các túi nhựa có dán nhãn hoặc trong các thùng chứa kín. NLĐ cần được giáo dục về các phương pháp phòng ngừa và thực hành chúng để tránh sự gây nhiễm độc vô ý bụi nano đối với gia đình mình.

Biên dịch: Phạm Hải


(Nguồn tin: American Industrial Hygiene Association)