Tác động của hóa chất đến môi trường

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:25(GMT +7)

Hoá chất có tác động rất lớn đến môi trường, từ biến đổi khí hậu đến huỷ hại các loài thú hoang dã và làm ô nhiễm nguồn nước uống. Sự sử dụng hoá chất khôn ngoan, kiểm soát phát thải và thải bỏ hoá chất chặt chẽ là những yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm đảm bảo an toàn và sức khoẻ môi trường trong tương lai. Ngoài ra, cũng phải đảm bảo an toàn và sức khoẻ cho người lao động.

Tác động của hóa chất đến môi trường

Nhiều năm qua các chất thải hoá chất bị thải bỏ bừa bãi trên mặt đất, ra khí quyển và vào nguồn nước. Việc đó đã thay đổi rất nhiều ở một số nước nơi có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, làm sạch ô nhiễm và ngăn ngừa các biện pháp xả thải bừa bãi. Tuy nhiên ở nhiều nước khác, vấn đề ô nhiễm đang diễn ra nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, tác động tới môi trường lại được xem là yếu tố khó tránh khỏi trong sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Cái giá phải trả lâu dài trong tương lai cần phải được đề cập đến khi ra quyết định để biết cái nào thì chấp nhận được đối với tác động môi trường. Đối với các nước phát triển, cần phải tập trung vào việc khắc phục các sai lầm trong quá khứ và xây dựng các chính sách nhằm ngăn ngừa những sai lầm tương tự trong tương lai. Các nước đang phát triển và các nền kinh tế của thời kỳ quá độ cần phải học các bài học sai lầm của các nước phát triển, kinh nghiệm khắc phục sai sót và áp dụng các biện pháp phòng ngừa thông qua các nguyên tắc thiết kế đối với các thiết bị mới. Một trong những khía cạnh cần lưu ý là ô nhiễm môi trường là xuyên biên giới. Nếu một nước thực hiện tốt chính sách phòng ngừa phát tán ô nhiễm, thải bỏ có kiểm soát trong khi nước bên cạnh thì không thực hiện, đương nhiên ô nhiễm sẽ lan theo mọi con đường: không khí, nước, từ nơi này đến nơi khác. Do đó, một chương trình quốc gia về môi trường có hiệu quả phải là một chiến lược hợp tác quốc tế để tuyên truyền các biện pháp tiếp cận ở mọi quốc gia. GHS cũng có một danh mục các tiêu chí phân loại nguy cơ về môi trường.

Bảo vệ môi trường và ATVSLĐ thông thường được đề cập riêng rẽ trong các thể chế của chính phủ mà không nhận thấy rằng tác động của chúng là qua lại lẫn nhau. Tình huống đặt ra là khi chất phát thải vào môi trường được kiểm soát theo quy định thì không ai xem xét đến sự tiếp xúc của người lao động như thế nào và sự kiểm soát đó lại tạo ra sự tiếp xúc nguy hại trong cơ sở sản xuất còn lớn hơn so với trước đó. Hay làm vệ sinh các cơ sở bị ô nhiễm cũng tạo ra sự tiếp xúc của người lao động rất lớn, đặc biệt là họ còn không biết hoá chất đang được dọn sạch là hoá chất gì, các hoá chất và hợp chất của chúng có thể sẽ tạo ra các yếu tố nguy hại mới.

Rất nhiều việc làm được tạo ra trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay còn được gọi là Việc làm Xanh hay việc làm để giảm tác động có hại đến môi trường thông qua việc xây dựng và triển khai các công nghệ thay thế. Trong khi việc làm Xanh được hoan nghênh vì đã tạo ra cơ hội mới cho người lao động có việc làm thì việc rất quan trọng là phải đảm bảo những việc làm đó không tạo ra các yếu tố nguy hại mới và có thể chưa biết. Trong khi ủng hộ những khái niệm mới rằng các phương pháp mới sử dụng hoá chất để giảm thiêu tác hại đến moi trường thì cũng phải đảm bảo rằng những người lao động thưc hiện các công việc đó phải được bảo vệ. Một trong những ví dụ được ILO đưa ra là tái chế rác điện tử. Việc sử dụng rộng rãi máy tính điện tử dẫn đến một lượng lớn chất thải được thải ra vì các máy tính rất nhanh lạc hậu. Sử dụng máy tính thì không tiếp xúc với các yếu tố hoá học nhưng tháo dỡ máy tính để tái chế thì người lao động có nguy cơ tiếp xúc hoá chất. Trong một số trường hợp các chất thải để tái chế được đưa đến nước khác và như thế yếu tố nguy hại đã bị đem xuất khẩu. Điều này thấy rất rõ trong việc phá dỡ tàu thuỷ khi các tàu không còn khả năng được sử dụng; nó bị đem đi để lấy sắt vụn và người lao động sẽ tiếp xúc với các yếu tố nguy hại. Trong khi chúng ta ca ngợi việc tái sử dụng chất thải vì mục tiêu tốt đẹp cho môi trường thì lại tạo ra các việc, đẩy người lao động phải tiếp xúc với các yếu tố nguy hại. Thông thường, đây là những công việc không bắt buộc phải làm.

Năm 2014 thế giới tưởng niệm 30 năm sự cố công nghiệp tồi tệ nhất đã xảy ra. Tháng 12 năm 1984 hơn 40 tấn khí methyl isocyanate đã rò ra môi trường do phản ứng hoá học ngoài mong muốn xảy ra tại nhà máy hoá chất ở Bhopal, Ấn Độ. Tác động của tấm bi kịch này lên môi trường và sức khoẻ tiếp tục kéo dài tại Bhopal. Sự cố đã chứng minh một điều là cần tập trung thay đổi thói quen thực hành về ATVSLĐ trong ngành hoá chất và xây dựng các biện pháp kiểm soát nguy cơ. Là một trong những sự kiện khơi gợi dẫn đến việc kiểm tra các quá trình quản lý hoá chất, sự cố này minh chứng rất nhiều điều về công tác quản lý mà đã bị bỏ qua, từ khâu bảo dưỡng không chuẩn dẫn đến rò rỉ đến việc cho phép nhà dân ở xung quanh nhà máy với mật độ dầy. Sự mất mát sinh mạng là quá lớn nên phòng ngừa những sự cố tương tự là điều mà những người hành nghề về ATVSLĐ phải nghĩ đến trước tiên. Điều đó dẫn đến một số thay đổi cơ bản trong phương pháp tiếp cận về an toàn hoá chất và quản lý các cơ sở sản xuất có nguy cơ cao.

Công ước của ILO về phòng ngừa các sự cố công nghiệp số 174năm 1993 vàKhuyến nghị số 181tập trung vào việc kiểm tra nguy cơ xảy ra các thảm hoạ và lập các biện pháp phòng ngừa, đối phó khẩn cấp trên cơ sở của hệ thống quản lý về ATVSLĐ. Công ước này cũng bổ sung choCông ước số 170của ILO về hoá chất bằng cách chi tết hoá công tác quản lý chặt chẽ hoá chất. ILO cũng xây dựng Quy tắc thực hành về phòng ngừa các sự cố công nghiệp và sách hướng dẫn kiểm soát nguy cơ để bổ sung vào các tiêu chuẩn.


(Nguồn tin: ILO)