Trí tuệ nhân tạo và số hóa đang thay đổi ATVSLĐ tại nơi làm việc
Một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) phân tích cách trí tuệ nhân tạo (AI), số hóa, robot và tự động hóa đang định hình lại công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tại các nơi làm việc trên toàn cầu.
Báo cáo có tiêu đề “Cách mạng hóa ATVSLĐ: Vai trò của trí tuệ nhân tạo và số hóa tại nơi làm việc” nêu bật cách các công nghệ mới nổi này đang cải thiện sức khỏe và phúc lợi của người lao động, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách chủ động để giải quyết các rủi ro mới.
Bằng cách thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, hỗ trợ trong phẫu thuật và tối ưu hóa vận chuyển, robot giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả. Các hệ thống được hỗ trợ bởi AI tăng cường khả năng giám sát ATVSLĐ, hợp lý hóa các công việc và quy trình vận hành, giảm khối lượng công việc và thúc đẩy đổi mới, ngay cả trong các lĩnh vực truyền thống có công nghệ thấp. Tuy nhiên, báo cáo nhấn mạnh nhu cầu cần có các chính sách chủ động để đảm bảo các công nghệ này được triển khai một cách an toàn và công bằng.
“Số hóa mang lại những cơ hội to lớn để thúc đẩy an toàn nơi làm việc. Robot có thể thay thế người lao động trong những “công việc 3D” nguy hiểm, ô nhiễm và nhàm chán. Tự động hóa giúp giảm bớt các công việc lặp đi lặp lại, chẳng hạn như các công việc trong dây chuyền sản xuất hoặc công việc hành chính, cho phép người lao động thực hiện các công việc mang tính thách thức nhiều hơn”, bà Manal Azzi, Trưởng nhóm Chính sách ATVSLĐ của ILO cho biết. “Nhưng để có thể tận dụng được toàn bộ lợi ích từ những công nghệ này, chúng ta phải đảm bảo chúng được triển khai mà không gây ra bất kỳ rủi ro mới nào”.
Tác động của công nghệ đến ATVSLĐ
Báo cáo nêu bật rằng các robot tiên tiến, tự động hóa, việc sử dụng thực tế mở rộng và thực tế ảo cũng như các công cụ mới như thiết bị đeo thông minh có khả năng phát hiện rủi ro theo thời gian thực hoặc các cảm biến môi trường giám sát chất lượng không khí đang làm thay đổi ATVSLĐ bằng cách ngăn ngừa tai nạn và giảm tiếp xúc với các mối nguy hại. Ngoài ra, số hóa đang làm gia tăng các hình thức làm việc kết hợp và làm việc từ xa, tạo ra sự linh hoạt và cải thiện sức khỏe tinh thần.
Tuy nhiên, những tiến bộ này cũng có thể mang lại các rủi ro mới. Mặc dù robot thực hiện các công việc nguy hiểm một cách hiệu quả, nhưng những người lao động thực hiện công việc bảo trì, sửa chữa hoặc làm việc với robot có thể phải đối mặt với những mối nguy hiểm mới. Các hành vi khó đoán của robot, lỗi hệ thống hoặc các mối đe dọa từ không gian mạng có thể gây mất an toàn. Các rủi ro ecgônômi có thể phát sinh từ sự tương tác người-máy cũng như từ việc sử dụng các thiết bị đeo và bộ xương ngoài không phù hợp, không thuận tiện hoặc không thoải mái.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc quá phụ thuộc vào AI và tự động hóa có thể làm giảm sự giám sát của con người, dẫn đến tăng rủi ro ATVSLĐ, trong khi đó, việc phân bổ khối lượng công việc dựa vào thuật toán và tình trạng kết nối liên tục có thể góp phần làm gia tăng các vấn đề về căng thẳng, kiệt sức và sức khỏe tinh thần.
Báo cáo cũng phân tích các rủi ro ATVSLĐ mà người lao động phải đối mặt trong toàn bộ chuỗi cung ứng số, từ những người trong quy trình khai thác đến những người vận hành AI, cũng như những người xử lý rác thải điện tử.
Chính sách phản ứng toàn cầu và vai trò của ILO
Báo cáo phân tích những khoảng trống pháp lý trong việc quản lý rủi ro ATVSLĐ liên quan đến số hóa và kêu gọi các chính sách toàn cầu, khu vực và quốc gia mạnh mẽ hơn. Các công ước ATVSLĐ của ILO (số 155 và 187) cung cấp nền tảng cho việc đảm bảo quyền được làm việc trong môi trường an toàn và lành mạnh trong kỷ nguyên số.
Đảm bảo số hóa thúc đẩy ATVSLĐ tại nơi làm việc
Các chính sách và quy định trên toàn thế giới ngày càng phát triển, bao gồm các biện pháp mới liên quan đến an toàn khi làm việc với robot và tương tác người-máy, quyền được ngắt kết nối, cải thiện quản lý công việc bằng thuật toán, làm việc từ xa và làm việc trên nền tảng an toàn.
Sự tham gia của người lao động là cần thiết ở mọi giai đoạn triển khai công nghệ. Các chương trình đào tạo và nâng cao nhận thức là chìa khóa để đảm bảo sử dụng an toàn các công nghệ mới. Cần tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn những tác động lâu dài của việc chuyển đổi số đến ATVSLĐ.
Bằng các cung cấp thông tin chi tiết về chính sách, thực tiễn và các nghiên cứu tình huống thực tế, báo cáo này đóng vai trò như một nguồn tài nguyên cho chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động và các chuyên gia ATVSLĐ để định hướng bối cảnh an toàn số đang thay đổi tại nơi làm việc.
Biên dịch: Xuân Đài