Yêu cầu an toàn trong sản xuất kinh doanh và sử dụng hóa chất độc

Thứ Sáu, 01/12/2023, 04:25(GMT +7)

I. Định nghĩa: Hoá chất độc (Toxic chemicals) là những hoá chất gây độc hại, ảnh hưởng xấu trực tiếp hoặc gián tiếp đến người và sinh vật. Hoá chất  độc  có  thể  xâm  nhập  vào  cơ  thể  qua  da,  qua  đường  tiêu  hoá,  qua  đường  hô  hấp,  gây nhiễm/ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính, gây nhiễm độc cục bộ hoặc toàn thân; có thể là những hoá chất có khả năng gây ung thư, dị tật…

II. Yêu cầu an toàn:

1. Tuỳ theo nồng độ, tính chất và số lượng hoá chất độc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản hoá chất độc (sau đây được gọi tắt là: cơ sở có hoá chất độc) đều phải thực hiện việc đăng kiểm theo qui định pháp lý hiện hành.

2. Cơ sở phải có nội qui xuất  nhập hoá chất độc nghiêm  ngặt,  sổ xuất  nhập ghi chép đầy đủ, đảm bảo quản lý chính xác về khối lượng hoá chất độc chứa trong kho so với sổ sách. Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm kê hàng tháng, hàng quí.

3. Nơi có hơi khí độc, bụi độc phải thông gió tự nhiên và kết hợp với các biện pháp thông gió cưỡng bức để đảm bảo nồng độ chất độc trong môi trường làm việc không vượt quá nồng độ giới hạn cho phép theo qui định pháp lý hiện hành.

4. Cơ sở có hoá chất độc phải thực hiện nghiêm chỉnh các qui định pháp luật về bảo vệ môi trường. Nước thải, khí thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn qui định: TCVN 5945:1995, TCVN 5939:1995, TCVN 5940:1995.

Chất thải độc hại khác phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông, sử dụng phải được thu  gom để xử lý. Cấm chôn lấp, thiêu huỷ tuỳ tiện hoặc để lẫn với chất thải thông thường khác

5. Cơ sở có hoá chất độc phải có chế độ định kỳ kiểm tra nồng độ chất độc hại trong môi trường làm việc. Phải trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế cần thiết, để ứng cứu xử lý kịp thời khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố hoá chất.

6. Khi tiếp xúc với hoá chất độc, phải có mặt nạ phòng độc. Khi sử dụng mặt nạ phòng độc phải theo những qui định sau đây:

– Phù hợp với loại hoá chất độc;

– Phù hợp với kích thước người sử dụng;

– Đảm bảo thời gian qui định chất lượng hoá chất dùng khử độc;

– Cấm dùng mặt nạ hết tác dụng.

Phải cất giữ mặt nạ ở nơi có ít khí độc và phải định kỳ kiểm tra tác dụng của mặt nạ.

7. Khi tiếp xúc với bụi độc phải dùng quần áo kín may bằng loại vải bông dày có khẩu trang chống bụi, quần áo bảo vệ chống hơi bụi. Khi tiếp xúc với chất lỏng độc cần phải che kín cổ tay, chân, ngực.  Khi làm việc với dung môi hữu cơ hoà tan phải mang quần áo bảo vệ không thấm và mặt nạ cách ly.

Phương tiện bảo vệ cá nhân phải để trong tủ kín cấm mang về nhà để tránh nhiễm độc.

8. Nghiêm cấm sử dụng lại các dụng cụ, bình chứa, bao bì đựng hoá chất độc để chứa đựng các chất khác. Các bình chứa, bao bì đã đựng hoá chất độc trước khi thải loại ra đều phải khử độc và tiêu huỷ đúng qui định.

9. Máy, thiết  bị, ống dẫn hoá chất  độc đều phải được bảo đảm bền và kín, các ống dẫn khí phải được thiết kế sao cho hạn chế được tối đa các chỗ nối, chờ, nối dự phòng.

10. Nơi có hoá chất độc phải có các tín hiệu báo động tình trạng thiếu an toàn của máy, thiết bị, báo hiệu các chặng sản xuất  đặc biệt,  báo hiệu CẤM như cấm đóng mở máy, cấm tháo hơi nước … trong quá trình sản xuất.

11. Trong quá trình sản xuất hoá chất độc, khi lấy mẫu trong áp lực cao để thử, cần dùng máy giảm áp để giảm áp lực. Các thiết bị sản xuất hoá chất lỏng, phải có thiết bị đo mức hoá chất.

12. Cấm hút dung dịch hoá chất độc bằng miệng. Khi lấy mẫu chất lỏng trong thiết bị, phải sử dụng những dụng cụ đã qui định. Không được tiếp xúc trực tiếp hoá chất độc. Các dụng cụ cân, đong hoá chất độc sau khi đã dùng phải được lau rửa sạch sẽ.

13. Trước khi đưa người vào làm việc ở nơi kín, có hoá chất độc, phải kiểm tra không khí ở nơi đó hoặc dùng động vật (chim bồ câu, thỏ) để thử nghiệm. Phải khử độc bằng biện pháp phù hợp, đảm bảo nồng độ chất độc còn lại nhỏ hơn nồng độ giới hạn cho phép, mới cho người vàolàm việc.

Khi làm  việc ở những nơi đó phải có từ hai người trở lên, một người vào làm việc, một người đứng ngoài giám sát để cấp cứu kịp thời khi cần thiết.

14. Thiết bị chứa hoá chất độc dễ bốc hơi, dễ sinh bụi phải thật kín, nếu không do qui trình sản xuất bắt buộc thì không được đặt cùng với bộ phận khác không có hoá chất độc.

————————-

Tiêu chuẩn hướng dẫn:
– TCVN 5507: 2002 – Hóa chất nguy hiểm – qui phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển;
–  TCVN 5945:1995._ Nước thải công nghiệp. Tiêu chuẩn thải. (Tiêu chuẩn này đã hủy; Thay thế bằng: QCVN 24:2009/BTNMT và TCVN 5945:2010)
TCVN 5939:1995._ Chất lượng không khí. Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (Tiêu chuẩn này đã hủy; Thay thế bằng: TCVN 5939:2005)
– TCVN 5940:1995._ Chất lượng không khí. Tiêu chuẩn khí thải công nghiệp đối với các chất hữu cơ (Tiêu chuẩn này đã hủy; Thay thế bằng: TCVN 5940:2005)


(Nguồn tin: )