Mô hình Văn hóa an toàn tại các doanh nghiệp thuộc tập đoàn điện lực Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Cơ cấu tổ chức của EVN được hình thành theo chuỗi cung ngành điện, bao gồm Phát điện – Truyền tải điện – Phân phối điện – Dịch vụ phụ trợ, gồm 22 đơn vị là đơn vị trực thuộc/ công ty con và 09 Tổng công ty là công ty con.
Hình 1. Tình hình tai nạn lao động của EVN giai đoạn 2010-2023
EVN xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả quản lý công tác an toàn giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ giảm thiểu tai nạn lao động, xây dựng và thực thi văn hoá an toàn (VHAT) lao động. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án, Ban An toàn EVN đã phối hợp với Viện Khoa học ATVSLĐ, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học về ISO 45001 và VHAT. Nhiệm vụ này vừa trực tiếp thúc đẩy công tác ATVSLĐ, vừa góp phần bảo vệ tính mạng và sức khỏe người lao động, đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển bền vững các đơn vị trong Tập đoàn. Tham gia thực hiện Đề tài là 22 đơn vị với tư cách vừa là đối tượng thí điểm nghiên cứu, vừa là đối tượng thụ hưởng kết quả đề tài.
Qua kết quả khảo sát hiện trạng quản lý công tác ATVSLĐ, khảo sát trực tuyến nhận thức về VHAT, khảo sát hiện trường, làm việc trực tiếp với các đơn vị thí điểm; nghiên cứu các mô hình VHAT trên thế giới, kinh nghiệm xây dựng VHAT trong nước và ngoài nước, Đề tài đã đề xuất mô hình VHAT EVN với nội dung cơ bản như sau:
1. Sứ mệnh, tầm nhìn, khẩu hiệu và triết lý văn hóa an toàn EVN
“Văn hóa an toàn EVN là văn hóa mà quyền có một môi trường làm việc an toàn và vệ sinh của người lao động được tất cả các cấp tôn trọng; Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị, các tổ chức đoàn thể và người lao động đều chủ động, tích cực tham gia vào việc đảm bảo môi trường làm việc an toàn và vệ sinh với nguyên tắc phòng ngừa được đặt lên hàng đầu”.
Sứ mệnh: Đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh và ngày càng được cải thiện cho người lao động EVN; tham gia đảm bảo an toàn cho khách hàng, đối tác và cộng đồng.
Tầm nhìn: Văn hoá an toàn EVN là tuân thủ, chuyên nghiệp, chủ động, trách nhiệm, tiên tiến, văn minh.
Khẩu hiệu “An toàn để phát triển bền vững!”
Triết lý hoạt động an toàn của EVN
Người lao động là mục tiêu, động lực của lao động và phát triển bền vững, là tài sản quý giá nhất; an toàn, sức khỏe của người lao động là ưu tiên hàng đầu của EVN.
2. Các giá trị cốt lõi của văn hóa an toàn EVN
Cam kết: EVN cam kết luôn đảm bảo môi trường lao động an toàn, vệ sinh cho người lao động là mục tiêu hàng đầu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người lao động.
Trách nhiệm: EVN luôn nhất quán quan điểm rằng đảm bảo môi trường làm việc an toàn và ngày càng cải thiện cho người lao động, đồng thời có trách nhiệm với an toàn của cộng đồng là một phần không thể thiếu trong sứ mệnh của EVN.
Cải tiến liên tục: Liên tục rà soát, tuân thủ kịp thời những quy định mới; cải tiến quy trình; áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến theo ISO 45001; chuyển đổi số; đổi mới, sáng tạo theo hướng hiện đại, theo kịp thời đại nhằm cải thiện điều kiện lao động cho người lao động.
3. Các chuẩn mực đạo đức văn hóa an toàn của ENV
Các giá trị chuẩn mực đạo đức văn hóa an toàn của người EVN bao gồm: “Tuân thủ, Chuyên nghiệp, Trung thực, Văn minh”.
Tuân thủ: Người EVN luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật, của EVN và đơn vị về an toàn; luôn đảm bảo nguyên tắc an toàn vừa là điểm xuất phát vừa là đích đến của mọi công việc.
Chuyên nghiệp: Người EVN luôn giữ tác phong làm việc chuyên nghiệp trong mọi tình huống; tận tâm, nghiêm túc trước công việc được giao; thái độ chuẩn mực, ý thức tự giác cao.
Trung thực: Người EVN luôn trung thực với bản thân, với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng, đối tác, cộng đồng; phản ánh, khai báo đúng các sự cố, nguy cơ gây mất an toàn, tai nạn lao động; không cố ý che đậy hoặc làm sai lệch thông tin.
Văn minh: Tất cả hành động, ứng xử trong lao động được người EVN dành cho nhau, cho khách hàng, đối tác, cộng đồng đều dựa trên tinh thần nhân đạo, nhân văn, nhân ái và quan tâm đến an toàn của người khác. Tôn trọng các ý kiến phản ánh, yêu cầu của người lao động và khách hàng, đối tác, cộng đồng về an toàn. Xây dựng môi trường làm việc đảm bảo tính công bằng và minh bạch.
4. Thực thi văn hóa an toàn EVN
4.1. Các nguyên tắc cơ bản thực thi văn hóa an toàn EVN
Các nguyên tắc cơ bản thực thi văn hóa an toàn EVN sẽ định hướng hành động cho mục tiêu đảm bảo môi trường làm việc an toàn, vệ sinh và không ngừng được cải thiện cho người lao động; ngăn ngừa, giảm thiểu tai nạn một cách bền vững hướng tới không có tai nạn lao động nặng/chết người, không có người lao động mắc bệnh nghề nghiệp; tham gia đảm bảo an toàn cho khách hàng, đối tác, cộng đồng. Các nguyên tắc cơ bản gồm:
– An toàn, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động là ưu tiên hàng đầu
– Chính sách và cam kết mạnh mẽ của Lãnh đạo về ATVSLĐ
– Tổ chức bộ máy và phân định trách nhiệm rõ ràng
– Luôn rà soát, hoàn thiện quy trình, quy định
– Xây dựng mục tiêu, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về ATVSLĐ
– Thường xuyên huấn luyện, đào tạo; không ngừng học hỏi, cải tiến
– Nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro ATVSLĐ và có biện pháp giảm thiểu
– Khai báo, điều tra tai nạn lao động, tai nạn giao thông, bệnh nghề nghiệp; chế độ đối với người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp
– Tăng cường kiểm tra, giám sát
– Trách nhiệm với các bên liên quan
– Ứng dụng khoa học công nghệ
– Khen thưởng, xử phạt
4.2. Cam kết về an toàn của EVN
– Đặt an toàn, sức khỏe nghề nghiệp của người lao động là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của EVN.
– Tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ.
– Sẵn sàng cung cấp tài chính, sử dụng những nguồn lực và áp dụng các quy trình thích hợp để giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ.
– Đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức về ATVSLĐ cho người lao động.
– Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện công tác ATVSLĐ để cải tiến liên tục.
– Tạo dựng và duy trì mối quan hệ hài hòa với các bên liên quan để cùng nhau trao đổi, cải thiện các vấn đề về ATVSLĐ.
4.3. Quy tắc hành vi an toàn
Bộ quy tắc hành vi an toàn được thể hiện bằng hình ảnh tại Hình 2:
Hình 2: Bộ quy tắc an toàn
- Chỉ làm việc khi có Phiếu công tác/ Lệnh công tác hoặc phân công nhiệm vụ.
- Cô lập, kiểm tra không còn điện và nối đất trước khi tiến hành công việc.
- Sử dụng đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, dụng cụ an toàn theo quy định.
- Sử dụng dây đeo an toàn/ dụng cụ chống rơi, ngã khi làm việc trên cao.
- Phải được cho phép trước khi vào làm việc trong không gian hạn chế.
- Đội mũ bảo hiểm/ đeo dây an toàn khi lái xe. Không vượt quá tốc độ cho phép.
- Không đứng dưới hàng hóa đang nâng chuyển.
- Không sử dụng điện thoại khi đang lái xe.
- Không uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích khi làm việc hoặc lái xe.
- Không hút thuốc bên ngoài khu vực hút thuốc được quy định.
Hướng dẫn xây dựng VHAT EVN gồm:
– Các giải pháp chung về Quy định trách nhiệm VHAT lao động cho tất cả các cấp trong đơn vị; Thiết lập tầm nhìn chung về các mục tiêu ATVSLĐ; Xây dựng lại hệ thống khen thưởng và kỷ luật về ATVSLĐ; Xây dựng hệ thống đánh giá và quản lý rủi ro ATVSLĐ; Áp dụng bộ tiêu chí đánh giá VHAT;Xây dựng bộ quy tắc VHAT;Xây dựng sổ tay VHAT; Đào tạo tăng cường VHAT.
– Các giải pháp cụ thể đối với khối sản xuất; khối phục vụ, phụ trợ.
Đề tài đã được nghiệm thu cấp EVN vào tháng 5/2024. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài, ngày 30/5/2024, EVN đã ban hành Tài liệu VHAT EVN để phổ biến, áp dụng trên toàn Tập đoàn.
Phạm Hồng Long
Trưởng Ban An toàn EVN
Tạp chí KH An toàn – Sức khỏe và Môi trường lao động số 3/2024