Từ tuân thủ đến văn hoá: Hiện đại hoá phương tiện bảo vệ cá nhân vì nơi làm việc an toàn
Có nhiều điểm phức tạp giữa nhu cầu của ngành và phúc lợi của người lao động (NLĐ), và tầm quan trọng của việc tạo lập văn hóa an toàn chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Các chuyên gia an toàn một mặt thúc đẩy văn hóa này đồng thời liên tục hỗ trợ NLĐ không bị tổn hại thông qua hoạt động giảm thiểu rủi ro, tuân thủ và tham gia.
Bài viết này cung cấp thông tin tổng quan về các nội dung chính trong việc tạo lập văn hóa an toàn với trọng tâm là triển khai chương trình hiện đại hóa phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) có thể giúp bảo vệ lực lượng lao động và danh tiếng của tổ chức.
Nuôi dưỡng nền văn hóa an toàn tích cực: một khoản đầu tư dài hạn
An toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu của nhiều ngành công nghiệp và doanh nghiệp. Sự phối hợp giữa lãnh đạo doanh nghiệp, các chuyên gia an toàn là những kiến trúc sư đầu tiên của văn hóa an toàn hoặc định hình một môi trường nơi NLĐ không chỉ tuân thủ mà còn tích cực ủng hộ các quy trình an toàn. Văn hóa an toàn coi trọng thái độ, niềm tin và giá trị, những yếu tố này đi vào thực tế thông qua giao tiếp và cam kết của tất cả NLĐ.
Mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sự mở rộng và duy trì văn hóa an toàn trong một tổ chức, các thành phần cốt lõi của văn hóa an toàn bao gồm:
– Tầm nhìn về an toàn: Làm thế nào một tổ chức có thể liên tục bảo vệ NLĐ trong công việc, giảm thiểu rủi ro và nguy cơ? Những hệ thống nào có thể được triển khai trong cả ngắn hạn và dài hạn để không xảy ra sự cố?
– Thiết bị phù hợp: Các tổ chức có nghĩa vụ xác định và cung cấp PTBVCN phù hợp cho từng địa điểm làm việc, và văn hóa an toàn khuyến khích NLĐ sử dụng PTBVCN phù hợp và liên tục.
– Đào tạo về an toàn: Những quy trình đào tạo nào có thể được thiết lập để mang lại hiệu quả an toàn? Việc đào tạo nên diễn ra thường xuyên như thế nào?
– Thiết lập các tiêu chuẩn thực hiện: Thiết lập các tiêu chuẩn thực hiện và áp dụng các hệ thống để quản lý các mối nguy hại.
– Trách nhiệm giải trình và đối thoại mang tính cơ hội: Làm thế nào có thể tạo ra bầu không khí trong đó khuyến khích giao tiếp cởi mở về các mối nguy tiềm ẩn và việc báo cáo rủi ro tại nơi làm việc được coi là một bước chủ động hướng tới phòng ngừa? Ví dụ, thay vì giải quyết một mối nguy hiểm và sự cố có nguy cơ xảy ra, một công ty có văn hóa an toàn tích cực khuyến khích NLĐ báo cáo các tình trạng nguy hiểm hiểu rằng việc khắc phục sự cố có thể dẫn đến mất năng suất nhưng lại ngăn ngừa tai nạn sau này.
– Đánh giá: Rà soát các lỗi an toàn và các báo cáo về mối nguy hiểm, đồng thời tích cực học hỏi, điều chỉnh và sửa đổi hành vi dựa trên các bài học kinh nghiệm. Xác định các hành động cần đào tạo lại hoặc đánh giá thiết bị.
– Đầu tư vào sức khỏe và an toàn: Cần có thời gian, tiền bạc và nguồn lực để xây dựng và liên tục thúc đẩy văn hóa an toàn.
Suy tính và cân nhắc “cách thức công việc thường được thực hiện”
Với tư cách là chuyên gia về an toàn tại công ty, hãy cân nhắc việc điều chỉnh lại suy nghĩ từ “cách thức công việc thường được thực hiện” thành “chúng ta có thể triển khai những gì để đảm bảo kết quả tốt nhất cho NLĐ và tổ chức của mình?” Điều này đặc biệt đúng khi nghĩ về chương trình PTBVCN, thành phần chính của chương trình an toàn tại nơi làm việc.
Các chương trình PTBVCN đóng vai trò then chốt tại nơi làm việc thông qua chủ động giải quyết các mối nguy tiềm ẩn. Từ các nhà máy sản xuất đến công trường xây dựng, việc thực hiện chiến lược PTBVCN toàn diện đảm bảo NLĐ được trang bị đồ bảo hộ cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến các nhiệm vụ đặc thù mà họ thực hiện.
Cùng xem cách thức hoạt động của các chương trình PTBVCN khác nhau. Trong một chương trình hoàn trả, NLĐ có trách nhiệm mua PTBVCN cho mình, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn do công ty đặt ra. Sau khi mua, NLĐ có thể gửi biên lai để được hoàn tiền, với số tiền được xác định trước. Khi NLĐ tự mua PTBVCN để được hoàn tiền, sẽ gây ra rủi ro do chất lượng sản phẩm không đồng đều và việc tuân thủ các quy định an toàn, điều này đặt ra thách thức cho công ty trong việc duy trì sự bảo vệ nhất quán và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn.
Ngoài ra, thông qua việc triển khai chương trình PTBVCN được quản lý, tổ chức sẽ thực hiện các biện pháp chủ động để đảm bảo cung cấp và quản lý phương tiện an toàn cho NLĐ của mình. Bằng cách cộng tác với các nhà cung cấp dịch vụ an toàn đáng tin cậy, doanh nghiệp sẽ lựa chọn kỹ những sản phẩm PTBVCN đa dạng, tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và đáp ứng các yêu cầu công việc cụ thể. Các chương trình được quản lý có tính thích ứng, phát triển song song với những thay đổi tại môi trường làm việc và các quy định của ngành. Các chương trình đảm bảo NLĐ không chỉ được trang bị những phương tiện, trang thiết bị tốt nhất mà còn có kiến thức và nhận thức để sử dụng chúng một cách hiệu quả. Cách tiếp cận chủ động này làm giảm đáng kể khả năng xảy ra tai nạn, củng cố khả năng phục hồi hoạt động của tổ chức.
Chương trình PTBVCN được quản lý cung cấp khả năng giám sát nhiều hơn về PTBVCN mà NLĐ đang sử dụng để thực hiện nhiệm vụ công việc của mình, đồng thời nâng cao văn hóa an toàn thông qua việc tuân thủ, thay vì chương trình hoàn trả.
An toàn là mệnh lệnh chiến lược
Văn hóa an toàn thực sự hữu ích cho doanh nghiệp. Mặc dù các hành vi được nêu ra sẽ không thành hiện thực chỉ sau một đêm, nhưng các tổ chức thúc đẩy văn hóa an toàn tích cực có thể đồng thời phòng ngừa tai nạn và thấy được sự cải thiện liên tục, nhờ đó NLĐ cảm thấy được trao quyền và đóng góp vào việc tăng cường các quy trình an toàn.
Trong bối cảnh công tác an toàn ngày càng mở rộng và phát triển, các chương trình PTBVCN là một thành tố quan trọng của văn hóa an toàn. Chuyên gia an toàn không chỉ là người bảo vệ sự tuân thủ mà còn là người xây dựng danh tiếng công ty. Việc thực hiện chương trình PTBVCN được cân nhắc kỹ lưỡng không chỉ là một nghĩa vụ đơn thuần; đó là khoản đầu tư vào tài sản cốt lõi của tất cả các doanh nghiệp – vì sức khỏe, sự an toàn và phúc lợi của lực lượng lao động.
Biên dịch: Bích Hà