Hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng của người lao động trong các cơ sở dệt may và giầy da

Thứ Sáu, 01/12/2023, 09:46(GMT +7)

Nhánh đề tài “Đánh giá gánh nặng lao động và xác định nhu cầu dinh dưỡng theo mức tiêu hao năng lượng và một số bệnh điển hình liên quan đến dinh dưỡng của người lao động ngành dệt may và giầy da” được thực hiện thuộc đề tài Đề tài KH&CN cấp quốc gia “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động trong một số ngành nghề” do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động chủ trì, nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng của NLĐ làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn giữa ca cho NLĐ góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ. Trong phạm vi bài báo này, nội dung báo cáo chỉ đề cập đến một phần kết quả nghiên cứu của đề tài về thể lực và hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng ở NLĐ trong ngành Dệt may và Giày da .

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Từ lâu người ta đã biết mối liên quan chặt chẽ giữa ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật của một cá nhân hay quần thể. Ăn uống tốt tạo một sự phát triển bình thường về cả thể lực và trí tuệ. Chế độ dinh dưỡng không phù hợp, thiếu hoặc thừa đều dẫn đến có vấn đề về sức khỏe bệnh tật như thiếu năng lượng trường diễn (CED), béo phì, thiếu máu dinh dưỡng… Thiếu năng lượng trường diễn ở người lao động (NLĐ) dẫn đến hậu quả đối với NLĐ như khả năng lao động giảm, giảm năng suất lao động, số ngày nghỉ việc trong năm tăng, tăng nguy cơ bị tai nạn lao động (TNLĐ), tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính… Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ILO (2005), Tăng cung cấp năng lượng hằng ngày lên 2,770 kcal/người, với đầy đủ các chất dinh dưỡng ở cùng một quốc gia, thì hằng năm có thể làm tăng thêm 1 % GDP của quốc gia đó [5].

Ở nước ta, NLĐ trong các ngành công nghiệp chủ lực như Dệt may và Giầy da, lực lượng lao động chiếm tỷ lệ lớn nhưng nhìn chung vấn đề dinh dưỡng còn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Nhánh đề tài “Đánh giá gánh nặng lao động và xác định nhu cầu dinh dưỡng theo mức tiêu hao năng lượng và một số bệnh điển hình liên quan đến dinh dưỡng của người lao động ngành dệt may và giầy da” được thực hiện thuộc đề tài Đề tài KH&CN cấp quốc gia “Đánh giá gánh nặng lao động, nhu cầu dinh dưỡng, khẩu phần và xây dựng bộ tiêu chí về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm bữa ăn ca cho người lao động trong một số ngành nghề” do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động chủ trì, nhằm mục tiêu đánh giá hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng của NLĐ làm cơ sở cho việc đề xuất giải pháp bảo đảm dinh dưỡng bữa ăn giữa ca cho NLĐ góp phần bảo vệ sức khỏe NLĐ.

Trong phạm vi bài báo này, nội dung báo cáo chỉ đề cập đến một phần kết quả nghiên cứu của đề tài về thể lực và hiện trạng sức khỏe dinh dưỡng ở NLĐ trong ngành Dệt may và Giày da .

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu nghiên cứu

Đối tượng : NLĐ trong 2 ngành Dệt may (2883 đối tượng) và Giầy da (6007 đối tượng);

Phạm vi nghiên cứu :  3 miền Bắc – Trung – Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

– Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang.

– Các kỹ thuật thu thập thông tin:

– Phương pháp điều tra, mô tả: quan sát NLĐ làm việc trong ca;

– Phương pháp nghiên cứu thực địa: khám sức khỏe, đo chiều cao, cân nặng, lấy máu cho NLĐ tại cơ sở;

– Phương pháp trong phòng thí nghiệm: xét nghiệm công thức máu, đường huyết, ferritin, các thành phần mỡ máu, protein huyết thanh;

– Xử lý và phân tích số liệu: số liệu được nhập và làm sạch bằng phần mềm epidata, phân tích bằng phần mềm thống kê stata 12.0.

III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ BÀN LUẬN

3. 1. Đặc điểm đối tượng nghiên cứu (xem các bảng 1, 2)

Bảng 1: Đối tượng nghiên cứu chia theo ngành và miền

Phân loại các đối tượng nghiên cứu theo ngành trên Bảng 1 cho thấy, số lao động nữ đều chiếm tỷ cao ở cả hai ngành Giầy da và Dệt may, lần lượt là 80,8 % và 76,2 %.

Tỷ lệ lao động nữ cao hơn ở ngành Dệt may khu vực phía Bắc (84,3 %) và ngành Giầy da ở khu vực miền Bắc (82,3 %) và miền trung (82,5 %). Tỷ lệ nam giới trong ngành Dệt may ở khu vực phía Bắc là 17,7% và Giầy da là 23,7 %, tương đương với tỷ lệ này trong 2 ngành ở khu vực phía Nam (là 15,7 % và 26,1 %). Tỷ lệ nam ở 2 ngành này thường thấp hơn nữ và chỉ tập trung vào một số công đoạn đòi hỏi có thể lực tốt như: là – cắt (ngành Dệt-may) và cắt – ép – sơn đế (ngành Giầy da).

Bảng 2: Số lượng và độ tuổi trung bình đối tượng nghiên cứu chia theo nhóm tuổi, giới và ngành

Trên Bảng 2 ta thấy, độ tuổi của các đối tượng nghiên cứu chủ yếu tập trung ở ba nhóm < 45 tuổi, trong đó nhóm 25-34 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất (46,0 %) tiếp đến là nhóm < 25 tuổi (25,3 %) và nhóm 35- 44  (22,2 %). Số đối tượng khảo sát từ 45 tuổi trở lên chiếm tỷ lệ thấp (6,5 %). Phân bố theo các nhóm tuổi có tỷ lệ tương tự nhau giữa hai ngành Dệt may và Giầy da.

Độ tuổi trung bình của các đối tượng nghiên cứu ngành Giầy da là 31,61±8,11, cao hơn so với độ tuổi trung bình trong ngành Dệt may (30,75±8,09). Độ tuổi trung bình của lao động nữ trong ngành Dệt may là 31,37±7,91, cao hơn so với tuổi trung bình của lao động nam  (28,78±8,36).

3.2. Kết quả đánh giá tình trạng thể lực và phân loại sức khỏe chung (xem Bảng 3)

Bảng 3: Trung bình chỉ số chiều cao, cân nặng chia theo giới và ngành

Trên Bảng 3 ta thấy, kết quả tính trung bình chiều cao của các đối tượng nghiên cứu như sau: chiều cao trung bình của nam là 164,69± 5,95 cm (N= 2081) và của nữ là 153,73± 5,65 cm (N= 7909). Không có sự khác biệt rõ về trung bình chỉ số chiều cao và cận nặng giữa hai nhóm ngành Giầy da và Dệt may. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với số liệu tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 [2], theo đó chiều cao đạt được trung bình của nam thanh niên Việt Nam tuổi 20-24 là 164,44 ±0,53 cm (N= 1433) và nữ thanh niên tuổi 20-24 tuổi là 153,42 ±0,73 cm (N= 1685).

Về cân nặng của các đối tượng nghiên cứu, trung bình ở nam công nhân là 57,26± 8,98 kg và nữ là 49,55± 7,35cm, đây là mức theo quy định trong tiêu chuẩn phân loại sức khỏe của Bộ Y tế chỉ đạt loại 3 (sức khỏe trung bình).

Bảng 4: Kết quả phân loại thể lực qua chỉ số BMI

Đối tượng được xác định là thiếu năng lượng trường diễn (CED) khi chỉ số khối cơ thể BMI <18,5 kg/m2. Kết quả nghiên cứu trên Bảng 4 cho thấy, tỷ lệ CED chung của các đối tượng nghiên cứu là 19,27 %, trong đó ngành Dệt may là 19,5 %, ngành Giầy da là 18,7 %. Theo số liệu tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 [2], Tỷ lệ CED chung cho hai giới là là 17,2% (CI95%: 16,4-18,1). Như vậy có thể thấy trong nghiên cứu này, tỷ lệ CED cao hơn so với số liệu thống kê chung. Phân tích theo giới cho thấy, tỷ lệ CED ở nam là 20,4 % ở ngành Giầy da và 19,3 % ở ngành Dệt may; tỷ lệ CED ở nữ 19,6 % ở ngành Dệt may và 18,3 ở ngành Giầy da.

Cũng theo số liệu tổng điều tra 2009-2010 [2], tỷ lệ CED ở nam là 15,8% (CI95%: 14,6-17,0) và ở nữ là 18,5% (CI95%: 17,4-19,7), tỷ lệ CED ở nữ cao hơn nam ở mức có ý nghĩa thống kê. Như vậy có thể thấy, tỷ lệ CED ở nam theo nghiên cứu cao hơn số liệu chung, đặc biệt là trong ngành Giầy da, tỷ lệ CED ở nam cao hơn số liệu chung và cao hơn so với tỷ lệ ở nữ giới. Kết quả này cho thấy phần nào có mối liên quan đến dinh dưỡng ở nhóm đối tượng nghiên cứu này chưa đảm bảo cung cấp đủ năng lượng  cho NLĐ , nhất là nam giới khi họ phải làm việc ở những công đoạn đòi hỏi thế lực cao và tiêu hao nhiều năng lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh một tỷ lệ CED, tỷ lệ chung thừa cân béo phì ở ngành Giầy da là 8,9 % và ngành Dệt may là 8,1 %. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam trong cả hai ngành cũng có xu hướng cao hơn so với tỷ lệ này ở nữ.

Bảng 5: Kết quả phân loại CED theo mức độ và giới tính

Trên Bảng 5 ta thấy, nhìn chung CED tập trung phần lớn ở mức độ I (nhẹ) chiếm 77,6% đối tượng CED trong ngành Giầy da và 75,8% đối tượng CED trong ngành Dệt may. Tỷ lệ CED độ 3 ở ngành Dệt may là 6,7 % và Giầy da là 5,6 %.

Bảng 6: Kết quả phân loại CED theo giới tính và nhóm tuổi

Trên Bảng 6 ta thấy, phân tích theo các nhóm tuổi như sau: tỷ lệ CED trong nhóm nữ < 25 tuổi ở ngành Dệt may là 35,2 % và trong ngành Giầy da là 32,7 %, tỷ lệ này cao hơn so với nhóm nam < 25 tuổi và cao hơn hẳn so với các nhóm tuổi khác.

Bảng7: Phân loại sực khỏe chung

Trên Bảng 7 ta thấy, tỷ lệ công nhân phân loại sức khỏe loại 4 và 5 chung hai ngành là 9,3 % và 3,1 % (12,4%) (tương đương) . Trong đó, ở ngành Giầy da là 9,8 % và 3,0 % (tương đương) và ngành Dệt may là 9,1 % và 3,1 % (tương đương). Tỷ lệ sức khỏe loại 4 và 5 cao hơn so với số liệu thống kê toàn quốc [4] năm 2013 là 8,18 % và 1,84 % (10,02 %) và thấp hơn so với số liệu thống kê năm 2014 là 13,6 % và 2,5 % (16,1 %). Với tình trạng kết quả thể lực loại 4 và 5 ở 2 nhóm ngành này cho thấy cũng rất cần phải quan tâm.

3.3.Tình trạng bệnh tật liên quan nhiều đến dinh dưỡng (xem các bảng 8 – 11)

Bảng 8: Kết quả thiếu máu, thiếu máu thiếu sắt theo giới và ngành khảo sát

Trên Bảng 8 ta thấy, tỷ lệ thiếu máu chung trong tổng số NLĐ được khám là 16.6%, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm 16.3%, cao hơn tỷ lệ ở lao động nam 0,3 %. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p<0.05. Theo tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 [2], tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không có thai là 28,8 %, như vậy có thể thấy, tỷ lệ trong nghiên cứu này là thấp hơn so với số liệu điều tra trong cộng đồng.

Ở đối tượng Giầy da, tỷ lệ đối tượng thiếu máu chung chiếm 21,1%, nam 2,5 %, nữ 26,1 % cao hơn tỷ lệ đối tượng thiếu máu trong ngành Dệt may chung 14,8%, nam 1,2 % và nữ 19,5 %. Ngược lại, tỷ lệ có giảm Ferritin ở ngành Giầy da (4,7 %) lại thấp hơn so với ngành Dệt may (5,9 %). Như vậy có thể thấy, tỷ lệ thiếu máu trong ngành Giầy da cao hơn so với ngành Dệt may có thể liên quan đến yếu tố khác ngoài nguyên nhân thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu do tiếp xúc với các loại dung môi hữu cơ trong môi trường lao động là nguyên nhân cần được xem xét do NLĐ trong ngành Giầy da có nguy cơ tiếp xúc cao hơn.

Bảng 9: Kết quả xét nghiệm đường huyết

Trên Bảng 9 ta thấy, trong tổng số 7203 đối tượng được làm xét nghiệm đường huyết, tỷ lệ đối tượng có đường huyết thấp chiếm tỷ lệ chung là 5,1 %, trong đó tỷ lệ ở ngành Dệt may là 5,9 %, cao hơn so với ngành Giầy da là 2,9 %. Đường huyết thấp (hạ đường huyết) là yếu tố nguy cơ có thể gây choáng, ngất xỉu trong quá trình đang làm việc.

Ngoài ra tỷ lệ đối tượng có biểu hiện tiền đái tháo đường chiếm tỷ lệ tương đối cao (22,8%), số đối tượng cần theo dõi bệnh đái tháo đường là 4,5%. Điều đáng chú ý là ở nam cao hơn nữ, tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0.05).

Bảng 10: Kết quả xét nghiệm mỡ máu

Kết quả nghiên cứu nêu trên Bảng 10 cho thấy, có tới 23,2% đối tượng có tăng lượng triglycerid, 18,0% đối tượng có tăng lượng cholesterol toàn phần. Hậu quả của tình trạng tăng mỡ máu là tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Tỷ lệ này cho thấy vấn đề sức khỏe nhóm nghiên cứu cần được quan tâm bởi các nhóm đối tượng này chủ yếu tuổi đời còn trẻ. Vấn đề cường độ làm việc căng thẳng, tăng ca, thêm giờ, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng… có thể là những nguyên nhân cần được xem xét.

Bảng 11: Kết quả xét nghiệm protein huyết thanh

Trên Bảng 11 ta thấy, tỷ lệ chung đối tượng nghiên cứu có protein thấp là 4,9%, trong đó ngành Dệt may có tỷ lệ NLĐ có protein huyết thanh thấp là 6,4%, cao hơn so với tỷ lệ NLĐ có protein huyết thanh thấp trong ngành Da giầy.

IV. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

4.1. Kết luận

Tỷ lệ lao động nữ trong hai ngành khảo sát là 77,7%, nam là 22,3 %; độ tuổi lao động tập trung chủ yếu vào nhóm lao động trẻ có tuổi đời từ 25-35 chiếm 46,2%, dưới 25 tuổi chiếm 23,8%.

Chiều cao trung bình của nam (164,69cm) và của nữ (153,73cm), tương đương với chiều cao trung bình của nam và nữ thanh niên trưởng thành trong cộng đồng là 164,4cm và 153,4cm (tổng điều tra dân số năm 2009-2010). Không có sự khác biệt về chiều cao giữa hai nhóm ngành nghề. Cân nặng trung bình chung cho hai ngành với nam 57,26 kg và nữ 49,55 kg.

Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn (CED) chung là 19,27 %, cao hơn so với cộng đồng là 17,2% (tổng điều tra dân số năm 2009-2010). Trong số các trường hợp CED, trên 70 % ở mức độ 1, trên 7 % độ 2 và có trên 5 % ở mức độ 3. Tỷ lệ CED ở nam ngành Giầy da là 20,4 %, cao hơn so với tỷ lệ này ở các nhóm khác. Tỷ lệ CED cao hơn ở các nhóm dưới 35 tuổi, trong đó nhóm nữ dưới 25 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất từ 32,2 – 35,2 %.

Tỷ lệ thiếu máu chung là 16,6%, trong đó nữ chiếm 16,3%. Tỷ lệ công nhân có thiếu máu ở ngành Giầy da là 21,1%, cao hơn so với ngành Dệt may là 14,8%. Ngược lại, tỷ lệ công nhân giảm Ferritin huyết thanh ở ngành Giầy da 4,7 % thấp hơn so với ngành Dệt may là 5,9 %.

Tỷ lệ xét nghiệm có chỉ số đường huyết thấp (< 3,9 mmol/l) chung hai ngành là 5,1 %, trong đó nhóm công nhân Dệt may là 5,9 %, cao hơn so với ngành Giầy da là 2,9 %.

Số người cần theo dõi bệnh đái tháo đường là 4,5%. Có tới 23,2% đối tượng có tăng lượng triglycerid, 18,0% đối tượng có tăng lượng cholesterol toàn phần.

Tỷ lệ chung lao động có protein huyết thanh giảm là 4,9%, trong đó tỷ lệ NLĐ trong ngành Dệt may cao gấp 4 lần so với ngành Giầy da.

2. Kiến nghị

Thực hiện các biện pháp để cải thiện chế độ ăn tăng cung cấp năng lượng hợp lý để nâng cao thể trạng cho NLĐ , giảm tỷ lệ người có đường huyết thấp, protein máu thấp. Đồng thời, cần phải có chế độ ăn cân đối cho NLĐ nhằm giảm nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid, thừa cân, béo phì…

Cần thực hiện các biện pháp để tăng cung cấp các loại thực phẩm giàu sắt, nhất là cho các đối tượng nữ lao động trong độ tuổi sinh đẻ. Thiếu máu là nguyên nhân làm nhanh mệt mỏi, giảm năng xuất lao động, tăng nguy cơ bị TNLĐ.

Thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm soát môi trường lao động trong ngành Giầy da, hạn chế để NLĐ tiếp xúc với các loại dung môi hữu cơ. Không bố trí các đối tượng có biểu hiện thiếu máu vào làm ở các vị trí có tiếp xúc với các loại dung môi hữu cơ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Chí Tâm, Nguyễn Công Khẩn, Nguyễn Xuân Ninh và Cs. (2002), Tình hình thiếu máu dinh dưỡng ở Việt Nam qua điều tra đại diện ở các vùng sinh thái trong toàn quốc năm 2000. Tạp chí Y học thực hành số 2, tr. 2-4.

2. Viện Dinh dưỡng-Bộ Y tế-UNICEF, Báo cáo tóm tắt tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010

3. Hồ Thu Mai (2013), “Hiệu quả của truyền thông giáo dục và bổ sung viên sắt/folic đối với tình trạng dinh dưỡng và thiếu máu của phụ nữ 20-35 tuổi tại 3 xã huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình”, Viện Dinh Dưỡng, LATS.

4. Cục quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tếBáo cáoCông tác y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2014” số 162  /BC-MT ngày 27/02/2015.

5. Christopher Wanjek, ILO (2005) “Food at work  workplace solutions for malnutrition, obesity and chronic diseases” Copyright © International Labour Organization 2005.

Đỗ Trần Hải, Vũ Xuân Trung, Phạm Thị Bích Ngân, Long Thùy Dương

Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động

Chịu trách nhiệm: Vũ Xuân Trung
Email: trungvbh@gmail.com


(Nguồn tin: Theo Tạp chí An toàn vệ sinh lao động, số 5/2018)