Nghiên cứu ảnh hưởng của stress với chỉ số khả năng làm việc ở nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần
Lại Thị Tuấn Việt, Nguyễn Thu Hà, Trần Văn Đại,
Nguyễn Thị Bích Liên, Nguyễn Thị Thắm.
Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp và Môi Trường
TÓM TẮT
Qua khảo sát 60 nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần thực hiện bộ câu hỏi khảo sát stress nơi làm việc và bộ câu hỏi đánh giá khả năng làm việc WAI. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ stress ở nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần là tương đối cao (66,7%), tuy nhiên đa số stress được kiểm soát khá tốt (61,7%) và chỉ có 5% stress cần sự can thiệp sớm. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy có sự tương quan nghịch giữa stress và chỉ số làm việc ở nhân viên y tế (r=-0.37; p=0,004), nghĩa là chỉ số khả năng làm việc giảm khi mà mức độ căng thẳng nghề nghiệp tăng. Chúng tôi khuyến cáo rằng nên tăng cường giáo dục các kỹ năng về giao tiếp và phương pháp phòng tránh stress để tăng năng suất và hiệu quả lao động.
Từ khóa: stress nghề nghiệp, nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần, WAI, khảo sát stress nơi làm việc.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Hiện nay, stress nghề nghiệp, đặc biệt là mối liên quan giữa stress do tâm lý nghề nghiệp và khả năng lao động đang là vấn đề lớn. Stress nghề nghiệp được định nghĩa là sự mất cân bằng giữa yêu cầu và khả năng lao động.
Stress nghề nghiệp là yếu tố gây tổn thương chủ yếu cho hệ thần kinh, góp phần làm gia tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, cơ xương khớp cũng như tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm do thường xuyên làm việc trong môi trường nhiều áp lực [3].
Khả năng lao động được định nghĩa là khả năng người lao động thực hiện được công việc của mình, đáp ứng được các yêu cầu của công việc cả về thể lực cũng như trí lực [7]. Chỉ số khả năng làm việc (WAI) là công cụ rất hiệu quả trong việc đánh giá khả năng lao động, phát hiện sớm các trường hợp suy giảm khả năng lao động, dự báo nguy cơ mất khả năng lao động trong tương lai gần. Việc duy trì và tăng cường khả năng làm việc của người lao động cũng chính là một trong những mục tiêu chính của chăm sóc sức khoẻ nghề nghiệp.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng 50-60% trường hợp nghỉ làm việc có liên quan đến tình trạng stress nghề nghiệp [5]. Nghiên cứu xác định tỉ lệ nhân viên điều dưỡng bị stress nghề nghiệp tại BV đa khoa T.Ư Cần Thơ, BV đa khoa TP. Cần Thơ và BV đa khoa Châu Thành – Hậu Giang cho kết quả: 45,2% bị stress ở mức cao, 42,8% ở mức trung bình. Tại bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ, tỉ lệ stress cao nhất với 53,1% [1].
Ở các bệnh viện tâm thần, tâm lý căng thẳng của nhân viên y tế càng biểu hiện rõ rệt hơn do phải thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần không có khả năng kiểm soát năng lực, hành vi.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Đánh giá mối liên quan giữa điểm số stress nghề nghiệp và chỉ số khả năng làm việc trong nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu
– 60 nhân viên y tế được chọn ngẫu nhiên từ 2 cơ sở y tế chuyên ngành tâm thần.
2. Phương pháp nghiên cứu
– Thiết kế nghiên cứu theo phương pháp mô tả cắt ngang
– Đánh giá trạng thái stress: sử dụng bộ câu hỏi khảo sát tình trạng stress nơi làm việc
Bộ câu hỏi khảo sát stress tại nơi làm việc (Workplace Stress Survey) do Viện nghiên cứu về stress của Mỹ (AIS) đưa ra vào năm 2011 [13]. Bộ câu hỏi gồm 10 câu với mức điểm cho mỗi câu từ 1 đến 10 tương ứng mức hoàn toàn không đồng ý đến mức hoàn toàn đồng ý.
Kết quả được phân thành 3 mức:
+ Kiểm soát tốt stress
+ Kiểm soát tương đối tốt stress
+ Không kiểm soát được stress
– Đánh giá khả năng lao động: sử dụng bộ câu hỏi đánh giá chỉ số khả năng làm việc WAI
Khả năng lao động được đánh giá bằng bộ câu hỏi do Viện Sức Khỏe Nghề Nghiệp Phần Lan xuất bản lần đâu tiên vào năm 1994, đã được sửa đổi và dịch ra nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt.
Bộ câu hỏi bao gồm 7 mục:
(i) Khả năng làm việc hiện tại so với khả năng làm việc ở giai đoạn tốt nhất trong cuộc đời
(ii) Khả năng làm việc so với đòi hỏi của công việc (về thể lực, về trí óc)
(iii) Số các bệnh hiện mắc
(iv) Ước tính những trở ngại do bệnh tật đối với công việc
(v) Nghỉ việc do ốm đau trong 12 tháng qua
(iv) Tiên lượng của bản thân về khả năng làm việc trong 2 năm tiếp theo
(vii) Các nguồn lực tinh thần (hứng thú với các công việc hàng ngày, năng động, hoạt bát và sự lạc quan vào tương lai)
Kết quả được phân thành 4 loại: Kém, trung bình, tốt và rất tốt và 2 mức [4]:
+ Khả năng làm việc thấp: Loại kém và trung bình:
+ Khả năng làm việc tốt: Loại tốt và rất tốt:
– Xử lý số liệu: Số liệu được phân tích sử dụng phần mềm SPSS-20 và các test thống kê; phân tích tương quan Pearson để đánh giá mối liên quan giữa thâm niên, tuổi, trình độ học vấn, stress nghề nghiệp với chỉ số khả năng làm việc WAI. p < 0.05 được xem là mức có ý nghĩa thống kê.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu được tiến hành trên 60 nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần có tuổi đời từ 21 đến 54 (tuổi trung bình 32,1 ± 7,4) và tuổi nghề trung bình là 8,1 ± 6,9 năm (từ 1-28 năm). Trong nhóm nghiên cứu: 41,7 % nhân viên y tế là nam giới và 58,3% là nữ giới; chủ yếu là trình độ trung cấp (71,2%) và đại học (25,4%), chỉ có 1,7% trình độ trung học và 1,7% trình độ trên đại học.
Theo bộ câu hỏi đánh giá stress tại nơi làm việc: 33,3% nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần kiểm soát stress tốt trong công việc; 61,7% kiểm soát tương đối tốt stress và chỉ có 5% đang gặp vấn đề stress cần được can thiệp sớm. Kết quả của test tìm mối tương quan Pearson không thấy mối liên hệ giữa thâm niên, độ tuổi cũng như trình độ học vấn với khả năng kiểm soát stress tại nơi làm việc (p>0,05).
Chỉ số khả năng làm việc WAI cho thấy đa số nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần có khả năng làm việc tốt (55% WAI mức tốt và 36,7% WAI rất tốt); chỉ có 8,3 % có khả năng làm việc thấp (8,3% WAI mức trung bình, 0% WAI kém). Kết quả của test tìm mối tương quan Pearson cũng không thấy mối liên hệ giữa thâm niên, độ tuổi, trình độ học vấn với chỉ số khả năng làm việc của nhân viên y tế (p>0,05) (Bảng 2)
Phân tích tương quan Pearson cho thấy mối liên quan có ý nghĩa thống kê giữa chỉ số khả năng làm việc và điểm số stress ở nhóm nhân viên y tế (p=0,004; r= -0.37) (Bảng 3).
IV. BÀN LUẬN
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ stress ở nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần là tương đối cao (66,7%), tuy nhiên đa số stress được kiểm soát khá tốt, chỉ có 5% nhân viên y tế không kiểm soát được stress và cần được can thiệp. Kết quả này phù hợp với kết quả nghiên cứu về tỉ lệ căng thẳng nghề nghiệp trên đối tượng nhân viên y tế chuyên ngành gây mê hồi sức là 69,4% của tác giả Shams và El-Masry [12] hay ở nhân viên điều dưỡng tại bệnh viện đa khoa T.Ư Cần Thơ là 53,1% của Lê Thành Tài và cs. [1].
Chúng tôi không tìm thấy mối liên quan giữa stress và độ tuổi, phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lambert, Boyas và Wind [10]. Ngoài ra chúng tôi cũng không thấy mối liên quan giữa stress với trình độ học vấn cũng như thâm niên công tác.
Hiện nay, công việc ngày càng đòi hỏi sự năng động, khả năng và bản lĩnh, do đó người lao động phải đối mặt với nhiều áp lực hơn. Stress là một điều tất yếu của cuộc sống hiện đại. Vì vậy vấn đề quan trọng là phải nhận diện được các yếu tố nguy cơ gây stress, đánh giá được mức độ tác động xấu của stress đến sức khoẻ người lao động và nghiên cứu tìm kiếm chiến lược dự phòng.
Trong nghiên cứu này, chúng tôi thấy có sự tương quan nghịch giữa stress và chỉ số làm việc -WAI ở nhân viên y tế, nghĩa là chỉ số khả năng làm việc giảm khi mà mức độ căng thẳng nghề nghiệp tăng. Kết quả này phù hợp với các nghiên cứu trước đây, như nghiên cứu của tác giả Kumashiro [9] hay của tác giả Golubic [6]. Khác với nghiên cứu của Dương Khánh Vân và cs., chúng tôi không tìm thấy sự liên quan giữa chỉ số khả năng làm việc và độ tuổi [2]. Tuy nhiên, sự thay đổi của WAI còn phụ thuộc vào tính chất các công việc khác nhau.
Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi, 100% nhân viên y tế với chỉ số khả năng làm việc WAI trung bình có biểu hiện stress. Trong đó tình trạng stress ở nhân viên y tế có chỉ số khả năng làm việc WAI tốt chiếm tỉ lệ 69,7% và tỉ lệ stress thấp nhất ở nhóm nhân viên có chỉ số WAI rất tốt 54,5%.
Nghiên cứu của Malzlomi và cs. tiến hành trên các công nhân ngành hóa dầu cho thấy stress nghề nghiệp có mối liên quan nghịch chặt nhất với chỉ số khả năng làm việc [11]. Tình trạng căng thẳng nếu kéo dài sẽ dẫn đến suy giảm chức năng các cơ quan, tăng tỷ lệ các bệnh tim mạch, cơ xương khớp cũng như làm giảm khả năng lao động, tăng tỷ lệ nghỉ hưu sớm.
V. KẾT LUẬN
Trong nghiên cứu này 95% nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần cho rằng họ có thể kiểm soát được stress trong công việc. Chỉ số khả năng làm việc của các đối tượng cũng cho thấy 91,7% có khả năng lao động tốt. Kết quả nghiên cứu chỉ ra mối tương quan nghịch giữa chỉ số làm việc và mức stress trong công việc.
VI. KHUYẾN NGHỊ
Cần thiết tăng cường giáo dục các kỹ năng về giao tiếp và phương pháp phòng tránh stress cho nhân viên y tế chuyên ngành tâm thần để tăng năng suất và hiệu quả lao động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Thành Tài, Trần Ngọc Xuân, Trần Trúc Linh. Tình hình stress nghề nghiệp của nhân viên điều dưỡng. Tạp chí Y học Thành phố Hồ Chí Minh, 2008; Số 12 (4), 216-220.
2. Dương Khánh Vân, Nguyễn Ngọc Ngà, Lê Hồng Minh và cs. Nghiên cứu khả năng làm việc của người lao động Việt Nam trong một số ngành nghề. Hội nghị khoa học quốc tế y học lao động và vệ sinh môi trường lần III. 2008, 314-315
3. Bell R., Britton A., Brunner E., Chandola T., Ferrie J., Harris M.M., et al. London: Public and Commercial Services Union on behalf of Council of Civil Service Unions/Cabinet Office; 2004. Work Stress and Health: The Whitehall II Study.
4. Bresić J., Knezević B., Milosević M., Tomljanović T., Golubić R., Mustajbegović J. Stress and work ability in oil industry workers. Arh Hig Rada Toksikol. 2007; 58:399–405.
5. Cox T., Griffiths A., Rial E. Work related stress. J Occup Health Psychol. 2010;1: 40–78.
6. Golubic R., Milosevic M., Knezevic B., Mustajbegovic J. Work related stress, education and work ability among hospital nurses. Journal of Advanced Nursing. 2009; 65(10):2056-2066.
7. Ilmarinen J and Rantanen J. Promotion of work ability during ageing. American Journal of Industrial Medicine, 1999; 36(1): 21–23.
8. Ilmarinen J. The work ability index. Occupational Medicine. 2007; 57:160.
9. Kumashiro M., Shazuki S., Fujii A., Hasegawa T., Goedhard., W and Ilmarinen J. The improvement of stress moods and the increase in negative emotions toward work have a major impact on declines in WAI scores: The first WAI research in Japan. 4th ICOH Conference on Ageing and Work; Krakow 2002; p.50
10. Lambert E., Paoline E.A. The influence of individual, job and organizational characteristics on correctional staff job stress, job satisfaction and organizational commitment. Criminal Justice Review. 2008; 4:541–64.
11. Mazloumi A., Rostamabadi1 A., Saraji G.N and Foroushani A.R., Work Ability Index (WAI) and Its Association with Psychosocial Factors in One of the Petrochemical Industries in Iran. J Occup Health 2012; 54: 112–118
12. Shams T., El-Masry R. Job Stress and Burnout among Academic Career Anaesthesiologists at an Egyptian University Hospital. Sultan Qaboos Univ Med J. 2013; 13(2): 287–295
13. The American Institute of Stress (AIS) Workplace stress survey Questionnaire. From: http://www.stress.org. Accessed: Sep 2011.
(Nguồn tin: Nilp.vn)